Bão đêm - Trần Đức Tiến

16.03.2016

Bão đêm - Trần Đức Tiến

Lão thức dậy đúng vào lúc vừa chợt nhìn thấy bờ. Bao giờ cũng vậy, cứ đúng vào lúc cái vệt mờ xám phía chân trời ấy vừa hiện ra là lão choàng ngay dậy. Những giấc mơ thật nặng nề và giống nhau đến mức kỳ quái. Có một thời lão đã từng ghi nhật ký. Một lần không nhớ là vào khoảng tuổi nào, lão viết rằng: cuộc đời phía trước mênh mông như biển, mình càng bơi càng cảm thấy xa bờ. Thú nhận điều đó, có nghĩa là người ta còn trẻ thật, còn hy vọng đến đích, chứ không hoàn toàn chỉ có lo âu. Quả thật là lão đã quên biến đi những dòng nhật ký đó trong nhiều năm. Phải, khá nhiều năm sau, chuyện bơi lội ấy mới được nhớ lại. Và lão bắt đầu mơ những giấc mơ nhìn thấy bờ... Một vệt mờ xám chập chờn ở phía xa tít mù tắp. Ở đấy có chăng một mái nhà cho riêng lão, một người đàn bà của riêng lão, có chăng sự bình yên tuyệt đối cho sự nghỉ ngơi vĩnh cửu? Lão cố sức vùng vẫy giữa mặt biển mênh mông tối tăm gầm thét. Rồi lão bừng tỉnh giấc, mồ hôi vã ra đầm đìa.

Lần này mồ hôi cũng vã ra đầm đìa. Biển vẫn đang gào thét ở chung quanh... Không, không có biển nào ở đây hết - lão đang nằm trơ trọi trên chiếc giường cá nhân, trong căn phòng mười mét vuông giữa lòng thành phố, chiếc vỏ chăn bị đạp tung sang một bên. Chỉ có gió. Gió ào ạt thổi qua trên mái nhà. Ào ạt mưa. Căn phòng kín bưng như một cái hộp. Không có chút ánh sáng nào lọt qua khe cửa. Điều đó chứng tỏ ngọn điện bảo vệ ngoài sân khu tập thể đã tắt. Có lẽ điện trong cả thành phố đã tắt. Lão sợ hãi nghe tiếng mái nhà chuyển răng rắc, tiếng ngói vỡ loảng xoảng ngoài sân. Gió rít lên từng cơn, vặn xoáy đi những viên ngói già cũ như người ta rút ra khỏi hàm những chiếc răng sâu.

Bão! Cơn bão thực sự đã đến.

Lão chợt thấy ân hận vì đã không chuẩn bị tinh thần để đón cơn bão này. Buổi chiều chỉ nghe tin loáng thoáng trên đài phát thanh. Bao nhiêu độ vĩ bắc, bao nhiêu độ kinh đông, sức gió mạnh nhất gần trung tâm bão... Rồi lão quên khuấy đi, như vẫn quên những điều chả liên quan gì đến mình. Để bây giờ, nhằm đúng lúc lão đang mơ, nó đến.

Ban đêm, khi phải đột ngột thức dậy vì cớ gì đó, người ta hay bị rơi hẫng vào trạng thái tâm thần rất lạ - bản lĩnh đánh mất hết, một tiếng động nhỏ cũng làm cho tim đập mạnh. Đó là thời khắc ra đời của đủ thứ ma quỷ lẫn thánh thần. Lão nằm ép mình vào sát tường, kéo lại chăn trùm kín đầu, nhưng vẫn không sao tĩnh trí để ngủ tiếp được. Cho đến lúc gió vặn gãy một cành cây lớn, quật một cái đánh rầm ngay trước cửa, lão bật ngay dậy. Lão sực nhớ tới cây bàng ngoài sân. Một cây bàng rất to, chỉ cách cửa phòng lão mấy bước. Khi lão về cơ quan này, đến nhận căn phòng trong khu tập thể này, nó đã đứng sừng sững ở đấy rồi, da dẻ nứt toác, mốc đen, tán lá vượt lên khỏi nóc nhà, che rợp cả góc sân. Lão đã tận dụng quyền được ưu tiên do có thâm niên công tác cao, chọn căn phòng ngay dưới gốc bàng, vì nghĩ rằng mùa hè sẽ được mát mẻ... Và những ngày hè dưới tán bàng quả là mát mẻ. Chiều chiều, tan việc ở sở về, ăn uống xong, lão bê ra đấy bàn cờ tướng, cái tăm ngậm trên miệng, vừa nhâm nhi chén nước trà, vừa nghiền ngẫm những nước cờ với mấy ông bạn láng giềng. Mấy ông bạn còn trẻ cả, có người chỉ đáng tuổi con lão. Dưới gốc cây bàng ấy, lão đã sung sướng đánh thắng họ không biết bao nhiêu ván cờ bằng sự cẩn thận, lọc lõi của một người già.

Bàng là giống cây to xác nhưng không lấy gì làm vững chãi. Chỉ cần một trận gió to, chúng đã có thể bật gốc. Lão biết chắc chắn căn phòng của lão ở cũng chẳng vững chãi gì. Giả sử cây bàng ngoài sân đổ? Cả thân cây lực lưỡng và đám cành lá rậm rạp ấy sẽ quật xuống, đè dúi cái mái nhà ọp ẹp và những bức tường mỏng mảnh. Trời ơi, sao lão không tính trước điều này? Ôm chăn chiếu chạy đi ngủ nhờ ở một phòng khác chăng? Không ổn. Bên ngoài mưa gió dữ dội thế kia. Hay là chui xuống gầm bàn? Ơ hay, lại tính quẩn nữa rồi. Nhà còn sập, huống chi cái mặt bàn? Lão cuống quýt chui ra khỏi màn, đứng lóng ngóng một hồi trong bóng tối, rồi sực nhớ ra là phải thắp đèn lên cho đỡ sợ. Lão quờ quạng tìm bao diêm. Bao diêm nhẹ bỗng, chỉ còn đâu vài ba cây. Mà lại ẩm. Lão thủ bao diêm vào bụng, với hy vọng sưởi khô nó bằng chút hơi ấm của mình. Rồi lại chui vào màn, trùm chăn lên kín đầu.

Cây bàng trong tưởng tượng cứ chực đè sập xuống người lão trong tiếng gào rít của bão. Chưa bao giờ lão sợ chết đến như vậy.

Một tuần trước, thần chết đã cướp đi sinh mạng một chàng trai trong khu tập thể. Chàng ta bị bệnh tim, thỉnh thoảng lại ngất xỉu đi, ai cũng biết. Nhưng không ai nghĩ rằng ở tuổi ấy người ta lại có thể ra đi nhẹ nhàng như vậy. Lão còn nhớ như in buổi tối hôm ấy khi anh ta mời lão sang uống trà. Anh chàng rất nghèo, là nhân viên đánh máy ở văn phòng, lương ít, đau ốm luôn luôn, sống kham khổ và lặng lẽ. Không hiểu dành dụm được tiêu chuẩn bồi dưỡng từ bao giờ, mấy cân đường và mấy hộp sữa, anh ta dốc ra hết, mua thêm ít bột mì, thuê người ta gia công cho một ít bánh bích quy. Rằm trung thu, đúng thế, hôm sau là ngày rằm trung thu, chàng sẽ khăn gói về quê với vợ và con.

Lão sang uống trà. Anh ta mang ra ít bánh bích quy mới làm, còn nóng hổi và thơm phức, mời lão nếm thử. Lão ăn mấy miếng gọi là, cốt cho vui lòng chủ. Nhưng ông chủ thì nhất quyết không chịu đụng vào đĩa bánh. Sau nể lão quá, anh ta mới nhón lấy một miếng, ngắm nghía lần cuối cùng trước khi đưa lên miệng. Anh chàng ngậm miếng bánh rất lâu. Còn lão, trước vẻ mặt thiên thần của anh nhân viên đánh máy, ân hận vì thấy mình đã mắc trọng tội - lão đã dám ăn những miếng bánh một cách thản nhiên, hoàn toàn không cảm thấy gì lạ so với những chiếc bánh bình thường khác.

Vậy mà sáng ngày hôm sau, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm, anh ta chết. Vị thánh ấy nằm duỗi dài trên giường, nét mặt hoàn toàn thư thái, thậm chí còn hơi mỉm cười, túi bánh bích quy để ngay bên cạnh, trong màn. Những kẻ phàm tục trong khu tập thể này giải thích là anh ta cảnh giác với chuột và gián. Còn lão, chỉ một mình lão hiểu... Lão là người trực tiếp đưa quan tài anh ta xuống huyệt. Một chiếc quan tài đóng vội đóng vàng, nước sơn còn ướt. Sơn bám chặt vào tay lão mấy vệt đỏ bầm, giống như vết tay thần chết để lại sau cái bắt tay xã giao, lần đầu làm quen.

Nhưng dù sao anh chàng khốn khổ ấy cũng đã ra đi đúng lúc. Ra đi, trong một giấc mơ đẹp. Anh ta đã làm xong công việc của mình, một công việc vĩ đại, không phải bất cứ kẻ giàu sang quyền quý nào cũng làm nổi. Còn lão, giả sử cây bàng gớm guốc kia đổ sập xuống? Lão sẽ chết một cái chết ướt át, rúm ró, cô độc như một con chó già.

Biết thế thì về hưu quách cho rồi. Về hưu, nghĩa là về quê với vợ và con, không còn phải nằm lại bên gốc cây bàng này. Tại sao lão không về hưu nhỉ, mặc dù đã qua tuổi về hưu? Lão sợ về hưu. Về hưu, với lão, chẳng khác nào cái chết. Ý tưởng này nảy ra nhân một lần có việc, lão phải đến nhà vị thủ trưởng cũ của cơ quan đã về hưu. Nhà ông già quyền cao chức trọng này cố nhiên là rất sang. Một phòng khách rộng thênh thang kê đến hai bộ sa lông. Ngày trước, khi ông còn đương chức, đây là chốn kẻ ra người vào nườm nượp. Còn bây giờ, bụi phủ trên sa lông một lớp dày. Lão phải ngồi chờ một lúc lâu mới thấy ông già lò dò từ phòng bên đi ra, thân hình còm cõi, cái nhìn khả nghi (lão không sao gạt bỏ được cái ý nghĩ cho rằng ông già này đã quan sát lão đến mười phút đồng hồ qua khe cửa, trước khi bước ra). Chuyện trò rất nhạt nhẽo, cứ như lão đang nói chuyện với một người điếc. Lão chợt thấy rờn rợn vì cái không khí hoang lạnh trong phòng khách, cái không khí thiếu hơi người sống, chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường chết lặng, bụi phủ trắng trên mặt bàn như một tấm khăn liệm đã rữa, chiếc gạt tàn với những đầu mẩu thuốc lá còn sót lại từ năm ngoái...

Không, lão sợ về hưu. Sợ một cái chết từ từ, chán ngắt. Lão cố tình quên chuyện đó. Và ở cơ quan, dường như người ta cũng cố tình không nhắc nhở chuyện về hưu với lão. Vì tế nhị hay thương hại, lão không rõ lắm. Lão đã tham sống quá chăng? Đã sống quá giới hạn cho phép - hay như người ta thường nói, quá ĐÁT - mà không biết chăng? Vậy thì cái ĐÁT của lão đã đến từ lúc nào, nếu quả thật trong cuộc đời mỗi người đều có ĐÁT? Lão thử cố moi óc nhớ lại...

Một chuỗi những năm tháng dằng dặc, đầy những nỗi vất vả và cực nhục. Cố lên, cố lên tí nữa! Văng vẳng bên tai lão lời thúc giục của ai đó. Và lão cố. Lão tiếp nhận mọi sự biến động của xã hội, tham gia các công việc, tranh đấu, giành giật, hò reo khản cổ khi thắng lợi, khóc nức nở khi thất bại. Nhưng tất cả những điều đó cứ như theo sự phân công của Thượng đế. Lão bị cuốn theo một cái chương trình sống đã được sắp đặt đâu vào đấy cả. Sống cuộc sống của người khác.

Chỉ duy có một lần, lão bứt được ra khỏi cái quỹ đạo ma quái ấy. Lão đã sống đúng lão, mạnh mẽ, hết mình, tưởng có thể chết được ngay sau đó.

Lần ấy cách đây ngót hai chục năm. Miền Nam vừa giải phóng, lão đi công tác vào miền Nam. Lão trọ trong một khách sạn loại xoàng. Cái cầu thang máy cũ kỹ còn lại từ thời Pháp cứ rên rỉ mỗi khi vận hành; những con ruồi bay lờ đờ trong cái phòng ăn tôi tối với những món ăn nguội ngắt; những cô phục vụ phấn son lòe loẹt lén lút kiêm thêm cả nghề bán dâm... Tuy nhiên, đối với lão, một công chức quanh năm sống trong bốn bức tường, sạch sẽ, nền nếp y như cái bàn giấy của mình, thì tất cả những thứ đó ở cái thành phố xa lạ còn sặc mùi thực dân này, vẫn có sức cám dỗ khó tả. Lão lôi ra từ trong nhà kho - cái nhà kho suốt ngày cửa để trống toang hoác một cái giường lò so đã rão, mặt vải bọc đệm bị rách lỗ chỗ và đầy bụi, bê vào phòng ngủ của mình. Hàng ngày, sau giờ làm việc, lão đóng cửa phòng lại, một mình nhún nhảy trên đó, thích thú như một thằng trẻ con.

Cuối cùng, lão cũng tìm cách kéo được một cô ả phục vụ vào phòng. Một cô nàng béo múp míp, gương mặt tàn tạ, nhưng cố tình làm ra vẻ bẽn lẽn, thẹn thò như một cô gái trinh.

- Lại đây, nào!

Lão âu yếm gắt khẽ.

Cô nàng ngúng nguẩy đôi mông tiến đến, cẩn thận ngồi mớm lên mép đệm. Những dây lò so lún xuống.

- Êm nhỉ?

- Ứ!

- Thử xem có êm không nhé?

Cót két. Cót két. Và bụi. Điện trong phòng vẫn sáng choang.

Lão nằm ngửa, nhắm mắt, chân tay giang rộng, thả lỏng thần kinh, thả lỏng cơ bắp, tận hưởng triệt để cái khoái lạc vừa đem lại trên chiếc giường lò so - thành tựu của nền kỹ nghệ thực dụng. Lão ngủ thiếp đi một giấc dài, và khi tỉnh dậy, hết sức ngạc nhiên vì thấy mình vẫn còn sống. Thật thế! Thậm chí lão còn cảm thấy buồn và tiếc vì sự tình đã xảy ra y như vậy - lão vẫn còn sống! Cô béo đã biến mất, nhưng số tiền của lão còn để trên bàn. Những đồng tiền giải phóng bằng kẽm, lấp lánh sáng. Cho đến tận bây giờ, lão vẫn không hiểu tại sao cô điếm lại trả lại nguyên vẹn số tiền đó, số tiền bằng nửa tháng lương của lão. Lão tần ngần nhìn đống tiền kẽm một lát. Sau cùng, tặc lưỡi, nhét hết vào ví.

Ngay trong năm ấy, lão được đề bạt và tăng lương trước niên hạn. Số phận nham hiểm và khôn khéo tìm cách đưa trở lại con đường đã vạch sẵn của mình một kẻ vừa chực rẽ ngang.

Tất cả lại theo nếp cũ, nhưng cũng không hoàn toàn như cũ nữa. Lão đã bắt đầu mơ những giấc mơ nhìn thấy bờ. Một vệt mờ xám, không rõ hình thù, chập chờn xa tít. Có nó thật không, cái bến bờ cho riêng lão? Và lão cố sức vùng vẫy, bơi, bơi, bơi. Càng về cuối đời, lão càng ra sức. Lão không thể chết lãng xẹt vì một cây bàng đổ.

Lão ngồi hẳn dậy, tay bóp chặt bao diêm nóng hôi hổi. Còn năm cây diêm tất cả - lão cẩn thận đếm lại. Gió vẫn gào rú không ngớt trên mái nhà. Từng hơi gió lạnh ngắt phả vào phòng qua khe cửa chớp. Phải thắp sáng được ngọn đèn. Phải nhìn thấy tận mắt cái cây bàng ấy. Thắp đèn không khó lắm. Đưa đèn ra ngoài cửa mới gay go. Mấy lần liên tục, tắt. Khi chỉ còn cây diêm cuối cùng, lão phải bò ra sàn nhà, dùng cả thân người, cả sáu mươi năm sống chưa đến đích của mình ra để che chắn cho ngọn lửa…

Và lão đã nhìn thấy.

- Mẹ kiếp!

Lão trút hết mọi hãi sợ ra khỏi người bằng một tiếng chửi. Cái thân cây đen sì, loáng ướt ấy đang nghiêng về phía khác - phía căn phòng của gã trai chiều chiều vẫn ngồi chơi cờ với lão.

Ngọn đèn tắt phụt. Lão chỉ kịp sập cửa lại rồi quỵ xuống.

 

Sáng hôm sau, lão thức dậy và thấy mình đang nằm co quắp trên nền nhà. Buổi sáng hoàn toàn yên tĩnh. Cơn bão đã chấm dứt. Thoang thoảng mùi dầu tây. Cây đèn sắt với chiếc bóng thủy tinh vỡ tan nằm lăn lóc bên cạnh. Lão nhổm dậy, mở toang cửa ra vào. Bất chấp sự tàn phá của thiên nhiên, cây bàng vẫn đứng sừng sững, trụi hết lá, buồn bã nghiêng về

một bên.

Buổi chiều hôm ấy, lão lại mang bàn cờ ra chỗ cũ ngồi chơi với gã trai như mọi lần. Lão ngồi xoay lưng lại, nhưng luôn cảm thấy cái sức nặng ám ảnh của cây bàng đè lên người mình. Mấy lần lão phải quay lại nhìn. Cây bàng vẫn đứng nguyên, như mải nghĩ ngợi điều gì, không buồn để ý đến cái nhìn soi mói của lão.

“Sao không đổ mẹ mày đi cho rồi?”.

Lão cay cú rủa thầm.

Nhưng ngay lập tức, giật bắn người vì gã trai đột ngột thét to:

- Chiếu tướng!

T.Đ.T 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô