Đón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy Lệ

16.03.2016

Đón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy Lệ

Rời thành phố Đà Nẵng, tôi hướng Hòa Vang lên phía Tây. Chưa đầy ba mươi phút, đến thị trấn Ái Nghĩa, tôi cùng anh Nguyễn A, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc, làm một chuyến dã ngoại vòng vùng đất chúng tôi từng gặp nhau. Nguyễn A kéo anh Phạm Duy Hiền đi cùng. Gặp lại Phạm Duy Hiền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đại Lộc, kể từ năm 1987. Có hai người bạn cùng đồng hành thì xe bắt đầu chạy về hướng Thượng Đức. Gần đây tôi có về dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào Chi khu quận lỵ Thượng Đức. Vì vậy, chúng tôi không đến tận nơi mà dừng lại trên cầu Hà Nha - cây cầu bắc qua sông Vu Gia nối Đại Lộc với huyện Giằng - Nam Giang - với đường Hồ Chí Minh, qua núi đồi trập trùng Tây Quảng Nam - Đà Nẵng. Đứng trên cầu Hà Nha nhìn về vùng núi đồi Thượng Đức, Động Hà Sống, Ba Khe, những địa danh mỗi khi nhắc đến là nhớ bạn bè, nhớ những bà con bám trụ kiên cường nuôi giấu, che chở cán bộ, du kích: Nước sông Con chảy về sông Cái, Anh trai Thu Bồn, em gái Hà Nha. Chiều nay hò hẹn đôi ta, Xuôi về một bến nước pha màu trời.

 Không riêng người Đại Lộc, cả người Quảng Nam, người Đà Nẵng tự hào về chiến thắng Thượng Đức - một chiến thắng vô cùng quan trọng, mở toang “cánh cửa thép” bảo vệ Căn cứ Hải - Lục - Không quân khổng lồ của Mỹ tại Đà Nẵng. Cùng với lòng tự hào, không ít trầm tư về một chiến thắng phải trả bằng máu của cả ngàn chiến sĩ giải phóng. Nhà văn quân đội Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, trong một chuyến về Đà Nẵng, bấy giờ anh không còn khỏe nữa, vậy mà cố gắng về thăm Đại Lộc. Nhắc lại trận Thượng Đức, trận đánh anh có mặt cùng đồng đội trong chiến hào nghẹt thở khói đạn, anh đã hỏi chính mình trong đầm đìa nước mắt: Con đường đột phá dài vô tận, Có ai ngày ấy hôm nay trở về?

Tôi hỏi Phạm Duy Hiền. Anh là người dân Đại Lãnh, có kỷ niệm gì với trận Thượng Đức? - Mỗi lần nhắc đến Thượng Đức là tôi nhớ ông Phạm Đức Nam. Phạm Duy Hiền trầm tư. Là cán bộ Binh vận, lại là dân Đại Lãnh nên các anh Huyện ủy phân công tôi tiếp cận vận động dân rời khu dồn về làng và chuẩn bị khi đánh Thượng Đức thì đưa dân ra vùng giải phóng. Khi chiến dịch sắp nổ ra thì ông Phạm Đức Nam, bấy giờ là

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Đà, không chọn tôi vào đoàn cán bộ Dân Chính Đảng của Quảng Đà tham gia chiến dịch Thượng Đức. Tôi xin đi thì ông Nam nói: Mi tìm ra ông bà già chưa? Phải bằng mọi cách đưa ông bà già mi ra khỏi khu dồn Thượng Đức không thì khi ta đánh nát cứ điểm, địch sẽ phản kích thả bom tiêu hủy Thượng Đức. Chết hết trơn!

Quân giải phóng đánh tan cứ điểm Thượng Đức vào buổi sáng ngày 7 tháng 8 năm 1974, đưa trên mười ngàn dân ra, quá mừng và cũng vô cùng gian nan. Địch dồn, ép đưa dân vô khu dồn, có được người dân nào ở vùng giải phóng quý như vàng. Vậy mà, cùng một lúc đưa trên mười ngàn dân ra vùng giải phóng, coi như một thắng lợi của công tác giành dân. Nhưng dân ra thì: đau, sốt, sợ bom, pháo, sợ địch phản kích. Lương thực tuy đã có gạo từ miền Bắc vào theo đường Trường Sơn, nhưng chỉ được một thời gian đầu. Hàng chục ngàn dân chỉ biết chờ cấp lương thực, thực phẩm mà không tài nào sản xuất được trên vùng đất còn đầy hoang hóa và không có phân bón. May bà con chịu đựng một thời gian ngắn thì đến mùa xuân năm 1975…

Những con đường trải nhựa và những cây cầu mới xây Hà Nha, cầu Ái Nghĩa, cầu Hòa Đông, cầu Quảng Huế, cầu Khe Đá... tạo nên bộ mặt mới của làng quê từng bị chiến tranh tan hoang. Qua cầu Hà Nha xe bon bon trên đất Đại Hồng, Đại Phong, Đại Chánh, Đại Thạnh, hai bên đường cây xanh mát mắt. Màu xanh của rặng núi An Bằng, núi Cánh Diều là màu xanh của thiên nhiên ban tặng. Màu xanh ngút ngàn của cây che kín Khe Lim, Khe Hoa, Khe Tân.

Bạt ngàn rừng cây keo lá tràm - là một màu xanh sản phẩm của các chiến dịch ''phủ xanh đồi núi trọc''. Nhuộm lại màu xanh trên những đồi núi một thời bị bom pháo Mỹ cạo trọc, người dân có một vùng sinh thái cho cuộc sống dễ chịu, an lành, còn có thêm thu nhập dồi dào từ cây cối, từ các vườn cây ăn trái... Đi qua vùng đất Đại Phong, Đại Thạnh, Đại Thắng thì nhớ một thời đạn bon ác liệt với Vùng B. Bỗng nghe Phạm Duy Hiền thốt lên giọng thật ấm và buồn lạ: Vùng B đêm rét rừng dài, Chà là Khe Thẻ nhắc ngày nào xa. Mai này về lại Vu Gia, Đố ai biết được lòng ta nhớ gì...

Thơ khóc ai buồn vậy anh Hiền? Tôi hỏi. - Của Nguyễn Bá. Anh ta là con gia đình địa chủ người Đại Hồng này đây, cũng lớp học sinh Trần Qúy Cáp ở Hội An, học sinh Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng như anh em mình, đang học ngon lành thì xếp bút, chia tay người thân, thoát ly tham gia cách mạng, từ những năm 1960. Nguyễn Bá từng là một Huyện ủy viên của Huyện ủy Đại Lộc, lên Tỉnh là cán bộ Ban Binh vận. Đang công tác thì nhận tin người em trai hy sinh. Nguyễn Bá làm bài thơ Khóc Em. Nhưng sau lần khóc người em thân yêu thành thơ thật hay này thì Nguyễn Bá nhận được tin em không hy sinh mà thoát chết. Mừng, vui chảy nước mắt. Một hôm Bá dẫn vợ qua đất Đại Phong, đêm hai vợ chồng ở lại trong một căn hầm thì... có thai. Sinh con trai, hai vợ chồng đặt tên cho con là Nguyễn Tiên Phong! Cha đã đi tiên phong không sợ làn tên mũi đạn của quân thù, muốn con mình tiếp bước cha anh! Năm ác liệt khủng khiếp 1969, Nguyễn Bá bỏ lại vợ và con đi mãi không về. Và bỏ lại những dòng thơ cho đời: Xa rồi Non Chấn thân yêu, Nắng mai những nhớ, mưa chiều những thương. Ta đi trên vạn dặm đường, Mà sao vẫn thấy vấn vương chốn này...

 Xe ôtô chạy đến tận hồ nước Khe Tân. Từ ngày có hồ nước Khe Tân, trên 1800 ha ruộng lúa bảy xã Vùng B Đại Lộc chấm dứt uống nước trời. Người cùng nước Khe Tân làm hồi sinh các xã Đại Thạnh, Đại Chánh. Cá nuôi dưới hồ lớn nhanh và nhiều. Vườn nhà ai cũng trồng cây ăn trái, nhà nào cũng nuôi gà, heo, trâu, bò. Làng Thọ Lâm nay chìm trong lòng nước Khe Tân. Bên kia bờ hồ xa kia là con đường từ chợ Phú Thuận lên ranh An Bằng - vùng chè nổi tiếng một thời của xã Lộc Sơn, đi vào tới ranh qua Khe Chín khúc thì leo lên dốc ông Thiện. Cạnh chợ Phú Thuận có bến đò qua sông Thu Bồn nối Vùng B Đại Lộc và Tây Duy Xuyên. Thời kháng chiến mỗi lần rời đồng bằng Điện Bàn, Duy Xuyên lên núi Đại Lộc, chúng tôi phải qua sông Thu Bồn lên Vùng B, rồi qua Khe Tân, vào núi. Địch biết vùng đất quân Giải phóng thường xuyên qua lại nên cho đóng một cái đồn ở Gò Đu, thường xuyên cho lính gài mìn, phục kích. Theo sự hướng dẫn của giao liên và du kích Vùng B, chúng tôi không đi theo một con đường mòn, lúc thì qua Khe Rúc, lúc qua Khe Rằn, lúc qua Dốc Trấu, lúc leo lên dốc ông Thiên, lúc leo dốc ông Thủ. Ông Phan Thanh Thủ từng hai lần làm Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, hòa bình về sống ở Đà Nẵng, được truy phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những ngôi nhà ngói khang trang thay nhà tôn. Không thấy nhà tranh. Những ngôi trường mới, kiên cố cho học sinh tiểu học và phổ thông trung học trong xã để các em học sinh không phải vất vả xuống tận thị trấn Ái Nghĩa. Những ngôi trường cùng thầy cô giáo tận tâm, giúp cho gần một trăm phần trăm học sinh trong huyện tốt nghiệp Trung học phổ thông. Những ngôi trường mang tên những người con ưu tú của đất nước và quê nhà như Nguyễn Nho Túy, Lý Thường Kiệt, Đỗ Đăng Tuyển, Huỳnh Ngọc Huệ, Trịnh Thị Liền, Đỗ Văn Quả... cùng Đền Tưởng niệm trên đồi Trường An - Núi Lở, để con cháu tưởng nhớ các bậc tiền nhân kiệt xuất, những Anh hùng Liệt nữ đã có công với Đại Lộc, đã cống hiến đời mình cho đất nước, quê hương. Trời ban cho Đại Lộc hai con sông Vu Gia và Thu Bồn hằng năm bồi bổ nguồn phù sa vô tận cho ruộng đồng - vùng đất màu mỡ gieo mầm xanh và cảm hứng, tạo nên những văn nhân, thi sĩ Tú Quỳ, Võ Quảng, Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng, Trinh Đường...

 Chỉ sau 2 năm sau mùa xuân lịch sử 1975, hưởng ứng các chiến dịch “Tháo gỡ bom mìn”, “Tiến công đồng cỏ”, lấy đất trồng rau, khoai, bắp cho kịp có cái ăn không để nạn đói xảy ra. Đến năm 1977, xã Đại Nghĩa đạt 12 tấn/ha, là đơn vị dẫn đầu phong trào thâm canh tăng năng suất lúa của huyện, của tỉnh, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa. Năm 1983, hợp tác xã Đại Phước đạt năng suất 21,6 tấn/ha, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tặng 1 chiếc máy cày... Từ một huyện thuần nông, vậy mà, đến cuối năm 2015, cơ cấu kinh tế Công nghiệp - Xây dựng - Thương mại và - Dịch vụ của Đại Lộc chiếm trên 89%, nông nghiệp chỉ còn 11%. Nhiều xã đang tiến tới, cố hoàn thành các chỉ tiêu để đạt đích nông thôn mới. Và thị trấn Ái Nghĩa - Trung tâm Văn hóa - Chính trị - Kinh tế của huyện đang nỗ lực mọi mặt để phát triển thành dáng hình của một đô thị giữa một nông thôn mới.

Nhắc đến tiêu chí, tôi thầm nghĩ, không biết các xã ở nông thôn, ngoài 19 tiêu chí, có tiêu chí nào nói đến rau quả an toàn, thịt gia súc, gia cầm an toàn không? Nếu có thì tuyệt vời! Với tình trạng người người lo cho cái dạ dày hiện nay, thì chỉ tiêu an toàn là cái đích đích thực! Ai mà không có ấn tượng, nhìn cảnh giữa hội trường, một đại biểu Quốc hội, nói về thực phẩm bẩn tràn lan từ Bắc chí Nam, đã thốt lên: Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa đang ngắn dần. Làm sao mà không lạnh sống lưng, ngồi đâu cũng nghe: nuôi heo bằng chất cấm salbutamol, nuôi gà bằng chất vàng ô, trồng rau siêu tốc bằng thuốc kích thích tăng trưởng, chế dầu ăn từ nước cống, “tinh chất” biến nước lạnh thành cà phê! Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực lâu rồi! Có đến ba bộ lo “mâm cơm” an toàn cho dân! Đã có những “tháng hành động quốc gia” về vệ sinh an toàn thực phẩm, và nhiều nhiều những tuyên bố hùng hồn vang lên trong những buổi lễ trọng thể... Nhưng, dường như chỉ kích thích tội ác nhởn nhơ và tăng thêm sự mất niềm tin. Cũng một câu hỏi cũ, với tôi, với những người vẫn còn băn khoăn mỗi khi đi chợ, mỗi khi ăn, vẫn mới rợi: Có đường, có phương tiện giao thông thuận lợi, do đâu, chưa tổ chức được chiếc cầu giao lưu giúp người nông dân tiếp cận được với người nội trợ ở thành phố? Để người nông dân có thể đem hết khả năng tuyệt vời, tính trung thực vốn có của mình, làm giàu trên đồng đất quê hương, để người thành phố khi ngồi vào mâm, cầm đôi đũa trên tay không còn rùng mình nghĩ về con đường đến nghĩa địa...

Chia tay tạm biệt, các anh cho thưởng thức đặc sản quê hương: thịt heo bánh tráng. Người Đại Lộc nuôi heo cho ăn rau, cám, bắp, nên thịt nhiều nạc và ngọt. Trên đất thấm đẫm phù sa, bà con trồng rau xanh, rau thơm đủ loại, bốn mùa tươi non... Bánh tráng thịt heo chấm mắm cá cơm, cắn trái ớt núi, cay, thơm, ngon thấm thía. Thấm thía còn vì yên tâm. Trái cây, rau xanh, bánh tráng và các đặc sản của Đại Lộc có mặt ngày một nhiều ở Đà Nẵng, phải chăng là một tín hiệu vui!

 Ngồi tráng miệng món Nam Trân từng dâng vua mỗi dịp Tết - đặc sản của thượng nguồn Ô Gia, uống nước chè xanh An Bằng, giữa làng quê vào Xuân, bỗng nhớ những ngày Hôm qua và hy vọng về một vùng nông thôn đổi mới, an bình, dân giàu lên, đang trở thành vệ tinh gần gũi, tích cực của thành phố Đà Nẵng du lịch, dịch vụ, khoa học công nghệ...

H.D.L 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô