Từ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế Vinh

16.03.2016

Từ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế Vinh

Dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc thôn Thanh Chiêm xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) được Chúa Nguyễn Hoàng chọn làm cơ sở hành chánh cho vùng đất mới Quảng Nam (năm 1602 chính thức thành lập Dinh Quảng Nam). Dinh trấn nằm bên bờ sông Sài Thị (sông chợ Củi), một nhánh lớn của Sông Thu Bồn, có bến đậu tàu và có chợ buôn bán tấp nập, đông đúc. Dinh trấn Thanh Chiêm nối liền miền núi với biển Đông, nằm dọc đường thiên lý Bắc - Nam, rất thuận lợi về giao thông đến các miền vùng lân cận và cảng thị Hội An. Dinh trấn Quảng Nam ra đời đã đem lại sự thuận lợi lớn lao về quản lý hành chính, lãnh thổ, tạo điều kiện phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa của Quảng Nam và mang tính quyết định toàn bộ quá trình mở mang lãnh thổ của xứ Đàng Trong sau này.

Dinh trấn Thanh Chiêm được coi là thủ phủ thứ hai của Đàng Trong, được Chúa Nguyễn Hoàng cho "cơ chế" toàn quyền định đoạt mọi việc của Dinh trấn, là nơi thực tập, đào luyện các thế tử, là nơi thực thi chính sách mở cửa với các điều kiện tối ưu nhằm xây dựng một hậu phương vững chắc làm bàn đạp mở rộng bờ cõi về phương Nam.

Cùng với chính sách ngoại thương thông thoáng và các biện pháp quản lý chặt chẽ của các chúa Nguyễn, Hội An trở thành một thương cảng phồn vinh bậc nhất trong khu vực thời bấy giờ: "...là thành phố rất lớn mà người ta có thể nói là hai thành phố, một của người Trung Hoa và một của Nhật Bản. Mỗi thành phố có phố xá, quan cai trị riêng và sống theo phong cách riêng của mình, người Trung Quốc theo luật lệ và phong tục riêng của người Trung Quốc và người Nhật Bản cũng thế…" (1). Cùng với đó, chúa Nguyễn cũng đã tạo điều kiện cho Cảng thị Đà Nẵng phát triển góp phần quan trọng cho Quảng Nam phát triển thành vùng đất giàu có, đóng góp to lớn vào ngân sách của Chính dinh.

Dưới thời chúa Nguyễn, Thanh Chiêm là căn cứ thủy quân mạnh bậc nhất của xứ Đàng Trong, năm 1644 đạo quân của Thế tử Lễ Thành Hầu Nguyễn Phúc Tần đã đánh tan hạm đội Hà Lan trên Biển Đông, ghi vào lịch sử dân tộc chiến công đầu tiên đánh thắng giặc Tây. Dinh trấn Thanh Chiêm cũng là nơi đặt cơ sở hậu cần vững chãi giúp đắc lực Chính Dinh (Thuận Hóa) đánh bại các cuộc tấn công quy mô của họ Trịnh, họ Mạc ở Đàng Ngoài.

Chính vì những lẽ trên mà thương nhân nước ngoài và các nước lân cận coi đất Quảng Nam là 1 nước "Quảng Nam Quốc", trong đó vai trò của Dinh trấn Thanh Chiêm góp phần quan trọng quyết định công cuộc mở cõi phát triển đất nước của tiền nhân trong thế kỷ

XVII - XVIII.

+ Dinh trấn Thanh Chiêm  - cái nôi lớn, đầu tiên của chữ Quốc ngữ.

Một trong những thành tựu to lớn của quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực và phương Tây là sự ra đời của chữ Quốc ngữ trên đất Quảng Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XVII, đánh dấu một mốc son chói ngời trên tiến trình phát triển văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam.

Năm 1615 và những năm sau đó, Dinh trấn Thanh Chiêm vinh dự trở thành vùng đất khai sinh chữ Quốc ngữ khi Giáo đoàn Francisco Bozomi đến Dinh trấn Thanh Chiêm mở đầu công cuộc truyền bá đạo Kito. Các giáo sĩ được cử tới đây vừa để truyền giáo vừa để đáp ứng các nhu cầu cần thiết của các giáo dân từ nhiều nơi đến đây sinh sống (như thực hiện các nghi lễ rửa tội,..). Họ cần phải có một thứ ngôn ngữ riêng và thuận lợi để thực hiện các công việc này. Tuy nhiên, họ không chọn Hội An trong công cuộc truyền bá này bởi có thể nơi đây có sự lai tạp của nhiều ngôn ngữ và cũng bởi tại Dinh Trấn, có thể họ cảm thấy được che chở, bảo hộ. Và sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là quá trình lâu dài, trong quá trình đó người Việt đóng góp một phần trí tuệ không nhỏ, theo Tiến sĩ Rolland Jacques nhận định "sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là công trình của phòng thí nghiệm mà có rất nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động". Và trong quá trình đó, người đi tiên phong trong quá trình nối kết “nhiều người Việt Nam dấn thân với sự nhiệt tình nào đó trong hành động” là Giáo sĩ Francisco de Pina.

Chữ Quốc ngữ được dùng viết thành sách và in ra đầu tiên từ Alexandre de Rhodes. Năm 1651, trong lời nói đầu cuốn tự điển Việt - Bồ - La, A.de Rhodes cho biết: "...ngay từ đầu tôi đã học với Cha F. de Pina người Bồ Đào Nha,... là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng ngôn ngữ đó mà không dùng thông ngôn...".

Gần đây, Tiến sĩ Rolland Jacques trong tác phẩm Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học đã chứng minh được rằng, trong thời gian lưu lại ở Đàng Trong từ năm 1617 ông đã bắt đầu học tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc với người bản xứ, F.de Pina đã nhiều lần qua lại Hội An và Thanh Chiêm và ông nhận thấy tiếng nói ở Dinh trấn Thanh Chiêm  là hay nhất, nghiên cứu tiếng nói ở đây là thuận lợi nhất: "Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm - nơi đặt dinh trấn) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ". Chỉ trong một thời gian ngắn F.de Pina đã có thể giảng đạo bằng tiếng Việt, cùng với giáo sĩ Christoforo Borri biên soạn kinh sách bằng tiếng Nôm. Năm 1623, F.de Pina cho biết: "...về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận về chính tả và những âm thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và đang bắt tay vào làm cuốn ngữ pháp...". Như vậy có thể thấy, so với các công trình La tinh hóa và nghiên cứu tiếng Việt sau này ở Đàng Trong và cả ở Đàng Ngoài thì trong giai đoạn 1617 - 1625 các công trình của F. de Pina thực hiện ở Dinh trấn Thanh Chiêm và Hội An đã ra đời sớm nhất. Riêng Thanh Chiêm còn là nơi có trường học đầu tiên, tại đây F. de Pina đã dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes với tư cách là bề trên và thầy giáo ở cơ sở này…

+ Dinh trấn Thanh Chiêm với những tầm vóc là cơ quan đầu não, toàn quyền điều hành, giải quyết các vấn đề trong xứ Đàng Trong (từ Quảng Nam trở vô phía Nam), là cơ sở đào luyện các đời Chúa làm trấn thủ vương; điều hành giao thương với nước ngoài phát triển phồn thịnh; là căn cứ quân sự hùng mạnh trong khoảng thời gian hơn 200 năm tồn tại Dinh trấn Thanh Chiêm luôn đóng vai trò chủ động lãnh đạo, cung cấp nhân lực, vật lực cho đoàn quân Nam tiến, mở rộng bờ cõi. Phải nói rằng không có Chúa Nguyễn, không có Dinh trấn Thanh Chiêm, không có dân Quảng Nam Dinh (từ đèo Hải Vân đến Bình Định) thì không thể có chiều dài đất nước và các bán đảo trên suốt chiều dài vùng Biển của chúng ta như ngày hôm nay.

+ Trong giai đoạn sơ khai từ năm 1617 - 1626, các giáo sĩ đã đặt nền móng cho Chữ Quốc ngữ nổi bật nhất là các vị Linh mục F. de Pina, Cristoforo Borri và Alexandre de Rhodes. Lịch sử cho thấy các vị này chủ yếu ở 3 nơi sau: Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam), Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Nước Mặn (Quy Nhơn), cả 3 nơi này đều thuộc "xứ Quảng" và được sự quản lý của Dinh trấn Thanh Chiêm. "Tiếng Quảng Nam" là tiếng nói chung của Đàng Trong, mà hạt nhân là tiếng nói của vùng "kinh đô"- là tiếng nói vùng Thanh Chiêm. Và cùng với sự hình thành của chữ Quốc ngữ, những điều này đã là nguyên nhân sâu xa góp phần quan trọng vào thành công nhiều mặt của đất nước (riêng với phong trào Bình Dân Học Vụ, diệt giặc dốt do Cụ Hồ phát động, nhờ chữ Quốc ngữ mà trong vòng 3 tháng đã xóa được nạn mù chữ cho hàng triệu người...). Ngày nay chữ Quốc ngữ là công cụ tuyệt vời để quốc gia dân tộc hội nhập với thế giới về mọi mặt…

Hiện nay, về mặt văn hóa vật thể còn lại của Dinh trấn không nhiều, đòi hỏi nhiều công phu trong việc khảo sát, khảo cổ,… nhưng trước mắt cần xây dựng được nhận thức về tầm quan trọng của các di tích liên quan để có ý thức bảo vệ, gìn giữ,... cũng như tranh thủ sự ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, các ý tưởng đầu tư bảo tồn, tôn vinh,... gắn với phát triển của địa phương để vùng đất này chủ động đón nhận những tiếp biến, động lực lan tỏa từ các khu vực khác trong cả nước trong xu thế mới nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc riêng vốn có. Sự khác biệt đặc trưng chắc chắn sẽ tạo ra sức sống và sự phát triển bền vững của vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời này.

H.T.V 

Bài viết khác cùng số

Cõi mẹ xanh xao - Hồ Trung LiênĐất diễn - Vũ Thị Huyền TrangBão đêm - Trần Đức TiếnPhiêu bồng một cõi - Ngô Phú ThiệnChị tôi và chén cơm nguội - Nguyễn Văn HọcNiềm vui đón cháu - Nguyễn Văn HọcĐà Nẵng: Biển, rượu vang và tôi - Lâm HạMái tóc của biển - Lê Ngọc ThạnhVòng ký ức tháng Ba - Phan Trang HyĐón xuân, về với làng quê... - Hồ Duy LệNhững viên gạch thầm lặng với Nhà trưng bày Hoàng Sa - Trần Trung SángClipper 2016: “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á” - Đình HiệpThơ Phạm Tấn Dũng Khúc phiêu trầm - Trường KhánhTháng giêng xanh - Trần SâmThơ Nguyễn Thị Minh ThùyThơ Mai Thanh VinhThơ Đinh Thị Như ThúyThơ Vi Thùy LinhMột số thủ pháp nghệ thuật sử dụng trong truyện trinh thám Thế Lữ - Nguyễn Thị Thu HiềnThơ khắc trên bia mộ các nhà thơ - Mai Văn HoanTừ góc nhìn của triết lý Phật giáo Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không - Trần Hồ Thúy HằngKỷ niệm về bài thơ “Đèo tao ngộ” của Trinh Đường - Tường LinhHoàng Yến - Viết là sống - Hoàng Hương ViệtTừ Dinh trấn Thanh Chiêm nghĩ về chiếc nôi của chữ Quốc Ngữ và vai trò đặc biệt của Dinh trấn trong hành trình mở cõi về phương Nam - Hồ Thế VinhPhát hiện mới về cuộc gặp giữa Thái Phiên và Trần Cao Vân với vua Duy Tân - Lưu Anh Rô