Trọ nơi thành phố-Truyện ngắn Vũ Anh Thư

10.04.2015

Cô tỉnh giấc. Không phải vì mất ngủ mà vì thói quen. Một thói quen ngoài ý muốn. Hồi chiều, hai người thợ đã đến gỡ bỏ cái bể đựng nước cũ, thay bể mới vào. Cô tự nhủ đêm nay sẽ không bị tiếng động nào quấy rối. Vậy mà cô lại bất ngờ thức giấc.
Hơn tháng nay, giấc ngủ của cô bị đứt quãng. Những giọt nước len qua lỗ thủng ở lưng chừng thành bể, gõ long tong xuống nền nhà tắm buộc cô phải chui ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở bước ra ngoài khóa van nước, rồi cũng mắt nhắm mắt mở xả nước ra vài cái xô cái chậu.  

Trọ nơi thành phố-Truyện ngắn Vũ Anh Thư


Mực nước trong bể rút đi. Tiếng gõ long tong không còn. Đến lúc đó cô mới yên tâm vào nhà ngủ tiếp.

Cái bể tôn đựng nước! Cô căm ghét nó. Và sợ nó. Những giọt nước rỏ long tong trong đêm vắng làm thần kinh cô căng thẳng. Từng giọt, từng giọt gõ vào đêm nhức nhối.

Đã hơn một lần, chị cô mời thợ đến hàn lại bể. Chỗ nào thủng thì hàn. Mấy trăm nghìn một lần. Hai lần là mất toi nửa triệu. Vậy nhưng chỉ yên lành được dăm bữa nửa tháng. Bịt lỗ thủng này thì lại phát sinh lỗ thủng khác. Hoặc cũng chính lỗ thủng ấy tự “cắn mình” thành to hơn. Những miếng tôn đã già nua, hoen rỉ, không thể khắc phục theo kiểu con nhà nghèo “rách đâu vá đấy” được. Chỉ có cách là thay bể khác. Nhưng chị cô còn phân vân. Đặt một cái bể tôn cùng kích cỡ như thế mất gần tháng lương nhân viên của chị. Những khoản chi tiêu hàng tháng khiến chị lúc nào cũng như bị móc túi. Vả lại, từ khi mấy mẹ con dì cháu chuyển đến căn hộ chung cư cũ kĩ này, bao thứ phải mua sắm, bao thứ phải sửa chữa lại. Chị cô ngần ngại là đúng.

Về phần cô, đã hai năm ra trường, cô vẫn chưa kiếm nổi một công việc cho ra hồn. Mảnh bằng cử nhân khoa học xã hội có thể giúp gì được cô nơi thành phố năng động này? Nguồn thu nhập chính của cô vẫn từ việc dạy kèm mấy đứa trẻ ranh. Từ khi anh rể đi làm xa thì mẹ một mực bắt cô phải đến ở cùng chị và các cháu. Lý lẽ của mẹ hiển nhiên đúng. Chị em gái không giúp nhau lúc này thì giúp lúc nào.

Nhưng chị cô cũng chưa có nhà. Vẫn phải đi thuê. Vẫn phải đi ở trọ. Mười năm lấy chồng, sinh hai đứa con mà vẫn phải thuê nhà. Thời gian trước, anh chị dồn tiền mua trả góp căn hộ chung cư đang trong dự án. Mua đúng lúc giá cao ngất nghểu. Bây giờ giá chung cư đã nghẹo cổ rồi và dự án thì ậm ạch, chẳng biết đến bao giờ anh chị và các cháu cô mới có nhà để ở. 

Ở trọ. Đã từ lâu cô không còn vương vấn buồn mỗi khi phải thu xếp đồ đạc chuyển nhà. Quen quá rồi. Ở đâu cũng vậy thôi. Cũng là tạm bợ. Cũng là rụt rè tự ti. Quãng đời ở trọ của cô bắt đầu từ khi nào? Tính từ khi cô chân ướt chân ráo vào trường chuyên của tỉnh, hay từ khi cô khoác ba lô lên thành phố học đại học. Nếu tính từ cái thời xa vắng ấy, đến nay đã mấy năm? Tám năm, chín năm, hay mười? Cô chẳng buồn đếm nữa. Có lẽ mười năm có lẻ. Hơn mười năm với bao nhiêu lần chuyển nhà, cô đâu còn nhớ. Thành phố mở rộng bán kính gấp mấy lần, nhà cao tầng mọc lên như nấm, nhưng nhà dành cho những người nhập cư như chị em cô thì luôn thiếu. Mỗi lần phải đổi chỗ ở, nghĩ đến hành trình đi tìm nhà rồi chuyển nhà là cô phát ói. Dẫu vậy vẫn phải cố. Trót đặt một chân ra khỏi vòng quê hương rồi đành phải bước tiếp, dẫu chẳng hình dung được sẽ bước về đâu, bước như thế nào.

Từ khi dọn đến ở cùng chị gái và hai đứa cháu nhỏ thì hành trình chuyển nhà của cô lại nặng nề hơn. Chỗ ở không thể chật chội và úi xùi như trước. Cần một căn hộ sạch sẽ để cho bọn trẻ còn có chỗ tử tế mà nằm, có nơi để mà lớn. Những căn hộ tập thể cũ là đối tượng mà chị em cô ngắm đến, bởi giá thuê không quá đắt đỏ, diện tích không quá chật hẹp và thường nằm ở chỗ đông dân cư, tiện cho việc học hành, đi lại. Nhưng phiền nỗi ở nơi ấy, vật dụng gì cũng sắp đến kì thay. Đường điện, đường nước, cánh cửa, bóng đèn... tất tần tật tưởng như chỉ chạm nhẹ vào là sẽ lăn ra đấy, ăn vạ đấy, tưởng như chủ nhà đặt bẫy để người đến thuê phải sửa, phải thay, phải cải tạo lại mới có không gian sinh sống. Để rồi, dăm bữa sau, chủ nhà mặt nặng mày nhẹ đòi tăng tiền, nếu không đồng ý chỉ còn đường gói ghém đồ đạc ra đi. Trong những đồ vật phải thay phải sửa ấy, cô sợ nhất chiếc bể tôn. Khi chị em cô chuyển đến, nó đã bước vào quá trình hoen rỉ. Một thời gian sau, nước bắt đầu chảy qua lỗ thủng, chảy ri rỉ, sau tí tách, tí tách. Ban đầu là một lỗ thủng, sau lan sang hai, ba chỗ. Bịt chỗ này chảy chỗ khác. Cực chẳng đã đành phải thay bể mới. Mất mấy triệu bạc để thay một cái bể mới. Thời gian sau, chủ nhà không đồng ý cho thuê tiếp, thế là lại bươn bả đi tìm nhà khác. Lúc đi, cô chỉ muốn cầm cây kéo đâm vài nhát vào cái bể tôn cho đỡ tức.

***

Cô trở mình, người đau ê ẩm. Mơ hồ nghe có tiếng rỏ giọt lanh canh. Cái bể mới... Chẳng lẽ nó lại chảy tiếp sao? Cô bật dậy, lao ra khỏi giường.

 Nước đang theo đường ống chảy vào cái bể rỗng, từng giọt từng giọt lanh canh. Ở khu tập thể này điện thì ổn định nhưng nước rất thất thường. Quá nửa đêm người ta mới cấp nước. Có khi hai ba giờ sáng mới bắt đầu bơm, bơm đến sáu giờ thì dừng. Nước khi mạnh, khi yếu. Mùa đông còn đỡ, mùa hè thì thật khốn khổ. Những hộ gia đình ở tầng bốn tầng năm phải canh chừng để chạy máy bơm, huy động thêm cả xô chậu đựng nước. Tiếng máy bơm re re, tiếng người ơi ới, tiếng xô chậu xủng xẻng gõ vào đêm. Chỉ cần mất nước một ngày, cả khu tập thể như lên cơn sốt.

...

Rì.. rì, rì... rì... Nước bắt đầu chảy mạnh hơn. Mấy hôm nay, chị cô đưa hai đứa bé đi thăm chồng tận nơi gió cát Quảng Bình. Nắng nóng thế này, con bé út có ngủ được không hay lại ốm thì khổ. Tội nghiệp. Hai đứa trẻ chẳng mấy khi có bạn chơi. Chị cô mới ngoài ba mươi tuổi mà tóc đã buông sợi bạc. Chồng chị quanh năm suốt tháng vắng nhà. Có về thì cũng mệt mỏi, rồi nấu cháo điện thoại công việc, rồi nhậu nhẹt bạn bè. Anh về khiến chị còn bận hơn cả lúc anh đi vắng.

Nói thì nói vậy thôi. Thực lòng cô thương chị gái mười thì cũng thương anh rể sáu bảy phần. Hai vợ chồng lấy nhau hai bàn tay trắng, loay hoay mãi vẫn chưa lo được cái nhà để ở. Có lần, cô nghe anh rể cười cười kể chuyện đi xem tử vi, thầy phán bảo số anh để vợ con chăn đơn gối chiếc. Ngẫm lời thầy chẳng sai. Anh cứ đi biền biệt. Vợ sinh con lớn con bé, anh chưa một lần nếm cảnh xếp hàng bon chen ở bệnh viện, chưa một lần thức trắng trông con. Thương con gái ở cữ vất vả, mẹ cô bán hết lợn gà, thu xếp nhà cửa lên trông cháu. Tưởng con gái công chức nhà nước, con rể kĩ sư ở thành phố thế nào. Được vài bữa, bà bảo “Biết thế này về quê lấy thằng chồng công nhân, bây giờ cũng có nhà có cửa đàng hoàng”. Bố cô vốn hiền lành cũng phải gắt lên “Bà nói năng buồn cười. Chúng nó đã hai mặt con với nhau rồi”. Mẹ cô im lặng. Lần đầu tiên bà chẳng buồn tranh luận với ông.

***

Lanh canh... Lanh canh...

 Rào rào... Rào rào...

Bên ngoài, trời bắt đầu mưa. Mỗi lúc một nặng hạt. Mưa mấy hôm nay rồi. Cả không gian cứ sũng ra, nặng nề, cau có.

Tình yêu của cô và anh gắn với những cơn mưa. Lời yêu thương được ngỏ trong mưa. Những buổi tối hò hẹn gặp mưa. Đường về nhà anh – mưa.  Lần đầu tiên của cô và anh – mưa... Cô tổng kết đó là cuộc tình mưa.

Lần đầu tiên, cái lần đầu tiên ấy, khi anh hì hục leo lên người cô, hì hục khám phá cơ thể cô thì bên ngoài, mưa gõ rào rào trên mái tôn. Chớp lòa qua khe cửa, làm run rẩy bầu không gian tối om của căn phòng trọ. Anh chật vật đi vào cô. Bên tai cô chói sắc âm thanh nhưng hồn cô trong suốt. Một cái gì mềm mềm, âm ấm chảy ra từ cửa mình. Sau cơn đau buốt không phải là khoái lạc. Cô rơi vào chơi vơi.

Sau lần đầu tiên ấy, giữa anh và cô còn có nhiều lần khác. Cũng có lần cô cảm thấy. Cũng có lần chạm nhẹ. Và những cơn đau.

...

Ngày hôm qua, cô đã nói lời chia tay.

Phải khó khăn lắm cô mới đưa ra được quyết định này. Cô không muốn dùng dằng thêm nữa. Chia tay, đó là cách tốt nhất để không còn phải ràng buộc nhau. Mỗi người sẽ tự đi những bước đi riêng mình.

Khi nào nhỉ, anh đã nắm tay cô trong phút giây sôi nổi và chỉ lên bầu trời trăng ngà ngọc, thề có vầng trăng kia làm chứng cho tình yêu của anh và cô. Tiếng anh thầm thì êm dịu: “Hãy cho anh năm năm. Năm năm thôi, để anh phấn đấu cho công việc. Sau năm năm, chúng mình sẽ mãi ở bên nhau”.

Khoảnh khắc ấy, cả anh và cô như đang tan vào ánh trăng. Những khó khăn trước mắt là chuyện nhỏ. Chỉ còn tình yêu.

-                      Sao em lại quyết định như thế?

-                      ...

-                      Em không còn yêu anh nữa sao?

-                      ...

-                      Hay là em có người khác?

-                      ...

Anh mím môi. Yếu hầu ở cổ rung rung. Cô im lặng. Mọi lời giải thích chỉ thêm thừa thãi.

-                      Nếu em đã quyết như thế, anh không níu kéo. Đây không phải lần đầu tiên em có ý định này, phải không?

Cô thở ra nhè nhẹ, tránh nhìn vào mắt anh. Bốn năm cho một cuộc tình. Không quá ngắn. Không quá dài. Còn tiếc nuối ư? Cô không biết. Chỉ biết rằng khi không thể đi đến đích cuối cùng, thì chia tay cũng là một cách lo cho nhau, còn hơn ràng buộc trong mơ hồ tương lai.

Anh và cô, hai con người xa lạ gặp nhau giữa thành phố xa lạ này. Khi anh hút vào cô trong đam mê, tưởng như hai người hòa làm một. Nhưng sau cơn rung chấn, hai thân thể rời nhau ra, mệt mỏi, anh trở về con người thực của mình, đầy tư lự và lo âu. Cần quá nhiều điều kiện để lập nghiệp nơi thành phố, trong khi cả anh và cô đều bé nhỏ, tầm thường. Cô đã từng thử sức ở nhiều công việc khác nhau. Cách đây vài tháng, cô chấp nhận làm nhân viên chạy việc vặt cho một công ty tư nhân, kiêm cả nhiệm vụ lau chùi toa lét, rửa cốc chén. Cô đã không nén được tủi hờn khi anh kế toán trưởng nhìn vào cuốn sách trên tay cô, buông một câu như vô tình: “Tốt nghiệp đại học, sao không tìm việc khác mà lại làm việc này hả em”. Cô tin đó là lời nói giàu thiện ý. Nhưng khi anh đi khỏi, cô chạy vội vào toa lét, để mặc những dòng nước mắt chảy lã chã trước gương.

***

Rào rào... Rào rào...

Cánh cửa sổ bị bật ra. Nước mưa kèm theo hơi lạnh lùa vào nhà. Cô choàng dậy. Hình như cô vừa thiếp đi được một lúc. Những ý nghĩ vẫn còn treo lộn xộn trong đầu. Cô vội vã ra đóng cửa sổ. Tiếng mưa bên ngoài dịu đi, nhưng tiếng mưa bên trong rõ mồn một. Không phải mưa. Một đoạn đường ống nối với miệng bể bị tung ra. Nước chảy ồ ạt ngập cả sang gian bếp. Cô lật đật mở cửa ra ngoài khóa van nước. Những hạt mưa xiên chéo vào mặt. Cô như thoát khỏi cơn mê.

Trở vào nhà, cô hì hụi tát nước, lau sàn. Anh thợ  hồi chiều quả vụng về. Cô đã dặn đi dặn lại anh rằng làm cẩn thận cho cô, nhà chỉ toàn đàn bà con gái, nếu có trục trặc gì thì không có ai sửa cả. Vậy mà anh lại bất cẩn, khớp đoạn đường ống thế nào mà để nó bung ra ngay được khi áp lực nước bắt đầu mạnh. Nhớ lúc chiều, khi chiếc bể tôn cũ bị quăng ra hiên, mốc mác, hoen rỉ, điện thoại cầm tay của cô rung lên bần bật. Bà chủ nhà đang gọi.

-                      A lô...

-                      Này, chị em mày làm gì thế? Định phá nhà tao à?

-                      Bác nói thế nghĩa là sao ạ?

-                      Chúng mày quăng bể nước ra ngoài hiên...

Cô không kìm được sự khó chịu.

-                      Sao bác lại nói thế. Cái bể đã gỉ hết rồi. Cháu không biết bác thay bể từ bao giờ. Còn hiện nay thì nó đã han rỉ, không thể đựng nước được nên chị em cháu mới thay bể mới chứ. Sao bác lại nói chúng cháu quăng bể nước ra ngoài, phá nhà của bác...

 Cô nói một hơi, giọng gay gắt. Tiếng bà chủ nhà qua điện thoại có vẻ mềm hơn.

-                      Thì hàng xóm gọi điện cho tao, bảo chúng mày đang phá nhà tao.

“Chúng mày” và “tao”. Người cô nóng bừng như lên cơn sốt.

-                      Nếu bác thích, cháu sẽ lắp lại cho bác. Được chứ? Cháu mất mấy triệu bạc để làm bể mới, bác còn muốn gì nữa?

Bà chủ nhà đấu dịu.

-                      Ừ, thì tại vì chúng mày không nói trước với tao. Tao biết đâu được đấy. Với lại hợp đồng đã ghi rõ ràng hỏng gì sửa nấy. Ở thì phải sửa chứ.

Cô tắt máy điện thoại. Nếu cô nói tiếp, cô sợ mình không giữ nổi bình tĩnh. Phản ứng của cô hôm nay chỉ là giọt nước tràn đầy cốc nước. Chị em cô mới chuyển về đây chưa được nửa năm, vậy mà phải thay sửa hết thứ này đến thứ khác. Bà ta muốn gì đây? “Chúng mày” và “tao” là ngôn ngữ thường trực mỗi lần bà đảo qua nhà hoặc nói qua điện thoại. Cô phàn nàn với chị. Chị cô chỉ cười nhẫn nhịn “Thôi mà em, người ta cũng lớn tuổi rồi”. Cô im lặng vì muốn chị yên tâm, nhưng trong lòng cô đầy bực bội. Những người được gọi là “thành phố” ấy, họ khinh người nhà quê quá, coi người nhà quê như một thứ công cụ, thứ lao động rẻ mạt giúp họ xây dựng thành phố này khang trang. Họ cũng coi người nhà quê như thứ đồ thừa mà thành phố này phải mang vác.

 Đã từ lâu, cô không còn tủi thân vì một vài lời xúc phạm vô tình nghe được. Chỉ thấy buồn và có gì như u uất. Cô không muốn bộc bạch với chị, vì như thế chỉ càng thương chị hơn. Chị cần một nơi chốn yên lành để ở, để làm việc, nuôi con. Chị thường bảo cô “Một điều nhịn chín điều lành em ạ. Mình thân cô thế cô, anh em họ hàng không có, biết nhờ vả ai”. Có lần, bà hàng xóm nhà bên - một người phụ nữ to béo chuyên bán phở làm bộ sang chơi, giả lả: “Sáng nay tôi chết cười vì nghe hai con bé nói chuyện với nhau. Chắc Cao Bằng Bắc Cạn gì vừa xuống Hà Nội. Một con bảo em thích ra đường, ra đường tấp nập chứ không heo hút như trên mình. Một con bảo ra đường ngửi mùi xăng xe cũng thấy sướng”... “Thằng cu giúp việc nhà mình, chả biết Hà Tây hay Thanh Hóa, sai nó đi mua ớt, lúc mua về mình bảo không phải loại này, nó mồm năm miệng mười kêu ớt chính háng mà cô. Chết cười”... “Đúng là giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố. Chẳng trách nhà quê cứ ùn ùn kéo lên trên này...”. Cô định bảo “Em cũng người nhà quê đây chị”, nhưng bắt gặp cái nhìn chặn ngang của chị, cô thôi.

Còn một chút nước đọng trên nền nhà, cô lấy khăn thấm khô, bụng bảo dạ “Thôi chết, đang đêm múc nước loẹt xoẹt trên đầu người ta, sáng mai dễ chừng bị gõ cửa phản ánh lắm”. Trước khi chuyển đến đây, mấy mẹ con dì cháu cũng thuê một căn hộ ở tầng hai khu tập thể P. Vừa dọn đồ đến, nhà dưới đã đi lên căn dặn không được đổ nước ra nền nhà tắm, kẻo ngấm xuống dưới. Rồi thì dăm bữa nửa tháng, nhà dưới lại lên nhắc nhở, lại gào lên từng chập vì cái tội cứ đổ nước ra nền, khiến cho nhà bà ta ở dưới bị thấm, nước chảy như nước mưa. Cô ngạc nhiên trước đòi hỏi đầy vô lý. Cấm cả việc dội nước ra sàn là cớ làm sao? Sau mới vỡ lẽ một đoạn đường ống nước từ tầng trên đi ngầm qua tường nhà bà ta bị nứt, bà ta lại mâu thuẫn với chủ nhà nơi cô đang thuê, ai đến ở cũng đều bị phá đám, không trụ nổi quá một năm. Thế mà chị cô từng ở đấy những năm năm. Nghĩ lại mà rùng mình.

Phải, đúng là rùng mình. Cô không quên được buổi trưa ấy, người đàn bà ở nhà dưới lên đập cửa, gào lên bằng một thứ tiếng Kinh pha Tày nhếu nháo, rằng nhà bà ta bị biến thành sông rồi, nước từ tầng trên thấm xuống ướt hết bàn thờ của nhà bà... Chẳng hiểu chị cô nói gì mà bà ta buông lời rủa độc “Đồ nhà quê... Mày ăn ở khốn nạn, rồi chết cả mẹ cả con...”. Những thớ thịt trên khuôn mặt nhàu nát bự phấn của bà ta rung lên bần bật. Nếp nhăn ở hai bên mép như lông sâu róm chĩa vào chị cô. Chị đang mang thai tháng cuối, thai ngang và nhiễm độc thai nghén rất nguy hiểm. Nghe câu rủa này, mặt chị tái dại, phải vịn vào song cửa mới khỏi ngã...

Chuyện không vui ấy, cô đã cố quên mà sao lại vụt về thật rõ ràng vào lúc này, khi cô đang thấm từng chút nước trên mặt sàn. Rất may là chị cô đã vượt cạn an toàn, mẹ tròn con vuông. Nếu có chuyện gì xảy ra cho chị, cô có dám dạy cho bà ta một bài học? Khi rời khỏi căn nhà ấy, cô thấy mình như trút được gánh nặng.

***

Mưa đã ngớt. Trời he hé sáng. Cả đêm, cô chỉ được ngủ rất ít. Đầu cô ong ong và chân cẳng thì mỏi rã rời. Cô không quay lại giường mà đi tìm chiếc túi du lịch. Cô cần sắp xếp đồ đạc để về quê. Về hẳn. Cô chưa gọi điện cho mẹ nhưng cô biết mẹ không phản đối quyết định của cô. Cô cũng chưa nói gì với chị. Cô muốn chị có một kì nghì bình yên bên chồng con. Chị cô sẽ rất buồn nếu cô khăng khăng rời bỏ nơi này. Chị chẳng có ai để thủ thỉ vui buồn và yên tâm khóc một cách ngon lành. Chị cũng vất vả hơn bởi không có người đỡ đần chăm nom con cái. Hai đứa cháu thế nào cũng hỏi mẹ dì út đi đâu. Cô không đủ can đảm để chờ chị về. Càng không đủ can đảm nhìn vào đôi mắt trong veo của chúng, đôi mắt như thu giữ cả khoảng trời mênh mang...

Chiều hôm qua, cô đã cho người lắp bể nước mới và bỏ đi cái bể tôn hoen rỉ. Khi không có cô, giấc ngủ của chị và các cháu vẫn được tròn đầy, không phải dậy giữa chừng như trước. Cô cũng mua thêm cho hai cháu mỗi đứa hai cái áo thun dài tay. Trời đang chuyển mùa, sẽ lạnh vào sáng sớm. Thêm sữa của thằng anh, sữa của con em. Đó là tất cả những gì cô có thể làm được cho chị và các cháu. Cô chỉ giữ lại vài đồng lẻ để đi đường.

Anh! Giờ này anh còn ngủ hay đã thức? Anh có biết cô đang chuẩn bị rời xa thành phố này? Những món quà anh tặng, cô đều bỏ lại: một vài tấm bưu thiếp, đôi găng tay, quả cầu pha lê... Tất cả được cô gói ghém đẩy vào một góc tủ. Khi chị cô chuyển nhà, những thứ này sẽ đi theo nhiều thứ khác ra ngoài bãi rác. Tấm ảnh chụp chung giữa cô và anh - vật chứng còn lại của tình yêu sinh viên nghèo nàn, mơ mộng - có nên bỏ nốt hay không? Cô ngần ngại, chậc lưỡi nhét xuống đáy túi.

***

Người thợ sửa đường ống nước đã ra về. Cô giật cầu giao, khóa cửa. Cô sẽ gửi chìa khóa nhờ bạn chuyển tới cho chị khi chị trở về. Anh rể cô cũng sẽ trách cô rất nhiều, vì anh đã bỏ công tìm việc cho cô, dặn cô chờ chừng hai tháng nữa sẽ có quyết định. Anh nhắc đi nhắc lại “Đó là một việc ổn định và vừa sức với dì”. Cô muốn cảm ơn anh, nhưng lòng cô không còn nhiều thôi thúc.

Thành phố này không phải là nơi dành cho cô. Cô không cảm nhận được những yêu thương từ đó. Cần phải trở về nơi cô đã ra đi.

Cô chưa hình dung nơi ấy đón cô như thế nào, nhưng chắc chắn nó sẽ không từ chối.

Cô sẽ bắt đầu một hành trình mới, không anh.

 

V.A.T