Tranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương Kỳ

01.06.2019

Tranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương Kỳ

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2015-21/6/2019) và chào mừng Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2019, Hội Nhà báo Đà Nẵng phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây nguyên, Tạp chí Văn Hiến Việt Nam và Tạp chí Đô thị & phát triển tổ chức cuộc triển lãm Tranh nghệ thuật mang chủ đề Ký ức phố phường của nhà báo - họa sĩ Trần Trung Sáng.

Triển lãm diễn ra tại tiền sảnh cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (81 Quang Trung, Đà Nẵng) gồm 40 tác phẩm thể hiện chất liệu giấy báo, với một phong cách khá phóng túng và mới lạ. Dịp này chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc vài cảm nhận của nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Phương Kỳ về phòng tranh này.

Vào những năm cuối thập niên 80 và đầu 90, Đà Nẵng bỗng nhiên nhộn nhịp hẳn với các sinh hoạt nghệ thuật, mà, triển lãm tranh là một sự kiện hấp dẫn thu hút sự quan tâm của giới thưởng ngoạn. Địa chỉ đắt giá nhất được chọn để trưng bày tranh tượng là Nhà Thông tin ở số 84 Hùng Vương. Những họa sĩ chuyên nghiệp và tài tử đều ưa thích bày tranh ở đó, đủ các loại chất liệu, màu nước, mực nho, sơn dầu, lụa... Trần Trung Sáng đã tham gia vào “giai đoạn hưng thịnh” của hội họa Đà Nẵng thời gian khó ấy, bằng một bút pháp riêng với một ngôn ngữ riêng: anh chọn tranh dán; và cũng bày tranh ở địa chỉ trên: một góc phố nghèo rạo rực những giấc mơ sáng tạo nghệ thuật.

Nghệ thuật tranh dán (collage) đã xuất hiện từ xa xưa trong các nền nghệ thuật ở phương Đông cũng như Tây; chúng góp phần đáng kể tạo nên vẻ đẹp tân kỳ của tranh hiện đại với sự sáng tạo của các danh họa phương Tây hồi đầu thế kỷ 20. Tranh collage tiếp cận với vẻ đẹp bình dị, nó xử dụng những vật liệu đơn sơ gắn liền với sinh hoạt hằng ngày nên mang đậm hơi thở cuộc sống.

Trần Trung Sáng đam mê nghệ thuật từ thiếu thời. Anh đã có thơ, truyện ngắn đăng ở các tạp chí văn nghệ Sài Gòn trước 1975. Anh mê những “tác phẩm nổi loạn”, những “con người phản kháng”, được phổ biến ở miền Nam trên các phương tiện truyền thông đương thời khi mới được kỹ nghệ hóa, đó cũng là trào lưu thời thượng của tuổi trẻ những năm 1965-75. Và, cái hơi hám của thời trai trẻ ấy còn lưu nét rất rõ trong tranh hiện nay của Sáng.

Đà Nẵng gắn bó với nghệ thuật của Sáng từ thời trẻ, và có lẽ, cho đến cuối cuộc chơi. Trên cái suy tàn và phát triển của phố phường, anh chọn một giọng điệu nhẹ nhàng thể hiện trong một thủ pháp nghệ thuật vừa gợi vừa tả... để diễn đạt những biến động trong tâm thức anh về chốn yêu thương.

Gam màu đỏ ray rứt của Bài thơ về nàng Maja kích động tâm thức rạo rực một giấc mơ cuối. Sự tương phản của các tông màu tạo nên một chiều kích chuyển động giữa cõi sinh và cõi tử: cái hốt hoảng của sáng tạo nghệ thuật... Nàng đã đến và đi trong một mùa trăng nước xanh...

Đêm pháo hoa rạng rỡ lồng trong cái tĩnh lặng mênh mông huyền ảo của đôi mèo ngắm trăng bên cửa sổ. Âm thanh huyễn hoặc chừng vang vọng từ cây đàn bỏ quên trong bóng tối thời gian. Những đường phố... những mái nhà... thực ảo... chiếc cầu mộng du trên dòng sông ký ức... Cái đẹp hiện thực siêu thực trong tranh của Sáng đến dịu dàng như một cơn mưa mùa hạ; nghệ sĩ tạo nên cái có từ cái không... Vì, tất cả đều mong manh... vô tích... mang vẻ đẹp của “nhạn quá trường không/ảnh trầm hàn thủy...”  ...Của màu xanh con nước mùa trăng!

T.P.K

Bài viết khác cùng số

Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn TiếngPhước Trà một thuở - Nguyễn Bá ThâmBiền dâu sông lụa - Kỳ NamCó một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc GiaoThailand du ký - Mai Hữu PhướcCon yêu của mẹ - Outhine BounyavongĐồng tiền rong chơi - Nguyễn Thị Liên TâmĐêm pháo hoa - Đoàn Thạch BiềnNgười đàn bà với chiếc gương soi - Thiều HạnhThơ Nguyễn Tấn SĩNgày bình yên - Nguyễn Hải LýMột ngày không chờ - Ngân VịnhThơ Nguyễn Đông NhậtThơ Nguyễn Hoàng ThọChú khỉ ở vườn thú - Thanh QuếMong nhạc sĩ Đà Nẵng sinh thành nhiều tác phẩm mới được công chúng đón nhận, yêu thương - PVVề giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangGiao lưu giữa vương quốc Chiêm Thành (Champa) và đế chế Chola dưới triều vua Harivarman và Jaya Harivarman thế kỷ 11 và 12: Dẫn chứng từ lịch sử nghệ thuật - Trần Kỳ PhươngKiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)Nữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị TrangTranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương Kỳ