Có một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc Giao

01.06.2019

Có một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc Giao

Tôi sinh ra và lớn lên nơi đây, nơi có một dòng sông chảy giữa lòng thành phố. Ngày đó, tôi còn bé lắm, hay theo cha đến cơ quan. Cha tôi làm việc tại Đài Truyền hình, nơi này nhìn ra thấy một dòng sông trôi. Nhà tôi thời đó còn ở dưới chân núi Sơn Trà, nên mỗi khi đến cơ quan, cha tôi phải đi một đoạn đường khá xa. Đáng nói là ngày ngày cha tôi phải đi trên một chuyến phà để qua sông.

Các bạn trẻ ở thế hệ 9X chỉ có thể nghe kể lại, chứ khó mà hình dung phà là gì, nó ra sao? Riêng tôi, tôi nhớ rõ. Đó là một chiếc tàu rất to được đóng bằng gỗ mộc. Mỗi lần muốn sang sông, chúng tôi phải đi qua một cái cổng, qua hết cổng này chúng tôi phải chờ để được lên phà. Có hai chuyến phà sang ngang như thế, chuyến nào cũng tấp nập người, có lúc nó nghiêng nghiêng cứ như chực lật úp xuống sông. Phà chở đầy người đi: Đi làm, đi học, đi buôn, nhiều nhất là những gánh cá được đưa từ biển sang bờ bên kia để bán.

Ký ức của tôi về chuyến phà thật nên thơ, dù ngày đó, mỗi khi đứng chờ phà cập bến, tôi luôn nhìn thấy những nỗi âu lo, bồn chồn, bực bội, hiện rõ trên từng gương mặt người. Họ phần lớn là người dân lao động, nhọc nhằn, tất tả mưu sinh. Riêng tôi, tôi thích lắm. Mỗi khi đứng trên chuyến phà, tôi cố tình đứng sát lan can, nhìn xuống sông. Tôi nhớ, dòng sông ngày đó xanh ngắt một màu. Tôi say sưa tưởng tượng rằng, có một nàng tiên cá sẽ ngoi lên mặt nước, chìa bàn tay ra cho tôi nắm và nói “Chào em! Em đi đâu thế?”

 Có một lần cha cho tôi đến Đài truyền hình chơi, tôi hớn hở theo cha xuống phà. Khi phà cập bến, nhất định tôi không chịu lên bờ, tôi muốn đi một vòng nữa, muốn được lênh đênh trên sông. Chiều tôi, cha không lên bến như mọi người, ông ở lại cùng tôi... đi ngược lại bờ bên kia. Tôi thích thú đứng nhìn đàn chim bay lượn trên sông, nhìn chiếc đò ngang nhỏ bé trôi xa xa. Tôi hỏi cha rằng “Đã bao giờ cha nghe sông kể chuyện chưa?” Cha tôi ậm ừ “Nghe rồi, sông nó bảo lo ăn nhiều cho mau lớn. Chiều lại nhớ mặc áo ấm cho đỡ hen suyễn” Biết cha chọc mình, tôi cười khanh khách...

Chớp mắt, đã mấy mươi năm trôi qua. Hai chuyến phà ngang năm xưa giờ đã là kỷ niệm của một thời khó khăn của người dân thành phố. Riêng tôi, đó là một kỷ ức rất đỗi nên thơ.

Thành phố với nhịp sống hiện đại, phát triển từng ngày. Còn đâu làng nhà chồ tối tăm, rách nát? Còn đâu những chuyến đò ngang chiều chiều lững lờ trôi? Còn đâu những chuyến phà chầm chậm cập bến? Còn đâu mỗi buổi hoàng hôn trên sông, tôi tựa cằm vào lan can nhìn xuống lòng sông, thầm thì trò chuyện với nàng tiên cá trong tưởng tượng?

Những chuyến phà đã thay bằng những cây cầu rực sáng. Làng nhà chồ tối tăm đã trở thành một khu phố hiện đại và sầm uất.

Đêm nay, tôi lang thang ra bến sông. Vẫn là mảnh trăng thuở nào treo chênh chếch, in bóng xuống lòng sông. Vẫn là những cơn gió mặn mòi sông ban tặng cho người dân nơi đây. Tôi như nhìn thấy tuổi thơ của mình ùa về, vấn vít bên sông.

Tôi chạy dọc trên bờ Đông, nhìn sang bên kia bờ Tây, thành phố về đêm sáng rực ánh đèn. Đến đoạn gần cuối sông, trên kia là chiếc cầu dây văng bắc ngang, đẹp lung linh. Chiếc cầu đã mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành xong, nó gần như chỉ dành riêng cho những người lên núi... Chợt tôi dừng lại, không thể chạy tiếp. Bến sông năm xưa, nơi những con đò chiều dừng lại làm bến đỗ. Bến sông tụi trẻ con nơi đây chiều chiều chạy đuổi theo những con còng gió, giờ là một khu đất được đắp lên, chiếm mất một lòng sông. Khu đất đang được cày xới, trên đó la liệt những máy móc, xe cẩu, xe nâng. Tôi cảm giác như nó đang nhìn tôi gườm gườm hỏi “Vào đây làm gì?!”.

Tôi lang thang ra tận mép sông, ven bờ lác đác vẫn còn những bụi cỏ dại, đâu đó mấy bông hoa Xuyến Chi héo rũ xuống, buồn hiu. Khúc này, hình như sông đã không còn chảy nữa, không còn chảy được nữa... Sông ngừng lại, thở than.

Tôi thấy lòng chùng xuống, bâng quơ buồn một nỗi không tên... Nơi này, sông cất giữ của tôi nhiều kỷ niệm. Nơi này, hồn tôi đã có một thời neo đậu, khi chiều chiều trên chuyến phà trở về cùng cha.

Đêm, những ánh đèn vàng soi xuống lòng sông, sáng như những mắt người. Bất giác, tôi thấy đó là những “con mắt” của sông. Những con mắt ươn ướt, u uất nhìn tôi như hỏi “Bạn gọi tôi là ký ức, gọi tôi là tuổi thơ ư? Nếu một ngày không xa, tôi ngừng chảy, tôi sẽ chết. Bạn có cứu tôi không?” Tôi yên lặng. Sông cũng yên lặng.Tôi ngước nhìn trời cao. Đêm nay, bầu trời hình như cũng cao hơn, xa tôi quá đỗi. Đêm nay, tôi ra sông, tìm lại bóng dáng thuở tôi còn bé... Vẫn là dòng sông thuở ấy, nhưng đâu còn kể cho tôi nghe chuyện về một nàng tiên cá xinh đẹp muốn lên bờ, đâu còn hát ru tôi những khúc hát mà chỉ có tâm hồn trẻ thơ mới hiểu được. Đêm nay, sông lặng yên... Hình như sông đang khóc rưng rức...

Tôi trở về, con phố như dài ra dưới ánh đèn đêm, bước chân tôi nặng trĩu. Bên tai tôi, một con gió vô tình thổi qua, tóc tôi rối bời và lòng tôi gợn sóng. Con gió lại mang câu hỏi của sông đến bên tôi, câu hỏi mà tôi chưa trả lời với sông “Nếu một ngày không xa, tôi ngưng chảy, tôi sẽ chết. Bạn có cứu tôi không?”.

V.N.G

Bài viết khác cùng số

Thailand du ký - Mai Hữu PhướcĐồng tiền rong chơi - Nguyễn Thị Liên TâmĐêm pháo hoa - Đoàn Thạch BiềnCó một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc GiaoBiền dâu sông lụa - Kỳ NamPhước Trà một thuở - Nguyễn Bá ThâmCon yêu của mẹ - Outhine BounyavongLiên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn TiếngThơ Nguyễn Tấn SĩNgười đàn bà với chiếc gương soi - Thiều HạnhNgày bình yên - Nguyễn Hải LýMột ngày không chờ - Ngân VịnhThơ Nguyễn Đông NhậtThơ Nguyễn Hoàng ThọChú khỉ ở vườn thú - Thanh QuếGiao lưu giữa vương quốc Chiêm Thành (Champa) và đế chế Chola dưới triều vua Harivarman và Jaya Harivarman thế kỷ 11 và 12: Dẫn chứng từ lịch sử nghệ thuật - Trần Kỳ PhươngMong nhạc sĩ Đà Nẵng sinh thành nhiều tác phẩm mới được công chúng đón nhận, yêu thương - PVVề giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangKiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)Nữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị TrangTranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương Kỳ