Thailand du ký - Mai Hữu Phước

01.06.2019

Thailand du ký - Mai Hữu Phước

Thức giấc ở Chiang Mai

Ban mai thức giấc, định lấy đồ xuống biển tắm. Nhưng chợt nhận ra mình đang ở trên một phố núi ở miền Bắc Thailand.

Chiang Mai là một đô thị cổ. Đây là kinh đô của Vương quốc Lanna độc lập. Nó được xây dựng vào những thập niên đầu thế kỷ XIII. Vương quốc Lanna chỉ tồn tại đến giữa thế kỷ thứ XVI. Với những gì còn lại cùng thời gian, ngày nay, Chiang Mai mệnh danh là Trung tâm Văn hóa và Tín ngưỡng.

Tối qua, từ Bangkok bay sang đã gần lúc nửa đêm. Chuyến bay đã được book trước mấy tháng. Giá rẻ. Ở quầy Taxi Meter trong sân bay họ bảo 4 người thì phải gọi xe taxi TO với giá 250 bahts. Trong khi xe taxi NHỎ chỉ với giá 150 bahts. Không biết xe taxi NHỎ ở đây có nhỏ như ở New York (Hoa Kỳ) chỉ chở được 2 người. Sau vài phút lưỡng lự, mọi người đồng ý mang hành lý và kéo vali ra ra sân với một chút hào hứng của dân đi “phượt”.

May mà gặp một nhân viên sân bay có đeo phù hiệu biết nói tiếng Anh. Sau khi xem địa chỉ nơi cần đến (trong tầm 6 km) và ra giá 200 bahts. Chúng tôi “mặc cả” 150 bahts thì nhận được cái gậy đầu ok. Người này gọi một tài xế taxi và nói điều gì đó bằng tiếng Thailand. Rồi đi làm công việc của mình. Người tài xế taxi xem lại địa chỉ của chúng tôi trên điện thoại.

Chúng tôi không biết tiếng Thailand và người tài xế taxi không nói được tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Cả 2 chỉ có mỗi một dòng chữ làm cầu nối chung. Đó là tên gọi của nhà trọ mà chúng tôi đăng ký

thuê qua mạng: Kamala's Boutique Guesthouse. Ban đầu, anh ta tỏ vẻ lưỡng lự. Tuy nhiên, khi chúng tôi cho xem tên của một khách sạn lớn ở mặt phố gần đó, anh ta không ngại ngần nổ máy xe và hăm hở di chuyển. Xe chạy ra đường. Vụt qua bên trái. Một chút cảm giác hồi hộp ập đến cho mọi người, vì xe cứ chạy bên... trái đường. Luật giao thông ở đây là vậy!

Sau khi trả tiền cho người chạy taxi, chúng tôi mang xách, kéo vali và đối diện với 2 hẻm phố kề nhau. Một trong hai con hẻm đó sẽ có chỗ chúng tôi cần tìm. Đứa con gái lớn nhanh nhẩu bảo, để con chạy vào xem sao. Mắt nó tinh tường quan sát được xa hơn và nhiều hơn mắt tôi nên chỉ còn là sự đồng ý.

Nó rảo nhanh về phía trước, được vài chục mét thì quay lui và reo lên: Đúng rồi! Đúng rồi! Lúc này kim đồng hồ đã nhích gần về con số “không”. Ngày mới đang hé mở từ bóng đêm của hôm trước...

Chùa cổ ở Chang Mai

Người ta nói, Chiang Mai là “nhà” của những ngôi chùa. Điều đó thật chẳng ngoa chút nào. Sau điểm tâm tại một quán ven đường buổi sáng ngày đầu tiên ở Chiang Mai, chúng tôi bắt đầu lang thang khám phá những ngôi chùa.

Chùa to, chùa nhỏ, chùa cao, chùa thấp với đủ kiểu, đủ màu. Đi hướng nào, đường nào quanh phố Chiang Mai cũng đều “đụng” chùa. Có lẽ, phải mất hàng tháng trời mới xem qua hết những ngôi chùa ở Chang Mai. Chúng tôi quyết định chỉ viếng thăm vài ngôi chùa lớn vào cửa tự do. Và thăm một ngôi chùa mà qua cổng phải trả tiền. Đó là chùa cổ Chedi Luang. Tiền vé phải trả cho mỗi người là 40 bahts (khoảng 30 ngàn đồng).

Chùa cổ Chedi Luang nằm lẩn khuất trong một khu phố cổ. Vượt qua sự nhộn nhịp của xe tuk tuk, nhà hàng, khách sạn, các shop và hàng quán, đi men theo một con phố hẹp để đến khu vực mua vé vào chùa. Bước vào khuôn viên chùa, người xem ngay lập tức choáng ngợp trước một báu vật được tạo tác từ bàn tay con người. Tuy chùa không còn nguyên vẹn, phần đỉnh của chùa đã bị sụp đổ bởi những cơn động đất từ nhiều thế kỷ trước, nhưng phần còn lai của chùa thừa đủ để nói lên tầm vóc và sự nguy nga tráng lệ khi mới được xây dựng.

Chùa cổ Chedi Luang đứng sừng sừng như một cổ tháp Champa. Mặc dù không còn nguyên vẹn, nhưng chùa không có vẻ gì là phế tích. Nơi đây, người ta không cảm nhân đâu là sự hoang tàn. Chùa cổ được trùng tu ở một giới hạn nhất định và được chăm sóc một cách cẩn thận. Khi mới xây, chùa có rất nhiều tượng voi. Nay chỉ còn lại hơn chục tượng voi. Đó là những bức tượng voi tinh xảo và sống động, hiếm thấy ở những nơi khác. Trong chùa, trên tầng hai là nơi trưng bày những bức tượng Phật bằng vàng. Nhiều du khách, thành kính đứng chắp tay hướng về phía chùa và khấn nguyện. Chiều tà, sắc chùa phủ một màu tro huyền bí...

Gặp những người phụ nữ cổ dài

Cứ tưởng, những người cổ dài đến từ những trang sách. Thậm chí, một số người cho đó là sản phẩm của sự tưởng tượng mang tính màn bạc. Nhưng không, dù khó hình dung, khó hiểu và thậm chí không thể hiểu nổi và cũng không cần hiểu... Người cổ dài đang ngay trước mặt chúng tôi, nói cười và có thể xin phép chạm tay họ một cách lịch sự để biết rằng đó chính là sự thật!

So với những người cổ... dài, tuyệt đại đa số chúng ta là những người cổ... ngắn. Trừ loài hươu cao cổ trời sinh ra đã có chiếc cổ dài. Con người sinh ra, ai cũng bình đẳng là... cổ ngắn! Tuy nhiên, do phong tục, do tập quán, do quan niệm, hoặc do bí mật nào khác của tạo hóa mà có một bộ phận rất ít và rất hiếm của loài người từ nhỏ đã được làm cho chiếc cổ ngày càng dài ra.

Điều lạ là tất cả những người cổ dài đều mang nữ tính. Từ lúc 5-6 tuổi, họ được cha mẹ cho đeo những chiếc vòng vào cổ. Cùng với thời gian, số vòng đeo cổ ngày càng gia tăng. Phần dưới đầu của họ luôn gối lên những chiếc vòng.

Nói một cách khác sinh động hơn, đầu của những người phụ nữ này luôn phải ngoi lên khỏi những chiếc vòng để cổ họ ngày càng được dài ra. Việc luôn luôn đeo một đống vòng ở cổ chỉ tưởng tượng thôi cũng chẳng hề dễ chịu chút nào. Nhưng tại sao họ lại làm được điều kỳ diệu đó. Câu trả lời chẳng hề giản đơn chút nào như người ta vẫn thường giải thích.

Người cổ dài chỉ có một bộ lạc duy nhất xuất hiện từ xa xưa thuộc đất nước Myanma. Họ sống rất sâu trong rừng. Gặp họ là điều cực kỳ khó khăn. Song, do những biến động xã hội, dòng chảy lịch sử đã xô đẩy một phần trong số họ đến mưu sinh trên đất Thailand và hình thành nên một bộ phận mà ngày nay người ta được biết với cái tên Làng Cổ Dài (Long Neck Village) ở Thailand.

Làng Cổ Dài nằm trong một thung lũng núi thuộc tỉnh Chiang Rai, ở phía Bắc Thailand. Từ khu vực trung tâm phổ cổ Chiang Mai phải mất hơn 3h đi ô tô mới đến được nơi cần thoả trí tò mò.

Giá vé đi theo tour từ Chang Mai đến Chang Rai là 1200 bahts (khoảng hơn 750 ngàn đồng) cho một người đi lẻ. Nếu đi nhiều hơn 1 người có thể thương lượng giảm bớt. Chúng tôi đi 4 người nên giá vé chỉ còn 1100 bahts cho mỗi người. Cùng đi trong đoàn trên xe có 4 người Hà Lan và 4 cô gái trẻ người Trung Quốc. Trông tất cả đều khá lịch sự. Cô hướng dẫn viện nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung nên miệng cứ chuyển ngữ liên hồi.

Buổi chiều, trong làng người cổ dài, trời mưa nhỏ. Giữa các dãy nhà làm hàng quán, dệt vải và đón khách du lịch là khoảng đất trống bề ngang chừng hơn 2 mét. Mặt đất đỏ loang loáng nước trơn như thoa dầu. Vài tây ba lô nam nữ di chuyển qua lại vội vàng, bất cẩn xoạc chân như bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương ngày xưa từng xoạc.

Khám phá Safari World

Sau 3 ngày rong ruổi ở Chang Mai, chúng tôi bay ngược trở về Bangkok và dành trọn một ngày để khám phá Safari World - tạm dịch là Thế giới hoang dã. Lúc 8 giờ sáng, chúng tôi ai nấy đều sẵn sàng cho một ngày đi nhiều, thấy nhiều và tất nhiên cũng sẽ mỏi tay nhiều để chụp ảnh. Đi bộ ra một quán ăn ở góc đường cách không xa khu cao ốc mà chúng tôi thuê căn hộ ở trọ, ai nấy đều lằn chặt bụng với món Egg noodle with soup - một loại xúp làm bằng chả cá viên khá ngon vì hợp khẩu vị. Rời quán, chúng tôi gọi một chiếc taxi ra đường cao tốc và thẳng tiến Safari World. Cả xe rộn ràng với người tài xế Thailand vui tính và nói tiếng Anh thông thạo. Ở chặng đầu của đường cao tốc, taxi đổ xịch trước trạm thu phí và chúng tôi phải móc ví trả 50 bahts tiền đường. Sau đó còn phải trả tiền ở 2 trạm thu phí khác lần lượt là 25 bahts và 30 bahts. Gần 1 giờ xe lướt êm ru, chúng tôi đặt chân đến cổng vào Safari World. Người tài xế taxi sau khi nhận tiền tính theo km đường, nhanh chóng dẫn chúng tôi tới xếp hàng trước quầy vé để đưa code (mã số) đổi lấy vé vào cổng. Từ Việt Nam, trước đó nhiều tuần chúng tôi đã mua vé vào Safari Word với giá khoảng 500 bahts/người. Nhưng nếu đến đây xếp hàng mua trực tiếp sẽ phải trả với giá là 700 bahts cho 1 người lớn. Tại quầy vé chúng tôi lấy tấm bản đồ Safari Word và lịch diễn các chương trình ở trong đó. Thời gian mở cửa Safari Word kéo dài từ 9h sáng đến 5h chiều và có 8 chương trình biểu diễn nghệ thuật người và thú. Theo kinh nghiệm của các “phượt thủ” chỉ nên chọn 6 chương trình mới đủ thời gian di chuyển giữa khu rừng mênh mông mà lắm người vừa đi vừa chạy cho kịp giờ kẻo chậm chân thì tiếc.

Với chúng tôi, 2 chương trình mang lại nhiều cảm giác lạ lẫm và thú vị nhất là xiếc hải cẩu (Sealion show) xem vào lúc gần trưa và xiếc chim (bird show) xem vào cuối buổi chiều. Thuộc nhóm người đến sớm nhất để xem show hải cẩu, chúng tôi ngồi ở khu chính giữa, ngay hàng ghế đầu tiên. Đây là vị trí xem thuận lợi nhất. Tới giờ diễn, nhìn quanh, người xem đông như kiến. Buổi diễn kết thúc trong tràng pháo tay vang trời. Người xem cũng lũ lượt rút nhanh đi tìm xem show khác. Trong khi đó các nhân viên của nhóm xiếc ra sức mồi chài du khách chụp hình lưu niệm với những chú hải cẩu. Bảng giá cầm tay ghi rất rõ và rất to là 500 bahts.

Trong dòng người rời sân xiếc, lúc chúng tôi đi ngang chỗ các nhân viên đứng vẫn chưa có ai móc ví cho vụ chụp hình tốn kém này. Bỗng nhiên một cánh tay đưa ra vẫy chúng tôi với tiếng nói dồn dập rất rõ “free... free” (miễn phí, miễn phí). Trời ạ, đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, chúng tôi đâu có đủ can đảm để từ chối, nên nhanh chóng bước lên sân khẩu trong sự tán dương và dừng lại xem của nhiều người. Hai chú hải cẩu, một lớn một nhỏ điệu như củ kiệu nhanh chóng theo lệnh làm dáng chụp hình chung với chúng tôi. Một nhân viên đoàn xiếc vui vẻ giúp chúng tôi bấm xoèn xoẹt nhiều kiểu ảnh. Thật là một kỷ niệm nhớ đời.

Buổi trưa, chúng tôi mua vé xe vào rừng xem nhiều loại thú quý hiếm quy tụ từ khắp nơi trên thế giới. Người ta đã tạo cho chúng một môi trường tự nhiên hoang dã nhất để sinh tồn. Từ trên xe, chúng tôi chỉa ống kính về phía thế giới tự nhiên và nhá máy không ngừng. Nào là bầy hổ phơi mình tắm nắng như mèo ngoan. Nào là bác gấu già lơ đểnh. Nào là những chị hươu cao cổ ngơ ngác, hiền lành. Nào là bầy chim hồng hạc thanh cao, lộng lẫy. Nào tê giác, hà mã, báo, trăn... Tất cả đều hiện hữu trước mặt, chứ không phải là giấc thời thơ ấu. Một Safari open zoo (vườn thú mở hoang dã) sống động và thú vị.

Mở màn cho bird show là những chú chuột bạch chơi trò đuổi bắt lòng vòng như trẻ nít. Rồi một bầy chim từ phía sau bay ra chào đón mọi người. Tiếp đến một bầy chim hạt chân dài ngoẵng nối đuôi nhau diễu hành qua khoảng đất trống phía trước mặt người xem. Rồi một chú chim két cổ đỏ xuất hiện trên khán đài bóc từng tấm giấy để lộ dần chữ W-E-L-C-O-M-E (chào mừng). Kế đến là một chú chim trông lí lắc, đứng trên quả bóng tròn và lăn cho bóng chạy. Cứ thế lần lượt lăn 4 quả bóng với kích cỡ nhỏ dần. Nó khéo léo như một diễn viên xiếc thạo nghề. Nhưng gây ngạc nhiên nhất là một chú chim biết chữ và biết... ngoại ngữ. Ban đầu nó rút từ trong xấp hình ra ảnh của một con ngựa vằn, rồi đến đống chữ tìm lần lượt các chữ cái ghép thành ZEBRA (ngựa vằn). Chữ “B” nó tìm ra sau cùng và đưa đúng vào vị trí chính giữa khiến cho ai nấy đều ồ lên thán phục. Chim bay đậu lên vai người huấn luyện. Bảo nó nói một câu tiếng Anh, nó “chém” ngay một câu tiếng Anh, nghe mà kinh ngạc. Cũng câu đó nó “dịch” ra tiếng Thái. Rồi lại diễn trò như bắt chước tiếng gà gáy, mèo kêu, chó sủa... Ôi thôi “mệt” với chú chim thông thái này quá!

Safari World mang đến cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị mà lúc chia tay ai cũng muốn hẹn lòng sẽ có một ngày quay trở lại.

M.H.P

Bài viết khác cùng số

Thailand du ký - Mai Hữu PhướcĐồng tiền rong chơi - Nguyễn Thị Liên TâmĐêm pháo hoa - Đoàn Thạch BiềnCó một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc GiaoBiền dâu sông lụa - Kỳ NamPhước Trà một thuở - Nguyễn Bá ThâmCon yêu của mẹ - Outhine BounyavongLiên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn TiếngThơ Nguyễn Tấn SĩNgười đàn bà với chiếc gương soi - Thiều HạnhNgày bình yên - Nguyễn Hải LýMột ngày không chờ - Ngân VịnhThơ Nguyễn Đông NhậtThơ Nguyễn Hoàng ThọChú khỉ ở vườn thú - Thanh QuếGiao lưu giữa vương quốc Chiêm Thành (Champa) và đế chế Chola dưới triều vua Harivarman và Jaya Harivarman thế kỷ 11 và 12: Dẫn chứng từ lịch sử nghệ thuật - Trần Kỳ PhươngMong nhạc sĩ Đà Nẵng sinh thành nhiều tác phẩm mới được công chúng đón nhận, yêu thương - PVVề giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangKiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)Nữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị TrangTranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương Kỳ