Biền dâu sông lụa - Kỳ Nam

01.06.2019

Biền dâu sông lụa - Kỳ Nam

Dải đất miền Trung từng có một làng lụa, tương truyền rằng có một bà chúa hái dâu, dẫu không lừng lẫy như Ỷ Lan Nguyên Phi nhưng cũng dạy dân làm nên một làng quê lụa, cũng đã một thời ngàn dâu xanh ngát bên Bến đò tơ: lụa Mã Châu.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã đến Hội An vào cuối năm 1624, đã nhìn thấy như vậy và ông nhận xét: “Ở Đàng Trong nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”.

Tận mắt nhìn những cánh đồng trồng dâu để nuôi tằm ươm tơ ở Xứ Quảng mà giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn năm 1618, đã ghi chép lại: “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn có nhiều đến nỗi cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, loại tơ này tuy không thanh mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều”.

Có ai làm một cuộc nghiên cứu để biết xem ở cái đất nước bé nhỏ phương Nam này đã từng có một vùng tằm tang tinh xảo, và biết đâu đã có không ít những súc lụa Mã Châu đã đi dài theo Con đường tơ lụa lừng danh?

Quảng Nam từ lâu đã nức tiếng với lụa một thời đóng góp vào sự cực thịnh của thương cảng Hội An 300 năm trước, tạo nên con đường tơ lụa trên biển của người Việt. Lụa Việt theo chân những thương nhân Việt - Nhật đi đến tận một làng cổ xa xôi của xứ sở hoa anh đào và ở lại đó, làm nên một ngôi làng cổ kính lừng danh trên đất Phù Tang bằng loại vải dệt với hoa văn sọc xanh đặc trưng mà dân làng vẫn trân trọng nhắc nhớ nguồn gốc chính là từ xứ Quảng Nam xa xôi nước Việt.

Xứ Quảng, những bãi biền bên sông Thu Bồn là vùng tằm tơ của Đàng Trong, gắn liền với câu chuyện của cô gái hái dâu trở thành hoàng hậu, khi qua đời đã được dân tôn thành một vị Mẫu: bà chúa tằm tang Đoàn quý phi.

Người con gái hái dâu trở thành giai thoại tình sử với chúa Nguyễn Phúc Lan và được dân tôn thờ như bà tổ nghề tằm tang vì đã có công tạo tác, khuyến khích con dân theo nghề ươm tơ dệt lụa tại những ngôi làng ven hai con sông lớn Thu Bồn, Vu Gia của xứ Quảng.

Những cô gái ngày nay dường như không mấy ai biết cái cảm giác tinh tế của tà áo lụa. Là nói về thứ lụa thật sự, được ươm từ trăm vạn sợi tơ kéo ra từ kén tằm, dệt trên khung cửi có những thoi tơ óng chuốt ấy.

Để tạo ra lụa, từng công đoạn đều làm bằng tay, cẩn thận, tỉ mỉ. Để dệt được tấm lụa đẹp, cô gái bên khung cửi sẽ xâu dây xà vào bàn xà. Việc xâu dây tưởng như đơn giản nhưng là yếu tố quyết định để tạo ra họa tiết cho tấm lụa dệt thành.

Hàng ngàn sợi dây được xuyên qua lỗ nhỏ một cách cẩn thận và chính xác. Cô gái dệt lụa thuộc lòng vị trí của từng sợi tơ. Sự cầu kỳ của manh lụa không chỉ nằm ở ngàn vạn sợi tơ mà còn nằm ở một chuỗi miếng bìa họa tiết mẫu dệt.

Đây là yếu tố nhà nghề quyết định hoa văn, họa tiết của tấm lụa.

Trong một góc khác thì tơ tằm được cuốn vào từng ống để chuẩn bị cho việc dệt vải. Từng ống tơ đó là kết tinh bao nhiêu công sức của người “nuôi tằm ăn cơm đứng”.

 

Vẫn nên chăng gọi nhau mỗi người một tay giữ lại màu áo lụa nguyên sơ từ huyền sử tằm tang nước Việt. Khó gì đâu để mỗi người phụ nữ tự nâng niu mình trong một tấm áo lụa tà bay, trang trọng.

Sẽ yêu lắm khi mỗi người mẹ gửi gắm vóc hình cô con gái mình vào một tấm áo dài lụa dệt nên từ làng lụa quê hương, không mỏng mảnh rẻ tiền như lụa Tàu dệt máy, nhưng dịu dàng đằm thắm từ thoi tơ óng chuốt của kén tằm.“...thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng” (Nguyên Sa).

K.N

Bài viết khác cùng số

Thailand du ký - Mai Hữu PhướcĐồng tiền rong chơi - Nguyễn Thị Liên TâmĐêm pháo hoa - Đoàn Thạch BiềnCó một dòng sông... không chảy - Vũ Ngọc GiaoBiền dâu sông lụa - Kỳ NamPhước Trà một thuở - Nguyễn Bá ThâmCon yêu của mẹ - Outhine BounyavongLiên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI - Bùi Văn TiếngThơ Nguyễn Tấn SĩNgười đàn bà với chiếc gương soi - Thiều HạnhNgày bình yên - Nguyễn Hải LýMột ngày không chờ - Ngân VịnhThơ Nguyễn Đông NhậtThơ Nguyễn Hoàng ThọChú khỉ ở vườn thú - Thanh QuếGiao lưu giữa vương quốc Chiêm Thành (Champa) và đế chế Chola dưới triều vua Harivarman và Jaya Harivarman thế kỷ 11 và 12: Dẫn chứng từ lịch sử nghệ thuật - Trần Kỳ PhươngMong nhạc sĩ Đà Nẵng sinh thành nhiều tác phẩm mới được công chúng đón nhận, yêu thương - PVVề giáo dục âm nhạc cho trẻ em - Trương Đình QuangKiến trúc đền tháp Ấn Độ: Đóng góp cho di sản thế giới thông quađền tháp Hindu Giáo ở Champa (Việt Nam) - Rakesh Tewari(*)Nữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - Đinh Thị TrangTranh Trần Trung Sáng: một hiện thực siêu thực - Trần Phương Kỳ