Tiếng khóc thấu trời của một trái tim nhân đạo lớn

02.11.2020
Chế Diễm Trâm

Tiếng khóc thấu trời của một trái tim nhân đạo lớn

 

Nguyễn Du (1765 - 1820) được mệnh danh là đại thi hào dân tộc, có lẽ chủ yếu là vì kiệt tác Đoạn trường tân thanh (người Việt Nam quen gọi là truyện Kiều) viết bằng chữ Nôm. Tuy nhiên, Nguyễn Du ngoài những tác phẩm bằng chữ Nôm, còn nhiều sáng tác viết bằng chữ Hán, tập hợp trong ba tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

Trong chương trình Ngữ văn (lớp 10) hiện hành, cả chương trình nâng cao lẫn cơ bản đều chọn bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Tố Như Nguyễn Du để học sinh đọc hiểu văn bản tác phẩm, hiểu thêm về tác gia Nguyễn Du, về tài thơ lẫn tâm hồn giàu yêu thương của bậc đại thi hào của dân tộc.

Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký được rút từ tập Thanh Hiên thi tập - tập thơ được sáng tác chủ yếu trong giai đoạn “mười năm gió bụi”, khi nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du bỏ kinh đô, về sống lẩn tránh ở quê vợ (Thái Bình) và quê nhà (Hà Tĩnh). Trước đây, cũng có ý kiến xếp bài thơ này vào tập Bắc hành tạp lục sáng tác khi ông đi tuế cống Trung Quốc. Thế nhưng từ khi Viện Văn học sang Thư viện Bắc Kinh để tìm hiểu về con đường của đoàn sứ bộ do Nguyễn Du làm Chánh sứ từ năm 1813 đến năm 1814 thì các nhà nghiên cứu đều nhất trí với phương án xếp bài thơ này vào tập Thanh Hiên thi tập.

Thi đề có nhắc đến một cái tên - Tiểu Thanh. Tương truyền, Tiểu Thanh người Quảng Lăng (tỉnh Giang Tô), sống vào đời Minh, nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, tài năng. Năm 16 tuổi, nàng làm lẽ cho Phùng Tử Hư, con nhà hào phú ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang). Bị vợ cả ghen ghét, nàng phải lên núi Cô Sơn ở biệt lập. Trong những ngày buồn khổ cô đơn này, Tiểu Thanh làm nhiều thơ. Lâm trọng bệnh vì buồn đau, Tiểu Thanh chết khi mới 18 tuổi. Tập thơ nàng để lại bị vợ cả đem đốt, chỉ còn sót lại 12 bài trong 2 tờ giấy mà nàng dùng để gói mấy vật trang sức tặng cho con gái một người hầu. Một người họ hàng đem khắc in những bài thơ ấy, nên gọi là Dư cảo.

Tên bài thơ của Nguyễn Du là Độc Tiểu Thanh ký, tạm dịch là Đọc Tiểu Thanh ký. Vậy, Tiểu Thanh ký có thể hiểu là phần Dư cảo nói trên. Nguyễn Du có thể đã đọc những bài thơ còn sót lại của người phụ nữ bạc mệnh, cảm thương mà sáng tác bài thơ. Nhưng, có người cho rằng từ “ký” cần phải hiểu là truyện, là chuyện về Tiểu Thanh. Trong hồi thứ nhất của Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) có nhắc đến Tiểu Thanh - người cùng thời với nàng Vương Thuý Kiều. Tố Như có đọc Kim Vân Kiều truyện ắt biết chuyện Tiểu Thanh và những bài thơ còn lại của nàng.

Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư.

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Có rất nhiều người đã dịch bài thơ nổi tiếng này, trong đó bản dịch của Vũ Tam Tập được nhiều người biết đến:

Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt

còn vương.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?  

Bài thơ mở ra đã bàng bạc không khí buồn bã, lạnh lẽo trong cảm hứng tưởng nhớ, thương cảm. Có thể thấy rõ, trong tác phẩm của Nguyễn Du, khi viết về người phụ nữ, ông đều ca ngợi, thương xót những người người Sắc - Tài - Tình nhưng bất hạnh, hẩm hiu (Thuý Kiều, Đạm Tiên, Tiểu Thanh,...). Ở đây, nhà thơ nhắc đến Tiểu Thanh bằng hai hoán dụ tượng trưng “son phấn” (đẹp) và “văn chương” (tài), vì vậy đời Tiểu Thanh cũng mắc hai nỗi oan khiên: hồng nhan bạc mệnh và tài mệnh tương đố.

Bài thơ này sức khái quát còn được nâng lên một tầm cao nữa khi tác giả ngẫm nghĩ về nỗi hận muôn đời của những người tài: từ Tiểu Thanh mà nghĩ đến “ngã” (tôi, ta) và “cổ kim hận sự” (nỗi hờn kim cổ). Từ niềm thương người (thương nàng Tiểu Thanh) chuyển sang thương thân (thương mình) và thương phận (thương những kiếp tài hoa). Nỗi đau thấu trời ở đây là dẫu có hướng lên cao xanh để hỏi thì vẫn không có lời đáp (thiên nan vấn). Nỗi oan mà nàng và những người văn chương xưa nay vương mang thật phi lý, không sao giải thích được, không sao giải thoát nổi.

Vì thế, bài thơ kết mà như không kết nổi, bởi vì nhà thơ đã kết bằng một câu hỏi cứ lơ lửng:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Câu hỏi buồn thống thiết, vừa tự thương, tự đau cực điểm, vừa diễn tả một nỗi cô đơn giữa thời thế, thời cuộc, thời đại. Đâu phải lo tương lai ba trăm năm sau không ai khóc mình mà chính là nỗi buồn đau cô độc trong hiện tại. Một trái tim nhân đạo lớn như Nguyễn Du làm sao có thể tìm thấy sự bình yên cho tâm hồn giữa xã hội phong kiến nhiều bất công, vô nhân đạo?

Thơ luật Đường vốn hàm súc, qua tài năng Nguyễn Du càng hàm súc cao độ. Bài thơ hàm chứa một tiếng khóc (khấp) lớn, từ ba trăm năm trước (Tiểu Thanh sống cách Nguyễn Du khoảng 300 năm) đến hiện tại rồi hướng tới “Tam bách dư niên hậu” (ba trăm năm sau). Tiếng khóc ấy vượt không gian (sang cả một ngôi mộ tàn bên Tây Hồ), lên cả bầu trời cao xa. Tiếng khóc ấy không dừng ở một thân phận cụ thể mà còn hướng đến muôn người, muôn đời.

Âm điệu bài thơ ai oán, bi phẫn làm tâm hồn người đọc day dứt mãi. Thi ảnh mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đem đến nhiều cách hiểu, nhiều cách tiếp nhận xưa nay. Tưởng mộ một người phụ nữ đời Minh giỏi âm luật thì chọn chữ Hán trong một thể thơ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có thể nói, nỗi niềm tri âm, đồng cảm của tiếng thơ-tiếng lòng (tâm) đã được cộng hưởng trong hình thức nghệ thuật phù hợp (tài).

Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc, không khỏi không nhớ đến một câu chuyện truyền khẩu về phút lâm chung của Người. Năm 1820 (Minh Mạng năm thứ nhất), Nguyễn Du chưa kịp làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần thứ hai thì mắc bệnh trong trận dịch lớn và qua đời, thọ 55 tuổi. Trước khi mất, Tố Như bảo người nhà sờ tay chân, người nhà báo là tay chân đã lạnh, Người bèn đọc hai câu thơ sau rồi mất:

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Vì vậy, có nhà nghiên cứu đã xếp hai câu thơ này vào loại thơ khẩu chiếm của Tố Như Tử. Tưởng niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du, đọc hai câu thơ nói riêng và bài thơ Độc Tiểu Thanh ký nói chung, hậu sinh không khỏi rưng rưng xót xa và trân trọng một nhân cách cao cả, một trái tim nhân đạo thống thiết và một tài năng thi phú bậc thầy của nền văn học dân tộc.

C.D.T