Câu chuyện bảo tàng - Bảo vật quốc gia “Đài thờ Trà Kiệu”

02.11.2020
Võ Văn Thắng

Câu chuyện bảo tàng - Bảo vật quốc gia “Đài thờ Trà Kiệu”

Thông thường, cứ hễ cái gì cũ kỹ, không dùng được nữa thì hay bị trêu là "đưa vào bảo tàng", thực tế thì các hiện vật đưa vào bảo tàng có những giá trị đặc biệt; lắm khi đã bị sứt vỡ, móp méo nhưng vẫn có giá trị cung cấp thông tin hoặc ít ra là một chứng tích cho một thời kỳ văn minh của nhân loại. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (BTĐKC) là nơi đang bảo quản và trưng bày bộ sưu tập đầy đủ nhất về điêu khắc Champa; đầy đủ với ý nghĩa là nó bao gồm các hiện vật tiêu biểu cho các thời kỳ, các chủ đề, các loại hình đa dạng trong lịch sử nghệ thuật Champa. Bài viết này kể câu chuyện về một hiện vật đang trưng bày tại BTĐKC: Đài thờ Trà Kiệu.+

Đài thờ Trà Kiệu đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia trong đợt xếp hạng đầu tiên của Việt Nam (năm 2012)(1). Nhưng từ khi những mảnh vỡ của đài thờ này được thu thập cho đến hình ảnh tổng thể của đài thờ được trưng bày cho du khách chiêm ngưỡng hiện nay là một câu chuyện dài.

Ảnh 1: Các bộ phận của Đài thờ Trà Kiệu

Để dễ theo dõi câu chuyện, xin tạm gọi tên các bộ phận của đài thờ này gồm ba bộ phận (Ảnh 1): (I) dưới cùng là một bệ thờ hình vuông có chạm khắc bốn mặt; (II) trên bệ vuông là 2 thớt đá tròn có chạm khắc hình cánh hoa sen xếp chồng lên nhau, trong đó thớt phía trên (II.B) có vòi dài nhô ra ngoài (như kiểu một máng cối xay bột), cũng được gọi là yoni; (III) một linga đặt ở trung tâm của bệ vuông, xuyên qua hai thớt đá tròn và nhô cao hơn mặt trên của yoni. Ngoài ra có một bộ phận liên quan nằm giữa thớt đá tròn II.A và II.B, không được thể hiện trong ảnh 1, nhưng là một yếu tố dẫn đến nhiều suy luận khác nhau, và đến nay vẫn là một bí ẩn, tạm gọi là bộ phận II.X.

Ảnh 2: Tượng bò Nandin đặt trên nửa bệ vuông Đài thờ Trà Kiệu

Ảnh 3: Tượng thần Laksmi đặt trên nửa bệ vuông Đài thờ Trà Kiệu

Đài thờ này không phải được sưu tầm nguyên vẹn một lúc; những bộ phận của nó đã được thu thập rải rác vào nhiều thời điểm khác nhau và được các nhà nghiên cứu suy luận lắp ghép lại theo những cách khác nhau trong 100 năm qua và lần thay đổi mới nhất là năm 2017. Năm 1901, bộ phận I và II được thu thập từ Trà Kiệu, đưa về công viên thành phố Đà Nẵng (địa điểm BTĐKC hiện nay) và được giới thiệu trên số đầu tiên của Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (BEFEO)(2), kèm theo ảnh một nửa khối đặt dưới tượng bò thần Nandin (Ảnh 2) và một nửa khối đặt dưới tượng thần Laksmi  (Ảnh 3).

Ảnh 4: Bản vẽ phục dựng Đài Thờ Trà Kiệu của H.Parmentier

Đến năm 1909, Henri Parmentier đã miêu tả kỹ hơn về ba bộ phận của đài thờ này với suy luận là đài thờ còn thiếu một bộ phận hình trống (tambour) ở giữa (II.X) và cho rằng có thể dựa theo các đài thờ tìm thấy ở Mỹ Sơn để phục dựng lại bộ phận thiếu này(3).  (Ảnh 4)

Sau khi tòa nhà đầu tiên của BTĐKC được xây dựng xong vào năm 1919, Henri Parmentier đã cho trưng bày đài thờ này tại sân vườn, phía trước gian nhà chính (Ảnh 5). Nhìn bức ảnh chụp vào thời kỳ này, ta thấy giữa 2 thớt tròn II.A và II.B, có thêm một thớt tròn (II.X) được phục chế bằng xi măng, quét vôi trắng.    

Ảnh 5: Đài thờ Trà Kiệu trước sân BTĐK trước năm 1919 (EFEO)

Trong hai năm 1927 - 1928, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành khai quật khảo cổ quy mô lớn tại Trà Kiệu, do J. Y. Claeys chủ trì. Kết quả khai quật đã mang về cho BTĐKC một số lượng hiện vật đáng kể, trong số này có ba mảnh vỡ có trang trí hình trứng (sau này thường được gọi là hình vú) (Ảnh 6) và đã được J.Y. Claeys ghép vào đài thờ Trà Kiệu (Ảnh 7).  J.Y. Claeys đã có suy luận và giải thích như sau:

“Trong số nhiều khối đá khai quật được ở Trà Kiệu có một bệ tròn, mặt ngoài trang trí hình trứng (godrons), đã vỡ làm ba, được nhận ra là một bộ phận của cái đài thờ hình tròn được mang về Tourane trước đây và được phục dựng trước gian chính của Bảo tàng Chăm.  Một khối hình chiếc trống (tambour) bằng vữa đã được xây dựng bù cho bộ phận bị thiếu. Khối này đã được đặt vào vị trí bình thường và hình dạng của đài thờ được cải thiện một cách đáng kể. Chúng tôi đưa ra một cách phục dựng mới.

Những hình trứng (godrons) trang trí quanh khối tròn này rất đáng được chú ý. Chúng không hoàn toàn là hình cầu mà là hơi kéo dài ra như đầu quả đạn súng cối. Loại trang trí này không phải ngoại lệ đối với Champa; những trang trí hình trứng trên các khối đá khác tương tự, nhưng kích thước nhỏ hơn, đã được tìm thấy trên một khu vực sân (terrain) của kinh đô Chăm. Cũng tồn tại ở các nơi khác, nhất là ở Mĩ Sơn, các đài thờ có cùng loại trang trí này và cũng trên mặt bằng hình vuông. Liệu có thể xem đó là sự hình thể hóa những chiếc vú phụ nữ hay thậm chí là phần đầu hiện thực của các linga? Câu hỏi này chưa được mổ xẻ; hình dạng này, quen thuộc ở nhiều di tích, có tính thẩm mỹ cao hơn  là những khối cầu thông thường”(4).

Ảnh 7: Đài thờ Trà Kiệu được Claeys trưng bày  năm 1931

Năm 1936, BTĐKC được mở rộng, Đài thờ Trà Kiệu được dời từ ngoài sân vào trưng bày trong nhà, và vẫn được trưng bày với thớt đá II.X hình trứng/hình vú. (Ảnh 8).

Ảnh 8: Đài thờ Trà Kiệu được trưng bày trong bảo tàng, năm 1936 (EFEO)

Điều đặc biệt là đến năm 1972, khi Carl Heffrey thực hiện tập sách ảnh The Arts of Champa thì đài thờ Trà Kiệu đã không còn thớt hình vú nữa. (Ảnh 9)

Ảnh 9: Đài thờ Trà Kiệu không có thớt hình trứng/ hình vú (Carl Heffrey 1972)

Cách trưng bày này đã được duy trì cho đến những năm gần đây với sự thắc mắc của nhiều người, trong đó có ý kiến của những học giả chuyên về nghệ thuật Chăm cho rằng việc tháo gỡ thớt hình trứng/hình vú ra khỏi Đài thờ Trà Kiệu làm mất đi một dấu hiệu đặc biệt về phong cách của Đài thờ. Trên đường đi tìm lời giải thích cho thắc mắc này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu lại hình dáng, kích thước của các hiện vật tại BTĐKC và đã khám phá rằng việc lắp đặt thớt đá hình trứng vào Đài thờ Trà Kiệu là một nhầm lẫn của J. Y. Claeys(5), bởi vì chu vi cũng như lỗ rỗng giữa lòng thớt đá hình trứng này không ăn khớp với chu vi và lỗ rỗng của hai thớt đá II. A và II.B. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận ra một chiếc linga sưu tầm tại Trà Kiệu năm 1918, vốn lâu nay vẫn trưng bày riêng lẻ ở BTĐKC lại có số đo trùng khớp với  lỗ rỗng của hai thớt đá II.A và II.B., chiếc linga này ắt hẳn là chiếc linga trong lòng Đài thờ Trà Kiệu mà lâu nay các nhà nghiên cứu trưng bày đã bỏ qua và thay thế bằng chiếc linga xi-măng. Đến năm 2017, trong dịp cải tạo nâng cấp bảo tàng, chúng tôi đã tháo gỡ và trưng bày lại Đài thờ Trà Kiệu với chiếc linga nguyên gốc đặt giữa đài thờ, xuyên qua bệ yoni II.B (Ảnh 10a, 10b, 10c). Trưng bày lần này được thực hiện theo bản vẽ với số đo của các bộ phận đài thờ và chiếc linga lâu nay đặt tách biệt bên ngoài đài thờ (Ảnh 11a), phù hợp với cấu trúc của một bệ thờ linga ở một số nơi khác(6). (Ảnh 11b).

Hình 10 a,b: Lắp đặt Linga vào bên trong hai thớt IIA và IIB (2017)

Ảnh 10c: Đài thờ Trà Kiệu được trưng bày tại BTĐKC năm 2017.

Ảnh 11a: Bản vẽ mặt cắt của Đài thờ Trà Kiệu được lắp đặt lại năm 2017

Ảnh 11b: Ảnh vẽ mặt cắt một bệ thờ có hình Linga trong sách

Le Musée de Sculpture Cam de Đà Nẵng, Paris, 1997, tr 197.

Riêng thớt đá II.X, chúng tôi vẫn để lại khoảng hở trong lần trưng bày này. Đó không phải là thớt đá hình trứng/hình vú mà Claeys đã lắp vào nhưng nó là hình trống (tambour) như Parmentier suy luận hay một trang trí nào khác, hiện nay vẫn chưa tìm thấy hiện vật gốc và vẫn còn là một bí ẩn.

Trong giới hạn bài viết này chỉ xin cung cấp một số hình ảnh và thông tin về quá trình trưng bày Bảo vật quốc gia "Đài thờ Trà Kiệu".  Liên quan đến Đài thờ này còn nhiều chuyện thú vị liên quan đến niên đại của nó và đặc biệt là giải mã những hình ảnh chạm khắc chung quanh bệ thờ I; liệu đó là câu chuyện về một Kaudynia từ Ấn Độ cắm một mũi giáo vào vùng đất mới, hay về thần Krishna chữa bệnh cho một người gù và cũng có thể là miêu tả câu chuyện đám cưới của nàng Sita. Câu chuyện này còn cần nhiều trang viết nữa.

V.V.T