Mỹ thuật Việt Nam khởi sắc tại cuộc đấu giá tại Marseille (Pháp)

02.11.2020
Trần Trung Sáng

Mỹ thuật Việt Nam khởi sắc tại cuộc đấu giá tại Marseille (Pháp)

Theo thông cáo báo chí từ Công ty Rudondy & Chamla (Maison R & C) tọa lạc tại 224 rue Paradis 13006 Marseille (Pháp), vào ngày 16 tháng 10/2020, tại Marseille sẽ diễn ra cuộc buôn chuyên đề Á Châu 242 lô Á Châu trong đó có 71 lô Việt Nam được chuyển nhượng tại đầu phiên đấu giá.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện R & C cho biết, cuộc đấu giá lần này quy tụ một số tác phẩm của họa sĩ Việt Nam chủ yếu là thế kỷ 20. Sẽ là một cuộc buôn đấu giá hoành tráng với nhiều nghệ sĩ khác nhau rất hiếm khi xuất hiện trên thị trường nước Pháp. Đáng chú ý nhất, đó là sự góp mặt tấm bình phong "Hậu Tống Trân Cúc Hoa" (35  x 62 cm) của họa sĩ Phạm (Quang) Hậu (1904 - 1994).

 Tống Trân Cúc Hoa là một truyện thơ Nôm Việt Nam, khuyết danh, xuất hiện vào khoảng từ giữa thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Nội dung truyện này đề cập những chủ đề quen thuộc: tình nghĩa vợ chồng thủy chung; tài ba, trí tuệ và lòng dũng cảm của những người chân chính; thói tham lam của danh vọng tiền tài của tầng lớp trưởng giả. Điểm đặc sắc là sự kiện và nhân vật phần nào có tính chân xác lịch sử: theo tục truyền cũng như theo một số sử sách cũ và di tích, thì Tống Trân là nhân vật có thật. Bên cạnh đó, Tống Trân Cúc Hoa còn là câu chuyện đi sứ, phản ánh mối bang giao phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, tác phẩm cũng đã xây dựng tương đối thành công một số mẫu người Việt Nam truyền thống, đặc biệt là người phụ nữ với tâm hồn phong phú và đặc sắc.

Từ nội dung câu chuyện trên, họa sĩ Phạm Hậu đã thể hiện qua tác phẩm mỹ thuật sơn mài “Hậu Tống Trân Cúc Hoa” bằng một góc nhìn sắc sảo, thơ mộng, đầy sinh động. Tuy nhiên, điều đáng nói, ở tác phẩm này do kích cỡ khá nhỏ (35 x 62cm), phong cách và màu sắc cũng khác so với những tác phẩm cùng tác giả được bày bán thường xuyên trước đây của trên thị trường Pháp, khiến giới thưởng ngoạn không khỏi băn khoăn. Giải thích về sự khác biệt nói trên, bác sĩ Gérard Chapuis - nhà sưu tập người Pháp gốc Việt cho rằng, điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì gần bốn thập kỷ tách biệt các tác phẩm đã được bán và tác phẩm mới được cập nhật. Ông Chapuis nêu rõ: “Chữ ký của tác giả được ký ở góc tranh có dấu, bắt đầu ở mốc thời gian 1946, vì đó lúc chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc sử dụng chữ quốc ngữ. Bên cạnh đó, đây là giai đoạn khó khăn, những bức tranh kích cỡ to hoành tráng khi đưa ra công chúng bị đánh giá mang tinh thần tư sản, thiếu tính giai cấp. Không giống như thời Đông Dương (1940), tranh Phạm Hậu có điều kiện thể hiện vật liệu rất phong phú. Trong khi giai đoạn sau, vật liệu không thể bì được. Chúng ta đừng quên rằng họa sĩ Phạm Hậu đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng cách tham gia tạo ra 50 hộp sơn mài cho hộp thuốc lá, một hợp đồng được đem lại bởi Victor TARDIEU. Chúng ta cũng nên biết rằng nghệ sĩ đã bước sang một giai đoạn mới bằng cách thoát ly khỏi màu sắc “Vàng và màu đỏ cánh gián” của sơn mài truyền thống đã tạo nên danh phận của ông thuở ban đầu từ những năm 1969 -1970 với tác phẩm tựa đề  "Ngàn thu nhớ Bác” có kích thước khiêm tốn 30cm x 20cm để có những thử nghiệm mới”.

Phạm Hậu Sinh năm 1903 trong một gia đình nghèo bảy con tại làng Đông Ngạc/làng Vẽ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, Hà Nội. Ông trở thành công nhân ngành hỏa xa tới năm 1929, sau đó ông đã vượt qua cuộc thi để đăng ký tại Trường Mỹ thuật ở Đông Dương khoa “Sơn mài" khóa V. Ông tốt nghiệp về nhì sau nguời thủ khoa Trần Bình Lộc. Đồng môn của ông là Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Long, Phạm Văn Thuận, Trương Đình Định, Nguyễn Văn Lang, Trần Ngọc Quyên (Điêu khắc). Joseph INGUIMBERTY là một trong những giáo viên của ông và ông tốt nghiệp năm 1934 và sau đó trở thành một trong những bậc thầy về tranh sơn mài của thế kỷ XX.  Ông là một trong ba người sáng lập Trường quốc gia mỹ nghệ (12/8/1949 - 1954). Hai người kia là Trần Văn Du và Trần Quang Trân. Qua thời gian và những biến chuyển, sau trường được đổi tên thành Trường mỹ nghệ Việt Nam (1954 - 1958), Trường trung cấp mỹ nghệ (1958 - 1965), Trường cao đẳng mỹ thuật công nghiệp (1965 - 1984) và cuối cùng là Trường đại học mỹ thuật công nghiệp (1984 tới nay). Ông nghỉ hưu năm 1962.

Cần lưu ý, trong thời kỳ thuộc địa và trong khi được đào tạo tại trường mỹ thuật Đông Dương, Phạm Hậu, tốt nghiệp năm 1934, sử dụng để chỉ định thực thể của mình hoặc bằng một ký hiệu và tên của mình bằng chữ in hoa không dấu hoặc sử dụng tiếng Pháp “MAÎTRE LACQUEUR/NGHỆ NHÂN

SƠN MÀI”, ký hiệu và tên của mình bằng chữ in hoa không dấu như quy tắc bất thành văn thời đó vì có lẽ và hơn thế nữa chưa hẳn người Việt chúng ta sử dụng được một cách thành thục tiếng quốc ngữ, cho đến ngày ngày 02/9/1945 ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, niềm tự hào dân tộc được thức tỉnh và lời kêu gọi sử dụng tiếng Việt thường xuyên hơn đã trở thành cấp bách: “Người /VIỆT NAM/ Phải dùng tiếng/ VIỆT NAM”.

Qua tác phẩm “Hậu Tống Hoa Cúc Trân” tại phiên đấu giá của Maison R&C lần này, thể hiện cách làm việc của Phạm Hậu nhạy bén theo biến thiên lịch sử Việt Nam, tạo nên sức thu hút công chúng và giới sưu tập mỹ thuật châu Á.

Mỹ thuật trường Gia Định thời Đông Dương

Nhận định về tầm quan trọng về cuộc buôn chuyên đề Châu Á lần này,  nhà sưu tập Gérard Chapuis nói rằng, để cho thêm phần gây cấn, chúng ta có thể ví von rằng cuộc chiến giữa Paris và Marseille đã khơi mào! Chỉ vì giữa 2 thành phố nhất nhì ở nước Pháp lúc nào cũng vẫn có cuộc cạnh tranh lành mạnh để hai kỳ phùng địch thủ, tìm miếng “đất dụng võ” y như Paris Saint Germain và Olympique de Marseille hai đội bóng đá nổi tiếng tại Âu Châu. Thậm chí, đại diện  R & C cho biết: “Và chỉ trong tích tắc là lô hàng quý báu có thể tuột khỏi tầm tay họ, để bay về hướng Thủ đô ánh sáng Paris”.  

cô gái thướt tha bên mái tóc dài

Làm đồng gốm

Một lô tác phẩm 3 tập tranh in dưới sự điều khiển của Jules Gustave BESSON thời Gia Định giá ước lượng 500 - 700 euro được đẩy lên đến ngưỡng cữa 4100 euro tương đương với 111 triệu VNĐ (chưa tính phí) vào tháng 9 năm 2020 tại Pháp. Lô của nhà R & C được chia làm hai số 67 và 68 với giá ước lượng 38.000 euro tương đương 900 triệu VNĐ (chưa tính phí và cũng chưa tính cuộc chiến huynh đệ tương tàn sẽ đẩy xô về đâu?) cho 148 tranh giấy.

Trong khi bút pháp của họa sĩ bậc thầy Jules Gustave BESSON sắc bén để truyền tải chân dung của những nhân vật danh gia, chức quyền bề thế, thì bút pháp sinh viên Gia Định lại nặng tình cảm Nam bộ một thời đã qua. Được trải ra trước mắt những cô gái thướt tha mái tóc dài, những cuộc hợp chợ, những nghệ sĩ tài năng dân dã miền Tây chơi đàn độc huyền, đàn cò đang say mê đờn ca tài tử miệt vườn, cảnh chùa và đây Đồng Tháp Mười ruộng lúa phì nhiêu, non sông Nam bộ trữ tình, chú bé mục đồng lơ đãng, lắc lư trên lưng con trâu hiền hòa, vườn rau, vựa chuối, dân đen lam lũ với tất cả các nghề tiểu thủ công nghệ...

Besson Jules Gustave: Chân dung ông Krautheiler - Thống đốc Nam Kỳ

+ Còn gì bằng cho những người con yêu mỹ thuật lại nhớ quê nhà trong mùa dịch covid?

- Chỉ có mong muốn bỏ tiền, đập ống tiết kiệm heo đất để "thỉnh" quốc bảo về làm của riêng. Nhưng chắc chắn rằng cuộc đời là bể oan cừu; nhiều người sẽ đến chiêm nghiệm, tham gia nhưng chỉ một người được ân sủng. Mong, rất mong người ấy xứng đáng được trao tình cảm thất lạc bao nhiêu năm tháng.

Nếu như ngoài đời, Paris là chiếc nôi để bán tranh mỹ thuật Đông Dương thì Marseille sẽ là mảnh đất tiếp đón, tôn vinh tác phẩm  Trường vẽ Gia Định? Năm 2010, khi ông Tạ Quốc Tuấn, đại diện Tòa Đại sứ Việt Nam “thất thủ”  ở trận đấu giá bức tranh của vua Hàm Nghi đã nói: "Thôi thì nếu không người VN nầy thì người VN kia cũng được vậy". Vâng, Chỉ mong rằng đó là người Việt Nam. Một giấc mơ đơn sơ hãy trở thành sự thật !

Mối liên hệ chặt chẽ giữa Marseille - Paris và Việt Nam

Trước giờ khai mạc phiên đấu giá tại Marseiille, hai ông Rudondy & Chamla - chủ nhân nhà buôn R & C cũng dành thời gian trả lời chúng tôi một số câu hỏi:

+ So với các nước cùng khu vực, mặt hàng nghệ thuật Việt Nam có được giới sưu tập quan tâm nhiều hơn không?

- Có một sự trỗi dậy rất quan trọng trong những năm gần đây của Nghệ thuật Việt Nam. Các bậc thầy của nghệ thuật Việt Nam hiện đang được các nhà sưu tập trên thế giới săn lùng và quan tâm.  Chúng ta có thể thấy thành công rất lớn trong các kỷ lục của tác phẩm Việt trên thị trường nghệ thuật hàng tuần. Người thu mua và thị trường thậm chí còn rối trí vì giá tăng cao. Các galerie mà tôi đã làm việc trong nhiều năm, cố gắng mua lại các tác phẩm Nghệ thuật Việt Nam mà họ đã bán từ 10 đến 5 năm trước cho khách hàng của họ. Những cái tên cần nhớ dĩ nhiên là Phạm Hầu, Ngô Viết Thụ, Trần Văn Hà, Tạ Tỵ, Phạm Đình Tín, Nguyễn Huyến, những học sinh trường Gia Định những năm 1934, Aymé Alix, Bửu Chỉ, Công Văn Trung, Đinh Cường, Duy Thanh, Lê Ân, Lê Bá Đảng, Kiều Thị, Michel géo, Mège Henri, Nam, Nguyễn Khắc Vinh, Nguyễn Lai, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Văn Phương, (Tạ Thúc) Bình, Thái Hà / Nguyễn Như Huân, Thái Tuấn, Thuận Hồ, Tô Tử/Tô Ngọc Vân, Trịnh Hữu Hòa, Trần Mạnh Tuyên, Trần Quang Hiếu, Trương Văn Ý, Ủ Văn An.

+ Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, dịch bênh Covid đang đe dọa nhiều lãnh vực hoạt động trong đời sống, điều này có ảnh hướng đến giá cả và công việc tổ chức chuyến buôn hay không?

- Chúng tôi sẽ nghĩ rằng giai đoạn này có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và doanh số thu vào. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, ngược lại, doanh số thu vào đang diễn ra rất tốt và doanh số nầy vẫn đang đạt kỷ lục. Không có lời giải thích nào hợp lý, nhưng chúng tôi có thể nghĩ rằng trong giai đoạn này nhiều người có xu hướng đầu tư vào những kênh an toàn. Nghệ thuật Việt Nam thu hút người Việt và cả người châu Âu, họ yêu chuộng cái mà chúng ta gọi là họa sĩ du mục ở Đông Nam Á.

Nhiều người trong chúng ta cũng đã phải chịu đựng sự thống khổ của cách ly trong thời gian qua  và giờ đây họ muốn hưởng thụ. Do đó, nghệ thuật là nơi nương tựa, xoa dịu niềm đam mê và thôi thúc họ đầu tư. Nghệ thuật Việt Nam nằm trong những hạng mục này và vẫn còn có một tương lai tươi sáng.

+ Nhiều năm qua, tại các cuộc buôn trên thị trường quốc tế ít nhiều cũng xảy ra những tai tiếng về việc đánh giá tác phẩm thiếu chuẩn mực. Và dựa vào những tiêu chí nào để luôn bảo đảm uy tín lâu dài của R & C?

- Chúng tôi hợp tác với nhiều chuyên gia công tâm với chuyên môn càng nghiêm túc càng tốt. Chúng tôi không thể chấp nhận những tác phẩm “nửa nạc nửa mỡ”/tác phẩm đáng ngờ; chúng tôi nghiên cứu rất kỷ tác phẩm trước khi trình bày tác phẩm trên thị trường. Trên phương diện pháp lý, chúng tôi đảm bảo tính trung thực của các tác phẩm và nếu chúng tôi phạm sai lầm, chúng tôi phải chịu trách nhiệm và điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho công ty và danh tiếng của chúng tôi. Đây là lý do tại sao chúng tôi có nhiều chuyên gia của thị trường mỹ thuật giúp chúng tôi thẩm định và đảm bảo giao dịch mua bán cho khách hàng của chúng tôi một cách an toàn nhất có thể. Chúng tôi cũng có sự giúp đỡ tuyệt đối của hậu duệ họa sĩ hoặc của nhà sưu tập đối với tác phẩm gây tranh cãi.

+ Trong thời gian sắp đến có kế hoạch nào để xúc tiến các hoạt động mới? Trong đó, có những hoạt động nào liên quan đến nghệ thuật Việt Nam không?

- Thành phố nơi mà phòng đấu giá của chúng tôi hoạt động một phần là thành phố giao lưu và chia sẻ quốc tế. Có một mối liên kết rất chặt chẽ giữa thành phố Marseille và nước Việt Nam, một cộng đồng Việt lớn đã định cư ở nơi đây và thầy Joseph Inguimberty cũng xuất thân từ thành phố này. Chúng tôi muốn tiếp tục truyền thống trao đổi này thông qua việc mua bán giữa thị trường Nghệ thuật và những người bạn Việt Nam của chúng tôi.

Cung cấp ngày càng nhiều những cuộc buôn có giá trị ở Marseille và Paris trong lĩnh vực Việt Nam nói riêng và  Á Châu nói chung. Chúng tôi thực sự muốn trở thành một trong những công ty chủ chốt trong lĩnh vực này và làm nổi bật những nghệ sĩ mà đôi khi chưa được công tâm công nhận như mong muốn. Chúng tôi tin rằng Nghệ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển một cách tương xứng.

T.T.S