Chuyện ghi ở Trường Sa - Văn Công Hùng

28.08.2013
Làm nghề viết, được đi là sướng, được ra đến Trường Sa thì là cơn sướng “vượt giới hạn” tưởng tượng. Tôi là một trong không nhiều nhà thơ đã có mặt ở Trường Sa trong hành trình 13 ngày tới 9 đảo và nhà giàn trên con tàu HQ 996. Cảm xúc thì nhiều, căng mắt căng tai căng lồng ngực ra mà quan sát, hít thở không khí Trường Sa, nhưng để thể hiện nó ra thì lại là điều không dễ, dù tôi cũng là người được “đồn” là đi Trường Sa về viết thuộc loại nhiều.

Chuyện ghi ở Trường Sa - Văn Công Hùng

Giờ ngồi lại gõ thêm những dòng này lại thấy trước mắt mình sóng trắng, biển xanh và những hòn đảo với ngời ngời những nụ cười lính đảo, những người lính lạc quan, yêu đời, quý người và rất thiện chiến, tinh nhuệ. Rất nhiều người sau khi đã tiếp xúc với lính Hải Quân đều thốt lên: nếu tất cả các chiến sĩ công an, quân đội của chúng ta đều được như các chiến sĩ Hải Quân họ đã gặp trong chuyến đi thì đất nước mình vô cùng yên tâm và thanh bình.

Ngay khi có quyết định chính thức đi Trường Sa chuyến này, tôi đã thông báo trên blog và facebook của mình xin được các đồng nghiệp đi trước chia sẻ kinh nghiệm. Họ đã vào kể nhiều chuyện rất vui và chia cho tôi rất nhiều kinh nghiệm đi. Trong đó quan trọng nhất là “giữ mình” ngày đầu tiên trên tàu, không sa đà nhậu nhẹt, ít lên boong, nằm nhiều hơn ngồi, ngồi nhiều hơn đứng và đứng thì… nhiều hơn di chuyển. Tôi thực hiện lời hứa bằng cách ngồi nguyên ngày và gõ liên tục những gì nghĩ ra ngay trong đầu, sợ rồi sẽ quên mất. Kinh nghiệm đi nhiều cho thấy, nếu không lao động cật lực, về sẽ vừa quên và lười, thế là bỏ qua nhiều tư liệu, nhiều ý nghĩ vụt đến, mà đã vụt đến thì thường là không bao giờ trở lại nữa. Trong mấy chục điều ghi nhớ mà bạn bè đã đi trước “di chiếu” lại, có chuyện… mang rất nhiều đồ để thay xong gói lại mang về nhà giặt, vì trên tàu và trên đảo không có nước. Điều này là sai nhất (chỉ ở trên đảo vì thiếu nước thật). Tôi đã chuẩn bị 7 cái áo thun, 2 sơ mi, 5 quần sooc. Nhưng trên tàu ngày bạn tắm 5 lần cũng được, thích giặt thì giặt, nếu gói mang về là chỉ do mình lười, chứ tàu thiết kế cả một sân phơi đồ rất xịn trên boong, quần áo treo lên chỉ một lát là khô. Kết quả là toàn bộ áo mang đi không phải dùng tới vì khi lên tàu theo đoàn công tác của Trung ương Đoàn trong hành trình vì biển đảo quê hương mỗi thành viên còn được phát 3 cái áo đồng phục, và hàng ngày ban chỉ huy hành quân đều phát loa quy định trang phục ngày ấy khi lên đảo hoặc sinh hoạt trên tàu nên áo mang theo gần như nằm nguyên trong va ly. Nước sôi pha trà cũng rất đầy đủ, ngoài ra mỗi phòng được phát nước lọc trong bình lớn hàng ngày, hết lại lấy. Điều sai thứ 2 mà một nhà báo bảo tôi là phải chuẩn bị… mì tôm, anh còn dặn: vì ăn toàn đồ tủ lạnh nên những ngày cuối cùng thèm mì tôm kinh khủng, thấy người ta ăn là muốn… giật lấy ăn. Có lẽ tàu anh đi người ta tổ chức ăn cơm sáng. Còn chúng tôi thì tuyền mì tôm. Cứ hôm nay mì tôm thì mai phở gói. Đến hôm thứ 7 thứ 8 thì nhìn thấy nồi mì tôm là ớn. May mà không nghe lời anh mang theo chứ không thì chắc chắn là bị bạn cùng phòng giễu.

Chuyến tàu chúng tôi đi vào đợt đầu tháng 5 vừa rồi có hơn một chục phóng viên của các báo hình báo viết báo nói, và tất nhiên là còn một nửa thành viên trên tàu ấy có facbook và blog, cũng là một dạng báo thời internet, cạnh tranh rất dữ dội với báo chính thống.  Và những ngày trên tàu tôi đã chứng kiến sự xả thân làm việc của các đồng nghiệp...

Nhưng quan tâm như thế chưa đủ. Đêm nằm phải căng óc ra nghĩ xem ngày mai chọn vấn đề gì, tìm ý tưởng nào, và phải tránh vấn đề của cái đứa đồng nghiệp cũng đang đang nằm thao thức trằn trọc như mình ở giường bên. Muốn thế phải tìm hiểu về nơi mình sẽ ghé. Lọ mọ dậy đọc thông tin, rồi gặp gỡ lính trên tàu hỏi thăm. Rồi chuẩn bị đồ nghề. Bây giờ hiện đại, mỗi phóng viên- mà chả cứ phóng viên, trên tàu ối người có đồ xịn hơn phóng viên- ít nhất cũng có laptop, thẻ nhớ, iPad, máy ảnh, điện thoại (đều kết nối 3G)… ban đêm đi ngoài hành lang tàu trông rất… thái bình, như thời Nghiêu Thuấn, là bởi thấy laptop, iPad, cục sạc pin máy ảnh, điện thoại xịn… treo lủng lẳng ở bất cứ đâu có ổ cắm. Trong mỗi buồng ngủ chỉ có 1 ổ cắm, bị dùng để cắm quạt rồi, nên ai mang thêm ổ cắm thì đỡ, chứ không thì suốt đêm cứ phải lục xục vì ổ cắm. Tôi nghe lời khuyên của bạn bè, mang theo cái ổ cắm 3 lỗ và cả một cái quạt mini, thế mà vẫn phải chầu chực vì cả phòng 8 người mỗi mình tôi mang thì cũng… bằng nhau, bởi cái ổ cắm ấy đã phục vụ 2 cái quạt phải chạy hết công suất 24/24 rồi (trong phòng rất nóng. Trừ vài phòng VIP có điều hòa, các phòng còn lại rời quạt ra là chết vì nóng ngay. Ban đêm rất nhiều người lên boong ngủ la liệt như… bí đao xếp trong hầm lạnh)…, mà chỉ riêng tôi thì đã điện thoại 2 cái, máy ảnh 1, laptop, ipad…

Và khổ nhất là tranh cướp thời gian.

Trên tàu không có sóng, điều ấy là đương nhiên khi tàu di chuyển trên đại dương bao la. Nhưng khi đến các đảo thì có sóng, dẫu chỉ là sóng 2G chứ không phải 3, tức là vào mạng rất chậm, như cái thời Dial up 1260 ngày nào. Thế thì phải chuẩn bị thật kỹ. Bài đã gõ xong lúc mọi người ngủ ngon. Anh thì gõ tại giường, anh thì lên boong, anh thì xuống nhà ăn, anh lại ngồi hành lang, thậm chí có anh ngồi ngay cửa phòng tắm cho mát. Rồi đổ ảnh chọn ảnh và giảm size, không giảm size không cách gì chuyển ảnh được…

Xuống xuồng vào gần đến đảo là đã có sóng. Hàng loạt điện thoại của các công dân mạng xã hội chìa ra hứng sóng để… post ảnh lên facebook hoặc blog. Nhà báo chuyên nghiệp phải đua với các nhà báo xã hội ấy cũng bở hơi tai rồi. Vì trên xuồng chỉ điện thoại mới dám giơ ra chứ ai dám lôi laptop ra. Rồi lên đảo thì thời gian cũng ít, anh phải tranh thủ mail bài viết trên tàu đi xong rồi lại lao đi tìm hiểu để tối viết bài mới. Cứ thế như đèn cù, ào ào và cẩn trọng, quyết liệt và tỉ mỉ…

Có lúc nhìn thấy bốn năm ông bà cầm laptop, iPad, điện thoại đưa đi đưa lại như ru con, rồi giơ lên đầu ngoáy tít, hoặc xoay vòng như say nắng mà bật cười. Ấy là lúc đang… dỗ mạng, nhìn thấy cái vạch nó chạy chậm hơn rùa mà ứa gan và cả hồi hộp. Phần lớn là hồi hộp chờ nó chạy gần đến đích thì phựt cái, đứt béng, thế là lại kỳ cạch làm lại từ đầu.

Tất nhiên là báo in không thể nhanh bằng báo mạng rồi. Báo mạng chính thống không thể nhanh bằng báo mạng xã hội rồi vì còn phải mail về tòa soạn biên tập rồi duyệt. Trong thông báo chuyến đi có nhắc tuyên truyền trước, trong và sau chuyến đi, vậy nên tôi tranh thủ cái facebook của mình, cũng quyết liệt đến đảo nào là cập nhật thông tin ngay. Mấy đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ bảo: người nhà và đồng nghiệp cơ quan trong đất liền toàn đọc facebook của anh để cập nhật thông tin của đoàn và của tụi em…

Nghe thế cũng thấy tự hào mê man chứ.

Và mỗi khi vào đảo có sóng, xong hết việc rồi, thì lên mạng đọc bài của… đồng nghiệp. Xem họ viết gì, viết như thế nào? Té ra cùng đi đấy, nhưng mỗi anh một cách tiếp cận, một cách khai thác, một cách viết, nên nhiều khi đọc về chuyến đi mà chính mình đi trên tàu cứ ớ ra. Chỉ ngay trên tàu thôi, là một xã hội thu nhỏ với hơn 200 con người, có khi vài ngày mới gặp nhau, thì làm sao biết hết hoạt động của nhau, của từng người, từng nhóm người. Và vì thế mà phải sinh ra… nhà báo. Và vì thế mà phải phân chia đề tài, lĩnh vực, và vì thế mà phải lăng xăng nhăng nhít như thằng rồ, nhiều khi đứng xa xăm mắt mơ màng như kẻ thất tình, có lúc lại mồm lảm nhảm tay huơ huơ như vừa ở Châu Quỳ ra, lại có kẻ tự nhiên cười cười như đười ươi giữ ống…

Ấy là lúc nhà báo đang tư duy, đừng ai đụng vào nếu không muốn… mang vạ.

Ngay khi tôi đang trên tàu HQ 996 lênh đênh trên biển đông thì nhiều người nhắn tin hỏi là đi thế ăn… hải sản có sướng không? Nhầm rất to. Trên tàu chỉ ăn toàn đồ đông lạnh mang đi từ nhà. Cá thì chủ yếu là cá Diêu hồng và cá lóc. Rau thì quanh đi quẩn lại là bắp cải, cải và su su. Có một vài lần tàu neo ở nơi có cá, một vài người mang cần ra câu, được con nào thì nướng chén tại chỗ, từng nhóm bạn thôi chứ không thể có cho khắp tàu, và chủ yếu là cá thu ngừ hoặc cá mú.

            Còn chiến sĩ và những hộ dân (ở 3 đảo có dân) thì cũng không phải lúc nào cũng có cá biển ăn. Những đảo có dân thì dân đi đánh cá, nhưng cũng chỉ lặt vặt vì ngư cụ không đủ, đánh về để ăn còn thừa thì cân cho bộ đội. Còn bộ đội thì không được phép đánh cá. Tức là cũng không phải hải sản ê hề, và cũng không phải tôm cua ghẹ mực- những thứ ta hay gọi là hải sản ở đất liền. Có những con ốc rất to, anh em cũng không biết là ốc gì, to bằng cái rổ. Lặn xuống thấy nó đang mở miệng thì cầm dao găm, rất nhanh cắt cái gân ở phần giáp với vỏ rồi rút tay ra không cho nó kịp ngậm miệng nghiến đứt tay mình, ngoi lên rồi lặn xuống mới bê con ốc, lúc này đã không ngậm miệng được nữa, lên. Loại này một con cả tiểu đội ăn nhòe, nhưng hỏi có ngon không, lắc đầu bảo chắc nó không bằng ốc nhảy trên bờ hay ăn.

            Thức ăn chủ yếu vẫn là đồ hộp theo khẩu phần được tiếp tế từ đất liền, ngoài ra thì là những thứ chăn nuôi được, như bò, lợn, gà, vịt và… chó. Chó được chiến sĩ ở các đảo ngoài Trường Sa nuôi rất nhiều và rất khôn. Đảo nhiều chó nhất là Sinh Tồn đông, chó đông như… người, và rất khôn. Ban ngày khách lạ vào rất đông cấm thấy chúng sủa một tiếng. Nhưng tối, sau hiệu lệnh báo ngủ của bộ đội thì chúng tản ra quanh đảo, và đố có động tĩnh nào thoát cặp mắt… chó của chúng. (Ra đảo rồi mới thấy, có lẽ không cách gì ai có thể chiếm đảo được, dù tôi chỉ là tên nhà thơ, chả có tư duy quân sự gì). Nhưng, đành phải đau đớn nói thật, thi thoảng vẫn có những chú được… chấm để phục vụ chất tươi cho bộ đội. Một sĩ quan nói với tôi: Thì cũng biết nó là bạn mình, là đồng đội mình. Nhưng ngoài ra nó còn chức năng cải thiện nữa, chứ cứ để nó tự nhiên thế chả mấy chốc mà đầy đảo. Ở đảo có một thứ lá có thể thay thế lá mơ để ăn thịt chó là lá tra. Hôm kỷ niệm thành lập Hải quân Việt Nam trên boong tàu HQ 996 tôi (và 200 người trên tàu) đã được ăn lá này cùng… thịt chó, do anh em Hải Quân chiêu đãi. Tất nhiên là chó mang từ nhà, cấp đông trong tủ lạnh. Và thú thật là, với điều kiện như thế ở trên tàu, mà mấy anh nuôi nấu được món nhựa mận như thế thì quả là mấy tay này cũng thuộc loại thượng thừa “mộc tồn”. Trên tàu rất đông người Bắc, rất nhiều cái mồm sành ăn, thế mà ai nấy đều trầm trồ thì quả là tôi hoàn toàn không khen vống lên. Cây tra to như cây phong ba, dáng cũng rất rồng chầu hổ lượn, và lá thì hơi giống lá… bàng, dầy và cứng, ăn chát, nhưng quả là ăn với thịt chó khá hợp khi mà không có lá mơ. Rau xanh trên đảo rất hiếm nhưng không phải không có. Những chỗ không trồng được rau xanh thì đành chờ đất liền cung cấp. Tôi đã chụp được những bức ảnh những cái cải bắp cuống đen thui, cả những rổ chanh vùi trong cát quả teo lại như táo tàu, thế mà vẫn còn trong diện lưu trữ, để dành chứ chưa được ăn ngay. Thứ mà dễ trữ nhất trên đảo là bí đao. Có nơi như trạm hải đăng Song Tử Tây thấy hàng mấy chục quả bí quấn lá chuối lăn lóc ở góc cầu thang lên tháp đèn. Chiều 9/6, khi vào bếp ăn của đảo Sinh Tồn thấy chiến sĩ đang thái dưa chuột muối. Hỏi chế biến món gì, bảo xào chú ạ, xào với thịt hộp. Canh thì dễ nhất. Như ở trên tàu, thấy vài lát tôm, và nước, rất nhiều nước, vài lát cà chua, mấy miếng bầu hoặc bắp cải nữa, tất nhiên là bột ngọt bột nêm, thế là đưa cơm. Canh của lính chắc cũng thế.

            Trở lại rau xanh trên đảo, chủ yếu là dền, cải, mùng tơi và rau ngót. Rau ngót là nhiều nhất. Một số nơi trồng được chuối, đu đủ. Nó không chỉ là món ăn chín, mà có thể ăn xanh thay rau. Đu đủ thì xào, canh hoặc làm nộm. Chuối xanh nấu với cá, thịt ba chỉ, mẻ, thậm chí không có cá, thịt ba chỉ thì xào không với mỡ cũng OK… cũng là món dễ tiêu cơm.

Để trồng được rau xanh trên đảo là cả một kỳ công. Trừ vài đảo có đất còn thì chủ yếu là cát và vụn san hô. Ngoài ra thì còn gió, nắng và hơi mặn của biển. Thế mà lại còn hiếm nước tưới. Vậy nhưng tôi đã chụp được những bức ảnh những chậu rau, thùng rau, rổ rau… trồng như kiểu vườn treo Babilon. Nhìn những ngọn rau mởn xanh có thể hiểu được công sức và tâm huyết của người trồng. Thấy có cả các bao tải đựng đất có nhãn hẳn hoi, mới biết ở đất liền có bán đất trồng rau, và lính ta cõng ra đảo. Các đảo nổi bây giờ phần lớn là đảo xanh, tức là cây xanh bạt ngàn trên đảo, các con đường cây đã giao tán, các khoảng sân cây phủ bóng rợp. Thì cũng vẫn chỉ là bàng vuông, phong ba, bão táp, phi lao… và giờ có cây tra. Đặc biệt cây mù u khá hợp với đảo, hoa nở đẹp và thơm, rất nhanh cho tán, gốc nhanh lớn như cổ thụ.

Vừa rồi nghe nói có một anh hàng phở ở Hà Nội xung phong ra Trường Sa làm phở cho bộ đội ăn. Chỉ nghe thôi đã hình dung thấy bộ đội mừng đến như thế nào, và anh này cũng vất vả ra làm sao khi mà anh làm hàng nghìn tô phở chuẩn Hà Nội chiêu đãi anh em trên cả chục đảo. Có nhiều sĩ quan, chứ không nói lính, từ bé đến giờ chưa bao giờ ăn phở Hà Nội, và tô phở đầu tiên được ăn lại là trên đảo, cách đất liền đến mấy ngày đường. Ngay chúng tôi trên tàu, ăn sáng bằng mì tôm và phở ăn liền đến sáng thứ 4 thứ 5 thì thấy xoong mì đã lơ lơ rồi, khi lên bờ việc đầu tiên là ăn rất nhiều rau, và việc 2 là sáng sau tìm phở để ăn. Thế thì cái tô phở gốc Hà Nội kia nó giá trị biết bao.

Vào các đảo, ngay ở cầu tàu, hình ảnh đầu tiên là một chiến sĩ mặc quân phục Hải quân chỉ huy bằng cờ cho xuồng cập bờ ở một vị trí cao nhất. Hiệu lệnh thẳng băng và dứt khoát. Nó cũng như là lời chào đầu tiên từ đảo. Hình ảnh này làm xúc động rất nhiều người khi còn trên xuồng cách đảo vài chục mét. Đến cầu tàu thì hàng loạt sĩ quan, chiến sĩ ra tận mép nước đỡ từng người lên tàu. Rất chính xác, ân cần và dịu dàng, khác hẳn với bộ quân phục nghiêm túc đang khoác trên người. Nói luôn, lúc từ tàu lên và xuống xuồng đều có các sĩ quan của tàu, người trên tàu người dưới xuồng đỡ và nâng rất nhiệt tình và chuyên nghiệp. Suốt cuộc hành trình tôi chưa thấy ai… rơi xuống biển là nhờ lực lượng này, dù có lúc sóng rất to, giữa xuồng và thân tàu có độ chênh rất lớn, sóng dạt xuồng ra khi mà chân thì đã xuồng mà tay còn ở thang tàu, hoặc bước lên thang hụt rất dễ bị thành xuồng kẹp vào thân tàu. Bước chân lên bờ thì thứ đầu tiên ta thấy chưa phải là cái cổng chào tên đảo rất đẹp, mà là một loạt… chậu nước để rất trang trọng trên mấy cái ghế có lưng dựa và trên cái dựa lưng ấy là khăn mặt. Lại nhớ hồi nhỏ đi học được phân công nhau mang nước và khăn đến lớp cho cô giáo rửa tay. Tôi nói với mọi người: cái gì quý nhất thì lính đảo mang ra đãi khách. Nước trên đảo là thứ rất quý, nó không đến nỗi là máu như một thời nhưng vẫn là thứ không thể phung phí như ở đất liền. Lại nhớ cái cảnh các thiếu nữ Nga xinh đẹp trên tay là bánh mì và muối đón khách, hay người nông dân ViệtNamchào nhau thường bằng… ăn: Bác xơi cơm chưa, dù lúc ấy có thể là… nửa đêm hoặc mờ sáng. Nên cái hình ảnh những chậu nước trong vắt đặt ngay ngắn trên hàng ghế ngay ở cầu cảng của đảo khiến những người chứng kiến cứ rưng rưng về lòng hiếu khách, về sự hy sinh của những người lính đảo. Họ đã chịu rất nhiều thiệt thòi, hy sinh, và thêm một lần này nữa, họ hy sinh cho khách thứ mà họ quý nhất.

Không chỉ hy sinh đời thường, mà các chiến sĩ Hải Quân ta đã hy sinh thân mình cho những hòn đảo trong quần đảo Trường Sa vẫn còn của ViệtNam. Tôi đã dự hai cái lễ thả hoa tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ đầy cảm động với rất nhiều nước mắt trên boong tàu HQ 996…

            Tàu neo ở vùng biển sát đảo Cô Lin, bằng mắt thường nhìn rất rõ, và cũng không cách xa đảo Gạc Ma bao nhiêu. Nơi đây 25 năm trước, 64 chiến sĩ Hải Quân của ta đã bị Trung quốc sát hại. Họ phần lớn là chiến sĩ công binh, trong tay chỉ có dụng cụ lao động, một số ít có súng bộ binh (tiểu liên), bên kia là tàu chiến đấu với pháo và các vũ khí hiện đại khác. Phải mấy năm sau, khi cái clip “vòng tròn bất tử” được ai đó (nghe nói là một sĩ quan Trung Quốc) tung lên mạng thì mọi người mới tường sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam và tội ác hèn hạ của binh lính Trung Quốc. Một quân nhân được đào tạo cơ bản không bao giờ đối xử ác với tù binh hoặc với quân nhân đối phương khi họ không có vũ khí, khi họ ít hơn… ở đây, bằng sự áp đảo cả quân số và vũ khí, quân nhân Trung Quốc đã thẳng tay xả đạn vào quân nhân Việt Nam, đối xử rất thô bạo khi họ bị bắt… Hồi cái clip được tung lên, đã rất nhiều người không cầm được nước mắt, nhiều tiếng thét căm hờn bung ra. Và cũng phải hơn hai chục năm sau, sau rất nhiều cố gắng, một cuộc gặp mặt các cựu binh trận Gạc Ma mới được tổ chức bằng con đường xã hội hóa ở Đà Nẵng. Theo Dương Đình Hùng, bí thư đoàn trường đại học Duy Tân, thì hôm ấy cả hội trường đã òa lên khóc khi nghe một người lính sống sót (có mười mấy người bị Trung Quốc bắt và được trao trả theo đường hội Chữ thập đỏ) kể lại chuyện anh đã chứng kiến đồng đội anh hy sinh khi trong tay không vũ khí đã trằn lưng ra hứng đạn như thế nào?…

Đảo Gạc Ma giờ Trung Quốc đang đóng. Họ xây một cái nhà y hệt một con tàu, tôi đã cố rum hết cỡ cái máy ảnh của mình để chụp hòn đảo thiêng liêng ấy. Nghe nói phía Trung Quốc xây nó theo phương thẳng đứng, không thể tiếp cận từ bất cứ phía nào, trừ bằng trực thăng. Họ thay quân đổi quân bằng trực thăng, tiếp tế lương thực thực phẩm bằng trực thăng…

            Hôm ấy khi cái giọng Thanh Hóa lại là lính Hải Quân từ trẻ, vốn dĩ thường ngày đã khá to của thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, phó chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải Quân bỗng như nghẹn lại khi đọc lời tưởng niệm, rất nhiều đôi vai đã rung lên, nhiều tiếng sụt sịt, nhiều bàn tay đưa lên chùi nước mắt. Tôi cố nén nhưng rồi nước mắt cứ chảy ra, lăn dài trên má, nhìn xung quanh thấy ai cũng thế nên… đỡ ngượng…

Buổi thả hoa tưởng niệm ấy, có mấy sự lạ. Một là trước đấy trời mưa, đúng lúc làm lễ, trời tạnh, sau đấy trời lại mưa. Hai là tối hôm trước, lúc tàu neo, rất nhiều cá xuất hiện, không phải chỉ cá heo, mà rất nhiều loại cá, đều nhìn khá rõ từ boong tàu chứng tỏ chúng ít nhất cũng phải bằng bắp đùi. Không ai câu cả, cá cứ tung tăng lượn hàng đàn dưới biển. Và 3, sau khi thả bè hoa và đồ cúng xuống thì lập tức cả bát hương bùng bùng cháy. Nhiều người reo lên: hóa rồi. Có lẽ dưới lạnh lẽo hàng trăm thước nước, các chiến sĩ đã nhận được tấm lòng của những người trên tàu, dù là hoa và đồ cúng mang theo tàu từ đất liền, dù được các chiến sĩ Hải Quân nâng niu bảo quản, nhưng hoa thì đã héo và chuối cũng đã thâm. Đau lòng lắm nhưng biết làm thế nào được.

            Hôm làm lễ tưởng niệm và thả hoa ở nhà giàn DK1 lại một trận mưa nước mắt nữa.

            Để có hệ thống nhà giàn vững chãi hôm nay, hàng chục cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, có những sự hy sinh nghe kể lại rất đau xót, nhưng cũng rất anh hùng, quả cảm, xả thân vì đồng đội, vì Tổ quốc…

            Đến đảo Nam Yết, đảo Trường Sa… nơi có các nấm mồ của các liệt sĩ, lại nước mắt lăn dài khi thắp hương.

            Mà các liệt sĩ hải quân chúng tôi được thắp hương trong chuyến đi này toàn hy sinh trong thời bình. 64 liệt sĩ Gạc Ma thì bị kẻ thù bắn. Các anh ở nhà giàn, ở các đảo thì hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, không phải bị kẻ thù bắn, nhưng các anh hy sinh vì sóng, vì bão, vì biển khơi. Biển rất bao dung thân thiện, nhưng cũng đầy bất trắc, khôn lường. Biển có những bầy cá heo rất thân thiện với người, tôi quay được rất nhiều clip cá heo bơi theo tàu, nhảy múa khi người vỗ tay “yêu cầu”. Nhưng biển cũng có cá mập, những con cá mập hung hăng, dưới biển chúng luôn thiện chiến hơn người…

Dẫu muộn, thì vẫn là nước mắt, dù không đánh đổi được cuộc sống, không làm sống lại được những cuộc đời, nhưng có thể, nước mắt vẫn làm ấm  những trái tim đang đập và đã từng đập...

 

           

                                                                                    V.C.H