Thi sĩ là kẻ sáng tạo giấc mơ cho dân tộc

03.07.2024

Thi sĩ là kẻ sáng tạo giấc mơ cho dân tộc

Chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

“Nhà văn là người lưu giữ kí ức dân tộc”, trong ngôi nhà đơn sơ của nhà thơ lão thành Nhật Bản: Wakamatsu Jotaro chơ vơ giữa vùng đất chết Fukushima sau tai họa kép sóng thần và nổ nhà máy Điện hạt nhân, tôi đã nói thế, khi yêu cầu ông kể hai câu chuyện đắt nhất về mảnh đất này. Ông cho biết mình chỉ là “con rể” mới tới, thế nên chưa hiểu nhiều. Lúc tiễn tôi ra cửa, ông nói: Nhưng nhà thơ là kẻ sáng tạo giấc mơ cho dân tộc (Đối thoại Fukushima, 2019).

Dành phần lớn cuộc đời mình tại Yoknapatawpha, Lafayette, Mississippi, William Faukner làm kẻ lưu giữ kí ức vùng đất Nam Hoa Kỳ, và kể lại, đời sống cùng giấc mơ con người ở đó. Dẫu bị coi là một nhà thơ hụt “failed poet”, với tư cách người kể chuyện, ông trở thành một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nền văn học miền Nam.

Nhà thơ thì khác: sáng tạo giấc mơ. Như Arthur Rimbaud nhà thơ thần đồng Pháp đã mơ một giấc mơ lớn, chàng trai tham vọng sáng tạo thứ ngôn ngữ có thể truyền trực tiếp từ tâm hồn này sang tâm hồn khác, mà không phải thông qua công đoạn dịch thuật. Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của chàng thi sĩ mơ mộng này vào năm 1956, Henry Miller - một thiên tài viết về một thiên tài, đã tường minh: “Chúng ta được khích lệ nhiều lần sáng tạo một viễn tượng mới về thiên đàng và trần gian, bắt đầu lại lần nữa, để người chết chôn người chết, sống như huynh đệ ruột thịt, biến Giáng sinh trên trần gian thành một thực tại”.

Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn sống trong quá khứ, được nuôi dưỡng bởi những tư tưởng chết, tín điều chết, hiểu biết chết. Và chính quá khứ nhấn chìm chúng ta chứ không phải tương lai. Tương lai bao giờ cũng đã và cũng sẽ thuộc về - thi sĩ” (Thời của những kẻ giết người - nghiên cứu về Rimbaud, Nguyễn Hữu Hiệu dịch). Hai năm - ở tuổi teen, chàng cho ra đời hai tuyệt tác: Một mùa địa ngụcThần cảm thể hiện sự bế tắc và tuyệt vọng của tâm hồn cô đơn trước thế giới hiện đại. Giấc mơ đổ vỡ, chàng bỏ luôn thi ca. Bù lại, hai thi phẩm mỏng ấy tạo ảnh hưởng lớn đến hấu hết nhà thơ Pháp sau đó.

Ở Việt Nam, Tản Đà cũng đã có Giấc mộng con với Giấc mộng lớn của và cho riêng mình. Sau đó là giấc mơ lớn của cả dân tộc: đất nước độc lập, cũng là giấc mơ chung của hầu hết thi sĩ. Qua đó các biểu tượng lớn, vĩ đại được dựng lên: Dáng đứng Việt Nam, Ngày vĩ đại, Bàn chân Việt mang dép lốp vượt Trường Sơn, vân vân.

Bước sang thời kì Đổi Mới, thi sĩ đã mơ giấc mơ khác. Thôi còn là các biểu tượng vĩ đại mang tính đại diện cho cả cộng đồng, mà nhỏ lẻ mang tính địa phương. Inrasara có Cây xương rồng với Sông Lu nhỏ bé ở quê nhà, Nguyễn Quang Thiều có Làng ChùaSông Đáy quê anh. Thử xét hai câu thơ của Nguyễn Quang Thiều, hai câu thơ anh tự nhận đó “là bản tuyên ngôn của đời mình” (báo Tuổi trẻ, 21-7-2012).

Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ

Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi

Hai câu thơ lạ, độc, hay và nhiều ám ảnh. Thi ảnh, sức tưởng tượng và cả ý tưởng. Giấc mơ nhỏ bé và khiêm cung: kiếp sau “là một con chó nhỏ”; mục đích: canh giữ không gì khác ngoài nỗi buồn; nỗi buồn ấy, là báu vật của cố hương. Lạ nữa, khi nhận đó là bản tuyên ngôn đời mình, Nguyễn Quang Thiều không ngại ghi dưới tên bài thơ: “Kính dâng làng Chùa của tôi” - trân trọng đầy trang trọng. Bài thơ được viết năm 1991, khi Thiều 34 tuổi - qua tuổi “nhi lập”. Là bài thơ đinh trong tập Sự mất ngủ của lửa (giải thưởng Hội Nhà văn-1993), nghĩa là nó được Ban chuyên môn thuộc thế hệ trước đóng dấu xác nhận.

Ba ba nhập một, “Bài hát về cố hương” được bao bọc bởi tầng tầng “bảo vệ” giá trị. Sau đó, rất nhiều bài viết về thơ Thiều, luận văn có; hội thảo chuyên cũng có luôn.

PB5 - Chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Tôi chưa viết bài nào về thơ Nguyễn Quang Thiều. Chưa thật cần thiết, về một giọng thơ đã được công chúng luận nhiều. Ở đây tôi muốn nhấn về tuyên ngôn thơ, hay tuyên ngôn đời, của thi sĩ - điều dường chưa được bàn đến. 

Thiều, như cách nói của nhà thơ Wakamatsu Jotaro, đã “sáng tạo giấc mơ” mới, khác và độc lạ.

Làng Chùa với vô số câu chuyện và kỉ niệm, gò đất cha hay ngồi vấn thuốc hay khúc sông đám học sinh thường trốn mẹ tắm trưa, tiếng chim non lạc bầy gấp gáp với bóng cái Chạng lững thững về làng sau buổi cày, câu thơ đầu tiên và mối tình đầu đời, con người với mảnh đời hôm qua như muốn chìm nghỉm, mất hút giữa dòng sống sôi động, tất bật hôm nay.

Tất cả làm nên một “buồn” lớn - là “báu vật” của cố hương, cuống rốn vô hình kết liên truyền thống với hiện đại, quá khứ với tương lai. Sứ mệnh của thi sĩ là gì, nếu không phải canh giữ “buồn” thẳm sâu đó!

Kiếp này, và cả ngàn kiếp sau. Cho cố hương. Cho các thế hệ đi tới.

Thiều mơ giấc mơ nhỏ của riêng anh nơi quê nhà, tuy thế khi nó động đến tầng thẳm sâu của mảnh đất và con người quê hương, nó thành giấc mơ lớn thuộc giai độ địa cầu. Đi đến tận cùng dân tộc, ta gặp nhân loại - là vậy.

I.R.S.R

 

BÀI HÁT VỀ CỐ HƯƠNG-1991

Kính dâng làng Chùa của tôi


Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Dưới những vì sao ướt át
Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về

Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà
Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
Góc vườn khuya cỏ thức trắng một mình

Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Trong ánh sáng đèn dầu
Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại
Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn
Thuở tôi vừa sinh ra
Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi
Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc

Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó
Nó không tiêu tan
Nó thành con giun đất
Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao
Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ
Bò qua bãi tha ma người làng chết đói
Đất đùn lên máu chảy ròng ròng

Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm
Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi.

 Nguyễn Quang Thiều