Đường phố Đà Nẵng mang tên các dòng sông và bến sông
Đường Như Nguyệt
Dòng sông và bến sông luôn thân thiết với người Việt, nhất là những dòng sông và bến sông gắn liền với các sự kiện lịch sử của dân tộc. Chính vì thế người Đà Nẵng không chỉ vinh danh các nhân vật lịch sử mà còn vinh danh các địa điểm lịch sử - trong đó có những dòng sông và những bến sông - qua việc đặt tên đường phố. Những đường phố Đà Nẵng mang tên dòng sông và bến sông có thể nằm ở ven sông nhưng cũng có thể chỉ nằm cạnh con sông bên lở bên bồi đang thao thiết chảy trong tâm tưởng người Đà Nẵng.
*
Đầu năm 1956, người Đà Nẵng đã quyết định đổi tên đường Quai Courbet/Bến Courbet - con đường chạy dọc theo tả ngạn sông Hàn và được xem là “tiền hiền” của hệ thống đường phố Tourane đương thời (được người Pháp đặt tên theo Nghị định ngày 24 tháng 12 năm 1902 của Toàn quyền Đông Dương - Quai tiếng Pháp nghĩa là bến tàu/bến cảng, còn Courbet là tên một đô đốc hải quân Pháp) thành đường Bạch Đằng - mang tên dòng sông gắn với chiến công lừng lẫy của danh tướng Trần Hưng Đạo trong trận thủy chiến năm Mậu Tý 1288 chống quân Nguyên xâm lược. Thật ra Bạch Đằng giang còn gắn với chiến công chống quân Nam Hán xâm lược trong trận thủy chiến năm Mậu Tuất 938 của danh tướng Ngô Quyền và trong trận thủy chiến chống quân Tống xâm lược năm Canh Thìn 981 của hoàng đế Đại Cồ Việt Lê Đại Hành, nhưng để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và làm quân thù cảm thấy nhục nhã vì bại trận thì chính là trận thủy chiến năm Mậu Tý 1288 này.
Không biết ai là người đầu tiên có ý tưởng thay tên đường Quai Courbet/Bến Courbet bằng tên đường Bạch Đằng, chỉ biết rằng từ khi con đường ven sông Hàn mang tên một dòng sông quá ư thân thiết trong tâm tưởng, không ít người Đà Nẵng đã quen miệng gọi sông Hàn quê mình gọi là sông... Bạch Đằng - con sông nằm tận ngoài vịnh Bắc Bộ! Còn nhớ hồi đầu thế kỷ XX, đứng trên đường Quai Courbet bên bờ sông Hàn, nhà yêu nước Trần Quý Cáp từng sáng tác bài thơ Đà Nẵng cảm hoài với hai câu kết giàu sức gợi: An năng tái khởi Trần Hưng Đạo/ Cộng vãn Đằng giang vĩ đại công (nhà thơ đất Quảng Khương Hữu Dụng dịch: Ước chi sống lại Trần Hưng Đạo/ Cùng lập Đằng giang trận thứ hai). Không chừng do liên tưởng nghệ thuật của Trần Quý Cáp nhìn sông Hàn thành sông Bạch Đằng mà năm mươi năm sau người Đà Nẵng đã đổi tên đường Quai Courbet thành đường Bạch Đằng, để từ đó con đường này không ngừng vang lên câu mở đầu ca khúc Bạch Đằng giang của Lưu Hữu Phước - lời Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên: Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng/ Giống anh hùng/ Giống Lạc Hồng Nam Bắc Trung... Xin nói thêm, trước đây đường Bạch Đằng chỉ dừng lại ở khu vực cầu Rồng nhưng hiện nay đã được nối dài về phía nam - dọc theo tả ngạn sông Hàn - đến khu vực cầu Trần Thị Lý (theo Nghị quyết số 120/2017/NQ-HĐND ngày 7 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng).
Trước đó năm năm, đường Bạch Đằng từng được nối dài về phía bắc - dọc theo tả ngạn sông Hàn - đến khu vực cầu Thuận Phước ngoài cửa sông và được người Đà Nẵng đặt tên là đường Như Nguyệt (theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng). Sông Như Nguyệt - còn gọi sông Cầu - là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình chảy qua năm tỉnh/thành phố Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, gắn với chiến công của Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống xâm lược vào năm Đinh Tỵ 1077 và với bài thơ-tuyên-ngôn-độc-lập Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Xin nói thêm, do phần sông Cầu/sông Như Nguyệt đoạn chảy qua ranh giới hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tập trung phần lớn các làng quan họ của vùng văn hóa Kinh Bắc cho nên sông Cầu còn được gọi là “dòng sông quan họ” trong thơ và trong ca khúc Tình yêu trên dòng sông quan họ của Phan Lạc Hoa: Tình yêu có từ nơi đâu/ Êm êm một khúc sông Cầu (…) Con sông của người quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ…
*
Bên hữu ngạn sông Hàn, người Đà Nẵng cũng đã đặt tên cho một con đường ven sông (theo Nghị quyết số 71/2008/NQ-HĐND ngày 4 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng) là đường Chương Dương - tên bến sông cổ nằm bên hữu ngạn sông Hồng, thuộc địa phận xã Chương Dương huyện Thường Tín thành phố Hà Nội. Bến Chương Dương/ Chương Dương độ gắn với chiến công vang dội của danh tướng Trần Quang Khải trong cuộc tập kích vào căn cứ thủy quân của quân Nguyên xâm lược ở bến sông này hồi giữa năm Ất Dậu 1285. Cùng với cửa Hàm Tử, bến Chương Dương còn đi vào thế giới nghệ thuật trong bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Tụng giá hoàn kinh sư của chính Trần Quang Khải: Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu nỗ lực/ Vạn cổ thử giang san (nhà thơ đất Quảng Trinh Đường dịch: Cướp giáo Chương Dương đó/ Bắt thù Hàm Tử đây/ Thái bình nên gắng sức/ Muôn thuở nước non này)…
Bên hữu ngạn sông Hàn còn có đường Bình Than được đặt theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, mang tên sông Bình Than - tên gọi xa xưa của sông Thương - là một trong sáu con sông hợp thành Lục Đầu giang/sông Lục Đầu. Mặc dầu ở thị xã Chí Linh và nơi giáp ranh với huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương có bến đò Bình Than, thế nhưng địa danh Bình Than lại là tên gọi một ngôi làng ven sông thuộc xã Cao Đức huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh và đây mới chính là nơi diễn ra Hội nghị quân sự Bình Than lịch sử vào năm Nhâm Ngọ 1282 do vua Trần Nhân Tông triệu tập và chủ trì để bàn về việc đánh quân Nguyên xâm lược... Hội nghị quân sự Bình Than còn gợi nhớ chi tiết nghệ thuật Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong tiểu thuyết dành cho thiếu nhi Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xuất bản lần đầu năm 1960.
*
Bên cạnh các đường phố mang tên bốn dòng sông Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chương Dương, Bình Than không người Việt nào không biết, thành phố bên sông Hàn còn có một số đường phố mang tên các dòng sông/bến sông bản địa, chẳng hạn như đường Đò Xu (được đặt theo Nghị quyết số 106/2023/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng) mang tên một bến đò ngang ở gần ngã ba sông Cẩm Lệ - sông Hàn - sông Cổ Cò; hay chẳng hạn như 22 đường phố cùng mang tên Phú Lộc - con sông bắt nguồn từ Khánh Sơn phường Hòa Khánh Nam chảy qua phường Hòa Minh đổ ra vịnh Đà Nẵng theo cửa sông nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, ban đầu được gọi là sông Phát và được đổi thành sông Phú Lộc từ năm 1965 (từ đường Phú Lộc 1 đến đường Phú Lộc 18 được đặt theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng; đường Phú Lộc 19 được đặt theo Nghị quyết số 33/2012/NQ-HĐND ngày 6 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng; đường Phú Lộc 20 và đường Phú Lộc 21 được đặt theo Nghị quyết số 122/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng; đường Phú Lộc 22 được đặt theo Nghị quyết số 338/2020/NQ-HĐND ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng)…
Cũng có thể kể thêm 17 đường phố mang tên Ban Ban - một con sông nhỏ ở phường Hòa Quý (được đặt theo Nghị quyết số 74/2021/NQ-HĐND ngày 17 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng). Trong bài viết Sóng nước Đà giang - Kỳ cuối: Chuyện những dòng sông nhỏ đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử ngày 20 tháng 3 năm 2010, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đã miêu tả sông Ban Ban như sau: “Sông Ban Ban (cũng gọi là bàu Ban Ban) lại có hình dạng như cái hồ nước, diện tích mặt nước chiếm khoảng 3.000m2”. Cũng có thể kể thêm đường Cầu Đỏ - Túy Loan mang tên cả hai con sông Cầu Đỏ và Túy Loan (được đặt theo Nghị quyết số 122/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng). Trong bài viết Sóng nước Đà giang - Kỳ 1: Muôn dặm sông Hàn đăng trên Báo Đà Nẵng điện tử ngày 27 tháng 2 năm 2010, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến lý giải về tên gọi Cầu Đỏ và mối quan hệ giữa sông Cầu Đỏ với sông Tuý Loan: “Tên gọi sông Cầu Đỏ được đặt theo tên chiếc cầu sơn màu đỏ xây dựng trên đường 1A từ thời Pháp thuộc (bây giờ cầu đã được sơn màu trắng). Đầu thế kỷ XX, sông Cầu Đỏ còn là con sông nhỏ, nhưng về sau lớn dần lên, là nguồn nước quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhiều xã phường ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, đồng thời có nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước uống cho toàn thành phố Đà Nẵng. Sông Cầu Đỏ có các chi lưu là sông Yên và sông Túy Loan”…
*
Xét trên bình diện toàn quốc, chắc rồi đây người Đà Nẵng sẽ tiếp tục vinh danh các dòng sông và các bến sông qua việc đặt tên đường phố đối với những con sông lớn của đất nước và từng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ xưa nay như sông Hồng, sông Đà, sông Mã, sông Tiền, sông Hậu, sông Hương…; hay đối với những con sông lớn của đất Quảng như sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Tiên…; hoặc đối với những con sông bản địa như sông Trường Định, sông Cẩm Lệ, sông Yên… Và như đã nói trên, những đường phố Đà Nẵng mang tên dòng sông và bến sông có thể nằm ở ven sông nhưng cũng có thể chỉ nằm cạnh con sông bên lở bên bồi đang thao thiết chảy trong tâm tưởng người Đà Nẵng.
B.V.T