Chị tôi

03.07.2024
Phan Đức Nhạn

Chị tôi

Chân dung chị Phan Thị Hàng

Nhà nghèo khó, mới 13 tuổi chị đã phải đi ở đợ cho gia đình thầy thuốc Bắc Nguyễn Khương tại Hội An. Mới xa nhà được ba ngày, chị mang gói quay về, ra đồng tìm mẹ. Mẹ chưa kịp hỏi nguyên do thì chị đã khóc òa nức nở:

- Mẹ ơi, con nhớ nhà, con khóc miết, thấy tội nghiệp, thầy Khương dẫn xuống bến phà gửi con về.

Mẹ xoa đầu chị an ủi:

- Thôi con ở nhà với mẹ, với em, không đi xa nữa.

Năm 1964, quê hương giải phóng, chị đang tuổi 15, mái tóc chấm vai, đôi mắt đen lóng lánh, nụ cười chúm chím, gương mặt rạng ngời. Chị tham gia Đội Thiếu niên Tiền phong, làm liên đội phó. Chị có giọng hát trời phú, hát được nhiều thể loại từ dân ca bài chòi, cải lương, ngâm thơ, tân nhạc... Tôi nhớ lại trên bãi cát Bình Triều, khi đội quân nhân dân tập kết gần chợ Được để chuẩn bị cho ngày mai kéo lên Hà Lam đấu tranh chính trị. Đêm đó sương phủ dày, mọi người ngả mình trên bãi cát thì nhóm thanh niên cùng quê khuyến khích chị hát để phục vụ bà con ngày mai ra trận. Khi chị ngâm bài thơ:

Bắn vào ai.

Tôi phải bắn vào ai.

Trong tay tôi đang cầm cây súng Mỹ…

Nhìn cánh đồng máu rỉ trong tim.

Đây là một bài “nằm lòng” mỗi khi loa phóng thanh hướng vào đồn giặc để vận động binh sĩ Sài Gòn rã ngũ về với nhân dân. Mọi người tung hô, cổ vũ:

- Hát nữa đi, hát nữa đi!

Chị lại ngân nga: Đây đất mẹ, đây lời non nước. Vẹn nghĩa tình sau trước một lòng. Đã sản sinh ra bao lớp anh hùng. Quả chẳng phụ với dòng sữa mẹ…

 

Chị hát liên tiếp mấy bài, mọi người vỗ tay giòn giã, trầm trồ tán thưởng… Nhóm thanh niên quê ngoại ở chợ Bà vây quanh ngưỡng mộ chị. Mới 16 tuổi, chị được bà con làng xã khen xinh đẹp nhất vùng, tính tình hiền thục, chăm chỉ việc nhà, hăng hái đi đầu trong công tác đoàn thể, ai cũng thương, cũng quý. Mấy tuần sau, bác Xã Một ở chợ Bà cùng anh con trai qua thăm nhà coi mắt chị Năm, chị trốn qua nhà hàng xóm, không chịu về. Khi gặp lớp thanh niên trong làng, nhiều người gọi tôi là cậu Út, rồi lên câu ca hóm hỉnh:

- Nước mắm ngon dầm con cá lụy, nhờ cậu Út nói giùm với chị tối anh sang…

Mùa hè năm 2020, nhân chuyến về Bình Dương với nhà thơ Lê Anh Dũng, trong câu chuyện hỏi về Căn cứ lõm Bàu Bính, anh Ba Nghị còn kể:

- Tối hôm qua anh vừa mơ thấy anh làm đám cưới với chị Năm của Nhạn, cô dâu chú rể đội mũ rơm như thời kháng chiến.

Tôi cười và nói xen vào:

- Em nghe nhiều người cũng nói anh rất quý chị Năm.

Nhiều kỷ niệm về chị Năm tôi còn nhớ mãi. Sau khi anh Ba hy sinh, chị Năm tỉ tê với mẹ:

- Mẹ ơi! Con muốn đi bộ đội, con đã viết thư cho cha.

Chị còn đốt thêm như hối thúc mẹ:

- Cha sẽ thêm tự hào về mẹ và các con vì cùng chung chiến hào chống Mỹ.

Rồi chị ngâm câu thơ:

Con cùng cha trở thành đồng chí

Khác tuổi tác nhưng ngang tầm diệt Mỹ…

Mới 17 tuổi, theo tiếng gọi tòng quân lên đường cứu nước, chị làm y tá đơn vị trinh sát tỉnh đội Quảng Nam. Chị đi vắng, cảnh nhà đã ít người lại càng thêm trống vắng, làng xóm cũng vắng đi tiếng hát của chị. Sau khi nhập ngũ được mấy tháng, theo đơn vị về đóng quân ở Bình Giang, chị tranh thủ về thăm mẹ, thăm nhà, đó cũng là lần cuối cùng mẹ sum vầy cùng ba chị em Lạng, Hàng, Nhạn.

Đã hơn năm mươi năm đi qua mà hình ảnh chị vẫn còn hiển hiện trong tôi. Dáng chị hiền thục trong bộ bà ba đen vải mềm, vai mang túi xách cứu thương, bước đi nhanh nhẹn. Chị ngồi thủ thỉ với tôi: Các anh ở đơn vị ví chị như con chim hoàng yến của núi rừng. Hoàng yến có giọng hót rất hay cùng vẻ đẹp thanh tú. Và bảo chị thêm vào chữ lót trước tên, để thành tên gọi: Mỹ Hàng.

Tôi gạn hỏi chị:

- Chị là Hàng hay Hằng?

Chị cười:

- Là Hàng, Phan Thị Mỹ Hàng. Từ dạo ấy các anh hay gọi cái tên thân thiết Mỹ Hàng, có hòm thư Quyết thắng.

Cuối năm 1970, anh Hai từ chiến trường miền Nam gửi thư ra Bắc báo tin: “Em Nhạn ơi! Từ ngày chị Năm em đi bộ đội, anh chỉ liên lạc với chị qua thư…”. Nhưng than ôi! Anh đau đớn báo tin: “Chị Năm em đã hy sinh ngày 20/7/1970 trên chiến trường Tiên Cảnh, Tiên Phước…”. Nhận hung tin làm tôi như muốn chết điếng theo chị. Bốn năm liền 4 người ruột thịt trong gia đình ngã xuống. Tang thương này không thể nguôi ngoai. Lá thư cuối cùng chị Năm viết gửi cha ghi tháng 12 năm 1969, nhờ chú Nguyễn Tân người cùng làng mang ra Hà Nội, nào ngờ lá thư ấy vòng vèo trên đường Trường Sơn… Chị hy sinh một năm sau cha tôi mới nhận được thư chị. Lời lẽ trong thư mộc mạc, chân chất. “Cha ơi! Nhạn đi miền Bắc rồi. Cha đã gặp em chưa? Con nhớ em kinh mất… Con cứ mong nước nhà thống nhất để được gặp cha và em”. Sự khát khao mong được hội ngộ cháy bỏng trong chị làm tôi càng day dứt, xót đau đến tột cùng.

Hè năm 1971, trường Đông Triều chiếu phim Triều Tiên “Chị em chung một chiến hào”. Trong phim có cảnh chiến trường ác liệt, tin đình chiến lan ra, anh em cùng tác chiến trên ngọn đồi thả súng chạy như bay, băng qua dãy chiến hào để ôm lấy nhau vui sướng… Phim kết thúc có hậu đã làm tôi thêm hụt hẫng! Mọi người ra về. Đội chiếu phim đã thu dọn máy, mình tôi nán lại. Chị Bốn, chị Năm tôi không còn nữa, chân tôi như cúm lại, nặng trĩu, không nhấc lên được, nước mắt tràn ra… Than ôi! Vẫn biết số phận con người lồng trong đất nước nhưng tại sao nỗi đau chất ngất lại cứ đổ dồn lên thân phận bé bỏng của tôi, cứ dồn ép tôi đến mức hết phương chống đỡ.

Mộ chị Năm yên an trong khu vườn được một gia đình ở Tiên Cảnh chăm chút cẩn thận. Mùa hè năm 1977 cha và anh Hai bàn chuyện dời mộ chị Năm. Trước ngày giỗ chị 20 tháng 7, cha, anh Hai và tôi lên Tiên Cảnh. Cha thắp nén hương lên mộ chị rồi khấn: “Hôm nay ngày tốt, gia đình đưa con về quê để được nằm bên mẹ cùng anh chị”.

Mở mộ chị, tấm vải dù vẫn còn nguyên gói gọn nắm xương và mái tóc.

Cha nhắc: “Ngày cha đi tập kết, con vừa sáu tuổi, láu lỉnh, xinh xinh. Cha ra đi con và em Nhạn còn say ngủ. Cha cứ nghĩ hai năm sau cha trở về. Rồi thời gian cứ trôi đi, khi cha trở về thì con không còn nữa…”.

Giọng cha lạc đi trong nước mắt, anh Hai lặng im, tôi nghẹn ngào, không dám khóc, vì sợ thêm đau lòng cha. Vong linh chị, một người con thương quý của gia đình ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhớ thương chị, em vẫn hay mơ thấy chị về…

P.Đ.N