Bài thơ "Về với mẹ" - Những tiếng từ lòng đất

03.07.2024
Vân Trình

Bài thơ "Về với mẹ" - Những tiếng từ lòng đất

Bài thơ Về với mẹ của Trần Bình Trọng.

Cố nhà thơ Hoàng Bình Trọng (bút danh Phú Xuân, Hồng Lam), nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình. Ông là người viết nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn, thơ, trường ca, câu đối) và cũng là người biết nhiều ngoại ngữ (Pháp, Nga, Trung). Nhiều tác phẩm của ông gây rung cảm mạnh với người đọc: Bí mật một khu rừng, Vầng trăng cuộc đời, Quanh chỗ anh nằm, Ký sự thời gian, Cuộc săn đuổi vàng, Con đường định mệnh, Tổ chim trên sóng, Hành trình thơ, Thơ lục bát… Ông còn là tác giả của Tướng Giáp – Người anh cả của toàn quân, trường ca đầu tiên viết về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Gần 30 năm trước, tình cờ tôi “bắt gặp” bài thơ Về với mẹ của tác giả Hoàng Bình Trọng. Có lẽ ít có bài thơ nào mà càng đọc, càng đọng lại trong tôi những nghĩ suy về sợi dây vô hình mà huyền diệu giữa người đang sống và người đã khuất. Nhất là mỗi độ tháng Bảy về…

Hoàng Bình Trọng chọn đề tài khá độc đáo, “không đụng hàng” và rất ấn tượng, đó là tâm sự của những người con (là những liệt sĩ) với người mẹ già rất mực kính yêu của mình trên cõi trần thế.

Sau các cuộc chiến tranh dài đằng đẵng và ác liệt trên dải đất hình chữ S này, có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mẹ mất con: “Nước mắt mẹ không còn/ Vì khóc những đứa con lần lượt ra đi mãi mãi/ Thời gian trôi qua/ Vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng/ Nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang”([1]); “Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê/ Chín con ra đi không một đứa trở về/ Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ/ Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn”([2]) …  

Người mẹ trong bài thơ Về với mẹ cũng không nằm ngoài tình cảnh éo le như vậy: Cả bốn người con mà mẹ tiễn lên đường ra trận năm xưa đều không về! “Không về” - có lẽ là hai từ mà rất nhiều người thường dùng để giảm bớt nỗi đau thương của người còn sống trước sự hy sinh của người thân: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ/ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về mình mẹ lặng im” ([3]); “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ đó không về”([4])

Thế mà, những người con (liệt sĩ) trong bài thơ lại không chấp nhận lối suy nghĩ như vậy:

- Không về ư?

Ai bảo không về

Bốn chúng con hôm nay đều có mặt

Thằng Cả: Hướng Điền, thằng Hai: Ấp Bắc

Thằng Ba: Đồng Xoài, thằng út: Núi Thành.

Từ các chiến trường máu lửa ở khắp miền Nam, các liệt sĩ trở về với mẹ đầy đủ, “tất cả vẫn đầu xanh”, vẫn quây quần bên mẹ để nghe “giọng ầu ơ” như thuở còn thơ bé, vẫn “thích làm nũng mẹ” như trước lúc lên đường giết giặc. Rõ ràng, họ vẫn hiện hữu trên cuộc đời này như chưa hề có cuộc chia ly vĩnh viễn. Họ thật sự ngạc nhiên khi người mẹ có những hành động khá kỳ quặc:

Chúng con vui, sao mẹ lại buồn?

Mẹ dọn bàn thờ, mẹ đốt lò hương

Mẹ vái lạy. Trời ơi! Sao lại thế?

Đúng đạo lý con phụng thờ cha mẹ

Can cớ gì mẹ cúng thờ con?

Hy sinh cho đất nước là lớn lao dường vậy nhưng trước mặt mẹ, các liệt sĩ như vẫn còn nhỏ bé, vẫn là con và luôn nhớ đến đạo làm con. Họ từng thản nhiên đối mặt với hòn tên, mũi đạn trên trận tuyến, từng xem nhẹ cái chết đang rình rập, chực chờ đâu đó.  Song, họ không sao chịu nổi tiếng nấc của người mẹ thân yêu suốt mấy chục năm trời khi phải đớn đau mất những đứa con yêu:

Ôi thời gian! Sắt đá vậy thời gian

Không cho mẹ quên nỗi đau se thắt

Thuở chúng con ngực găm đạn giặc

Không đau bằng nghe mẹ nấc hôm nay.

Mấy chục năm rồi, đâu ngày một ngày hai

Cuối bài thơ Về với mẹ, tác giả Hoàng Bình Trọng muốn dành sự an ủi, vỗ về của những người con (liệt sĩ) đối với người mẹ luôn mang trong mình nỗi nhớ con da diết “mẫu tử tình thâm”, dẫu chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi. Họ vẫn luôn về bên mẹ già như không có trở lực nào có thể ngăn cản được, bởi đơn giản họ biết mẹ hiền đang hằng đêm ngóng đợi mình:

Đừng khóc nữa, mẹ ơi! Đừng khóc nữa

Chúng con biết quay về khi mẹ hiền đợi cửa

Trong khói hương, trong gió lay rèm

Chúng con về đủ mặt bốn anh em

Có thể nói, với 29 câu, 206 từ, bài thơ Về với mẹ của Hoàng Bình Trọng đã nói hộ được tình cảm sâu lắng của những người nằm xuống với người thân yêu nhất của mình. Một tình cảm chân chất, bình dị của những người lính cách mạng. Chỉ họ mới có được. Và như thế, tiếng lòng từ đất làm ấm lòng bao bà mẹ - đã rất yêu thương, đã cố bảo bọc, nâng niu nhưng cũng sẵn sàng hiến dâng những “khúc ruột” của mình cho Tổ quốc!

V.T

[1] Lời bài hát Người mẹ của tôi của nhạc sĩ Xuân Hồng.

[2] Lời bài hát Người mẹ Quảng Nam của nhạc sĩ Doãn Nho.

[3] Lời bài hát Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

[4] Lời bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến.