Ấn tượng phim Cô gái trên sông

03.07.2024

Ấn tượng phim Cô gái trên sông

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 được tổ chức vào đầu tháng 7 năm nay có chương trình: Tuyển chọn phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, cùng Hội thảo về phong cách sáng tác của ông. Điều này rất thú vị, vì chính tại Đà Nẵng cách đây 36 năm, một bộ phim nổi tiếng của ông lần đầu được ra mắt, và ngay lập tức gây tiếng vang lớn. Đó là bộ phim Cô gái trên sông.

Phim Cô gái trên sông của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 15-22/3/1988. Trong ký ức của nhiều người làm điện ảnh cũng như nhiều khán giả Đà Nẵng, bộ phim từng làm sôi động thành phố bên sông Hàn này. Trong khi bên trong hội trường, Ban Giám khảo thảo luận sôi nổi, tranh luận căng thẳng để đánh giá chất lượng bộ phim nhằm quyết định trao giải thưởng, thì tại các rạp chiếu phim bên ngoài, khán giả Đà Nẵng xếp hàng rồng rắn, cả ban ngày lẫn ban đêm, để mua vé xem bằng được phim này. Nhiều khán giả ở xa như Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ… cũng kéo về xem phim. Sau Liên hoan, bộ phim vẫn tiếp tục được chiếu dài ngày, và lúc nào khán giả cũng đầy kín rạp. Một vị lãnh đạo Công ty phát hành phim và chiếu bóng Trung ương bấy giờ cho rằng, chỉ riêng tiền bán vé xem phim Cô gái trên sông tại Đà Nẵng cũng dư thừa trang trải cho cả một Liên hoan phim quốc gia. Vậy Cô gái trên sông có điều gì đặc biệt mà hấp dẫn đến vậy?

Bộ phim xoay quanh Nguyệt (Minh Châu đóng), cô gái bán thân nuôi miệng trên sông Hương ở Huế thời chiến tranh. Một đêm tối trời, trong khi bị địch truy đuổi gắt gao, một chiến sĩ cách mạng hoạt động nội thành tên Thu (Anh Dũng đóng) đã trốn lên thuyền, được Nguyệt can đảm che chở, cứu thoát. Thời gian ngắn ngủi trên thuyền, anh đã gieo vào lòng cô gái này niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, và hứa sẽ trở lại tìm cô. Nhưng rồi, anh đã không quay trở lại. Sau ngày giải phóng, Nguyệt gắng sức đi tìm gặp anh, nhưng đã bị anh chối bỏ phủ phàng, vì giờ đây anh đã là một cán bộ có cỡ của thành phố. Nguyệt vô cùng thất vọng và đau khổ. Nữ nhà báo tên Liên (Hà Xuyên đóng) gặp và nghe Nguyệt tâm sự về cuộc đời cay đắng của mình, đã viết một bài báo đầy tâm huyết nhưng bị cấp trên can thiệp, không cho đăng. Tìm hiểu thì Liên rất bất ngờ khi phát hiện, vị cán bộ ngăn cản đó chính là Thu, người phản bội Nguyệt, lại chính là chồng của mình hiện nay. Liên thất vọng, chán chường về thế thái nhân tình, và khi gặp lại Nguyệt thì Liên buồn bã nói rằng: Thu đã chết. Trớ trêu thay, một người lính của chế độ cũ tên Sơn (Trần Văn Sơn đóng), người cũng yêu Nguyệt thời chiến tranh, lại rất chung thủy. Sau thời gian đi cải tạo, anh trở lại với Nguyệt, sưởi ấm tâm hồn cô, và cùng nhau hướng tới tương lai.    

Ở thập niên 80 của thế kỷ trước, câu chuyện phim như vậy là quá mới mẻ - mới mẻ không chỉ đối với điện ảnh mà còn đối với cả nền văn học cách mạng nói chung. Trước đó, văn học và điện ảnh của ta tập trung chủ yếu cho đề tài chiến tranh với chủ đề chính là “yêu, căm, chiến, lạc” (yêu nước, căm thù, chiến đấu, lạc quan). Do phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến nên âm hưởng tráng ca, anh hùng ca bao trùm, xuyên suốt. Hình tượng người cán bộ, chiến sĩ cách mạng hiện ra thường là với phẩm chất cao đẹp, chịu nhiều gian khổ, hy sinh, rồi chiến đấu và chiến thắng. Nội dung tác phẩm chỉ một chiều như vậy là phù hợp trong thời kỳ chiến tranh, nhưng cứ để nó trượt theo quán tính, kéo dài quá lâu trong thời bình thì sẽ sinh ra nhàm chán. Bởi thực tế cuộc sống đã khác, và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả, độc giả cũng đã thay đổi.

Với phim Cô gái trên sông, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tạo ra một sự đột phá mạnh mẽ cả nội dung và nghệ thuật thể hiện. Tiến sĩ Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, cho rằng đây là một cánh én báo hiệu thời kỳ đổi mới của nền điện ảnh nước nhà.

Thông điệp đầu tiên mà tác giả muốn gửi đến mọi người là: Chớ đánh giá bề ngoài con người một cách hời hợt theo thành phần, lý lịch, mà hãy cần tìm hiểu sâu về bản chất của họ. Cán bộ ta, có người tốt và có người không tốt, thậm chí có cả tốt lẫn xấu trong một con người. Người lính chế độ cũ cũng như vậy, không phải ai cũng xấu. Một cô gái bán thân nuôi miệng đôi khi cũng có lòng trắc ẩn, sẵn sàng cứu giúp người trong cơn hoạn nạn, rồi cũng có khát vọng hoàn lương, làm lại cuộc đời. Và đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng sớm cảnh báo sự suy thoái về nhân cách, đạo đức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên: vì tham vọng quyền lực, vì chạy theo lối sống vật chất tầm thường mà quên đi ơn nghĩa của nhân dân từng nuôi dưỡng, chở che, thậm chí cứu mạng mình trong thời kỳ kháng chiến. Bây giờ, nhìn thấy xã hội có không ít cán bộ các cấp sa ngã, nhiều tướng lĩnh không chết vì làn tên mũi đạn nơi chiến trường mà “chết” vì tiêu cực, tham nhũng. Chúng ta thấy phát hiện và dự báo của đạo diễn Đặng Nhật Minh cách đây gần 30 năm thật là chính xác. Ông rất sâu sắc, mạnh mẽ, dũng cảm.

Nghệ thuật kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh của Cô gái trên sông rất sinh động, tạo nên sự hấp dẫn từ đầu đến cuối. Các nhân vật chính như Thu, Nguyệt luôn được đặt vào những thử thách hết sức ngặt nghèo (cảnh đối phương vây ráp chung quanh thuyền của Nguyệt trong khi Thu đang trốn bên trong, cảnh Nguyệt đến cơ quan tìm Thu nhưng bị ngoảnh mặt làm ngơ, cảnh Liên phát hiện chồng mình chính là người phản bội Nguyệt…) để qua đó bộc lộ rõ tính cách nhân vật. Hình tượng người lính chế độ cũ được xây dựng phát triển song hành để khắc họa rõ hơn chân dung người cán bộ cách mạng bị tha hóa. Tính kịch trong phim được chăm chút xây dựng và phát triển hợp lý, luôn gây tò mò cho khán giả, có khi hồi hộp đến nghẹt thở. Trong phim có nhiều cảnh nóng, rất nóng, như lúc Sơn đến gặp Nguyệt trước khi ra trận, như lúc Thu bị săn đuổi khi đang trốn trong thuyền... Có lẽ trong phim truyện cách mạng của ta cho đến giữa thập niên 80 thế kỷ trước, đây là phim có cảnh nóng nhiều nhất, và chắc chắn đó là một trong những nguyên nhân tạo nên sự hấp dẫn cho bộ phim. Tuy nhiên, do những cảnh nóng đó phù hợp với
lô gích của mạch phim, phù hợp với bối cảnh cụ thể, nên nó không tạo ra sự sống sượng, dung tục. Ở đây, cần ghi nhận sự cao tay của đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng sự tự trọng trong diễn xuất của nghệ sĩ Minh Châu.

Với sự xuất hiện của phim Cô gái trên sông, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 năm 1988 tại Đà Nẵng đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi, căng thẳng, kéo dài chưa từng có so với tất cả các Liên hoan phim trước đó. Có người cho rằng đây là sự sáng tạo mang tính đột phá, mở đầu cho sự đổi mới điện ảnh nước nhà, chuyện phim sát với cuộc sống vốn rất đa dạng như một bức tranh nhiều màu sắc. Con người sau chiến tranh cũng có những biến đổi phức tạp trước thực tế hoàn toàn mới, như ông bà ta đã từng nói: “Sông sâu còn có kẻ dò/ Đố ai lấy thước mà do lòng người?”. Ngược lại, có người cho rằng, chuyện phim bôi đen chế độ, nói xấu cán bộ cách mạng, lại đề cao lính ngụy, đề cao kể cả một cô gái điếm. Trong khi bộ phim đang hút khán giả Đà Nẵng như một ma lực thì Ban Giám khảo cùng các chức sắc có thẩm quyền lại tỏ ra lúng túng, cuối cùng phải chọn một giải pháp an toàn là không trao trao giải Bông Sen Vàng mà chỉ trao giải Bông Sen Bạc cho Cô gái trên sông, gây thất vọng không chỉ cho đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng ê kíp làm phim mà còn cho rất nhiều khán giả, nhất là khán giả Đà Nẵng (Riêng nghệ sĩ Minh Châu được trao giải diễn viên xuất sắc nhất).

Thực ra, điều này có tính qui luật: Khi cái mới ra đời thì thường chỉ có một số ít người tiếp nhận đồng tình, ủng hộ, tán dương, còn số đông thì vẫn chưa theo kịp được với cái mới nên họ khó chấp nhận. Vấn đề mới mẻ, táo bạo mà đạo diễn Đặng Nhật Minh đặt ra như trên thì làm sao dễ dàng được số đông chấp nhận? Tuy nhiên, điều này cũng có tính quy luật: cái mới ra đời thường lẻ loi, đơn độc, thậm chí có trường hợp phải lên bờ xuống ruộng, nhưng cùng với thời gian, nó dần dần được chấp nhận, được khẳng định, rồi tỏa sáng. Các bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy bao lần bị vùi dập, bị cấm lên cấm xuống nhưng cuối cùng được vinh danh tại Liên hoan phim Việt Nam với giải Bông Sen Vàng cùng giải đạo diễn xuất sắc nhất, về sau có cả chục đài truyền hình trên thế giới mua bản quyền.

Thì phim Cô gái trên sông của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cũng như vậy thôi. Bộ phim này tuy không nhận được giải cao nhất tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1988, có lúc bị đem ra phê phán tại các hội nghị lớn ở Trung ương, nhưng đến bây giờ thì nó được tung hô khắp nơi, xuất hiện tại hàng loạt Liên hoan phim quốc tế, và được nhiều quốc gia mua bản quyền phát hành như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ… Vậy nên, đường dài mới biết ngựa hay, giá trị của một bộ phim hoặc một tác phẩm văn học - nghệ thuật nói chung là ở chỗ nó có đi cùng thời gian hay không chứ không phụ thuộc nào sự đánh giá nhất thời.

Đà Nẵng, tháng 6 năm 2024
H.H