Cầu quay miền nhớ - Truyện Đinh Quỳnh Như

17.09.2013

Tuổi thơ của tôi được nuôi lớn bằng những chuyến đi. Cha tôi làm một công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều. Ông lại là người dễ bị áp lực vì công việc nên rất cần gia đình bên cạnh. Mẹ tôi làm nội trợ ở nhà. Bà và tôi cần mẫn cùng ông đi qua nhiều nơi, từ vùng núi cao phía bắc đến mũi đất dài miền Nam. Việt Nam trong tôi dần trở nên nhỏ bé, tưởng như có thể bỏ vào lòng bàn tay và nắm chặt. Còn nỗi cô đơn thì cứ thênh thang mãi.

Cầu quay miền nhớ - Truyện Đinh Quỳnh Như

Gia đình chúng tôi bắt đầu di chuyển nhiều từ cuối năm học lớp ba của tôi. Những mối quan hệ bạn bè được gây dựng giờ phải xa rời. Sẽ là ổn thôi nếu chỉ dừng lại ở đó. Tôi sẽ gây dựng lại những mối quan hệ mới, sẽ có bạn bè mới. Sẽ là ổn thôi nếu như cha không dời đi vài tháng một lần.

 

Cho đến khoảng hết cấp một, hình như tôi vẫn còn là một cô bé năng động và hoạt bát, với mái tóc dài và những con tít nhỏ xinh từ bàn tay của mẹ. Những lần chuyển nhà đầu tiên, sân bay bao giờ cũng ngập người đến tiễn. Những con người rất nhỏ và những tình yêu rất to, nhưng chẳng lâu bền. Tôi cũng đã có nhiều người bạn, nhưng mọi thứ nhạt dần rất nhanh khi ta xa cách. Có một khoảng thời gian, trong nhiều đêm liền, tôi thầm đọc tên những người bạn cũ, nhắm mắt liên tưởng đến hình ảnh của họ để xoa dịu bản thân mình. Tôi giữ thói quen đó được khá lâu, cho đến khi tôi nhận ra mình đã để rơi một vài cái tên, và rất nhiều hình ảnh. Vậy là thôi. Sự xa cách nhiều khi có sức mạnh đáng sợ. Ngày tôi dừng việc nhớ đến những người bạn của mình, cũng là ngày tôi bắt đầu học cách thu mình lại. Có nghĩa lí gì đâu chứ?

 

Lên cấp hai, tôi thôi để tóc dài. Mái tóc búp bê cụp vào ôm sát khuôn mặt. Mẹ tôi bảo, con gái thường hay giấu nỗi nhớ vào trong mái tóc, vậy nên tôi cắt tóc đi, để quên cái cảm giác rằng mình chẳng có gì để nhớ.

 

Tôi không thể đếm nổi số ngôi trường, số lớp học tôi từng trải qua. Cũng như chẳng thể nào đếm đủ những tình bạn chưa kịp nở. Những chuyến đi vội vã của cha đầy lên cùng với thói quen thu mình lại của tôi. Sẽ chẳng vui vẻ gì nếu hôm nay ta vừa cười với nhau một câu, ngày mai vĩnh viễn lại trở thành người xa lạ. Thà như là người xa lạ từ ngay lúc đầu…

 

Nhưng trong suốt những năm tháng đó, tôi không và không thể trách móc ông vì bất cứ điều gì. Ông là một người cha thật sự tuyệt vời. Ông hiểu rõ, những đợt chuyển trường liên miên có thể làm tôi không theo kịp bài, vậy nên những tối rảnh rỗi, ông đều dành thời gian bên cạnh tôi, giúp tôi trong việc học. Ông là một người tài giỏi. Cái sự tài giỏi ấy cuốn ông đi, để cho tôi một cuộc sống sung túc hơn nữa. Từ bé đến lớn, tôi chưa bao giờ thiếu thứ gì, trừ những mối liên kết giữa những con người không ruột thịt…

 

 

Tôi sinh ra vào cuối tháng chín, vào chính giữa mùa thu. Mùa thu của những tháng ngày sắp tròn mười sáu của tôi được gửi vào Đà Nẵng. Tôi đã trải qua nhiều mùa thu ở những xứ sở khác nhau. Sài Gòn vội vã. Hà Nội trầm mặc. Hay những cơn gió lạnh ban chiều từ những đất nước xa lạ. Nhưng chưa có nơi nào mùa thu đi qua lạ kì như Đà Nẵng. Bình thản và chậm rãi, mặc cho dòng người vẫn cứ hối hả trôi đi.

 

Đà Nẵng không có mùa thu đâu. Cô bạn gái ngay bên cạnh tôi trong lớp học nói thế. Tôi im lặng, thầm nghĩ con người ở đây thật kì lạ, mùa đang trôi qua từng kẽ tay như thế mà chẳng hề nhận thấy. Đưa tay vuốt lại mái tóc ngắn, cúi xuống bàn và tiếp tục với những phương trình hóa học. Bất giác nhớ lại năm học cũ, cô giáo dạy hóa thứ hai của tôi có bảo, những nguyên tố hóa học cũng giống như những con người vậy, có những con người có mối liên kết chặt chẽ với nhau, một số khác thì không, chỉ có thể giữ mối quan hệ xa cách không bền mà thôi. Nhưng cô giáo đã quên mất một điều, khí hiếm chẳng bao giờ liên kết với ai, và cũng có những con người như thế.

 

Phòng học mở quạt chạy vù vù. Tiếng còi xe ngoài khung cửa sổ, lẫn với tiếng chim kêu rất lạ tai. Tiếng cô giáo giảng bài đều đều, ngòi bút sột soạt trên giấy đều đều. Mọi thứ đều đều, và rời rạc. Lại thấy lòng mình lọt thỏm.

 

 

Gia đình chúng tôi thuê tầng dưới của một căn nhà hai tầng trên đường Bạch Đằng, ngay sát cầu sông Hàn. Tầng trên ngôi nhà là một gia đình bận rộn. Thi thoảng trở mình giữa đêm, tôi vẫn nghe tiếng lạch cạch, đóng mở cửa, nhưng chủ nhân của nó thì vẫn chưa gặp bao giờ. Cũng may là cầu thang để ở bên ngoài nhà nên việc gia đình đó về khuya không ảnh hưởng nhiều lắm đến gia đình tôi.

 

 Gia đình chúng tôi khá giả, nếu không phải nói là giàu có, nhưng cha tôi lại quá yêu thích công việc của mình, vậy nên tôi chưa bao giờ có một căn nhà, và những đồ vật gắn liền với căn nhà đó.

 

Cha rất chiều chuộng tôi. Năm tôi lên lớp bảy, tôi ngỏ ý muốn một chiếc piano, ông bảo sẽ rất khó để di chuyển với một chiếc piano, và khuyên tôi nên học vĩ cầm. Ông kì công đặt ở nước ngoài cho tôi loại vĩ cầm tốt nhất, nhưng tôi không thích âm thanh của nó. Chói tai kinh khủng. Cha bảo cứ cố gắng học, thanh âm rơi vào tay con người mới thành âm nhạc. Con người, chứ không phải là nhạc cụ làm chủ âm nhạc.

 

Nhưng rồi cây vĩ cầm đó nhanh chóng được nhượng lại cho một người bà con xa đang ở gần nơi tôi sống lúc bấy giờ. Cha tôi tỏ vẻ không hài lòng. Chẳng phải vì ông yêu thích âm nhạc, cũng chẳng phải vì ông tiếc công lựa cho tôi. Ông buồn vì tôi đã không cố gắng. Năm đó, tôi bước vào những tháng ngày đầu tiên của tuổi dậy thì. Nhạy cảm và ương bướng, tôi đã nhìn thẳng vào mắt ông và nói:

"Cha nghĩ con sẽ làm được điều gì? Làm chủ thanh âm ư? Khi chính cuộc đời con con còn chưa thể?"

 

Cha tôi đập bàn thật mạnh rồi đứng dậy. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông tức giận như vậy. Bàn tay ông siết chặt lại, như thể đang cố gắng lắm để ngăn bàn tay ấy đưa lên và làm một điều gì đó ảnh hưởng đến tôi.

 

Và ông quát.

 

"Con chưa đủ lớn để làm chủ cuộc đời mình."

 

Tôi lùi lại phía sau, thấy lòng dâng lên một nỗi sợ chẳng nhỏ. Tôi thấy nước mắt mình dâng lên, chực trào, nhưng rồi tôi kìm lại được. Tôi, dậy thì, bảo thủ, cứng đầu, đã hét lên lại với ông:

 

"Vậy thì đừng bắt con phải làm chủ điều gì cả."

 

Rồi tôi chạy thật nhanh vào phòng, úp mặt xuống gối và bắt đầu nức nở. Cha chẳng bao giờ hiểu. Rằng tôi đã học piano trong bao năm, và ước ao có được một chiếc piano của riêng mình, cùng tôi dạo chơi mọi nẻo đến thế nào. Không phải là tôi không thể học vĩ cầm. Nhưng tình yêu tôi dành cho nó chẳng thể nào bằng những phím nhẹ tênh trên piano được. Nếu âm nhạc thiếu đi tình yêu, thì nó sẽ còn lại điều gì?

 

Và cũng như, ông chẳng bao giờ biết, từ lâu tôi đã thèm lắm một điều gì đó có thể gắn bó đến nỗi chẳng thể xa rời.

 

Sau hôm đó, tôi và cha không nói chuyện với nhau nhiều ngày. Tôi đi học sớm hơn, và về trễ hơn, lấy cớ phải học thêm để theo kịp bài. Cha biết tôi cố tránh ông, nhưng cũng chẳng nói gì. Tôi những tưởng đã có thể giận ông mãi. Ấy vậy mà mọi thứ lại trở về như cũ rất nhanh, khi ông bảo tôi dọn đồ chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Vali của tôi chỉ có sách vở, và một vài bộ quần áo. Ông bảo đến chỗ ở mới sẽ mua quần áo, tiền vốn không phải là vấn đề đối với ông, chỉ có thời gian là quan trọng, nên ông không muốn để túi hành lí quá nặng nề.

 

Trên những chuyến bay, bao giờ ông cũng dành thời gian để kể cho tôi nghe về vùng đất chúng tôi sắp đặt chân đến. Chưa bao giờ tôi hết hứng thú với những điều ông kể, nhưng cũng chưa bao giờ tôi thực hiện nó. Cha đi làm và mẹ quẩn quanh trong căn bếp. Sự lí thú sẽ có gì thú vị khi khám phá một mình? Hay chỉ nỗi cô đơn là tăng thêm gấp bội?

 

 

Ở trên lớp, tôi hay gặp rắc rối với cậu bạn tên Nguyên, cậu bạn bàn trên, bắt đầu từ lần tôi lỡ tay làm mực bắn lên lưng áo trắng của cậu ấy.

 

Nguyên là một cậu chàng phiền toái đến chết được. Ngay lúc cảm nhận được trên áo mình có dính cái gì “ươn ướt”, Nguyên quay phắt lại, nhìn cây bút mực trên tay tôi và cười châm biếm:

 

“Cậu học lớp mấy rồi mà còn dùng loại bút này?”

 

Tôi im lặng, không muốn đôi co nên đứng dậy định bước ra khỏi lớp. Nguyên nắm lấy khuỷu tay tôi kéo lại.

 

“Làm bẩn áo của người khác rồi lẳng lặng mà đi vậy đó hả?”

 

“Cậu có thể thay đồ thể dục thay vào, cái áo đang mặc trên người, tớ sẽ đem về giặt và gửi lại sau.”

 

Tôi cứng mặt lại. Cậu ấy thấy vậy nên thôi không chọc nữa, thả tay ra cho tôi đi. Cứ tưởng vậy là xong, ai dè những ngày tiếp đến, cậu ấy liên tục bày trò quấy phá tôi. Đầu tiên là một con sâu róm chết trong học bàn. Tôi suýt chút nữa khóc thét lên vì sợ, nhưng rồi kiềm lại được. Tôi không thích phải tỏ ra mình yếu đuối trước mặt bất cứ ai. Nhưng tôi càng “cứng”, Nguyên càng không chịu buông tha. Sau sâu róm là gián, ong,… toàn những loài côn trùng mà con gái không tài nào ưa được.

 

Vài ngày Nguyên đâm chán, chuyển sang “chôm” đồ dùng học tập của tôi mỗi khi có thể. Như kiểu đầu giờ tôi tìm mãi chẳng thấy cây bút máy đâu, bạn bè trong lớp không ai dùng cùng loại bút nên đành chịu cảnh không chép bài, đến tối về mới thấy cây bút ở dưới đáy cặp. Tôi chắc chắn những trò đùa này đều là do Nguyên gây ra, bực mình, nhưng cũng không có gì to tát lắm. Cậu ấy chưa bao giờ “chôm luôn” thứ gì, nên tôi cũng chẳng thèm nói.

 

Nguyên là người của đám đông. Cậu ấy chưa bao giờ đi một mình, lúc nào cũng là cả một đám bạn đi theo. Trên môi cậu bao giờ cũng thường trực nụ cười. Tôi không thích Nguyên (vì cậu ta lúc nào cũng bày trò trêu chọc tôi), nhưng phải công nhận Nguyên khá hoàn hảo. Cậu ấy bao giờ cũng là người được điểm cao nhất lớp, và được quý mến nhất lớp. Tôi ghen tị với Nguyên nhiều. Không hẳn vì tôi không thể hòa đồng với các bạn, chỉ là tôi sợ…

 

 

Thư viện của ngôi trường tôi đang theo học rất rộng, nhưng chẳng mấy ai lui tới. Tôi thích ngồi trong góc khuất, phía gần cửa sổ. Bên ngoài là một cây phượng lớn, xum xuê. Đôi ba tia nắng nghịch ngợm nhảy vào, không đủ chói, nhưng cũng đủ để thấy ấm áp lạ kì.

 

Những giờ ra chơi, tôi hay chui vào đó, đọc một vài cuốn truyện nhỏ để giết thời gian, và đôi lúc là suy nghĩ về chính bản thân mình. Ở những ngôi trường khác, tôi cũng luôn tìm được một xó xỉnh be bé như thế. Đôi lần, trong tôi nhen nhóm hi vọng sẽ có một ai đó tìm thấy mình, và cùng tôi chơi trò “tình bạn”, nhưng dường như chẳng ai để tâm đến việc tôi ở đâu trong tất cả những giờ ra chơi.

 

Ấy vậy mà Nguyên lại tìm thấy tôi. Không, là ngẫu nhiên thôi, cậu ấy đi qua và thấy tôi ở đó. Cậu ấy thản nhiên ngồi xuống cạnh tôi, rồi hỏi:

 

“Cậu ở đây mỗi giờ ra chơi hả?”

 

“Ừ.”

 

“Tại sao vậy?”

 

“Tại sao cái gì cơ?”

 

“Tại sao cậu lại né tránh mọi người?”

 

“Vậy chứ tại sao cậu lại cứ hay chọc tớ như vậy?”

 

“Tại vì tớ muốn nhìn cậu cười thử một lần.”

 

Tôi im lặng, chợt nhận ra đã lâu rồi chưa nở một nụ cười với ai khác ngoài gia đình mình, cho dẫu nụ cười đó có đúng nghĩa hay không.

 

“Có gì vui để mà cười chứ?”

 

“Tại sao lại không? Cười dễ mà” – Nguyên đưa hai tai lên miệng, làm điệu bộ kéo miệng ra thật rộng – “Và vui nữa. Tớ cười mãi đấy thôi, đâu có khó khăn gì. Cậu làm thử xem nào.”

 

“Cậu khác tớ. Cậu có bạn bè, cậu có cả một tuổi ấu thơ dài bên họ. Bao nhiêu vui buồn cũng đều có người chia sẽ. Cậu hạnh phúc, và cậu cười, còn tớ thì không như vậy.”

 

Cổ họng tôi như nghẹn lại. Phải nói với ai đó rằng mình đang không hạnh phúc thật chẳng dễ dàng chút nào, nhưng chẳng hiểu sao, trước mặt Nguyên, tôi lại buộc miệng nói hết ra như vậy.

 

“Cậu cũng hạnh phúc mà, nếu như cậu nghĩ mình như thế.”

 

“Cậu không hiểu gì cả đâu. Hạnh phúc như cậu thì hiểu điều gì chứ?”

 

Nói rồi, tôi đứng dậy bước ra ngoài. Đến cửa thư viện, ngoái lại vẫn thấy Nguyên ngồi im ở đó, thở dài. Chưa bao giờ tôi thấy cậu ấy đăm chiêu như vậy. Nắng lên cao hơn, soi vào hiện rõ khuôn mặt ấy, có chút chút buồn. Chỉ chút chút thôi, vì cậu ấy có điều gì để mà buồn cơ chứ…

 

 

Chiều hôm đó, tôi lại gặp Nguyên trước cửa nhà. Tôi trợn mắt:

 

“Cậu ở đây làm gì?”

“Đây là nhà tớ. Còn cậu?”

 

“Đây là… nhà tớ thuê.”

 

Nói ra câu đó khiến tôi có cảm giác buồn khủng khiếp. Như một ngôi nhà để nuôi dưỡng tình cảm gia đình mà cũng phải đi thuê. Trong giây phút đó, tôi thấy như mình là kẻ nghèo nàn nhất thế giới…

 

Tôi chưa vội vào nhà, cùng Nguyên đi dạo một đoạn dọc bờ sông Bạch Đằng. Nguyên bảo cậu ấy ở đó một mình, thấy nhà rộng nên cho thuê kiếm thêm thu nhập, chẳng ngờ lại là gia đình của tôi. Cha mẹ Nguyên li hôn năm cậu ấy lên lớp tám, và mỗi người một lối đi riêng. Cậu ấy không muốn ở với ai và cũng chẳng muốn nhận tiền trợ cấp của ai, chỉ xin ngôi nhà để ở. Những tối về muộn là bởi cậu ấy đi làm bồi bàn cho một quán cà phê nhỏ. Nguyên bảo cũng không hẳn là vì thu nhập, cậu ấy không muốn ở nhà nhiều để thấy cảnh nhà mình hoang vắng.

 

Tôi cũng bắt đầu kể cho Nguyên nghe về hoàn cảnh của mình. Những chuyến đi xa của bố và sự thu mình lại, ngại tiếp xúc và mỉm cười của tôi. Chúng tôi, mỗi người chỉ kể chuyện mình. Chẳng một lời khuyên, chẳng một câu an ủi. Cứ đi cạnh nhau và kể câu chuyện của chính bản thân thế thôi, mà sao nghe lòng bình yên lạ…

 

 

Sinh nhật của tôi đến, tiệc sinh nhật vẫn tổ chức đàng hoàng, vẫn bánh kem và nến đầy đủ, với cha và mẹ, cho dẫu tôi đã sắp bước sang những ngày đầu tiên của tuổi mười bảy. Đôi lần, tôi hỏi cha mẹ về một đứa em nhỏ, sẽ ở cạnh tôi trong mỗi chuyến đi, sẽ cùng tôi xây dựng một tình thương khác biệt. Nhưng những lần dịch chuyển không cho phép mẹ tôi làm điều đó.

Cha hỏi tôi ước điều gi, như mọi năm vẫn vậy. Và câu trả lời vẹn nguyên chưa từng thay đổi sau bao nhiêu năm đi qua bao miền đất lạ.

 

"Con ước có một điều gì đó vẹn nguyên cho tuổi trẻ."

 

Và cha, như thường lệ, sẽ ôm tôi vào lòng, và xoa nhẹ lên mái tóc.

 

"Tất nhiên rồi, con gái"

 

Ông thơm vào trán tôi và đưa tôi vào giường ngủ. Thật lạ kì là dù cho ông là một con người bận rộn, thì tình cảm giữa tôi và ông, giữa cha và con gái vẫn khắng khít đến mức khó tin. Ông trao cho tôi một niềm tin lớn lao đến mức tôi có thể sẻ chia với ông về mọi thứ. Phải, tất cả, trừ nỗi cô đơn ngày một rộng lớn miên man.

 

Ngay khi cha vừa bước ra khỏi phòng, tôi chồm dậy, với tay lấy một quyển sách trên kệ. Những quyển sách đã theo tôi đi cả một cuộc hành trình dài nhưng chưa bao giờ đủ thời gian cho một lần bám bụi. Cuốn sách mà tôi vớ được là tuyển tập những truyện ngắn nhỏ. Tình cờ thay, trang sách tôi lật ra là một câu chuyện về Đà Nẵng. Cô gái trong tác phẩm, một con người ham thích những cuộc phiêu lưu, đã phải lòng thành phố này, và dừng chân tại đó. Cô bảo, tình yêu là một sự ám ảnh. Và tất cả những thứ nơi Đà Nẵng, kể cả từng hơi thở nhẹ tênh, đều đem lại cho cô sự ám ảnh kì lạ. Rồi cứ thế, cô yêu nó, và cô ở lại.

 

Tôi bắt đầu suy nghĩ về những điều ám ảnh. Tôi chưa gặp, hoặc tôi không muốn gặp. Không dễ dàng gì để yêu thương rồi rời xa thật vội. Và tôi nghĩ về điều ước năm sau trong ngày sinh nhật. Có lẽ tôi sẽ bảo cha..

 

"Con muốn có một sự ám ảnh trọn vẹn trong đời."

 

Mười giờ đêm, bỗng nhiên có tiếng chuông cửa. Cha tôi mở cửa rồi gọi tôi, bảo có bạn đến chơi. Là Nguyên. Mặc dù cậu ta rất đáng ghét, nhưng, hừm, thôi được, hôm nay là sinh nhật tôi, nên tôi sẽ dịu dàng tí vậy.

 

Nguyên xin phép cha mẹ để đưa tôi đi chơi. Không hay ho gì để đồng ý cho con gái mình ra ngoài vào lúc mười giờ đêm, nhưng cha mẹ tôi vẫn mỉm cười, và ý chừng như thúc giục. Hình như họ cũng hiểu, đây là lần đầu tiên có một người bạn của tôi đến thăm nhà.

 

Ngay khi cửa nhà tôi vừa khép lại, cái bản mặt ngoan hiền của Nguyên cũng biến mất. Cậu ta lộ bản chất thật, nắm tay tôi kéo thật nhanh ra cầu sông Hàn, chọn một chỗ ngồi thật đẹp trên đường Bạch Đằng để ngắm cầu.

 

Nguyên liến thoắng, bảo rằng không biết hôm nay là sinh nhật tôi, nếu không cậu đã gọi tôi đi từ tối qua, thôi thì trễ một ngày nhưng kệ vậy.

 

Xong rồi cậu ta bắt đầu huyên thuyên về Đà Nẵng...

 

"... Cậu thấy đó, giờ Đà Nẵng được gọi là thành phố của những cây cầu. Bao nhiêu cầu đẹp mới xây. Nhưng mà, nhắc về Đà Nẵng, người ta vẫn nghĩ đến đầu tiên là cầu quay sông Hàn..."

 

"Tại sao lại như vậy?"

 

"Tại vì đó là sự ám ảnh. Sự ám ảnh của lịch sử Đà Nẵng. Cũng như sau này, cho dù các cửa hàng đồ ăn nhanh, thức ăn Nhật, Hàn,... có mọc lên, thì cái sự ám ảnh của người ta vẫn là mì quảng, không thể nào khác đi được."

 

"Làm sao để tạo ra những điều ám ảnh lạ kì như thế?"

 

"Đà Nẵng xây dựng nó bằng yêu thương"

 

Tối hôm đó, chúng tôi quyết định sẽ đợi xem cầu quay. Nguyên bảo sống ở đất Đà Nẵng bao năm rồi vẫn chưa nhìn thấy cầu quay lần nào. Tôi cũng háo hức muốn một lần được chiêm ngưỡng cây cầu quay như lời quảng cáo của ba trên chuyến bay gần nhất. Lần đầu tiên, tôi háo hức muốn khám phá một điều gì đó, đơn giản bởi có một người ở cạnh bên.

 

Nhưng cuối cùng Nguyên lại ngủ quên mất. Khi chiếc cầu chầm chậm quay, tôi nhìn sang bên cạnh đã thấy Nguyên đang say giấc. Một cảm giác kì lạ len lỏi vào tim tôi thật ấm. Người ta gọi đó là tình yêu. Tình yêu thành phố với những cây cầu, và cả những điều tuyệt diệu khác nữa. Hình ảnh đó có lẽ sẽ mãi mãi in sâu vào tâm trí tôi như một điều ám ảnh mãi chẳng rời.

 

 

Một buổi chiều cuối mùa thu, mưa bắt đầu rơi nặng hạt, khi tôi vừa đặt chân vào nhà với tà áo dài ướt nhẹp nước, cha tôi, như mọi khi vẫn vậy, bảo tôi chuẩn bị hành lý để tiếp tục cho cuộc hành trình. Ông hồ hởi:

 

"Công việc ở đây kết thúc vừa đúng lúc chuyển sang đông. Con sẽ không phải chịu cảnh áo dài ướt nhẹp, và..."

 

"Cha, con muốn có một nơi để thuộc về..."

 

Tôi ngắt lời cha, lần đầu tiên trong nhiều năm bên cạnh. Ông giật mình, im lặng một lúc lâu rồi hỏi:

 

"Có nhiều nơi thuộc về không phải sẽ tốt hơn sao?"

 

"Con muốn có một căn nhà, của con, của gia đình mình, nằm hướng ra một dòng sông, và những cây cầu."

Cha tôi khẽ mỉm cười...

 

"Cha đã già, và chuẩn bị nghỉ hưu. Đây là chuyến đi cuối. Nơi chúng ta sắp tới có rất nhiều những dòng sông, cha sẽ lựa cho con một ngôi nhà gần đó."

 

"Nơi này chưa đủ đẹp sao cha?"

 

Ông thảng thốt:

 

"Con thật sự muốn ở lại đây?"

 

"Có điều gì kì lạ sao cha? Con mệt nhoài với những chuyến đi rồi. Con muốn dừng lại, tìm một nơi mình yêu, một con người mình yêu. Con muốn tìm cả một sự ám ảnh mà bao lâu nay chưa kịp thấy đã phải bỏ đi đến một vùng đất khác."

 

"Cha vẫn nghĩ tuổi trẻ là muốn được bay nhảy..."

 

"Nhưng vẫn phải có một nơi để trở về."

 

"Con chẳng phải đã có gia đình để trở về đấy sao?"

 

"Nhưng cha ơi, ngoài gia đình ra, con đâu còn gì cả..."

 

Cha im lặng nhìn tôi. Tôi nghe tim mình chao đảo, sau bao năm im lặng sống một cuộc đời theo quán tính, lần đầu tiên tìm được một nơi mình có thể thuộc về, đến cuối cùng vẫn chẳng thể nấn ná lại lâu hơn nữa. Cha tôi đăm đăm nhìn tôi một lúc lâu, rồi lặng lẽ...

 

"Cha xin lỗi. Cha đã kí hợp đồng với bên kia và không thể huỷ. Hơn cả, nơi đó có môi trường học tập rất tốt. Chúng ta sẽ ở đó, cho đến khi con có thể tự lập một mình. Con có thể tìm những người bạn mới, như bao lâu nay vẫn thế. Chẳng điều gì là không thể. Nơi đó sẽ thuộc về con, nếu con muốn nó thuộc về. Con người làm chủ mọi thứ."

 

"Còn nếu con không muốn thuộc về nơi đó?"

 

"Thì chúng ta vẫn sẽ ở đó."

 

Tôi bỏ chạy thật nhanh, cảm giác như mình đang phải trốn tránh điều gì đó đã thành thói quen không thể bỏ. Những cuộc di chuyển ồ ạt và nhanh chóng. Những con người chớm thân vội vàng trở thành xa lạ. Một sáng thức giấc nhận ra mình chẳng có ai sát cạnh. Tất cả dâng trào lên, bức bối.

 

Tôi ước mình đã có thể nói với cha điều đó sớm hơn, dẫu có là ích kỉ, rằng cha thôi tham công tiếc việc đi, con đâu có cần cuộc sống xa hoa phú quý, con chỉ cần những mối thân quen, những sự liên kết bền chặt, để con tin mình chẳng là khí hiếm giữa đời này. Có phải ai cũng muốn là một điều gì đó hiếm hoi đâu...

 

Rồi tôi nhận ra mình dừng lại ngay dưới chân cầu sông Hàn. Trời đã tạnh mưa, gió mát ùa về len lỏi. Tôi khóc, lần đầu tiên, vì nỗi cô đơn dày dằng dặc. Tôi khóc, giữa hàng vạn người qua lại. Chẳng ai để ý. Chỉ có tôi và đơn độc với nỗi ám ảnh của riêng mình.

 

 

Mùa xuân thứ hai mươi hai...

 

Tôi thức dậy và nhận ra tuyết vẫn còn rơi đầy cửa sổ. Cha đã không mua một căn nhà cạnh một dòng sông, bởi tôi muốn thế. Không gì có thể thay thế được nỗi ám ảnh của ngày cũ xưa đó. Và cho dẫu ám ảnh có nhạt dần, thì tôi cũng không mong mình trở nên thân thuộc với một thứ thế thân.

 

Mùa thu năm ấy, tôi đã rời đi ngay vào sáng hôm sau. Mọi thứ vẫn luôn diễn ra đột ngột và chóng vánh như vậy. Tối hôm đó, tôi nghe tiếng chân Nguyên leo lên gác, và tiếng mở cửa xoành xoạch. Thực sự muốn chạy lên vào kéo tay cậu ấy, bảo rằng, mình đi ngắm cầu quay đi, có được không. Nhưng rồi bản thân không dám làm điều đó. Nguyên rồi sẽ lại trở thành quá khứ, trở thành một nỗi ám ảnh đã quên mà thôi...

 

Cha đã giữ đúng lời hứa, thôi không di chuyển nữa. Tôi có một căn nhà, một căn phòng thật sự thuộc về mình. Nhưng tôi có thuộc về nó không thì tôi không biết. Hoàn thành xong dự án cuối ở nơi đây, cha nghỉ hưu, và cùng mẹ đi du lịch nhiều nơi. Căn nhà thường xuyên chỉ có tôi một mình.

 

Tôi bắt đầu tìm những mối quan hệ mới, mọi thứ quả thật không quá khó khăn nếu ta ở yên một chỗ. Mạng xã hội bắt đầu phát triển, lâu lâu đăng một status vu vơ, lại có chục người thích, chục người bình luận, bận rộn kinh khủng với những mối quan hệ ảo. Nhưng vui. Nhưng ít ra cũng thấy mình chẳng hề cô độc.

 

Cho đến một chiều, khi cô bé người Mĩ nhà bên chạy vội qua, mếu máo đưa tôi xem chiếc áo của nó bị loang lổ những vết mực tím do "cây bút kì lạ" của "con bé gốc Việt" đằng sau. Bất giác, mọi kí ức trong tôi lại ùa về, sống động hơn bao giờ hết. Tôi lại thấy mình như quay ngược về mùa thu của tuổi mười sáu. Một sáng vô tình làm dây mực lên màu áo trắng tinh khôi của một người xa lạ. Một nụ cười châm biếm, thời buổi này rồi ai còn dùng loại bút bơm mực xa xưa. Thư viện vắng và những kẽ nắng đan xen, đưa tay ra là bắt được mặt trời. Hạnh phúc là do con người ta quyết định. Ai thấy mình hạnh phúc, người đó sẽ hạnh phúc.

 

Và ám ảnh hơn cả là cây cầu quay chín mươi độ trong đêm vắng. Với một cậu bạn đã ngủ gục cạnh bên. Dù có xoay chuyển thế nào, thì rồi cầu cũng quay về như cũ. Con người cũng vậy, đi đâu mà chẳng phải trở về?

 

Tôi mua vội một chiếc vé máy bay trở về Việt Nam. Ngay khi đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng, tôi thấy như tất cả thời gian đều quay ngược về mùa thu năm đó. Con bé tôi mười sáu tuổi, cô đơn giấu vu vơ vào trong túi áo, thèm khát một thứ thuộc về. Và Nguyên, cứng cỏi và mạnh mẽ, hay cười dẫu cho chẳng có gì vui. Tôi có gia đình và không gì nữa cả. Nguyên có tất cả chỉ trừ mỗi gia đình. Sự ghen tị trong chúng tôi đẩy cả hai lại gần nhau. Nhưng cũng chính sự khác biệt đã khiến chúng tôi không thể cạnh nhau lâu hơn như thế.

 

Tôi chạy thật nhanh đến cầu sông Hàn, và bắt gặp ngay Nguyên ở đó. Như một điều kì diệu. Nguyên của tuổi hai hai. Cao hơn và thêm phần vững chãi. Tôi và cậu ấy đứng cách nhau một quãng khá xa. Cậu ấy thấy tôi, và im lặng. Tôi òa khóc. Chúng tôi giữ khoảng cách như vậy một lúc lâu như thế. Bao nhiêu nỗi nhớ của mấy mùa gom lại nay ùa ra, nức nở. Cầu Sông Hàn bao năm qua chẳng hề thay đổi, như giữ giùm tôi vẹn nguyên miền nhớ ngày nào.

 

Cậu ấy nhìn tôi. Tôi khóc. Còn Đà Nẵng thì chứng kiến tất cả.

 

 

"Những chiều cuối thu, tớ vẫn hay ra đây và đợi. Vì một lời hứa sẽ ngắm cầu quay cùng một ai và thôi không ngủ gật."

 

"Cậu không nghĩ tớ sẽ không trở về?"

 

"Đôi lúc tớ cũng có nghĩ tới điều đó. Nhưng Đà Nẵng bảo cậu sẽ trở về. Nên tớ tin nó.

“…”

 

“Còn cậu, tại sao lại trở về?"

 

Tôi im lặng, ích kỉ giấu câu trả lời cho riêng bản thân mình... Sau bao nhiêu năm đi rồi đến, đến rồi đi, nhắm mắt lại đã thấy sau lưng hiện lên bao miền đất lạ, cuối cùng cũng tìm được nơi đợi mình trở lại… Cuối cùng cũng tìm được nơi để thuộc về…

 

Cũng bởi chẳng nơi đâu xây ám ảnh bằng yêu thương như Đà Nẵng…

 

Đ.Q.N