Đá vàng - Truyện ngắn Nguyễn Nhã Tiên

25.08.2013
Lật lại mảnh giấy Duyên vẽ chỉ dẫn đường cho tôi lên núi Thủy thăm anh Thiệp. Đúng ra, cũng chẳng phải cần tới bản đồ hướng dẫn, có gì đâu mà phải đến nỗi như cầm tay chỉ từng con đường sợ tôi mù mờ đi lạc. Vả lại, núi Thủy cho dầu như Duyên nói: "Bây giờ là cả một thành phố đá chứ chẳng chơi", thì cũng dăm ba con đường là cùng. Nhưng tánh Duyên là thế, lúc nào cũng cẩn thận chu đáo đến vụn vặt. Đến như lọ dầu Nhị thiên đường cũng nhét vào trong túi xách: "- Anh hay đau bụng đêm, mang dầu theo để tối trước khi đi ngủ đánh vào bụng cho ấm, trời trên đó về khuya mùa này lạnh lắm".

Đá vàng - Truyện ngắn Nguyễn Nhã Tiên

 Sự lo lắng thái quá đôi lúc làm tôi khó chịu. Vậy mà bây giờ, ngồi trong cái quán ven đường giữa bốn bề đá núi, lật cái bản đồ Duyên vẽ ra xem lại chợt thấy âm ấm, một thứ cảm giác đầy hơi hướm vợ chồng. Bỏ cái ngã ba thứ nhất, bỏ tiếp cái ngã ba thứ hai, nhà anh Thiệp có tréo dấu đỏ theo hướng cái mũi tên từ ngã ba thứ ba đi vào một quãng độ chừng gần cây số. Chỗ quán nước tôi ngồi là chỗ đánh dấu bắt đầu mũi tên. Lúc sáng, ngồi vẽ tới đâu Duyên giải thích tới đó:

- Đường lên núi Thủy sẽ qua dốc bà Chúa, dốc Thiền Sư. Phương tiện từ đường cái vào chỉ toàn xe thồ. Cái ngã ba này anh Thiệp đặt tên là ngã ba "Tâm giao", ảnh cắt nghĩa là do đặc điểm địa lý có đường lên núi và đường xuống biển, còn đường dẫn vào nhà anh ở vào cái vị trí "trung dung", theo anh Thiệp tức là nơi phong thủy hợp bởi hai dòng ánh sáng của cặp phạm trù núi và biển.

Gấp mảnh giấy vẽ bản đồ cho vào túi áo, gọi cô chủ quán trả tiền ly cà phê, tôi đeo túi xách lên vai, rời cái quán nhỏ bên đường bắt đầu nhàn tản đường lên núi Thủy. Đá lô nhô hai bên đường muôn vạn hình thù. "Em ru gì lời ru cho đá, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian..." Vừa đi tôi vừa lầm thầm hát vu vơ. "Phong thủy hợp bởi hai dòng ánh sáng..." của Thiệp đâu chẳng thấy, chỉ thấy khói núi bay lên lẫn với mây trời la đà xuống thấp. Trời cuối thu không nắng cũng chẳng mưa. Gió núi phóng túng tạc vào vách đá rồi ùa xuống lòng con đường hẹp thổi phiêu du, phơn phớt một thứ gió mơn trớn dễ gây cái cảm giác đê mê bồng bềnh. Tôi say sưa ngắm núi như người cổ ngoạn. Những đỉnh núi đá nhấp nhô trong mây bay chừng như cựa mình tỉnh thức chuyển động, vô khối hình nhân từ đó bước ra trong dáng vẻ vọng phu, phụ tử, cả những vị thiền sư ảo dịu giữa sa mù như muốn minh chứng về cái triết lý biến dịch muôn thuở: "nước chảy đá mòn".

- Anh Hai về đâu..., Anh Bảy tìm nhà ai..., chú Tư đến chỗ nào cháu chở tới nơi ...

Những người chạy xe thồ thấy tôi thơ thẩn nhìn xuôi trông ngược, cứ bám riết, rà xe máy chạy theo chào mời xởi lởi. Tôi lắc đầu quầy quậy thay cho câu trả lời. Trời đẹp thế này mà vù vù trên xe máy là một phí phạm. Lại nhớ lời Duyên dặn lúc sáng:

- Có đi xe thồ, xe ôm thì nhớ trả giá đường hoàng, chưa tới cây số là đến nhà anh Thiệp, không khéo bị móc thủng túi đấy ông "ngố" ạ!

Vợ chồng ăn ở với nhau đến con Nhím nhà tôi đã vào trung học rồi, vậy mà hình như tôi chưa bao giờ "làm người lớn" trong mắt của Duyên. Lúc nào Duyên cũng gắn tôi với bao hình tượng ngây ngô nghễnh ngãng. Khi thì "ngố", lúc "ấm đầu", lúc "ngây thơ". Ngôn ngữ tình yêu của thời vợ chồng chẳng biết có còn đẹp như thời hẹn hò nhau không nữa. Cũng không hiểu sao mỗi lần nghe Duyên gọi như vậy tôi lại thấy nồng nàn cái hơi hướm gừng cay muối mặn đến thế! Mà Thiệp đã nói rồi, nói ngay trong cái ngày tôi và Duyên tổ chức lễ cưới.

- Kể từ bây giờ, thằng Quân chính thức trở thành "em út" của "chị hai" Duyên, cầu chúc hai đứa em hạnh phúc đến răng long đầu bạc.

Thiệp vừa chúc tụng vừa nói chơi chơi châm chọc cái tính "bà cụ non" của Duyên. Và một điều nữa tôi cũng ngầm hiểu, là từ đây phải tập gọi cho có trên có dưới với ông anh vợ của mình. Thời bạn bè nối khố học hành với nhau đã chuyển qua một trật tự mới. Tập tành suốt bao ngày rồi mà tôi còn lợ ngợ gọi Thiệp khi thì anh, lúc thì cái tên Thiệp gọn lỏn không anh mà cũng chẳng em. Tệ hại hơn nữa có khi lại xưng tao - mầy với nhau ngang phè. Những lúc như thế Thiệp cười xuề xòa: " Khó thưa gởi với ông anh quá thì thôi, tao tha cho về già hãy tính". Nhưng Duyên quyết không cho phép tôi đợi đến già.

- Bạn bè thì bạn bè, nhưng trật tự phép tắc trong nhà mà phá vỡ thì chẳng còn ra thể thống gì nữa.

Đó là bài học đầu tiên "chị hai" Duyên trổ tài lên lớp mà tôi không thể không nghe theo được. Và sự "ngoan ngoãn vâng lời" không dừng lại ở đó, đến nỗi con Nhím nhà tôi còn bảo:

- Mẹ thật nghịch ngợm, con thì mẹ cứ réo lên "con gái của mẹ già mất", còn bố thì lại "mỗi ngày mỗi ngây thơ ra"!

Anh Thiệp mỗi khi nghe tôi nói đến cái tính bắt nẹt của "chị hai" Duyên, lại cười lên hô hố.

- Thế là còn may cho Quân đấy, nó mà còn chơi chữ kiểu "vợ là người mẹ thứ hai trong cuộc đời" thì mầy còn thấm đủ mùi gian khổ của một "đức ông chồng"!

Thảo nào gần bốn mươi rồi mà ông anh vợ của tôi còn quyết chí một mình tự do lên nguồn xuống biển!

* * *

Có lẽ đến bây giờ ăn ở lâu dài trên núi Thủy, anh Thiệp đã yên lòng với núi non ấy mà sinh cơ lập nghiệp. Ngày bố mẹ vợ tôi còn, anh còn bịn rịn ông bà cụ, có "giang hồ vặt" đâu đó lưng nửa tháng rồi cũng lo mà chạy về. Từ ngày ông bà lần lượt qua đời, máu phiêu lưu của anh Thiệp không còn bến bờ nào che chắn nữa. Tùy hứng đi, tùy hứng về. Ngôi nhà của ông bà ngoại bé Nhím để lại, anh giao hẳn cho vợ chồng tôi. Đúng ra thì không phải những chuyến đi của Thiệp là không có mục đích nào, nhưng anh thuộc mô-típ người luôn thích phiêu lưu với những cảm giác của mình. Học ngữ văn, ra trường làm văn phòng tổng hợp cho một cơ quan ngành văn hóa. Được ít năm, Thiệp nghỉ việc một cách bất ngờ, nhảy sang mò mẫm theo nghề điêu khắc, theo chân các công trình tượng đài, hoa viên ở khắp mọi nơi phụ việc. "Tao là người lỗi thời, người của cổ tích". Thiệp tự giễu cợt mỗi lần trò chuyện với tôi "... Cuộc chơi với cổ tích là cuộc chơi với im lặng, với thiên nhiên kỳ vĩ và bí mật. Tiếng nói vô cùng của thiên nhiên huyền nhiệm luôn gợi mở, thúc giục tao một niềm say mê lạ lùng…".

Có lần ngồi uống cà phê với nhau, Thiệp lấy từ túi xách ra một thỏi đá màu lam ngọc nhỏ gọn trong lòng bàn tay trao cho tôi xem.

- Quân thấy gì trên thỏi đá này.

Không cần phải quan sát kỹ, tôi vẫn nhìn thấy thỏi đá có hình dáng gương mặt một thiếu nữ. Những vệt bào mòn ở hai bên tạo thành tóc xỏa xuống ngang vai, gương mặt đẹp tự nhiên, hoang sơ mà lấp lánh trong cái màu lam đượm buồn.

- Đẹp quá thể anh Thiệp ạ! Tôi xuýt xoa khen.

- Đây mới đích thực là nghệ thuật. Thiệp vừa lấy lại thỏi đá bỏ vào túi xách vừa nói tiếp.

- Đá gởi vào thời gian tiếng nói của sự im lặng làm xao xuyến đến không ngờ phải không? Đá núi Thủy gọi tao lên bầu bạn đấy, mà lại là đá quý chứ chẳng phải xoàng đâu. Tao đã từng ngắm tảng đá to đùng được đặt tên là tượng An Kỳ Sinh trên đỉnh Yên Tử, từng chạm tay vào thạch nhủ núi đá Non Nước và đã từng gặp bao nàng Tô Thị vọng phu. Thôi đừng ồn ào nào là đối tượng, nào là bản thể của sự vật. Hãy nghe đá nói. Trò chơi với im lặng là cuộc phiêu lưu theo sự mách bảo của cảm giác. Đã qua rồi tháng ngày mình thường ồn ào cuồng ca với nhan sắc, thơ phú văng mạng tối ngày ca hát nghêu ngao.

Đúng là qua thật, qua quá xa. Thời sinh viên Thiệp là kẻ ngang tàng, phóng túng, yêu thương sôi nổi. Thiệp từng nói với tôi: "Thử thể nghiệm một đời sống thoát ly mọi ràng buộc, xem thử có bay lên được cùng với những giấc mơ được chăng". Thoạt đầu, nghe nói thế tôi ngờ đấy là sự bốc đồng từ một ý tưởng khác đời, không thực. Càng về sau, nhất là mấy năm anh ra trường đi làm, rồi tung hoành ngược xuôi công việc, tôi lại kiểm nghiệm cái câu nói ngày nào của Thiệp lúc cao hứng phát tiết ra ấy, có khi là con đường định mệnh Thiệp vẽ vời ra cho mình mai sau. Nhớ lại năm tháng đẹp đẽ ấy, Thiệp là một cây thơ có hạng trong lớp chúng tôi. Một thi sĩ thứ thiệt từ trong máu huyết tràn tuôn ra cả cách ứng xử hàng ngày. Thơ Thiệp viết khá nhiều, và chắc rằng ít nhất cho đến bây giờ, bạn bè còn nhớ mãi cái bài thơ một lần Thiệp đọc như điên trong lớp, đọc xong anh ngã xuống như người bị trúng gió làm cả lớp toát mồ hôi chạy đi tìm dầu thoa bóp khắp mình mẩy, suốt cả tiếng đồng hồ Thiệp mới đứng dậy miệng còn ú ớ: "... Con chỉ là tên nhà quê ... lạc quê. Hỡi tiền nhân Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Ánh sáng xa xôi soi về não ruột. Tuổi trẻ vô phương ca hát đui mù. Tội lỗi mười năm trút lên đầu trẻ. Con quỳ đây bên sông nước linh thiêng. Xin chém đầu con một phường bội nghĩa. Cho sông nước này rửa sạch oan khiên". Bài thơ Thiệp viết tôi hiểu lý do ra đời của nó. Số là hồi đó bỗng dưng nhạc sex, nhạc nhảy múa điên cuồng (có nơi còn hở hang trần truồng) với những ca từ rẻ rúng vô nghĩa nổi lên đình đám được một số phương tiện thông tin rùm beng quảng bá. Mỗi lần nghe thấy ca sĩ gào lên ở đâu đó là Thiệp tức tối nguyền rủa: "Vô văn hóa như thế sao chúng nó nhân danh nhạc trẻ cho được". Kết quả nhiều lần nghe đau như thế, bài thơ của anh như ngọn lửa bùng lên từ một tâm hồn yêu thương, giận ghét đầy xúc cảm. Tưởng lửa ấy chỉ rực lên một lần trong lớp làm chúng tôi kinh hồn, không ngờ lại thêm một lần bùng lên dữ dội không kém trước khi nó thành tro than, mất tăm mất tích trong tiếng thét gào cuồng loạn của những thứ âm thanh ăn cắp, vay mượn hỗn độn, xem ra có cơ mỗi ngày tung hoành càng nhiều hơn. Lần thứ hai nhớ đời đó là vào một đêm Thiệp say khướt đi mà như gió dại thổi về cư xá. Vừa thấy mặt tôi ở cửa phòng, Thiệp chạy tới ôm chầm siết tôi đến ngạt thở: "Tao sẽ chết, tao xin được chết!". Tôi đẩy Thiệp ra, nổi khùng "Cái gì chết với sống, ai làm mầy điên lên thế". Thiệp chơi vơi bước chân, cười nói như ma nhập: "Thơ làm tao điên lên đây, trời ơi đến hai nụ hôn, mà toàn của cả Tây Thi và Điêu Thuyền, phần thưởng cho một bài thơ còn đẹp hơn cả giải Nobel thì chết là bất tử, là vĩnh viễn sống chung với thượng đế...". Thì ra đêm ấy Thiệp được mời dự đêm thơ bên khoa Sư phạm. Và ngọn lửa thơ trong ngực anh lại có dịp bùng cháy lên, nhưng lần này theo một chiều hướng khác, Thiệp say khướt gục ngã trước nhan sắc. Nụ hôn sâu hoắm vào má anh, cái phần thưởng của Tây Thi và Điêu Thuyền ban tặng mà trong cơn mê sảng anh nói tức là của Xuân Lan và Bạch Lan, hai người đẹp nổi tiếng của khoa Sư phạm hồi ấy. Thiệp thi sĩ yêu phát cuồng, yêu ở vào cái trình độ mà thi sĩ gọi là "tiến sĩ tình yêu". Còn lơ mơ quán chè trái cốc như tôi và Duyên, anh xếp vào hạng xoàng xĩnh, hạng chưa qua hết bậc "tình yêu cấp tiểu học". Một con người sôi nổi, giỏi giang, thơ văn nức tiếng cả làng sinh viên một thời đẹp đẽ như thế, bỗng dưng sau ít năm ra trường ngược xuôi công việc, va đập sóng gió đời sống thế nào mà chất lửa hừng hực kia dường như tắt ngấm. Cũng có thể lửa ấy trong Thiệp còn, nhưng không bùng cháy lên mà lại quay về âm ỉ nội tại,  bỏng rát khát vọng trong một nội tại tự quy đang hồi muốn câm lặng. Thiệp thường lặng lẽ đi đi về về với công việc, không tham dự vào cuộc này, cuộc kia ồn ào. Nhiều lúc thấy anh giống như kẻ lạc thần, ngồi đối thoại với những viên đá tượng hình kỳ lạ mà anh đã cất công lặn lội trong rừng sâu núi thẳm tìm về. Có viên nguyên hình dấu chân người, có viên hình dáng y hệt một bàn tay chỉ đường, lại có viên toàn vẹn một hình nhân đang ngồi trầm tư khắc khổ... Quả thật, nhìn vào tất cả  hình dáng của những viên đá lạ lùng bày ra trước mặt, ai cũng không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ trước bàn tay vi diệu của thiên nhiên đã nhào nặn nên những hình hài bằng đá. Nước chảy đá mòn, ai mà chẳng biết, nhưng mòn như những viên đá kia thì đến là nhiệm mầu! Thiệp nói rằng: "Đối diện với mọi hình sắc thiên nhiên, tâm con người có thể phát khởi ra vọng ảnh, riêng những viên đá này là hình trong vạn hình, sắc trong vạn sắc. Mà vạn hình vạn sắc chính là hư vọng, và hư vọng mới là siêu việt". Không phải đến bây giờ tôi mới hiểu cái ý nghĩa của tha lực, vậy mà đứng ngắm những viên đá bí ẩn đầy sức mê hoặc và cám dỗ như thế này, tôi bất chợt mơ hồ nghĩ đến một thứ tâm cảm từ đá truyền sinh cho con người bằng tiếng nói tịch ngôn của huyền nhiệm. Hóa ra, có những tiếng gọi câm mà tác động của nó còn gấp hơn vạn lần những chiếc loa phát thanh hết cỡ. Muốn nghe được nó không thể nghe bằng tai mà chính là sự chiêm nghiệm từ một trái tim đầy nhạy cảm. Thần khải nào ở trong đá ấy, làm sao tôi biết được, chỉ thấy niềm đam mê của  Thiệp trước một thế giới hoàn toàn lặng câm, và anh như một tín đồ cuồng tín dấn thân, quyết tìm ra những lời rao giảng của một phép bí truyền nghiêm mật.

Thiệp quyết định khăn gói lên núi Thủy. Trước ngày đi anh nói với tôi và Duyên:

- Tao đã lên núi Thủy mấy lần rồi, Quân và Duyên có còn nhớ cái thỏi đá lam ngọc mà đã có lần tao đưa cho chúng mày xem đó không, núi Thủy là quê hương của các giống loài đá  ấy, lần này tao sẽ tạo dựng cơ ngơi trên đó. Lên trên ấy chơi với đá vậy. Sự im lặng sẽ dạy cho mình bớt những nông nổi ồn ào. Quân thấy không, có chung thủy nào vĩnh cửu đẹp như vọng phu, hay đến loài vật cũng khắc lời nguyền bản năng "trống mái".

Tôi và Duyên chẳng can dự được một lời nào, anh đã quyết là kể như trời quyết.

Anh Thiệp lên núi Thủy gần giáp năm thì Duyên lên thăm. Thư anh gởi về bảo tôi lên cho biết cái "cõi đi về" mà anh vừa tạo dựng xong, nhưng Duyên nhận phần đi trước. Mới có vài ba hôm lên núi Thủy về mà Duyên kể chuyện Thiệp thâu đêm suốt sáng không hết.

- Kỳ lạ lắm anh Quân ạ! Anh Thiệp bây giờ trẻ trung sôi nổi y như thời còn đôi mươi, say sưa công việc, thơ phú bát ngát. Có điều anh không làm thơ trên giấy mà toàn trên ... đá, những viên đá, thỏi đá anh công phu lặn lội khắp các khe suối có đủ các hình dáng. Ví như viên đá có hình chiếc nón nghiêng che trên đầu, anh viết hai câu thơ bên dưới: "Nón nghiêng che chút hồng nhan. Lặng câm một tiếng đá vàng nghìn thu". Cũng có khi anh chọn thơ người khác, ví như viên đá có đường vân xoắn tạo hình một đôi mắt đẹp mơ hồ ngước nhìn lên, cao hứng thế nào anh ghi bên dưới hai câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng: "Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi. Những giọt sương là lệ ở trong mây"...

Nghe Duyên kể, Duyên đọc thơ minh họa một cách say sưa, tôi ngạc nhiên sững sờ không phải vì sự "kỳ lạ" của Thiệp mà chính là từ Duyên. Từ ngày chúng tôi cưới nhau cho đến sinh con Nhím lớn lên, chưa bao giờ thấy Duyên nói đến thơ phú là gì. Ngay ít câu ca dao làm vốn hát ru con cũng trống không trong bụng dạ của Duyên. Vậy mà, lên ở trên núi Thủy mấy bữa trở về, Duyên bỗng thuộc lòng cả trăm câu thơ, lại còn huơ tay múa máy diễn đạt trầm bổng y như nghệ sĩ nhà nghề, hỏi không ngạc nhiên sững sờ sao được.

- Chuyện kỳ lạ về anh Thiệp chẳng ăn thua bằng em.

- Em làm sao?

- Núi Thủy "mầu nhiệm" cách nào mà bỗng dưng lên trên đó về em thơ ca nhà nghề khiếp thế.

- Thì anh Thiệp chép trên đá khắp cả nhà của ảnh ai mà chẳng đọc.

- Nhưng ngày xưa anh Thiệp cũng làm thơ mà em có thuộc câu nào đâu

Nghe tôi nói, Duyên ngớ người ra. Đúng là Duyên cũng chẳng nhận thấy chút nào về sự khác lạ của mình. Cái đầu cuồng tín của tôi lại liên tưởng núi Thủy đến một ngọn núi trong câu chuyện cổ tích đã có lần đọc đâu đó. "Có một ngọn núi cao ngất trời xanh mang tên núi Hạnh Phúc. Một chàng trai trẻ quyết trèo lên cho được ngọn núi ấy, chàng ta vượt qua bao ghềnh thác cheo leo, đánh vật qua bao gian nan, đói rách, bệnh tật. Ngày chàng trai lên tới đỉnh núi thì đã thành một ông lão già khọm rọm râu tóc bạc trắng. Ông lão xuống một dòng suối tắm rửa giũ sạch bụi bặm đường trường. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, dòng suối trên đỉnh núi Hạnh Phúc đã trả lại cho ông lão nguyên vẹn tuổi thanh xuân, ông lão lại trở thành chàng trai trẻ ngày nào hừng hực khát vọng những cuộc phiêu lưu". Tôi có hoang tưởng lắm không mà lại hình dung ra Thiệp như chàng trai trẻ trong câu chuyện cổ ấy.

* * *

 

Gọi là núi nhưng núi Thủy chỉ cao chừng như những quả đồi, độ vài ba trăm mét là cùng. Duyên đã mấy lần giục tôi lên thăm anh Thiệp một chuyến, vậy mà dần dà công việc suốt tháng mới đi được. Cái dốc bà Chúa mà Duyên hướng dẫn trong lúc vẽ bản đồ là thế này đây - Một dải đá nghiêng nhấp nhô, nếu không có hai mõm đá trông như hai bầu vú căng tròn thì khó mà tưởng tượng ra nổi dáng một người đàn bà nằm ngửa mặt nhìn trời xanh, đầu gối lên chóp núi Thủy chân xoãi về hướng biển. Tôi cũng cố hình dung ra cái dốc có tên "dốc Thiền Sư" - nhưng chịu ! Một tảng đá xù xì to tướng dựng đứng ven đường thì cho dù có con mắt của bậc thầy tạc tượng, vẽ tranh siêu thực cũng chẳng thể nhìn đấy là vị thiền sư hóa đá cho được.

Không cần phải lật cái bản đồ của Duyên vẽ ra xem lần nữa cũng dễ dàng nhận ra nhà anh Thiệp. "Nhìn cây đoán gió, nhìn ngõ đoán nhà", khó gì. Không như những dãy nhà xây dựng theo kiểu phố xá ở hai bên đường, nhà anh Thiệp ở giữa một trang viên lưng chừng mái đồi. Từ con đường trung tâm làng nghề đá núi Thủy, theo đường nhỏ xuống suối, rẽ phải ngay đoạn giữa là vào tới nhà anh. Trang viên gì chỉ toàn là loài cây hoang dại đùng đình, sơn quế, một giống loài cây mọc với đá, với rêu thì tốt tươi xanh um, nhưng mọc trên vùng đất màu mỡ thì lại vàng úa bệnh hoạn. Nhà anh Thiệp xây dựng chẳng theo một trường phái kiến trúc nào cả. Tường xây lô nhô bằng đá hòn, đá trái được nhặt lên từ những dòng suối. Mái nhà lợp lá, có độ dốc gần như thẳng đứng, cửa ra vào xây vòm trông hun hút như đường vào hang động. Tôi cố lục lọi trí nhớ tìm xem cái kiểu dáng quen quen của ngôi nhà. Cuối cùng cũng lần dò ra, nó giông giống như nhà của những mụ phù thủy ở giữa rừng sâu trong các phim chuyện cổ tích.

"Hái cúc ương lan hương bén áo. Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn. Đàn cầm suối réo trong tay dội. Còn một non xanh là cố nhân".

Vừa bước vào đến đầu sân, nơi có phiến bàn thạch mòn nhẵn được kê dưới bóng cây sơn quế râm mát, bất chợt nghe cái giọng nửa ú ớ nửa đọc thơ của Thiệp từ trong nhà vọng ra như người mớ ngủ. May cho tôi, gặp ngày Thiệp ở nhà chứ không phải ngóng cổ chờ anh lặn lội trong khe suối săn lùng đá núi. Để cho cuộc gặp thêm phần bất ngờ, cả tôi và Duyên đều không điện thoại báo trước chuyến đi này. Bước qua vòm cửa đá nhẹ nhàng không một tiếng động, một cuộc gặp mặt không dự báo hẳn sẽ làm Thiệp nhảy hẫng lên reo hò với cảm xúc. Tính anh là thế, có khi còn vồ vập run run mắt đỏ hoe rưng rưng như muốn vỡ òa tiếng khóc. Nhưng ... , tôi phải lấy tay dụi vào mắt mấy lần để tin người đang nằm trên chiếc võng, hai tay ôm một tượng đá trắng ngủ say sưa ngon lành kia là sự thật. Thiệp chứ còn ai nữa! Thì ra, mấy câu thơ của Ức Trai mà tôi vừa nghe lúc còn ngoài sân, là anh đọc trong giấc mơ nào đó của mình. Côn Sơn gió núi thông ngàn chăng? Núi Thủy gập ghềnh đá núi chứ Côn Sơn nào ở đây mà "Còn một non xanh là cố nhân"! Đá vạn hình vạn sắc  vây quanh Thiệp chật cứng cả gian phòng khách. Tượng đá trắng như một nữ thần trong vòng tay anh như đang ru cùng nhau dìu dặt vào một giấc mơ miên trường cổ sử nào đó. Vẫn cố không gây một tiếng động nào, tôi lặng lẽ bước ra sân. Những đám mây hoang la đà trên thảm biếc xanh đùng đình sơn quế từ vườn nhà anh trải dài xuống tận dòng suối.

 Trời núi Thủy không mưa cũng chẳng nắng, một thứ màu lam trắng nhuộm khắp không gian bao la, quang quạnh đến ngồi vào đâu, bước tới chỗ nào cũng thấy nhơ nhớ mà chẳng biết nhớ một thứ gì. Chắc đã qua chiều rồi mà bụng dạ cứ tỉnh bơ không thấy đói. Tôi lững thững loanh quanh hết trong sân lại ra con đường nhỏ xuống suối. Không biết lúc này Thiệp và nữ thần của mình đang phiêu du đến tận nơi đâu. Hình như cái cảm giác bồng bềnh hư thực đang xúi giục bàn chân tôi bước đi một cách hoàn toàn vô thức, không nhớ nổi đã mấy lần lên xuống suối, mấy lần loanh quanh sân rồi lại bước vào nhà. Thiệp vẫn cùng nữ thần của mình say mê hoan lạc trên chiếc võng." Không nên làm hỏng một giấc mơ đẹp", tự nhủ thầm như thế, mà thực ra có khi tôi cũng đang đi như một người mộng du giữa ngổn ngang đá núi siêu thực đang chuyển mình cùng mây bay.

                                                                                                                   NNT