“Đạp xe khi trời gió” - Outhine Bounyavong

18.03.2020

Outhine Bounyavong là một nhà văn đương đại nổi bật nhất ở Lào. Ông sinh năm 1942 ở  Sayabouri, một tỉnh ở miền tây bắc Lào. Mặc dù học thời thuộc địa Pháp và môn văn học chỉ tập trung vào các tác phẩm của người Pháp nhưng Outhine là một nhà văn viết bằng tiếng Lào đầu tiên đương đầu với những ảnh hưởng tàn khốc của chế độ thực dân bảo vệ những giá trị truyền thống của Lào.
Những truyện ngắn của ông trong tập Mother's Beloved (Con Yêu Dấu Của Mẹ) mô tả bức tranh sinh động của đời sống xã hội đang thay đổi của người Lào, qua đó ông nêu cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân Lào. Truyện của ông ca ngợi đức tính đơn giản, lòng nhân ái, sự tôn trọng tuổi tác và những tập quán làng bản của người Lào.

“Đạp xe khi trời gió” - Outhine Bounyavong

 Ông phê phán công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã đánh mất những giá trị ấy. Ông cảnh báo việc phát triển kinh tế dẫn đến suy thoái môi trường. Ông lên án nạn tham nhũng đã tạo nên một nhóm nhỏ thượng lưu giàu có đối chọi lại với đa số dân nghèo. Ông cũng chê bai thói ích kỷ và tôn thờ vật chất. Sự tàn khốc của chiến tranh cũng là một trong những chủ đề của ông.

Tạp chí Non Nước giới thiệu truyện ngắn “Đạp xe khi trời gió” của Outhine Bounyavong qua bản dịch của Nguyễn Khắc Phước.

 

đi xe đạp mà gặp trời gió thì thiệt mát mẻ.

Tôi thường tự an ủi bằng cách nghĩ như thế. Mặc dù thoải mái nhưng chắc chắn là không hấp dẫn bằng đi xe máy hay ô tô, đặc biệt là khi trời mưa to hay nắng nóng. Dẫu sao, cứ mỗi lần đạp đến nóng người và mệt lả mà có một ngọn gió hiu hiu thì tôi cũng thích lặp lại với chính mình:

Đi xe đạp mà gặp trời gió thì thiệt mát mẻ.

Dù  rất mệt khi đạp xe trong thời tiết nóng thế này, tôi cũng cảm thấy thương những người phải đợi bên đường. Tôi nghĩ mình nên chở giúp họ bởi có lẽ họ phải chịu nắng nóng nhiều hơn tôi. Tuy nhiên tôi không dám đề nghị vì tôi chẳng biết ai, hơn nữa, hoàn cảnh tôi cũng khó khăn. Đề nghị giúp đỡ người khác khi mình có địa vị cao hơn: đang đi xe máy hoặc ô tô mà chở giúp người ta thì thích hợp hơn.

Thế rồi một hôm tình cờ có một người chịu đi xe đạp với tôi.

“Chào anh bạn, sức khỏe thế nào? Lâu lắm rồi tôi không gặp anh đấy nhé. Cho tôi đi nhờ với, được không?” Anh ta vẫy tay ra hiệu cho tôi ngừng lại và chào hỏi thân mật. Tôi ngạc nhiên không biết mình đã gặp anh chàng này ở đâu nhưng vì anh ta tiến đến và chào hỏi thân thiện nên tôi cũng phải đáp lại như vậy. Thế là một trọng lượng hơn năm chục ký thêm vào bánh xe sau và tôi phải đạp mạnh hơn mới làm cho nó quay.

“Vậy anh đi bao xa?” tôi hỏi.

“Ồ, không xa lắm. Chút xíu là tôi xuống thôi.”

“Tôi không thể chở anh xa hơn hai cây số bởi tới đó là nhà tôi, được chứ?” tôi cho anh biết trước.

“Ồ, tôi sẽ xuống trước khi tới đó,” anh ta đảm bảo với tôi.

Suốt quãng đường đó, anh ta cứ thao thao về việc tại sao anh phải đi bộ đến chỗ làm hôm nay. Nhà anh vốn có hai xe đạp nhưng một cái bị hỏng và chiếc kia thì vợ anh ta dùng để chở quà về thăm làng của chị. Rồi anh ta khen chất lượng của xe tôi, rằng nó khỏe, dễ đạp và chẳng tốn sức để nhảy lên... Suốt thời gian anh nói, tôi chỉ nghe và tự hỏi: Anh là ai? Tên gì? Tự nhiên hỏi lý lịch người ta như vậy cũng kỳ. Có thể anh sẽ trả lời, “Ủa, anh không nhớ tên bạn cũ à?” Có lẽ anh ta là một người quen cũ của tôi. Nghĩ vậy nên tôi im lặng mà đạp xe đi.

Chẳng bao lâu anh ta kêu, “Tới rồi, tới rồi! Tôi xuống nhé.” Tôi không cần phải ngừng xe. Tôi quay lại để nhìn kỹ anh ta trước khi chia tay. Anh ta cám ơn và vẫy tay chào tỏ vẻ thân mật. Tôi gật đầu và tiếp tục đi. Vì tôi nghi ngờ trí nhớ của mình nên không quy kết anh ta là người lạ dạn dĩ. Ờ, mà nếu anh ta là người lạ thì sao nào? Có hại chi đâu. Thực ra, tôi cảm thấy sung sướng khi được giúp một người hoàn toàn xa lạ đến nơi nhanh hơn anh ta phải đi bộ. Ít nhất cũng giúp anh ấy đỡ mệt. Giúp đỡ người khác cũng là niềm vui. Tuy nhiên con người có lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh và lối ứng xử cố định trong giao tế xã hội có thể nhận thấy khi tiếp xúc với người khác, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Người cần giúp đỡ nhưng không dám hỏi vì sợ bị người ta khinh. Người muốn giúp đỡ lại ngần ngại vì sợ bị hiểu lầm. Thế nên người cần giúp và người muốn giúp không gặp nhau mặc dù họ đang đi trên một con đường.

Nhiều ngày sau, khi đang trên đường về nhà dưới cái nắng tháng Năm nóng bức, tôi thấy một ông lão đứng bên đường. Mắt ông cứ lo lắng nhìn theo những chuyến xe qua. Khi tôi đến gần, đôi mắt ấy hướng về tôi. Nét mặt và đôi mắt của ông toát lên vẻ mong được giúp đỡ. Tôi dừng xe và đến gần ông.

“Dạ thưa, bác về đâu ạ? Cháu đang về nhà ở Sikhay. Nếu bác muốn thì cháu chở bác về nhà ạ.”

“Ồ, vâng. Cho tôi đi với.”

Vậy là tôi chở thêm một người lạ hoắc bằng xe đạp của tôi. Người này ở xa hơn nhà tôi nhưng tôi cũng quyết định chở đến nơi luôn rồi quay về nhà mình. Tôi cảm thấy vui  và tự nói với mình:

Đi xe đạp mà gặp trời gió thì thiệt mát mẻ.

Một lần khác, tôi được giao giữ một chiếc xe máy. Một người bạn nhờ tôi chăm sóc chiếc Honda màu xanh lục của anh  khi anh ấy đi công tác về một vùng quê. Vì anh ấy độc thân, sống trong cư xá công nhân nên anh để tôi sử dụng chiếc xe máy khi anh đi vắng. Thế là hằng ngày chiếc Honda trở thành phương tiện đi làm của tôi và tôi chăm sóc nó rất kỹ, tránh bị mất cắp hoặc bị hư. Trong hai tuần tôi làm chủ chiếc xe đã xảy ra nhiều chuyện hài hước vì sự bất cẩn của tôi và vì tôi muốn khoe khoang thì đúng hơn.

Tôi gặp một chị khoảng ba mươi, có lẽ hơn tôi chừng bốn hoặc năm tuổi. Lúc ấy chị đang đợi xe đò ngoài nắng. Chị đang vẫy tay để ngừng xe. Thoạt đầu tôi nghĩ chị vẫy tôi nhưng đến khi thấy chiếc ô tô chậm lại mới vỡ lẽ. Chiếc xe đò không ngừng vì đã đầy khách. Thế nên tôi đổ xe gần chị và nói: “Cái taxi đó đầy rồi nên nó không ngừng. Chị có muốn tôi chở không?  Tôi sẽ đưa chị về nhà.”

“Kỳ chưa! Sao tôi lại đi với anh?” Chị thụt lùi và tỏ vẻ không đồng ý.

“Chị không phải trả tiền. Tôi chỉ chở giúp chị mà thôi,” tôi thật thà trấn an chị.

“Không mất tiền tôi cũng không đi với anh, cho tiền tôi cũng không!”

“Tôi thấy chị đứng dưới nắng nóng, và thực tâm muốn giúp chị.”

“Thôi, được rồi. Nhưng đừng hòng chuyện gì khác nhé. Cảm ơn, à không, không cảm ơn.”

Tôi chẳng nấn ná mà phóng đi ngay lập tức, chẳng nhìn lui. Thái độ của tôi đã bị hiểu lầm. Tôi chẳng đánh giá gì người phụ nữ đó. Từ chối đi với người lạ là đúng.

Chị ta cẩn thận và cảnh giác. Tại sao một người phụ nữ đàng hoàng lại ngồi sau xe một người lạ hoắc? Cái câu  “Cảm ơn, à không, không cảm ơn” của chị cứ lảng vảng trong đầu tôi.

Không, tôi chẳng bực mình vì bị hiểu nhầm. Tôi cố nén để khỏi bật cười khi còn đang chạy xe. Nhưng tôi không từ bỏ việc giúp người bởi tôi tin ý định của mình là chính đáng. Nếu không thành công lần đầu, tôi sẽ thử lần hai xem thế nào. Nếu lần hai mà không được hoan nghênh thì tôi sẽ không cố nữa.

Vào một buổi sáng đang trên đường đi làm bằng xe máy như thường lệ, khi đến huyện Hua Muong, tôi thấy một phụ nữ trẻ đang đứng bên đường, một tay cầm cặp lồng đựng thức ăn. Tôi giảm ga để chạy chậm lại và cuối cùng chiếc xe ngừng cách chỗ chị kia không xa. Tôi xuống xe và làm bộ sửa chữa chỗ này chỗ kia một lúc. Rồi tôi thử khởi động xe, và vì chẳng hư gì nên máy nổ ngay. Tôi quay nhìn chị kia, thấy chị có vẻ đang rất lo lắng làm sao để đến nơi cho nhanh. Vậy nên tôi hỏi: “Xin lỗi, chị đang đợi ai, phải không?”

“Ờ ờ... đang đợi xe đò,” chị trả lời không thoải mái lắm.

“Nếu chị cần đi gấp thì tôi chở chị đi, được không?”

“Ờ ờ... đại để là mang thức ăn cho mẹ ở bệnh viện.”

“Chị có muốn tôi chở chị đi hay không?”

Quá vui vì đề nghị  của tôi, chị nhận lời và cảm ơn. Tôi chở chị đến cổng bệnh viện. Chị xuống xe và lẩm nhẩm cám ơn lần nữa. Và rồi chúng tôi mỗi người một hướng. Tôi đến chỗ làm sớm hơn năm phút. 

Sau hai tuần, bạn tôi về và lấy lại xe máy. Chiếc xe vẫn còn nguyên như  khi anh ấy giao cho tôi. Bạn nói sẽ sẵn sàng vui vẻ cho tôi mượn bất cứ khi nào tôi cần. Chúng tôi là bạn thân từ thời học sinh. Thế là tôi trở lại với chiếc xe đạp của mình. Khi tôi thấy người cao tuổi đợi bên đường, tôi thường mời họ cùng đi nếu họ đi cùng hướng và không quá xa. Có người từ chối có lẽ vì họ thấy ngồi trên yên sau xe đạp không êm ái gì cho lắm. Tuy nhiên tôi không mời chở bất cứ phụ nữ nào trừ khi họ yêu cầu.

Vào một tối thứ Bảy, tôi đến bệnh viện để thăm cháu tôi bị sốt xuất huyết. Bệnh dịch này đã lan đến Viengchan  ba tháng rồi. Đợt bùng phát này bắt đầu từ tháng Năm 1987 và lan khắp nước, được xem là nặng nhất từ trước tới nay.

Bác sĩ đưa ra nhiều biện pháp phòng tránh cũng như cách  chăm sóc người bệnh. Trẻ con được khuyên nên uống nhiều nước như nước dừa, nước chanh và nước trái cây khác.

Một nhóm chừng năm, bảy người đang tụ tập gần khoa nhi. Người thì đi chăm sóc con cháu, kẻ thì mang đồ đạc đến cho người bệnh. Họ nói đủ thứ chuyện. Người ta trao đổi về cách chữa bệnh truyền thống, về các tiệm thuốc tây, về việc đi lại...

“Nếu con tôi được chăm sóc ngay ban đầu, có lẽ nó không nặng thế này đâu. Phương tiện chở đi khó khăn quá. Nó bị sốt chiều hôm trước, nhưng đến ngày hôm sau mới có xe để đưa nó đi viện!” một người lo lắng than thở.

 “Tôi không dám liều vậy đâu. Khi thằng bé hơi bị sốt là tôi chạy đến chú ấy ngay. Rất may là hàng xóm có ô tô. Bất cứ khi nào có trẻ ốm là chúng tôi nhờ chú ấy. Chú tử tế lắm và thường đưa chúng tôi đến đây hết sức nhanh chóng!” một người khác nói với vẻ biết ơn. 

 “...Ai? Tôi hả? Tôi đến đây để hiến máu cho cháu tôi nhưng rủi thay tôi không cùng nhóm máu với cháu, vậy nên tôi quyết định hiến máu cho cháu nằm bên cạnh. Mọi người đều cần máu. Ước gì tôi có nhiều máu để ai cần thì cho.”

Rồi giọng một bà nói: “Tôi cũng vậy. Việc đi lại đối với tôi rất khó khăn. Tôi làm gì có nhiều tiền để đi bằng xe đò mãi thế này, đặc biệt là tôi có hai đứa cùng đau một lúc. Ngày hôm kia, con gái lớn của tôi đợi xe đò để đến đây mãi mà không có. Thế rồi một chú đi xe máy ngừng lại và ngỏ ý chở giúp nó nên nó đến đây thật nhanh. Quý vị thấy đấy, trên đời vẫn còn nhiều người tử tế lắm.”

Thật khó tin người đi xe máy đó là tôi vì cái việc đó đã xảy ta nhiều tháng trước. Có thể bà ấy cần có chuyện để nói và cứ lặp đi lặp lại cùng một chuyện, khiến dường như nó vừa mới xảy ra hôm qua hoặc hôm kia. Thực sự tôi không nghĩ bà ấy nói về tôi. Có thể một người khác đã chở giúp con gái bà ấy. Tuy vậy, tôi cũng cảm thấy vui khi được nghe chuyện về những người tử tế và hào phóng.

Thế nên bất cứ lúc nào đi xe đạp, cho dù đôi khi không có gió, tôi vẫn thấy mát trong lòng.

O.B
(Tạp chí Non Nước)