Sự biến đổi của luật tục người Katu - Đỗ Thanh Tân

05.06.2019

Người Katu tổ chức cuộc sống cộng đồng theo đơn vị làng (veel, bhươl). Làng cũng là tổ chức xã hội duy nhất, đơn giản nhất của người Katu. Lãnh thổ của làng trong phạm vi biên giới được xác định bằng sông, suối, tảng đá,gốc cây cổ thụ, ngọn núi... Tất cả mọi thứ trong phạm vi đó đều thuộc sở hữu của làng. Làng của đồng bào Cơtu vừa là đơn vị cư trú vừa là đơn vị hành chính mang tính chất tự quản.
Việc quản trị làng là do chủ làng hay già làng (Ta coh vêêl) đảm nhiệm. Già làng là người có uy tín, hiểu biết, có tài đàm phán và người nhà của ông ta cũng phải có lý lịch và quan hệ xã hội tốt thì mới được dân làng bầu chọn. Giúp việc cho già làng là hội đồng tộc họ, là tập hợp những người già đại diện của các dòng tộc trong làng.

Sự biến đổi của luật tục người Katu - Đỗ Thanh Tân

Trong thời gian nắm quyền, nếu đời sống dân làng ấm no, cuộc sống bình yên thì uy tín của già làng càng tăng cao. Không may nếu liên tiếp hai, ba vụ mùa thất bát hoặc dịch bệnh gây chết người thì già làng đành bất lực chịu bịphế truất bởi hội đồng tộc họ và dân làng. Họ sẽ họp lại, bãi nhiệm ông ta và bầu người khác lên thay. Đó là một quy định bất thành văn từ xưa tới nay đối với người có vai trò, vị trí cao nhất trong làng. Tất cả các thành viên khác trong làng hiển nhiên có quy định xử phạt một cách rõ ràng dành cho anh ta khi không hoàn thành vai trò chức trách nhiệm của mình hoặc vi phạm các điều cấm của làng - rất bình đẳng và không có trường hợp ngoại lệ về việc xử phạt trong phong tục của người Katu. Trong phần này chúng tôi sẽ nói về luật tục thông qua một số mối quan hệ, ứng xử xã hội đặc thù xưa và nay để cung cấp cái nhìn so sánh về sự vận động, biến đổi của nó theo thời gian, dưới ảnh hưởng của các yếu tố ngoại sinh khác.

Với nhiệm vụ nghiên cứu luật tục truyền thống và sự biến đổi của nó dưới góc nhìn văn hóa học chứ không phải nghiên cứu luật tục theo góc nhìn pháp lý, do đó chúng tôi tạm đưa ra một quan niệm mang tính công cụ cho việc soi xét vấn đề để không nhầm lẫn với các quy định khác trong phong tục. Với mục đích như vậy, chúng tôi quan niệm rằng, luật tục là những quy định bắt buộc theo phong tục của cộng đồng dùng để phân xử phải trái, đúng sai đồng thời giới hạn hành vi ứng xử của cá nhân trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng và con người với tự nhiên, với thế giới thần linh để bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng, duy trì trật tự ổn định và bảo đảm cho cộng đồng tồn tại, phát triển.

Cộng đồng người Katu Đà Nẵng, theo sự xác nhận của họ, có gốc gác thuộc xã Ba và xã Tư thuộc huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, thuộc nhóm người Katu phương, và hiện nay vẫn có quan hệ bà con với nhiều người Katu huyện Đông Giang. Điều này được củng cố hơn khi, trong quá trình điền dã, nghiên cứu văn hóa của người Katu Đà Nẵng và người Katu huyện Đông Giang, chúng tôi nhận thấy phong tục tập quán giữa hai địa phương hầu hết là tương đồng. Tuy nhiên, do có quá trình tiếp xúc thường xuyên với người Kinh nên trong khoảng ba mươi năm trở lại đây văn hóa và phong tục của cộng đồng người Katu Đà Nẵng đã có những biến đổi nhanh chóng.

Nói về luật tục, có thể khẳng định người Katu có một hệ thống luật tục khá phong phú, bao quát các mặt đời sống của cộng đồng. Việc thi hành nó trong đời sống hết sức nghiêm minh và bình đẳng với tất cả mọi thành viên. Hình phạt đối với những người vi phạm là vật phẩm có giá trị lớn mà người phạm tội phải mất nhiều năm mới có thể tạo dựng được, thậm chí là tù chung thân hoặc trả giá bằng mạng sống nếu phạm phải trọng tội. Vì thế, các hành vi lệch lạc bị chế ngự và cộng đồng người Katu luôn giữ vững được sự ổn định, trật tự.

Luật tục này tồn tại ở dạng truyền miệng bởi người Katu không có chữ viết. Kể cả khi cuối thập kỷ 50 của thế kỷ XX đồng bào được Bộ đội giải phóng hướng dẫn cách dùng chữ Quốc ngữ để kí âm thì luật tục của họ cũng không thấy được ghi chép. Hệ thống này đề cập tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau của xã hội: quan hệ cộng đồng, vai trò và trách nhiệm của thủ lĩnh, hôn nhân và gia đình, sở hữu tài sản, việc xâm phạm tới các cá nhân (xúc phạm, gây thương tích, giết người), xâm phạm lợi ích cộng đồng... Và điều quan trọng là, hệ thống này hầu hết đều liên quan đến yếu tố thần linh – hệ thống Giàng, phù thủy và ma quái của người Katu, mà dưới đây chúng ta sẽ thấy rõ sự hiện diện đó trong hầu hết các ví dụ mà chúng tôi dẫn ra.

1. Trong luật tục người Katu, tội phá hoại tài sản của người khác sẽ bị phạt một con heo, một ché rượu cần và một con gà. Tất cả dùng để cúng Giàng nhằm chữa cái tật xấu để lần sau không tái phạm và cũng để già làng hòa giữa hai bên. Và tất nhiên, ngoài việc chịu lễ phạt, anh ta còn phải đền bù thiệt hại cho bên bị hại. Nếu làng này phá hoại tài sản của làng kia thì già làng hai bên sẽ cùng ngồi lại với nhau cử hành nghi thức cúng Giàng và hoà giải, thoả thuận đền bù.Vì nếu không giải hòa thì hai bên vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, như thế sẽ không mời nhau được.

2. Tội ngoại tình: những ai phạm vào tội ngoại tình nếu bị phát hiện thì người đàn ông phải chịu phạt một con heo trắng ba gang (khoảng 40-50kg) và ché rượu cần. Ngoài vật phẩm sắm cho làng cúng giàng, người đàn ông ngoại tình đó phải nộp cho chồng người nữ một cái ché, một cái tạ hoặc cái gì cũng được, miễn tài sản phải có giá trị. Người nữ đương sự phải chịu phạt một con gà và cá suối. Theo quan niệm, ngoại tình là tội làm dơ bẩn buôn làng, làm tất cả các Giàng (Giàng rừng, Giàng sông, Giàng nhà…) đều buồn và xui khiến điều không may sẽ xảy đến với dân làng. Khi biết có vụ ngoại tình thì trong làng không ai đi rừng. Nếu có thì họ phải đi đông người chứ không đi đơn lẻ. Sau ngày xử phạt thì cả làng kiêng cử không đi vào rừng thêm một ngày nữa vì ngày đó Giàng buồn và giận dữ, đi rừng sợ Giàng xô cho trượt ngã rơi xuống vực, xuống khe.Vì thế, người Katu rất kiêng kỵ chuyện ngoại tình.

Tội này được xử tại nhà Gươl, làng nào không có Gươl thì xử phạt tại sân nhà người đàn ông phạm tội. Người xử phạt phải là người có hồn cao - người cao số, cao tay ấn, ma không nhập được mới dám đứng ra xử. Có thể đó không phải là già làng. Không phải ai cũng có thể đứng ra giải quyết được sự vụ này. Hai kẻ gian phu dâm phụ rất đáng ghét nhưng cả làng không ai được đánh họ mà thay vào đó là dùng chân đạp con heo trắng đang bị trói ngoài sân hoặc dùng tay đấm vào nó. Sau khi phân xử đúng sai, thoả thuận vật phẩm đền bù cho chồng người nữ đương sự, người xét xử là người đầu tiên đạp chân hoặc đấm vào con heo, sau đó cả làng lần lượt thay nhau đạp, đấm để heo rống lên eng éc. Tiếng kêu của con heo là hình thức xỉ nhục đối với cặp gian phu dâm phụ. Giẫm đạp thoả cơn giận rồi, con heo đó được giết để lấy tiết rửa đất, rửa làng để Giàng biết là làng đã sạch sẽ, không còn ô uế. Thịt của nó cũng chỉ những người cao số mới dám ăn. Những người bình thường trong làng không ai dám ăn vì sợ.

3. Tội đánh nhau chảy máu: Tội này thông thường sẽ bị phạt một con dê, một con gà trắng và một con heo để làm thủ tục cúng Giàng đất đai nơi có máu của người bị hại đổ xuống. Người Katu rất kiêng cữ việc làm đổ máu xuống đất. Máu đổ xuống phải gắn liền với việc hiến tế, vì vậy trong trường hợp này phải có vật cúng là con dê, con gà, con heo để thay thế. Trường hợp nặng hơn phải cúng thêm máu của con chó. Chỉ cần máu của một con chó con tưới xuống đất là đủ. Riêng tộc Zơrâm thì lại không giết hại chó vì họ cho rằng đó là tổ tiên của họ.

Đối với tội giết người thì bị phạt bằng hình thức zơrâu – tức là bị nhốt ngoài rừng cho đến chết. Zơrâu là một trại giam được làm bằng những cây gỗ to bằng thân cây chuối, chôn sâu hơn một mét và chéo ngọn vào nhau như đan tay, rất vững chắc. Zơrâu phải làm ở nơi dân làng không ai đến và cách làng ít nhất phải hơn ba mươi phút đi bộ.Người nhà của phạm nhân đó đem cơm đến cho ăn để phạm nhân duy trì mạng sống. Nếu người nhà tự ý phá zơrâu thì sẽ bị làng xử chết. Cũng có trường hợp phạm nhân khoẻ mạnh đào ngạch hoặc phá được zơrâu để thoát ra. Tất nhiên, những trường hợp này thì làng sẽ đi săn về và xử tội chết.

4. Nhiều tài liệu nói về tội chặt phá rừng nhưng kỳ thực những người chúng tôi hỏi đều trả lời không có hình thức xử phạt nào. Khi xưa, ai muốn chặt cây rừng thì cúng xin Giàng chỉ với lễ vật một con gà là có thể chặt. Ngày nay Nhà nước giao rừng để sản xuất, ai chặt cây của người khác thì phạm vào tội phá hoại tài sản của người khác và bị xử tội này chứ không phải tội chặt phá rừng.

5. Tội phá hoại nguồn lợi công cộng hay công trình công cộng như phá hoại đường ống dẫn nước (trước kia người Katu dùng ống lồ ô, ống nứa), làm dơ bẩn hoặc bỏ độc vào nguồn nước; phá hoại nhà Gươl hay nhà mồ tập thể thì người vi phạm sẽ bị xử chết để lấy tim cúng Giàng. Cái chết của phạm nhân này, cũng giống như cái chết của phạm nhân tội giết người là những cái chết dữ, hồn của phạm nhân sẽ trở thành ma dữ, vì thế thi thể sẽ bị may mắt, may miệng rồi quẳng vào rừng sâu nơi không có ai lui tới để hồn ma (abhứi) của anh ta không biết đường trở về quấy phá buôn làng.

Ngày nay, nếu phạm tội này thì bắt buộc khắc phục hậu quả xong rồi về làm thủ tục chịu phạt với làng bằng con trâu, con heo và rượu cần. Đối với tội danh này, việc bắt buộc khắc phục hậu quả vẫn là đương nhiên, còn hình thức phạt bổ sung thìnhững năm gần đây các làng Katu ít phạt trâu vì hình thức này quá nặng nên chỉ phạt heo và rượu cần.

6. Trộm vặt gà, vịt nếu bị bắt thì phải trả cho chủ vật nuôi bằng lúa, sắn hoặc cái gùi. Ngày nay phạt bằng tiền nhưng giá trị phải gấp đôi con vật đó. Nếu người ăn trộm không chịu nộp phạt thì làng sẽ chuyển cho chính quyền xã xử lí theo quy định của pháp luật, có khi còn nặng hơn.

7. Mâu thuẫn, xích mích giữa hai gia đình thì già làng và những người có uy tín sẽ đứng ra dàn xếp. Hai vợ chồng đó phải lo mâm lễ để mời già làng và các vị chức sắc và cũng là tiệc hoà giải giữa hai gia đình.Đa số các mâu thuẫn trong cộng đồng đều tự giải quyết. Vụ nào lớn, ko giải quyết được thì giao chính quyền giải quyết. Hình phạt trước đây nặng nhất là trâu. Nay đã bỏ phạt trâu, cao nhất là phạt heo.

Lượt qua một số hình thức xử phạt trong luật tục người Katu, đâu đó đều thấy bóng dáng của Giàng. Các hình thức xử phạt vừa để giải quyết mối quan hệ trong cộng đồng vừa để xoa dịu các cơn giận dữ của Giàng, để được Giàng tiếp tục phù hộ cho buôn làng (cr’noon) chứ không phải quở phạt. Hệ thống thần linh của người Katu có Giàng (Yang), ma quỉ (Abhứi kơmóch) và nhập thể (Abô). Giàng có Giàng nhà, Giàng rừng, Giàng sông suối, Giàng đất, Giàng rừng… Giàng nhà hiện diện trong chum, ché, lúa gạo, trâu, bò và trong vạn vật. Giàng là thần hiền, phù hộ cho cuộc sống của dân làng. Abhứi là ma - thần giữ, chuyên quấy phá, ám hại dân làng. Abô là thần có thể nhập vô người sống, mách bảo họ nên hay không làm việc này việc nọ. Abô giống như các vong hiền trong quan niệm của người miền xuôi.

Luật tục người Katu được hình thành trên những cơ sở thế giới quan thần thoại và cơ sở hạ tầng, nền tảng kinh tế - xã hội của xã hội mang dáng dấp công xã nguyên thủy. Chính tư duy thần thoại và  nền sản xuất tự cung, tự cấp, phụ thuộc phần lớn vào tự nhiên với sự phân công lao giản đơn, hình thức trao đổi bằng hiện vật và lối sống du canh du cư. Toàn bộ thực tế xã hội đó đã quyết định nội dung và hình thức của luật tục. Và cũng chính trong những điều kiện đó mà luật tục đã bao hàm và thay thế hầu như tất cả những tư tưởng xã hội, đạo đức, pháp quyền... trở thành một phạm trù ý thức truyền thống, đồng thời là một phương thức điều chỉnh chủ yếu tác động đến các yếu tố khác trong đời sống xã hội người Katu.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, đặc biệt là sự ra đời và tác động của công nghệ thông tin đã làm cho quá trình giao lưu trên thế giới có bước phát triển mới. Các quốc gia, dân tộc có xu hướng xích lại gần nhau hơn, phá vỡ dần mức độ khép kín ít nhiều của mình để hòa nhập vào những phân hệ gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau trong một hệ thống phân công lao động và thị trường toàn cầu. Đồng thời với quá trình này là sự giao lưu, tiếp biến  văn hóa diễn ra mạnh mẽ giữa các quốc gia, dân tộc đã làm cho hệ thống này đương nhiên mất đi hiệu lực và cơ sở để tồn tại. Một số quy định của luật tục đã tự tiêu vong, một số quy định khác bị biến đổi về nội dung hay bị giảm hiệu lực ở mức những mức độ khác nhau./.

Đ.T.T