Non Nước Đà Nẵng...- Nguyễn Ngọc Phú

26.09.2017

Theo ngôn ngữ Chăm, địa danh Đà Nẵng có nghĩa là “sông lớn” hay “cửa sông cái” chỉ một vùng đất ở Nam đèo Hải Vân quanh cửa sông Hàn. Năm 1306 là mốc lịch sử đánh dấu vùng đất Đà Nẵng bắt đầu sát nhập vào quốc gia lãnh thổ Đại Việt thuộc đảo Hoa Châu. Cho đến thế kỷ 19 địa danh “Đà Nẵng” là tên gọi của một vùng lãnh thổ gắn liền với một cửa biển, một vịnh nước bao quát từ vùng dân  cư nằm trên tả ngạn sông Hàn. 

Non Nước Đà Nẵng...- Nguyễn Ngọc Phú

Cuối thế kỷ 16 khi Hội An (Quảng Nam) đang phát triển rực rỡ như  một cảng thị buôn bán với nước ngoài quan trọng nhất của nước ta thì Đà Nẵng được coi là một “tiền cảng” hay “cảng tạm dùng” của các nhà hàng hải và thương nhân. Trong con mắt của họ Hội An là cửa ngõ của Đà Nẵng, còn Đà Nẵng là sân sau của Hội An. Nhưng từ thế kỷ 19 trở đi khi Hội An bắt đầu sa sút thì họ lại dồn sự quan tâm của mình cho Đà Nẵng với những tiềm năng ưu Việt của một hải cảng lớn. Năm 1891 AJ.Gomin khi đó là công sứ Quảng Nam (bao  gồm cả Đà Nẵng) đã mô tả sự phát triển của thành phố “Nhà tường đất mọc lên như nấm. Một bến tàu được xây dựng và các tàu vận chuyển hàng hóa từ vịnh vào cảng. Một đại lộ song song với dòng sông hai bên có nhà xây bằng gạch chứng tỏ rằng đây là thành phố thương mại hình thành và sẽ nổi tiếng trong tương lai”. 

Bán đảo Sơn Trà như món quà tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Một dãy núi thấp được phủ kín rừng nguyên sinh nhô hẳn ra biển, Sơn Trà thực sự là bức bình phong khổng lồ che chắn cho thành phố. Ngày 1/9/1858 khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam thì Sơn Trà chính là địa đầu hứng chặn tiếng súng đầu tiên của kẻ xâm lược. Nhiều khi tôi tự hỏi không hiểu vì sao mà quân xâm lược trong các cuộc chiến tranh Việt Nam đều chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu cũng như ngày 8/3/1965 đế quốc Mỹ đã chọn Đà Nẵng cho đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên đổ bộ chính thức bắt đầu “chiến tranh cục bộ” vào miền Nam Việt Nam. 

Ấn tượng đầu tiên của tôi với bán đảo Sơn Trà là chùa Linh Ứng - Bãi Bụt. Ở Đà Nẵng có 3 chùa Linh Ứng. Không rõ do vô tình hay do chữ duyên mà cả ba ngôi chùa đều được tọa lạc trên những vị thế đắc địa của thành phố Đà Nẵng, tạo thành một tam giác linh thiêng cho thành phố. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước nằm trên hòn Thủy Sơn của một trong năm ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Tiếp đến là chùa Linh Ứng Bà Nà nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát được ví như “Đà Lạt của miền Trung”. Ngôi chùa Linh Ứng Bãi Bụt nằm lưng chừng núi bán đảo Sơn Trà là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa. Xung quanh việc xây chùa Linh Ứng này có truyền thuyết kể lại: Vào thời vua Minh Mạng (nhà Nguyễn thế kỷ 19) có một pho tượng Phật không biết từ đâu trôi dạt về bãi cát nơi đây. Dân chài ven biển đã phát hiện cho đó là điều lành họ lập am thờ tự. Và rồi Ngài Quán Thế Âm cứu khổ, cứu nạn xưa hiện cứu người vượt cõi trầm luân. Kể từ đó sóng yên biển lặng dân chài yên ổn làm ăn. Từ đó, bãi cát mà tượng Phật trôi dạt vào có tên gọi là Bãi Bụt hay còn gọi là cõi Phật giữa chốn trần gian. Cũng chính là nơi dựng nên chùa Linh Ứng ngày nay. Hai chữ “Linh ứng” gợi cho ta một ý niệm theo từ điển là thiêng và nghiệm lắm! “Linh ứng” còn là điều báo trước về việc sẽ xảy ra theo linh cảm. Vị thế của chùa Linh Ứng Bãi Bụt về phong thủy khá đẹp tựa lưng vào Sơn Trà vững chãi mặt nhìn ra biển Đông bao la. Xa xa  bên trái là đảo Cù Lao Chàm án ngự, bên phải là ngọn Hải Vân ngăn che với dòng sông Hàn hiền hòa thơ mộng. Đặc biệt chùa tọa lạc trên một ngọn đồi cao hơn 100m mang hình con rùa. Từ vị trí này ở rất xa du khách vẫn có thể nhìn thấy ngôi chùa với mái ngói xanh xanh nằm vững chãi bên sườn đông của bán đảo Sơn Trà. Điểm nhấn quan trọng của Chùa là tượng Phật Quán Thế Âm được xem là cao nhất Việt Nam (67m) đứng tựa lưng vào núi, mắt hướng ra biển. Một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lộ ngỡ như đang rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa mang theo bao lời cầu vọng về một vụ mùa sóng yên biển lặng và quốc thái dân an. Tôi thật ấn tượng với ngôi chính điện được lợp mái ngói uốn cong hình rồng, những cột trụ to vững chắc bao quanh với những con  rồng uốn lượn rất tinh xảo. Ở đây có 18 vị La Hán tạc bằng đá được sắp xếp thành hai hàng theo một quy luật bảo vệ cho chính điện. Mỗi vị là một hiện thân của những cung bậc cảm xúc khác nhau biểu lộ: “hỷ, nộ, ái, ố” của con người. Tôi chợt nhớ đến nhà thơ Huy Cận đã từng viết đúng như trạng thái tâm trạng của các vị La Hán này: “Có vị mắt gương, mày nhíu xệch/ trán như nổi sóng biển luân hồi/ Môi cong chua chát tâm hồn héo/ Gân vặn bàn tay mạch máu sôi”. Tôi tự hỏi: nếu không có bàn tay tài nghệ, tinh xảo đến mức thấu lòng của các thợ đá Đà Nẵng và cả chất liệu đá của dãy Ngũ Hành Sơn thì sao lại có những sản phẩm tuyệt diệu và tâm linh này. Chùa Linh Ứng là nơi chiêm bái, sinh hoạt, tu học của tăng ni, Phật tử cũng là điểm tham quan của du khách bốn phương. Là nơi hội tụ tinh khí linh khí của đất trời. Từ trên 7 tòa tháp ta có thể nhìn thấy toàn bộ cảnh thành phố, núi rừng của bán đảo Sơn Trà, núi Ngũ Hành cùng vùng biển bao quanh bờ cát trắng.

Đà Nẵng còn được gọi một cái tên trìu mến là “Thành phố của những cây cầu”. Cầu thường gợi cho ta sự giăng mắc, nối lại những nhịp yêu thương trong cuộc sống. Những nhịp cầu bắc qua sông Hàn thơ mộng như những cái nơ cài qua mái tóc xanh dài của cô gái dậy thì. Có thể kể những cây cầu nổi tiếng ở thành phố biển này như: Cầu Sông Hàn - Cầu quay độc đáo nhất. Cầu Thuận Phước - Cầu Treo dây văng dài nhất Việt Nam; Cầu Trần Thị Lý - Như cánh buồm căng gió ra biển lớn; Cầu Nguyễn Văn Trỗi - Chứng nhân của lịch sử. Và ấn tượng nhất với tôi là Cầu Rồng - Con Rồng thép lớn nhất thế giới.

Cầu Rồng có kiến trúc lạ nhất Việt Nam với hình dạng mô phỏng hình tượng Rồng thời Lý. Tôi lại nhớ đến lần đi Cam-pu-chia gần đây khi đến Xiêm Riệp cũng gặp một cây cầu Rồng (bởi đầu cầu có hình tượng con rồng - một linh khí của Cam-pu-chia khác với rồng Việt) xây bằng đất nung từ thế kỷ 13. Đến nay qua bao nắng mưa, bão gió và kể cả bọn  Pôn-Pốt định đánh sập cũng không được. Tôi nghe Vũ Hoàng - một anh bạn kiến trúc sư ở Đà Nẵng kể lại: Điểm xuất phát cho ý tưởng  thiết kế cầu Rồng được xác định  không chỉ nhằm mục đích giao thông mà còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng cho sự phát  triển ngày càng vươn xa, bay cao của thành phố Đà Nẵng và trở thành điểm du lịch ưa thích. Cầu Rồng được thiết kế giữa Liên doanh tập đoàn của Mỹ và Tổng Công ty xây dựng Giao thông 1 thực hiện khởi công vào tháng 7/2009, hoàn thành tháng 10/2012 và chính thức khánh thành vào ngày 29/3/2013 đúng ngày Đà Nẵng giải phóng trong chiến dịch mùa xuân 1975, thật ý nghĩa biết bao với một cột mốc lịch sử đáng nhớ. Đây là cây cầu lập nhiều kỷ lục thi công như: cầu có nhịp vòm thép có khẩu độ lớn nhất Việt Nam (lên đến 200m), cầu có mặt cắt ngang lớn nhất Việt Nam (rộng 37,5m), cầu có hố móng rộng và sâu nhất Việt Nam. Và nổi bật nhất là cây cầu có tổ hợp 5 ống đơn tạo thành hình thân rồng đặc biệt nhất thế giới. Cầu còn được trang bị một hệ thống chiếu sáng gồm tổng cộng 15000 bóng đèn LED. Miên man cùng nhau đi dọc cầu Rồng bạn tôi tuy học kiến trúc  nhưng là  một người rất am hiểu và chịu khó tìm hiểu về văn hóa. Anh bảo: Kiến trúc là nghề giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật. Cái đẹp phải thăng hoa làm cho kỹ thuật bay bổng hơn và vững bền hơn. Chúng tôi cùng đàm luận về hình tượng Rồng vốn là một sinh vật huyền thoại sở hữu một sức mạnh phi thường. Trong văn hóa ở các nước Châu Á, Rồng mang tính linh thiêng cao quý là biểu tượng của sự bảo vệ và vẻ đẹp uy mãnh thanh cao. Suốt quá trình dựng nước và giữ nước hình tượng Rồng luôn gắn liền và đi sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Thành phố Đà Nẵng được ví như một vùng đất “địa linh”. Theo truyền thuyết tại vùng đất Đà Nẵng xưa có một quả trứng Rồng. Vỏ trứng nở ra thành 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn. Còn Rồng sau khi trưởng thành đã tìm về phía biển lớn tạo ra dòng sông Hàn. Hình ảnh cây cầu Rồng trên sông Hàn như tái hiện lại truyền thuyết ấy. Đồng thời cũng mang ý nghĩa gửi gắm ước vọng to lớn về sự vươn cao mạnh mẽ hơn nữa của thành phố Đà Nẵng trong tương lai. 

Điều đặc biệt ở cầu Rồng Đà Nẵng là vào 21 giờ ngày thứ 7 và chủ nhật du khách có thể chiêm ngưỡng một khung cảnh hoành tráng của những màn trình diễn phun lửa và phun nước của Rồng trên cầu Rồng. Rồng sẽ có 2 đợt phun lửa và 3 đợt phun nước. Mỗi đợt phun lửa gồm 9 lượt phun và mỗi đợt phun nước gồm 1 lượt phun. Khi thấy tôi tò mò muốn tìm hiểu những “bí mật” về cầu Rồng phun lửa, bạn tôi đưa đến gặp kỹ sư Nguyễn Quang Huy - người trực tiếp chỉ đạo cho Rồng phun lửa. Anh Huy là một người sôi nổi và vui vẻ như tính cách “lửa” vậy. Anh bật mí: Về phun lửa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu phải phun ngắt từng đoạn tạo thành từng quầng lửa với đường kính từ 2-3m và bay xa từ 8-10m. Quầng lửa phải đạt tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan môi trường, tuyệt đối không làm hư hại tới bề mặt và kết cấu các công trình kiến trúc. Ngọn lửa phải phun theo góc nghiêng từ 150-450 hướng lên trời so với phương dọc cầu và không có tàn hoặc dầu rơi xuống. Dầu được đốt cháy hoàn toàn tạo ra lửa và khói. Ngọn lửa có màu đỏ như ngọn lửa tự nhiên tạo cho người xem cảm giác gần gũi với cuộc sống thường ngày như ngọn lửa bếp nhà mình vậy. Tôi hỏi: Thế nguồn điện để phục vụ cho Rồng phun lửa thì lấy ở đâu? Anh Huy giải thích: Nguồn điện được  lấy từ trạm biến áp đi qua hệ thống dây dẫn chôn ngầm trong tụ cầu và mặt cầu đến trụ điều khiển chính đi lên tụ điều khiển ở đầu Rồng. Khi ấn nút thiết bị phun lửa sẽ chuyển ra phía trước 1m. Hệ thống đánh lửa cao áp và phun mồi hoạt động tạo thành quầng lửa mồi làm cho thiết bị “mắt thần” trong ống phun lửa hoạt động. Khi phun 9 quả cầu lửa với hiệu ứng ánh sáng và âm thanh kết hợp tạo ra ấn tượng mạnh. Theo anh Huy trong tương lai hệ thống thiết bị phun lửa sẽ được cải tiến theo kiểu Rồng ngậm ngọc. Khi phun nửa phần trước của viên ngọc sẽ mở ra và phun xong viên ngọc tự đóng lại thật là một màn biểu diễn huyền bí và lung linh hoàng tráng. Còn Rồng phun nước - Kiến trúc sư Vũ Hoàng lại nhiệt tình dẫn tôi đến gặp kỹ sư Phan Đình Phượng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh, là chủ sở hữu trí tuệ công trình “lắp đặt hệ thống phun nước ở cầu Rồng”. Tôi thật bất ngờ khi biết nước Rồng phun cực mạnh, đẹp nhưng giá lại rất rẻ. Anh Phượng trái với anh Huy là dáng người nhỏ nhẹ, giọng nói thâm trầm lại có chút gì mềm mại như “nước”. Đúng là nghề chọn anh! Anh Phượng cho biết  đây là công trình có yêu cầu kỹ thuật cao không được phun dòng nước đặc mà phải phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp thể hiện khát vọng vươn xa của Đà Nẵng. Nước và khí từ bồn chứa theo hệ thống đường ống đi lên bên trong tụ cầu và giải phân cách, vào tụ điều khiển thủy khí qua tiếp tụ trình diện dưới cổ Rồng tiếp tục theo hệ thống ống lên thiết bị phun nước ở miệng Rồng. Tôi rất ngạc nhiên khi biết chi phí cho một đêm Rồng phun nước (tức là một lần phun trong khoảng thời gian 3 phút tốn khoảng 20m3 nước và tiêu hao 40KWh điện) theo giá nước và giá điện hiện tại chưa đến nửa triệu đồng(!?). Trong tương lai sẽ có nhiều kiểu phun nước phù hợp với từng đêm diễn tạo sức hút cho người xem. Tôi lại nhớ cái buổi chiều cùng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Chiến ra phía cầu Rồng. Bất chợt Minh Chiến phát hiện ra một đám mây lạ vờn bay trên đầu Rồng. Mây cũng mang hình một con Rồng lớn. Một ý nghĩ chợt đến “Lưỡng long  sông Hàn” (hai con rồng vờn nhau) Minh Chiến bất ngờ chụp được một tứ ảnh khá thú vị ở một góc độ thật đắc địa. Chụp xong bạn tôi bảo: Đúng là hôm nay trời cho! Môn nghệ thuật ngôn ngữ ánh sáng này chỉ trong khoảnh khắc và  Rồng thép sông Hàn được Rồng mây bạc thổi luồng linh khí trời đất nâng bổng lên...

 

Đến Đà Nẵng lần này tôi may mắn được gặp họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh vốn là đồng hương Hà Tĩnh. Anh đã vào Đà Nẵng hơn 30 năm và lập nghiệp ở nơi này. Họa sĩ lại đam mê thi ca, thơ anh ngắn cũng như những nét chạm khắc tinh xảo của anh. Anh rủ tôi đi thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước. Tôi vốn là người mê đá từ nhỏ. Hồi còn đi học phổ thông tôi say mê đọc cuốn sách “Khoáng vật học giải trí” và mơ ước sau này trở thành một cán bộ địa chất đi khắp mọi nẻo đường đất nước để khám phá các tầng vỉa quặng bí mật đằng sau những lớp xù xì thời gian hóa thạch. Lại nữa, khi vào bộ đội tôi ở tổ sáng tác đội tuyên văn sư đoàn 341B. Sư đoàn làm nhiệm vụ khai thác lèn đá ở Quảng Bình cho tuyến đường sắt thống nhất. Chính ủy sư đoàn gợi ý cho tôi viết một bài thơ ca ngợi người lính khai thác đá. Và thế là sau bao lần xuống thực tế ở đơn vị ngẩn ngơ hút hồn với những lèn đá hùng vĩ tạc bao dáng hình huyền thoại chạy dọc bờ sông Gianh. Ý thơ chợt đến: “Ngày làm đá đêm nằm mơ  thấy đá/ Lèn đá cao ngã bóng vào trong dạ/ Vật vô tri cũng bỗng hóa tâm hồn”. Theo Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” thì làng đá mỹ nghệ Non Nước thuộc địa bàn Quán Khải xã xưa thuộc Tổng Hà Khúc, huyện Hòa Vang, xứ Quảng Nam. Cũng như hầu hết các dân làng xã Việt Nam cổ truyền khác thuở sơ khai người dân Quán Khải xã chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Thế nhưng bên cạnh  nông  nghiệp một số gia đình sống dưới chân núi Ngũ Hành đã lấy nghề đục đẽo đá làm nghề phụ lúc nông nhàn. Nguyên tộc Huỳnh Bá gốc ở Thanh Hóa (nơi có chất liệu đá Thanh nổi tiếng) có nghề làm đá gia truyền. Cho nên không phải ngẫu nhiên khi vào Quán Khải xã tiền hiền tộc là ngài Huỳnh Bá Quát đã chọn vùng đất có 5 ngọn núi đá Cẩm Thạch làm nơi định cư ổn định cuộc sống lâu dài. Lần đầu các sản phẩm nghề đục đẽo đá còn rất đơn giản chỉ đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày của cư dân quanh vùng như đục, đẽo, bia mộ rồi chế tác cối xay, cối giã hoặc chì lưới phục vụ cho việc đánh bắt của bà con ngư dân vùng biển. Thế rồi một sự kiện bất ngờ xảy ra. Theo chủ trương của triều đình Huế, hằng năm nhà Nguyễn tuyển lính thợ vì thế người thợ làng đá nơi đây lần lượt bị bắt ra Huế và bắt đầu được tiếp xúc với các sản phẩm bằng đá ở đất kinh đô này. Trong số đó có một thợ giỏi là Huỳnh Bá Tiêm. Với bản tính thông minh và khéo tay tài hoa ông được triều đình Huế phong hàm Cửu Phẩm là ông Cửu Đàn. Sản phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông là bộ ấm trà khá tinh xảo báo hiệu sự ra đời của ngành chạm trổ trên đá về sau. Từ đó người thợ làng đá bèn nghĩ đến việc chạm khắc hình tượng quen thuộc khác như long, lân, quy, phượng... Lần đầu họ lấy đất sét nặn hình con vật muốn chạm khắc hoặc vẽ hình lên giấy để bắt chước làm theo. Sau đó là thời điểm họ bắt đầu chạm khắc những hình tượng trong kho tàng các sản phẩm nền điêu khắc chạm xưa và bắt tay vào nghề điêu khắc chân dung trên đá. Đến làng đá mỹ nghệ tôi và họa sĩ Lê Huy Hạnh được người dân ở đây kể cho nghe câu chuyện huyền thoại của ông tổ làng đá là Huỳnh Bá Quát. Ông Quát có một ông anh trai sinh đôi cũng có tài chọn vân đá, điêu khắc nhưng không tài giỏi như ông. Người anh trai ông Quát chỉ chế tác những sản phẩm thông dụng  dễ nhầm lẫn với người khác. Còn ông Quát thì tâm hồn rất nghệ sĩ và có biệt tài độc đáo thích làm ra các sản phẩm theo trí tưởng tượng như con trâu nằm nhai cỏ, thôn nữ mang giỏ trái cây...

Tiếng lành đồn xa, một hôm công sứ Pháp mang theo bức chân dung hoàng đế Pháp đến đặt hàng cho Huỳnh Bá Quát tuy nhiên ông đã từ chối khéo  rằng chỉ làm được những gì gần gũi với hình ảnh cuộc sống bình dị của người nông dân Việt Nam còn hoàng đế Pháp quá xa lạ ông không chế tác được. Biết ông Quát ngầm chống đối, viên công sứ đã ra lệnh bắt giam. Hắn định sáng hôm sau sẽ cho ngựa chiến dày nát đôi bàn tay tài hoa của ông để chặt đứt mạch nguồn nghề đá tinh xảo nơi này. Tuy nhiên tối hôm đó người anh sinh đôi với ông đã bí mật đánh tráo thay người. Vì thế mà ông Quát không hề gì và vẫn truyền nghề để giữ lại truyền thống mỹ nghệ Non Nước như hôm nay. Nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh đưa tôi đến thăm những khu vườn tượng khổng lồ. Tôi như được lạc vào “thế giới tượng” khá sinh động và tươi ròng chất liệu của cuộc sống khá đa dạng về kiểu dáng và phong phú về màu sắc. Tôi thật ấn tượng với những bức tượng Phật và Quán Thế Âm nhân từ  mỉm cười với chúng sinh trong bộ y phục đá mềm mại như lụa. Cạnh đó là tượng Đức Bà Maria diễm lệ bằng cẩm thạch trắng muốt. Sinh động hơn là những nàng vũ nữ Cham-pa uốn mình trong vũ điệu Áp-sa-ra uyển chuyển sa thạch thẩm màu. Người nghệ nhân Non Nước đang mài giũa những tảng đá mà tưởng như đang cầm bút vẽ trên giấy lụa để tạo ra bao câu chuyện cổ tích lấp  lánh ẩn khuất giữa đời thường. Lê Huy Hạnh bảo: ở đây có những bức tượng khổng lồ nặng hàng tấn nhưng cũng có những bức tượng xinh xắn, bé xíu đặt gọn trong lòng bàn tay. Có những bức tượng gắn với đời sống tâm linh tôn giáo thì lại có những tượng về doanh nhân, loài vật hay đồ dùng gia đình. Trước đây đá nguyên liệu thường được khai thác tại chỗ. Nguồn đá Ngũ Hành Sơn chủ yếu là đá cẩm thạch có nhiều màu sắc hoa văn đẹp như màu đỏ, đen, trắng kết cấu mịn, mềm dễ đục. Tuy nhiên khai thác mãi nguyên liệu cũng cạn kiệt nên thợ làng nghề phải nhập đá từ các nơi khác về. Khi có nguyên liệu thợ điêu khắc đá sẽ tạo hình sản phẩm ở dạng thô. Đó là công đoạn ra phôi. Quá trình ra phôi được thực hiện bài bản gồm nhiều công đoạn như: tìm mặt phẳng để tạo chân đế, xác định điểm chuẩn tạo hình, vẽ phác thảo trên giấy. Sau đó vẽ lên mặt đá hoặc in trực tiếp lên tảng đá. Khi phôi hoàn thành người thợ sẽ làm các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm như: chạm hình nét, trang trí hoa văn, mài đánh bóng sản phẩm. Để có sản phẩm màu sắc đẹp người thợ phải nhuộm đá bằng phẩm màu kết hợp với bã chè xanh, xi đánh giày màu nâu, màu chàm. Bây giờ tôi mới biết được bí mật của nghề thợ làm đá Non Nước. Bí quyết để có màu đẹp phụ thuộc vào việc ra màu, tạo nhiệt độ và dùng độ đậm nhạt của màu. Tọa lạc ở vùng đất Ngũ Hành Sơn ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Cham-pa từ thánh địa Mỹ Sơn, làng đá mỹ nghệ là sự giao thoa một cách hài hòa của hai nền văn hóa Việt cổ và Cham-pa. 

Tôi hỏi họa sĩ Lê Huy Hạnh: Với con mắt của một nghệ sĩ ngành điêu khắc, cảm giác của ông về Đà Nẵng chỉ nói gọn trong  một từ là gì? Lê Huy Hạnh trả lời ngay: Cong và Cong. Cong và mềm mại. Cong của cầu Rồng vươn ra biển lớn. Cong của vòng cung pháo hoa quốc tế đa sắc màu hội nhập. Còn là nét cong thướt tha của tà áo dài thiếu nữ. Còn là cong của những mái chùa như lượn sóng biển luân hồi của thời gian. Cong của bờ cát trắng vàng Mỹ Khê. Cong của con đường nhựa uốn quanh bán đảo Sơn Trà. Cong của đường dây cáp treo lên đỉnh Bà Nà trong gió. Còn màu? Anh sẽ chọn hai màu đặc trưng của Đà Nẵng. Hỏi Lê Huy Hạnh nhưng rồi tôi tự trả lời: đó là đỏ và trắng là lửa và nước. Ngỡ như đối nghịch nhau nhưng lại giao thoa với nhau ấm lạnh nồng nàn và sâu lắng. Một Đà Nẵng thật ấn tượng lạ lùng vừa gần vừa xa là thế...

N.N.P