Những đóa hồng lặng lẽ - Ghi chép của Minh Thủy

08.11.2013
Nằm dưới chân đèo Hải Vân, bên con đường độc đạo ra vào Nam - Bắc nên phía bắc Hòa Vang địch đã xây nhiều căn cứ quân sự và kiểm soát chặt chẽ. Để phong trào cách mạng phát triển trong điều kiện ấy là điều vô cùng khó khăn. Vậy mà vượt qua tất cả, nơi đây đã có một hậu phương vững chắc ngay trong lòng địch. Cận kề hiểm nguy, chia sẻ gian khó với các chiến sĩ là những con người được ví với liễu yếu đào tơ.

Những đóa hồng lặng lẽ - Ghi chép của Minh Thủy

Một lần tôi được dự cuộc gặp nhân chứng để viết về liệt sĩ Phạm Chu, người con của xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã chiến đấu rất ngoan cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc gặp mặt ấy, các nhân chứng đã kể lại nhiều câu chuyện rất xúc động. Điều đặc biệt, nhiều người trong số họ là nữ. 

Chị Huỳnh Thị Tâm, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Hòa Hiệp nói: nằm bên trục đường giao thông huyết mạch 1A, có vịnh Xuân Thiều và nhiều nhánh sông như Cu Đê, Trường Định, giao thông đường thủy thuận tiện, phía nam đèo Hải Vân núi rừng rậm rạp, dễ bố trí lực lượng chiến đấu nên Bắc Hòa Vang là vùng đất chiến lược. Trong những năm 1946-1954, nơi đây đã diễn ra các trận đánh của du kích trên đường xe lửa Đà Nẵng - Huế làm nhiều tàu quân sự của Pháp lật nhào xuống biển. Du kích còn phục kích đánh chặn binh lính Pháp đi càn vào thôn Trường Định, Phò Nam, đèo Eo Gió...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng vậy. Muốn ngăn chặn lực lượng cách mạng từ trên núi xuống hoặc ở Huế vào, bảo đảm an toàn cho vùng nội đô Đà Nẵng, địch đã xây dựng nơi đây hệ thống bốt đồn dày đặc. Vịnh Đà Nẵng là nơi neo đậu các loại tàu chiến quân sự, sẵn sàng chi viện các chiến trường Trị Thiên - Huế và Khu 5. Trên đỉnh Bà Nà là đại đội trinh sát pháo binh Mỹ, có nhiệm vụ trinh sát chỉ tọa độ cho pháo binh Mỹ ở Đà Nẵng giã pháo chính xác vào các điểm cần tiêu diệt vùng ven Đà Nẵng và cả Quảng Nam! Kho xăng dầu Liên Chiểu, 1 đơn vị pháo binh tại Thanh Vinh và 1 đơn vị pháo binh ở phía bắc đèo Ông Gấm (giữa thôn Tùng Sơn và An Ngãi Tây, nằm trên đường 14B đi Bà Nà - Núi Chúa). Khu hậu cần của Mỹ ở Bàu Tràm (Đa Phước) và sân bay trực thăng Xuân Thiều (Hòa Hiệp), căn cứ quân sự ở Hòa Mỹ có tiểu đoàn cơ giới vận tải, quân địa phương, tổng đoàn, dân vệ, bảo an, cảnh sát... Sư đoàn 3 bộ binh đóng tại thung lũng Sũng Mây, trên dãy núi Phước Tường. Liên Chiểu, Phò Nam, Thủy Tú, HV, Tùng Sơn, An Ngãi... đều có đồn địch. Hòa Liên nằm sát chân đèo Hải Vân nên chỉ trong xã đã có 12 đồn và tháp canh. Có thời điểm số lượng địch tập trung tại đây nhiều hơn cả số dân địa phương. Ngày đêm chúng canh gác, bố phòng nghiêm ngặt.

Hoạt động trong lòng địch rất khó khăn và nguy hiểm. Chị Tâm họ Nguyễn nhưng phải đổi sang họ Huỳnh để tránh địch bắt bớ, khủng bố người thân. Chị nói: tuy là du kích nhưng làm tổng hợp. Thu gom gạo nuôi quân, đánh địch. Gạo tiết kiệm nuôi du kích. Gạo nuôi quân cho bộ đội ăn. Lấy tin địch để vào ống tre, đem bỏ vào trong cống, anh em theo quy ước, vác nhủi ra lấy. Trước mỗi trận đánh, các chị đi nắm tình hình, cảnh giới cho anh em. Sau mỗi trận đánh, địch rà soát, bắt bớ những người ở nơi đó rất dữ. Chị bị bắt đi tù hàng chục lần cho nên dù mới học hết lớp 3 nhưng chị được gọi là “tú tài”, tức là tái tù.

Mùa khô năm 1966, địch mở “chiến dịch hai gọng kềm”, phong tỏa các tuyến đường mà từ Hòa Vang có thể tiếp tế lương thực, thực phẩm cho anh em trên núi. Chúng đổ lúa, bố ráp, bắt bớ, xăm hầm liên miên. Khui hầm không có người, chúng vẫn tra tấn người dân. Phong trào cách mạng ở bắc Hòa Vang rất khó khăn. Bộ đội ăn rau rừng và củ móng ngựa suốt ba tháng trời. Với chủ trương “dân bám đất, cách mạng bám địch”, “một tấc không đi, một li không rời”, người dân vẫn trở về ruộng vườn cũ làm ăn. Đảng ủy khu 1 quyết định thành lập đội diệt ác, phá kềm gồm các đồng chí: Phạm Chu, Nguyễn Mẹo, Phạm Sang, Ngô Tấn Cồ do Phó bí thư Nguyễn Đình Tùng phụ trách. Nhiệm vụ của đội là diệt ác phá kềm ở Nam Ô, giải tỏa cho phong trào cách mạng. Nhiều trận đánh táo bạo, bất ngờ do Phạm Chu chỉ huy đã diễn ra thắng lợi. Địch hốt hoảng, treo giải thưởng rất cao cho ai bắt được anh.

Em trai chị Tâm là Nguyễn Văn Tình là trưởng đội du kích Xuân Thiều. Tối 30 Tết Mậu Thân, hai chị em cùng ngồi ăn chiếc bánh tét. Ăn xong phần, chị Tâm vào Đà Nẵng. Em trai chị ở lại khu vực Xuân Thiều. Không ngờ đó là lần cuối chị em gặp nhau. Anh Tình hy sinh còn chị bị bắt, đưa đi Hội An. Ở trong tù nghe tin em hy sinh chị khóc miết. Sáu tháng sau chị mới được thả về.

Sau Mậu Thân, địch điều một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ kết hợp với dân vệ, đóng chốt tại Nam Ô, một trung đội cảnh sát đặc biệt của địch đóng ở Hòa Mỹ. Chúng tổ chức càn ráp dữ dội, bắt bớ tra tấn dã man. Có người không chịu được khai ra nên địch nắm được nhiều cơ sở cách mạng, đảng viên hoạt động bí mật. Hàng loạt hầm bí mật bị khui, nhiều gia đình cơ sở bị bắt, li tán. Chúng xúc tát dân Thủy Tú, Xuân Thiều về Nam Ô nhằm cắt đứt liên lạc của người dân với cách mạng.

Năm 1969, chị Tâm lại bị địch bắt. Bị tra khảo, đánh đập, đổ xà phòng vào miệng, đạp cho trào cả máu ra. Sau 6 tháng, không khai thác được gì, chúng phải thả chị. Năm 1970, xã không có người, chị lại về để gây dựng phong trào. Về lại sẽ nguy hiểm cho bản thân và gia đình nhưng chị nghĩ mình là người địa phương, rành địa bàn nên xung phong. Một năm sau chị lại bị bắt. Tra tấn đủ kiểu chị vẫn không khai, địch giam giữ một thời gian rồi phải thả chị về. Chị lại tiếp tục bám trụ hoạt động. Năm 1973, khi Hiệp định Pari đã ký kết, địch vẫn vây bắt chị. Lúc ấy mới 3 giờ sáng, chị đang nấu cơm. Nghe động chị bỏ chạy sang xóm khác. Vào nhà một người dân thì con gái trong nhà họ đang chuyển dạ. Chị lạy họ, xin trú ẩn. Người nhà lạy lại chị, xin tránh sang nhà khác cho con họ yên ổn để sinh đẻ. Chị phải chạy tiếp. Băng qua cánh đồng, chị gặp một người quen. Bà le lưỡi ra hiệu không thể nói. Chị biết phía trước có địch. Lại rẽ chạy ngã khác, tìm ghe vượt sông. Lúc này trời đã sáng, bà con đã đi làm ăn, tìm phế liệu. Họ mặc đồ lính. Tưởng gặp lính, lại chạy tiếp, đến nỗi một tháng sau chị vẫn mơ thấy chạy.

Chị Tâm nói ngày ấy sống chết trong gang tấc. Như trận đánh kho bom Liên Chiểu tháng 8 năm 1965, trước khi vào trận, 13 chiến sỹ đặc công đã thề quyết tử. Họ được chuẩn bị sẵn 13 huyệt ngay khi phát súng đầu tiên nổ ra. Nhưng với sự sáng tạo, dũng cảm, họ đã hoàn thành nhiệm vụ mà không ai bị thương vong. Các chị bị bắt đi tù như đi chợ nên có yêu thương chỉ để trong lòng, thậm chí không muốn lấy chồng. Sau 1975 miền Nam được  giải phóng, chị làm chủ tịch xã. Vừa làm vừa đi học bổ túc văn hóa. Rồi chị được bổ nhiệm làm cán bộ Hội Phụ nữ quận. Năm 1985 chị về hưu. Năm 1986 chị mới lấy chồng. Chồng chị người Hà Nội. Anh là bộ đội mà ngày xưa chị đã nuôi giấu, tiếp tế lương thực. Anh bị chất độc da cam, chị thì bị tra tấn nhiều, lại có thai khi đã lớn tuổi nên con đau ốm luôn. Người ta nói trẻ có đốt, đau ốm qua 3 tuổi mới đỡ nhưng con gái chị qua 12 tuổi mới thôi oặt ẹo.  

Chị Trần Thị Mai ở Thủy Tú có cha là Trần Đắc Đạo, một cán bộ hoạt động cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Sau khi ông thoát ly theo cách mạng, gia đình chị bị địch bắt tố cộng, sám hối, học tập, ly khai... Mẹ chị bị bắt đi trại giam Phú Hòa tra hỏi, bắt kêu chồng về. Ruộng vườn bỏ hoang không ai trồng trọt.

Mười sáu tuổi, chị Mai đã tham gia cách mạng. Chị lên khe Răm nhận truyền đơn đem về rải. Sợ mẹ lo lắng nên khi hoạt động chị phải giấu mẹ. Súng đem chôn dưới chuồng heo. Chờ mẹ ngủ mới lấy gạo đem đi giấu, kho cá xong đem gởi hàng xóm. Ăn cơm độn sắn khoai với mắm muối, cá cơm để dành nuôi cán bộ cách mạng. Chị và chị em trong xã đi quyên góp, mua gom gạo, thuốc, nhu yếu phẩm tiếp tế cho anh em trên núi. Những đêm mưa gió các chị vẫn bơi thuyền thúng lên đến khám Âm linh, nơi rất vắng vẻ để tiếp tế cho anh em. Gạo bỏ vào bao cát của Mỹ, bỏ dọc bụi cây để bộ đội lấy. Em gái chị Mai là Trần Thị Liễu cũng tham gia cách mạng rất sớm. Có lần hai chị mang 3 bao gạo và cơm, đang đi trên đò thì bị địch phát hiện. Chúng thổi còi bắt vào bờ. Hai chị em phải vờ bất đồng ý kiến, đánh nhau rồi đổ gạo xuống sông.

Anh em bộ đội trên núi xuống Hòa Vang đi đâu cũng phải qua Thủy Tú. Ém quân trước khi vào trận cũng ở đây. Đánh trận địa pháo Thanh Vinh của Mỹ, các anh cũng dừng lại ở Hòa Hiệp. Người dân Thủy Tú đào hầm bí mật cho các anh ẩn nấp, chuẩn bị ghe thuyền cho các anh bộ đội vượt sông, phục vụ cơm nước, thuốc men. Nhà chị có 2 hầm, một ở cây rơm, một ở bụi tre. Đàn ông thì lên núi, số còn lại thì xuống hầm bí mật. Năm 1965, địch tát dân Thủy Tú xuống Nam Ô để dễ dàng kiểm tra thì chỉ có đàn bà và con nít. Chúng nói dân Thủy Tú đi đâu là mang cộng sản đến đó.

Chị Mai kể: Bộ đội trên núi thường về vào ban đêm. Các chị chỉ cảm nhận rất đơn giản là các anh nói giọng Bắc và nước da trắng. Dù họ đã bôi nhọ nhưng các chị vẫn nhận ra. Cứ gặp vậy là mang cơm nước mời, dẫn đường chiến đấu, đem giấu, chăm sóc khi họ bị thương. Các anh ở trên núi thì vắt, xuống ruộng thì đỉa. Đi đánh trận thì mang súng đạn chứ áo quần chỉ độc bộ trên người. Qua sông là cởi áo quần đội trên đầu, sang sông mới mặc. Cho nên nhiều anh khi bị địch bắn chết, người không có áo quần. Thương lắm.

Người chồng đầu của chị Mai ở cùng thôn. Cưới xong, anh đi bộ đội thì hi sinh. Người chồng thứ 2 về nằm vùng, bị báo, chúng khui hầm bắn chết ngày 28, trước tết Mậu Thân 2 ngày. Địch thấy trong ví anh có căn cước của chị nên bắt chị tra tấn. Chúng đánh chị ngay bên miệng hầm. Ảng nước vừa gánh về, địch hòa xà phòng đổ vào miệng chị. Lúc đầu chị còn giãy dụa phun ra về sau đuối sức, chúng vẫn cứ đổ rồi đạp cho trào ra. Cả nhà khóc lóc lạy lục, van xin chúng vẫn không dừng tay. Chúng bắt chị, mẹ và bà dì lên đồn. Áo quần không có, bà ngoại đưa áo quần của ông cậu cho chị mặc. Vào trại giam chúng lại đổ xà phòng qua mũi, cho đến khi căng bụng rồi bỏ tấm ván bập bênh lên, hai tên lính ngồi hai đầu nhún cho xà phòng trào ra. Chúng đánh cho 2 mông chị đỏ như miếng thịt bò. Chị vẫn không khai. Không khai thác được gì nhưng chúng vẫn chuyển chị vào nhà tù ở Hội An rồi Biên Hòa. Mẹ chị hết đi tù về lại nuôi con đi tù. Bánh khô mè, khô nổ chuẩn bị cho Tết không ai bán.

Sau cái chết của người chồng thứ hai, chị Mai luôn ám ảnh bởi suy nghĩ mình có số sát chồng cho nên dù là một phụ nữ xinh đẹp, còn rất trẻ, và có nhiều chàng trai ngỏ ý yêu thương nhưng chị không dám nhận lời. Đến bây giờ, đã có tuổi, đau ốm liên miên chị nhờ vợ chồng người em gái chăm sóc.

Chị Ngô Thị Cúc còn gọi là Ngô Thị Hai nói: Du kích không chỉ phục vụ cho xã mà Thành ủy về, bộ đội đặc công (B71) về cũng được các chị nuôi giấu trong nhà. Chị Cúc kể: Thời kỳ 1968 - 1969 hầm bí mật bị địch khui hết, cán bộ khu 1 về làm  nhiệm vụ  xong lại lên căn cứ. Nếu phải ở lại thì nằm bờ, nằm bụi, nhưng chủ yếu là nằm dưới ruộng nước. Các anh dùng chiếc ghế dài, có bốn chân, đặt dưới ruộng lúa cao lút đầu người. Nằm như vậy cả ngày, chờ đêm xuống hoặc địch thưa đi tuần mới lên bờ đi phát động quần chúng. Nhiều khi thấy địch đến, không tránh kịp phải lấy nò cá để lên đầu, mặc đỉa bám hút máu. Thậm chí có hôm phải trèo lên cây cao, chống rào ngồi tránh địch. Các chị tìm mọi cách để tiếp tế cơm. Địch càng đàn áp, người dân càng hướng về cách mạng. Không sợ hiểm nguy, các chị nuôi giấu anh em cách mạng ngay trong nhà mình. Nhà chị Hai Cưu làm phên đôi, nuôi giấu anh em ngay trong vách liếp chật chội ấy. Nhà chị thì lót hai tấm ván áp mái nhà cho anh em đã thoát li về hoạt động nằm trên đó. Đêm đi hoạt động, ngày nằm trên gác. Chị hàng ngày nấu cơm bới cho anh em ăn. Trong trận diệt tên ác ôn Lê Độ, cảnh sát xã Hòa Hiệp, chị giấu Phạm Chu và Huỳnh Minh trên tấm ván. Vừa đi thăm dò địch, chị vừa lo cơm nước cho hai người. Để các anh xuống ăn, địch bất ngờ lùng sục sẽ nguy hiểm, chị bới ra tô đưa lên cho hai người ăn. Cần đi vệ sinh thì đi vào chính cái tô ấy xong đưa chị đi đổ. Sau khi diệt được tên Độ, việc đầu tiên là chị chạy về nhà lấy hai tấm ván xuống tránh địch rà soát, nghi ngờ.

Năm 1971, chị Cúc bị địch bắt đi tù. Ra tù chị tiếp tục hoạt động. Để che mắt địch, chị giả điên, nhặt áo quần của đàn ông, đồ bẩn đem về đầy nhà để lính không vào ở. Vậy mà địch vẫn nghi ngờ, 4 giờ sáng chúng bắt chị đưa ra cầu Thủy Tú đánh, xong đưa lên đèo Hải Vân tiếp tục tra tấn. Một buổi sáng chúng đánh chị 5 lần. Chị vẫn im lặng với tâm niệm “Có trường kỳ mới biết được lòng trung”… Những năm đầu sau khi về hưu, hàng ngày chị lên quét dọn nghĩa trang liệt sĩ. Đến khi sức khỏe yếu, chị mới thôi.

Em gái chị Ngô Thị Cúc là Ngô Thị Xuân cũng là du kích. Trừ giọng nói còn khuôn mặt và vóc dáng cho thấy ngày trước chị Xuân là một thiếu nữ yêu kiều. Chị là người yêu của liệt sỹ Phạm Chu. Hai người đã báo cáo tổ chức và hẹn thống nhất đất nước sẽ làm đám cưới. Vậy mà lỗi hẹn. Anh hy sinh trong chuyến về công tác tại quê nhà. Chính cha và em trai chị đã chôn cất anh. Mọi người không làm nấm, không lập bát nhang để địch vẫn khiếp sợ. Nước mắt vẫn rơi lã chã khi chị kể câu chuyện của gần nửa thế kỷ trước. Chị nói đó là địa ngục trần gian. Chị Mai Thị Bê bị bắt 6 lần, lần thứ 7 thì địch bắn. Bắn xong chúng lấp sơ sài nên heo rừng ủi lên ăn. Bà con mót nhặt rồi chôn cất lại. Ông Đào Ngọc Chua chết rồi vẫn bị chúng xẻo tai. Chị Phạm Thị Lẹ thì bị địch bắn chết ngay bên bờ sông. Địch để chân chị xuống sông cho đỉa cắn. Nước lên xác cứ dập dềnh, chị gắng kéo xác chị Lẹ lên thì địch tra vấn tại sao lại kéo xác cộng sản. Chị Xuân nói: chẳng biết cộng sản hay ai nhưng thấy bà con chết là thương. Chúng thẳng tay giáng chị mấy bạt tai. Chị đi chợ hai má vẫn in rõ 10 ngón tay của chúng. Khi chị Xuân thoát li, gia đình bị địch khủng bố liên tục. Chúng đổ lúa, xăm hầm, bắt mẹ lên đồn tra hỏi.

Bố chồng, anh chồng và em gái chồng chị Xuân đều tham gia cách mạng. Gia đình chồng có 3 người là liệt sỹ. Mẹ chồng chị là Mẹ Việt Nam anh hùng. Nay tuổi mẹ đã cao, tai nặng. Con chị bị chất độc da cam, vừa câm vừa điếc. Chị chăm sóc người trên kẻ dưới không mệt, chỉ cực cái là phải nói to hoài mà thành tật.

Gia đình bà Phạm Thị Sâm có 1 người con gái và 4 người con trai là: Phạm Văn Bất, Phạm Nam, Phạm Thêm và Phạm Chu thì cả bốn anh đều theo cách mạng. Bọn tề ngụy thỉnh thoảng lại bắt ông bà, chị Chủi (con gái) và chị Trúc (con dâu) lên đồn đánh đập, tra khảo, bắt họ gọi các con về với “chính nghĩa quốc gia”. Họ vẫn lặng lẽ bám ruộng vườn trồng trọt để có chỗ cho con cái đi về, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Rồi cả bốn người con trai của bà đã hi sinh. Bàn thờ gia đình là một dãy ảnh các liệt sỹ và chị Trúc, người con dâu bám trụ năm xưa vẫn lặng lẽ hương khói.

Chị Đặng Thị Phòng, một cán bộ xã đội bị địch bắt đưa đi tù còn cha chị bị chúng nhổ râu rồi đốt. Các chị Trần Thị Mười, Phạm Thị Cưu... cũng là những nữ du kích bị bắt đi tù. Trong buổi họp mặt nhân chứng, ông Lê Thành Thương, một cán bộ cùng hoạt động với liệt sỹ Phạm Chu nói: về gian khổ, hiểm nguy thì anh em chúng tôi có câu “Nhất trụ (bám trụ), nhì tù (ở tù), tam khu (chiến khu), tứ kết (tập kết)”. Chỉ riêng việc lót nằm vùng đã đủ xứng đáng anh hùng.

Tôi đứng dưới chân tượng đài liệt sỹ phường Hòa Hiệp Nam nhìn ra Nam Ô, Kim Liên, Xuân Thiều, Bàu Mạc, Bàu Tràm, Vàm Cỏ... Những địa danh của các trận đánh năm xưa nay đã trở thành khu công nghiệp, khu du lịch. Giờ tan tầm, công nhân từ khu công nghiệp Hòa Khánh ra về đông nghịt. Nhìn các cô công nhân trẻ tranh thủ ghé chợ mua thức ăn tôi lại nghĩ đến những người phụ nữ trong câu chuyện của mình. Xã đã lên phường, phường đã chia tách. Ao hồ đầm phá đã san lấp. Nhà máy, phố phường đã mọc lên sầm uất. Nếu không có cuộc gặp mặt này thì tôi không biết nơi đây đã có những người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng với tấm lòng kiên trung, son sắt với Đảng với cách mạng, họ đã chiến đấu kiên cường trong lòng địch. Chị Lộ, chị Lẹ, chị Bé... những cái tên mộc mạc như đất đã hy sinh khi tuổi còn thanh xuân. Những đồng đội của họ trở về với cuộc sống đời thường, tuổi đã xế chiều nhưng vẫn lặng lẽ chống chọi với bao khó khăn, vất vả.

 

M.T