Nghề biển của ngư dân Đà Nẵng qua ca dao, tục ngữ về lao động - Huỳnh Thạch Hà

16.06.2017

Nghề biển ở Đà Nẵng có lịch sử lâu đời, ngay từ khi những cư dân Sa Huỳnh, rồi cư dân Champa đã có cái nhìn về biển, hướng biển. Và sau đó, trải qua những biến thiên và thăng trầm của lịch sử, những lớp người Việt đầu tiên trên bước đường Nam tiến đã vào định cư ở vùng đất này, phần lớn cư dân lấy làm nông làm nghề chính và nghề biển gần bờ là nghề phụ để kiếm cái ăn hàng ngày. Trải qua hàng thế kỷ, cộng đồng ngư dân ven biển Đà Nẵng ngày càng phát triển, nghề đi biển trở thành nghề chính với những tàu thuyền được trang bị máy móc hiện đại, vươn xa đánh bắt, phần nào đã tạo nên diện mạo và tâm thế biển của người dân Đà Nẵng. 

Nghề biển của ngư dân Đà Nẵng qua ca dao, tục ngữ  về lao động - Huỳnh Thạch Hà

Nghề biển là một trong những nghề phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Ngư dân phải lao động rất vất vả nhưng được hay mất mùa không biết trước được. Nếu gặp lúc mưa thuận gió hòa thì còn có thu nhập nhưng gặp lúc biển động, sóng to gió lớn thì công sức lại đổ sông, đổ biển.

- Buông câu thả lưới cho dài

Họa may kiếm được con cá biển ngoài lần vô.

- Ra khơi bữa có bữa không

Lạy trời đừng để tố giông cho mình.

- Làng tôi nghề biển nghề sông

Những hôm trời lặng cá trong cá ngoài

Cá thu cho chí cá khoai

Còn như cá lẹp, cá mai đã nhiều.

Người dân miền biển Đà Nẵng có kinh nghiệm quý báu khi nhận thấy những tín hiệu tự nhiên từ sự thay đổi bất thường trên bầu trời hoặc những hiện tượng lạ chung quanh mà đoán biết tình hình thời tiết ở vùng đất mình đang sinh sống:

 

- Đời ông cho chí đời cha

Mây phủ Sơn Trà, không gió thì mưa.

- Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Sấm rền Non Nước, trời đà chuyển mưa.

- Mây đen phủ kín Sơn Trà

Gấp lo thu dẹp kẻo mà có mưa.

Và những kinh nghiệm đã được đúc kết từ bao đời nay đã giúp cho họ kịp thời lo liệu được những công việc thường ngày trong cuộc sống:

- Mống cao gió táp, mống rạp mưa dầm

- Mống Cu Đê trở về dọn gác

- Mống đóng đằng Tây mưa rây gió giật

- Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa

- Mây kéo xuống biển thì nắng chang chang

Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút

- Chớp phía đông, mưa giông đã tới

- Ba con chảy, bảy con cường.

- Nắng ui ui thui chết người

- Sao tua rua mọc, vàng cây chết lá

Sao tua rua lặn, chết cá chết tôm

- Trăng quần thì hạn, trăng tán thì mưa.

Những lúc thời tiết bất lợi cho nghề nghiệp thì ngư dân cũng tranh thủ nghỉ ngơi, chờ ngày nắng lên ấm áp để ra khơi được thuận buồm xuôi gió:

Chớp phía Đông, hồng phía Tây

Ghe câu lên bãi ba ngày nằm chơi.

Bên cạnh những kinh nghiệm về thời tiết còn là sự báo hiệu từ những biểu hiện bất ổn của người nhà hoặc người nhà trước giờ ra khơi, chính nhờ như thế mà họ có thể tránh được những rủi ro, mất mát đáng tiếc:

Thuận buồm xuôi gió thì đi

Mặt nặng như chì ở lại nuôi con.

Đối với họ, lao động là niềm vui trong cuộc sống, đồng thời cũng là nguồn thu nhập kinh tế vô cùng quan trọng. Những khi thời tiết bất thường, không ra biển đánh bắt, đối với họ là nỗi lo toan:

- Một ngày vãi chài bằng mười hai ngày phơi lưới.

Công việc giăng lưới, thả câu trên biển, ngoài yêu cầu người đi biển phải luôn có sức khỏe và sự dẻo dai thì cũng cần có sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng cùng nhau trong công việc. Bởi vậy, trong lúc làm việc vất vả thì họ đã cùng nhau cất lên câu hò để công việc được đều tay và nhanh hơn.

Hò hố, giàn nậu vô!

Hò hỡi hò lơ, hố hò lơ, là hò hỡi lơ

Ra đi mà sóng biển

Sóng biển mịt mù, là hò hỡi lơ!

Trời cho mà lưới nặng, là hò hỡi lơ!

Dô hò ta kéo lên! là hỡi hò lơ!

Rị hố rị! hố rị!

Ra đi! hố rị! lưới nặng... hố rị! dô hò...hố rị!

Kéo lên! hố rị rị rị rị rị!

Nghề đánh bắt cá trên biển cả cũng có lúc được mùa tùy theo hướng gió, con nước hợp chiều. Họ sống gắn bó với nghề biển, nên đã áp dụng được kinh nghiệm nghề biển trong cuộc sống:

- Thuyền ngược ta khiến gió nam

Thuyền xuôi ta khiến gió nồm thổi lên.

- Nồm mùa sông, dông mùa biển.

- Coi gió bỏ buồm.

- Có nước có cá.

Dân chài vùng biển cho rằng, khi gió nồm thổi về thì có nước lợ ở vùng sát bờ, nên cá thường ra xa bờ. Những lúc đó, thuyền to không thể đánh bắt gần bờ nên có được bất cứ con gì cũng phải bắt cho được, không bỏ qua. Nồm ngoài nước ngọt, chẳng để lọt con nào.

Như vậy, với cư dân làm nghề biển, họ là những người “ăn sóng nói gió”, tiếp xúc nhiều với ngư dân ở các địa phương khác cùng hành nghề trên biển, vì vậy, kho tàng ngôn ngữ của họ khá đồ sộ. Làm việc trên biển khơi đầy sóng gió, họ dùng những câu ca dao, hò vè để quên đi những nhọc nhằn, vất vả. Đồng thời, trong những lần ra khơi bám biển, họ đã tích lũy kinh nghiệm làm nghề, xem hiện tượng thời tiết rồi đưa vào ca dao, tục ngữ, hò vè để trao truyền lại cho đời sau.


H.T.H