Không thể kết thúc - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ

24.01.2013

Tôi nghĩ là có chuột chết. Chỉ có chuột chết mới sinh ra bọ. Mọi người đều thấy mùi chuột chết đúng không". Bác trưởng nhíu mũi khoằm với hai cái lỗ mũi to, sần sùi rỗ lại, khịt khịt. Bác dâu càng nói nhà có mùi chuột chết, mũi bác trai càng khịt mạnh, chắc chắn cái mùi nặng quánh như mùi bốc ở những bãi rác cuối ngày, nằm giữa khu chợ mỗi khi đêm xuống chui nhanh và nằm rất sâu trong lồng ngực.

Không thể kết thúc - Truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ

"Mùi chuột chết thì đúng rồi. Nhưng chuột chết không thể gây ra nhiều bọ thế này". Bác dâu bịt mũi, nhắm hờ mắt lấy cuốn tạp chí Hàng xịn đập phành phạch ba bề bốn hướng xung quanh.
Bố và mẹ im lặng. Mỗi người một cái khăn bông, ấp vào mũi, đeo kính đen dò dẫm trong nhà chật kê đồ san sát. Tôi là người cuối cùng tiến vào, đi xuyên qua tấm màn dày đặc đan bởi những con bọ chưa ai thấy bao giờ. Con vật bé như hạt vừng, hình tròn, đen bóng có cánh để bay. Mắt nó rất tinh. Khi tôi vung cái khăn lên, đám bọ dịch chuyển trước để tránh, rồi uyển chuyển lượn táp vào mặt tôi. Tôi nhắm mắt, ngậm miệng, vì chỉ cần há ra nói một câu là cả vốc bọ nằm trong miệng như ngậm một nắm vừng đen.
*
Chúng tôi khóa cửa nhà để về quê một tuần làm Lễ thượng thọ cho bà nội. Bốn đời nhà tôi sống trong ngôi nhà cổ này. Tôi là đời thứ năm. Vì tổ chức thượng thọ, nên bà được di lý xuống quê, nhà cậu út. Nhà cậu có vườn, sáu tấm bạt căng lên, che mát cho trăm mâm cỗ. Đã thành tiền lệ, cứ ngày Lễ hay dịp kỷ niệm của ông bà cha mẹ là phải "đánh trống múa rối" thật to trình báo thiên hạ. Bác trưởng bảo, ai cũng vất vả, đầu tắt mặt tối, mấy khi được biết đến đời sống của người quen, nếu như không có những buổi tiệc tùng. Mỗi năm, đại gia đình tôi chục lần chăng bạt, thuê loa đài mổ lợn chế biến cỗ với các loại món làm từ thịt lợn, rồi uống bia hơi trong những chiếc can nhựa hai mươi lít. Những món ăn quen thuộc nhưng lần nào cũng mang đến cho mọi người sự hứng khởi như đây là lần đánh chén đầu tiên. Xong cỗ thường là đêm. Nhạc tắt. Rạp cuốn trả kèm vài xe bát đĩa nồi bếp thuê trọn gói, ai về nhà đấy. Dư âm vui vẻ lan sang đến lần gặp mặt sau.
Lần này, Lễ thượng thọ bà nội sang tuổi tám mươi đáng ra chỉ 3 ngày. Nhưng rồi trôi tuột đến bảy ngày vì ở làng bỗng mọc ra một ông thày bói khá linh, nhất là xem cho người lạ, ở xa. Cả nhà ở thêm hai ngày xem bói. Đã thế, sau khi nghe thầy phán số bác cả năm nay cứ đất lề quê thói mà mua, sang năm một lãi mười. Mất toi thêm 2 ngày đi săn đất làng. Vơ váo cũng được hai cái ruộng rau muống cạn của cái nhà ông già bị ung thư, cần tiền lên viện K chạy xạ, bán ba mươi ba triệu một ruộng hai trăm mét. Đúng số rồi. Thêm một ngày ăn mừng vì tương lai phát tài phát lộc do bói phán. Lần đầu tiên, cả nhà bác trưởng, nhà tôi ở quê bảy ngày.
*
"Bây giờ phải làm gì". Bác dâu giọng ngàn ngạt sau cái khăn mặt, tay cầm "Hàng xịn" đập mạnh xuống đùi. Bao bọc quanh chúng tôi một tấm màn dày đặc bọ. Chúng tụ với nhau thành từng đám, phủ một màu đen lên những bức tường, giường tủ, bình lọ cổ, sàn nhà.
Mẹ tôi bị hen, dị ứng với phấn hoa và các loại bọ. Không thể xua được hết đám bọ bám trên mặt và những chỗ không có vải che, mẹ bắt đầu ho, tiếng nặng, phát ra từ rất sâu dưới đáy ngực. Vẫy vùng thêm một lúc, mẹ lao ra cửa. Bác dâu ném tia mắt sắc như mũi phi tiêu. "Đừng có mà chạy ra đường hết đấy. Cứ gặp khó khăn là chạy thì hèn quá". "Vợ em hen, hít phải bọ này tắc thở đấy chị ạ". "Thế cậu nghĩ tôi quen hít bọ chuột chắc". Bác trai bỏ nhanh cái khăn che miệng, tợp nhanh hụm Jin từ cái chai dán giấy vàng, miệng nhai nhai. "Phải làm gì đi chứ. Ngồi nhìn thế này để bọ chuột ăn thịt mình à". Bác dâu bắt đầu vào cơn kích động, to tiếng.
Tôi nhắm mắt. Lăn tăn li ti cảm giác tê buồn lan tỏa lên da thịt, những chỗ không có quần áo. Nghìn con bọ cánh cứng bé nhỏ đáp rào rào lên má, lên hai cánh tay trần, cặp đùi mặc sóc ngắn. Không cần mở mắt, cũng biết giờ tôi đen như mực rồi. Giống như đi trên sa mạc, những hạt cát bắn nhẹ lên da thịt. "Phải làm gì đi chứ". Bác dâu bắt đầu gào lên. "Mới đi vắng mấy ngày, bọ chuột ở đâu ra đầy một nhà thế này hả giời". Bác dâu khóc tức tưởi. "Ở chuột chết chứ ở đâu". "Tại sao nhà này lại có chuột chết. Tất cả các cửa đều khít". "Thì đi vắng chuột vào là đúng rồi". "Không, tại con Thảo bẩn thỉu, nó để đồ ăn vương vãi ra nên chuột mới vào nhà".
Thảo là cô giúp việc, chăm sóc nội tôi tám năm nay. Cô bị tật ở chân, không chồng con, chăm chỉ, nhu mỳ, chịu đựng. Cô ở đây lâu không phải vì tiền lương cao. Cô bảo, số kiếp phân công cô sinh ra để chăm sóc người bệnh. Ba má cô bệnh và chết cũng qua tay cô. Họ hàng ai bệnh cô đến hầu. Hết người bệnh, cô đến làm nhà tôi, vì bà tôi bệnh. Ngoài việc chăm bà, cô làm hương thêm cho ngôi chùa nhỏ gần nhà mỗi khi rảnh. Mọi chuyện trong nhà tôi cô Thảo lo hết. Sáu người trừ nội, không ai nhớ lọ đường, cái bàn là để ở đâu. Cần gì, cô Thảo chân cao chân thấp mang để trước mặt. Ý thức chăm sóc người khác là số phận của mình ngấm vào máu thịt, nên cô làm tất cả mọi việc tốt đến hoàn hảo. Bác dâu tôi có lần than thở, con gái mình đẻ ra nuôi lớn thì mất hút, người dưng ở đâu đến lo hết chuyện cho mình, nên cô Thảo với bác là quý giá nhất.  Bây giờ, nhà có một hay nhiều con chuột chết, cũng tại cô Thảo. "Nó lại quên đóng cái cửa sổ bếp phía sau, chuột chui qua kẽ hở đấy mới vào được chứ còn đường nào đâu".
*
"Phải gọi con Thảo về. Chỉ có nó là giải quyết được lũ bọ chó chết này". Thường khi đứng trước một chuyện bất ngờ xảy ra trong nhà, mấy năm nay, người đầu tiên bị gọi là cô Thảo. Bà đi vệ sinh lên chiếc đệm Hàn Quốc của vợ chồng bác trưởng, cũng "Con Thảo đâu, chỗ tao nằm chứ có phải chỗ bà đi gặp Uylyam Cường thế này à". Uylyam Cường là cách nói văn hoa của cả nhà dùng cho việc đi vệ sinh. WC của bà sát bên phòng bà. Không hiểu vì giường đệm của bác dâu thơm hay màu sắc sặc sỡ, gợi nhớ điều gì đẹp đẽ xa xôi của bà trong tiềm thức hay không mà cứ hôm nào bác dâu vội đi làm, sểnh quên khóa cửa phòng ngủ là bà nội cũng vào đái một bãi, hay giải quyết việc nặng hơn vào đấy đầy khoái cảm. Bác dâu thường họp gia đình sau mỗi lần bà thải chất cặn bã vào giường làm bác phải vứt cái ga Hàn Quốc tím ngăn ngắt đi. Suốt cuộc họp tố tội nội là "lẫn quá mất khôn, sống lâu làm phiền con cháu, càng ngày càng giở chứng xấu không bằng đứa trẻ con, ỉa đái còn biết gọi người lớn" của bác dâu, Nội ngồi cười khẩy, mắt tinh sáng xanh nhìn ra hướng cửa sổ có tán hoa phù dung lay động, không nói một lời. Họp gia đình có sáu người tham gia, bác dâu độc thoại từ đầu tới cuối, uống hết mấy chai nước sâm rồi kết thúc trong sự bất lực đau khổ đầy căm giận. Bác giống như người nắm tay thật chặt, đấm thẳng vào đối thủ, nhưng quả đấm luôn trật vào khoảng không vô tận, như thách thức, mời gọi, đấm nữa đi, cố lên cố lên. Không gì đáng giận bằng việc mình nói mà không ai thèm nghe. Người khổ là cô Thảo, vừa phải dọn, vừa bị nghe chuyện cứt thối của bà làm bẩn phòng bác trưởng, chửi chục ngày không nuốt được cơm. Hai năm nay, nội đi lại khó khăn, bác dâu không phải lo khóa cửa vì bà không tự trèo lên giường bác để gặp Uylyam Cường. Cố lắm, bà chỉ gặp ngài ở chân giường bác dâu. Việc dọn dẹp với cô Thảo cũng nhàn hạ và ít hậu quả hơn.
Bác dâu người quấn chăn bông thò mỗi cái mặt trắng hồng, đôi lông mày đen xăm cong vút, hai mắt xanh lét và đôi môi viền đỏ. Từ hôm qua, sau khi gột rửa lũ bọ, ai cũng quấn một cái chăn mỏng khi di chuyển trong nhà. Mỗi người một cách xử lý bọ chuột nên nhà cũng trắng dần lại. Tôi hăng say lấy khăn bông ướt, phủ lên mặt sàn và vét lũ bọ lúc nhúc vào đó, mang vào buồng tắm, nhúng vào chậu xà phòng. Khi rút cái khăn lên khỏi mặt nước, chậu xà phòng đen kít xác bọ. Bố lại khoái dùng bình diệt kiến, xịt mù mịt hơi vào gậm giường gậm tủ, rồi lấy chổi quét từng vốc bọ cho vào bồn cầu giật nước. Hai bác quần quật trong phòng riêng, lâu lâu, bác dâu vô ý đánh vỡ một cái bình gốm cổ. Bác trai rất hiếm khi quát bác dâu, nay vỡ bình, bác kêu khá to, tiếng hét bay ra khỏi miệng, chưa kịp vỡ thì tắt lịm. Tôi ở đây từ nhỏ, lần đầu bác trai quát mà bác dâu im lặng. "Con Thảo đang trông bà, nó về, bà ở dưới chú út với ai?". "Vợ con chú ấy không trông bà được vài hôm à. Nhà quê có việc gì mà làm, không tranh thủ mà hầu mẹ chồng cho có phước hay sao. Cứ coi như không có con Thảo thì mỗi nhà phải thay phiên nhau mà trông bà chứ". "Nhưng bà ngồi một chỗ, bao năm nay có mỗi cái Thảo biết chăm bà. Giờ nó về đây dọn nhà cho mình, chẳng may bà ngã thì sao". Bác trai gằm ghè. "Ôi giời ơi, thế thì sợ cả đời. Phải cắt người ra mà hầu bà chứ. Bao năm nay, cô chú ấy đã được cái phúc là tự tay chăm mẹ đâu". "Hay là tôi gọi cô tạp vụ cơ quan đến dọn nhà, giết bọ. Cô đấy chân tay đầy đủ, nhanh nhẹn sạch sẽ, tin được". "Điên à, đưa cơ quan đến nhà cho nó biết hết bí mật nhà mình à. Ông là giám đốc, nhà có mấy con bọ ranh mà vợ không dọn phải gọi nhân viên đến là sao". "Thế thì để tôi thuê bà đồng nát hay ngồi ngoài ngõ nhé. Bà ấy bán buôn quanh quẩn bao năm ở đây, sáng nào tôi đi làm cũng thấy bà ấy nói chuyện với cậu Hùng lái xe". "Cái gì, sao ông lại cho đồng nát vào nhà. Ông biết thừa nhà này vớ đâu cũng tiền mà dám cho người lạ vào. Tay ông mua đồ cổ, món rẻ nhất cũng vài chục triệu, không thì vô giá, có tiền tỉ cũng không mua được. Ông nói mà không nghĩ. Tôi chỉ tin cái Thảo, một mình nó. Thơm thối cũng mình nó biết, ông nhớ chưa".
*
Bốn ngày sau.
Cô Thảo được bác dâu đón về để dọn đám bọ chuột. Một ngày cô chỉ lôi đồ ra, xếp đồ vô, tuyệt nhiên không thấy con chuột chết nào. Bọ cũng bớt nhưng không hết. Bàn ghế, sập gụ tủ chè trong nhà là đồ cổ, các ngóc ngách vẫn đen màu con bọ. Đồ gỗ trong nhà nâu đen bóng loáng, khó thấy bọ bám để giết. Bác trai mê sưu tầm đổ cổ, mỗi món đồ bé cũng cả nghìn đô Mỹ. To thì bằng tiền mua cái Matiz, Camry. Khi ở quê lên, cô Thảo bước vào nhà, đứng lặng tựa người vào cánh cửa gỗ, nhìn chậm chậm một lượt. Tất cả chúng tôi chăm chú nhìn theo mắt cô, quét lên tất cả, như máy dò mìn. Một lúc sau, cô tập tễnh đến góc bếp mở ra, ngồi xuống. Im lặng. Bố, hai bác và tôi lao đến, dồn dập "tìm bắt ngay chuột chết đi". Cô im lặng khó hiểu, lắc đầu, nói nhanh "Nhà không có chuột. Không có chuột chết". "Thế bọ ở đâu ra". Cô không trả lời, chỉ tay ra cửa, nói "Mọi người mua sữa, cháo ăn liền và bỉm mang về cho bà. Dưới đấy chỉ ăn cá, bà đau bụng hai hôm nay rồi. Mua nhiều thịt lợn mang về cho cậu Út làm ruốc cho bà". Bác dâu cau mặt. "Khổ quá, đang hỏi đám bọ ở đâu ra, không phải vì chuột chết thì vì cái gì?". "Bà đau bụng đã uống thuốc chưa, cô về đây, ai trông bà". Bố tôi nhìn cô Thảo chằm chằm, như thể nhìn thật kỹ cô Thảo, như nhìn cái tivi, sẽ thấy bà hoạt động trên đấy. "Sáng nay cháu phải trốn bà về đây. Giờ bà dậy, không thấy cháu, chả biết ra sao". "Mày thôi nói đến bà già ấy một lúc được không. Tao hỏi bao lâu mày giết hết đám bọ chuột chết này? ". Bác dâu gào lên. Cô Thảo như người điếc, mê mải đi theo con đường riêng, lẩm bẩm với bố tôi "Hôm qua, bà bảo sắp Tết, nhớ nấu chè Bà cốt thắp hương ông nội".
*
Bây giờ là mùa đông.
Gia đình nhỏ của tôi có thói quen từ đời cụ tôi là nấu chè bà cốt những ngày Tết. Tôi giờ đã có chồng và sinh hai đứa con. Chúng tôi ở căn nhà ngoại ô, có vườn và ao khá lớn, thả cá bên dưới, trên mặt là bèo tấm. Ngôi nhà tôi sống cùng bà nội, bố mẹ và gia đình bác trưởng bán sau cái ngày đám bọ chuột chiếm đóng đô hộ. Cô Thảo về giết bọ đến ngày thứ hai thì quay lại nhà chú út chăm nội. Lý do đơn giản, cô là đôi chân, đôi tay của Nội. Cô không phải là người chuyên giết bọ. Căn nhà cổ có từ những năm đầu thế kỷ 20 có nhà bác trưởng và bố tôi giờ như nhà hoang. Nói gì chứ bà nội tuy ốm và ngồi xe đẩy, nhưng vắng bà thêm ngày nào, nhà thêm loạn ngày đấy. Bác dâu và bác trai đánh nhau vỡ mấy cái bình cổ từ đời kị nội để lại. Khi bình vỡ, bác trai mới biết là bác dâu đã tráo bình mới vào, trị giá vài trăm nghìn, so với bình cũ rẻ cũng vài chục triệu, có cái vài trăm triệu. Tài sản mất đã đau xót, nhưng chưa đau bằng việc mất gốc. Bác trai bảo một đêm khóc hu hu hai mắt đỏ máu bầm, hai lỗ mũi đã to lại càng trống hoác ôm chặt bố tôi cũng rơm rớm nước mắt, rên rỉ "Chị dâu chú đã nắm rễ cái cây cổ bao đời nhà mình nhổ lên mang đi rồi thay vào đấy cái cây nhựa rồi em ơi". Ra tòa ly dị, bác trai viết vào đơn phần lý do bỏ "Không sống chung với người giả dối". Con gái hai bác đi theo một anh họa sĩ người Pháp, sau này định cư ở Nauy. Chị giờ là họa sĩ còn chồng thì chuyển sang buôn bán tranh. Nhà cổ bán, chia theo quyết định của bác dâu. Bố mẹ và tôi đủ tiền mua căn nhà ngoại ô này. Một năm sau. Bà nội mất ở nhà chú Út. Trước khi mất, bà gọi mẹ tôi về, tháo nhẫn vàng mặt ngọc, lắc ngọc, dây chuyền ngọc trăm năm tuổi, đeo hết lên người mẹ. Lần đầu tiên bà cho mẹ lau người bằng nước thơm. Bà nói, "Nhiều bí mật, cả đời đi tìm không thấy do không biết, có khi do người ta giữ bí mật đấy đến chết và mang theo về trời. Mấy chục năm bà không cho mẹ động vào người bà, và việc bà rất thích đại tiểu tiện vào giường bác dâu, vì bà bị bác dâu lừa nặng quá". Mẹ khóc, bảo bà đừng nói nữa. Bác dâu có lừa hay không thì cũng là người dưng rồi. Bà lại bảo "Mợ dặn con, đừng giữ gì chặt quá. Đừng yêu thương ai hay đồ vật gì quá. Rồi cũng tuột ra khỏi tay thôi. Con biết là năm đời nhà mình toàn đàn ông sưu tầm cổ vật, để đến đời con trưởng của bà mang con dâu về tráo đồ gốm Trung Quốc đời nay vào. Không nhờ mấy con bọ thì không bao giờ biết nhà toàn đồ rởm rồi". Mẹ lại nói "Nếu Mợ đã biết là đừng quá vì một điều gì trong đời, thì mợ cũng đừng đau khổ quá. Đừng nghĩ là chị dâu con mang đồ giả đổi đồ thật, mà coi như bị động đất, tan vỡ hết. Còn người sống là may rồi". Bà gật đầu "Có những điều, khi mình ngộ ra, chỉ có kiếp sau nếu hồi sinh mới có cơ làm lại, kiếp này sống trăm tuổi cũng vô nghĩa". Mẹ gật đầu "Mợ đừng buồn nữa. con chỉ mong đời con được như mợ".
*
Tết đến.
Tôi dạy con gái nấu chè Bà cốt. Nước đường đen đun lên, đập gừng vào nấu với gạo nếp cẩm. Bịch nếp mua trước đấy hai tuần để trong góc tủ bếp. Khi mở bịch nilông, tôi gặp lại nhân vật quen. Nhân vật bé nhỏ này đã quyết định số phận của mấy đời dòng họ Trịnh nhà tôi.
Những con bọ chuột ngày xưa tôi gặp lại chúng, trong nhà tôi ở ngoại ô.
Mười năm trước, khi bán nhà, tôi nhặt hai con bọ chuột ép vào cuốn sổ có những trang giấy trắng. Đặt sổ trong tủ kính, cạnh những bằng khen học sinh giỏi Toán cấp Quận, mấy huy chương bạc giải bóng bàn sinh viên, Giấy khen của các con cùng những kỉ vật quý. Giờ thì tôi biết, hàng triệu con bọ ngày đấy như tấm màn đen phủ trùm lên cả gia đình tôi không phải được sinh ra từ chuột chết. Ngồi bệt dưới đất, mắt mở trừng trừng nhìn cánh tủ bếp sơn trắng nhung nhúc những con bọ bám dày kít. Chúng chuyển động như dòng xì dầu đặc tưới lên mặt gỗ. Một lúc sau, từng đàn bọ bay vù ra, đậu lên mặt tôi. Lân tân li ti cảm giác tê buồn ngày xưa trở lại.
Bắt hai con bọ sống đang bò, ép vào góc giấy trắng bên cạnh hai con bọ đời cổ, chúng như cùng một đàn, chỉ khác là hai con sau tươi mới hơn hai con cũ đã khô. Tôi nghe tiếng giập vỡ của hai con bọ mới trước khi chúng mỏng lép lại, ruột cuộn lên từng cơn như lúc mong người yêu hay lo lắng điều gì khi nhớ chuyện bà nội nói với mẹ đừng nên giữ lại cái gì, rồi đến lúc sẽ tuột khỏi tay hết. Đồ cổ lại càng không nên giữ, vì người ta có thể tráo bằng đồ mới, chỉ khi chúng bị đập tan ra mới biết là mới hay cũ. Lúc này tôi không thấy câu dặn đó đúng với hai con bọ chuột - nay là bọ gạo đang túa ra trước mắt và những con cổ xưa nằm dính trên trang giấy trắng. Không hiểu tại sao mười năm sau, tôi mới nhớ ngày đấy chính bác dâu đã mang túi gạo nếp cẩm về, cùng bịch đậu đen, bảo là bạn trai làm nghề mát xa, vật lý trị liệu có bàn tay vàng xoa bóp khỏi bách bệnh khuyên bác ăn đều cơm nếp cẩm nấu đậu đen tốt cho tóc và sáng mắt. Một lần, lúc bác trưởng đập phá đồ gốm rởm bị bác dâu tráo bán, chửi "mày là đồ vợ mất nhân tính, lừa chồng theo thằng bạn thân của tao lại cùng nó cướp cả đồ cổ năm đời cha ông để lại, mất dạy khốn nạn quá".
Sau khi bán nhà, chia tiền, bác trai bỏ chức Giám đốc, biến mất khỏi chúng tôi không một lời từ biệt. Buổi sáng, giờ đi làm, bác im lìm, xỏ giầy, đeo cái túi nhỏ, bình thản đi ra ngõ. Chiều hôm đấy, đến tận bây giờ, bác không một lần quay về. Bố tôi sau khi mua ngôi nhà ngoại ô này cho mẹ con tôi, ông về ở với nội ở quê. Ba năm sau khi nội mất, bác dâu bị tiểu đường biến chứng sang mắt, phải vào viện dưỡng lão sống. Không ai vào thăm bác ngoài hai mẹ con tôi.
Gặp lại những con bọ quen, tôi đi thăm bác dâu.
Ngồi trước một người mờ mắt, mất trí nhớ và tay chân bị cụt dần, tôi không biết bắt đầu từ đâu, kết thúc thế nào câu chuyện về những con bọ gạo. Tôi chỉ muốn nói với bác dâu một chuyện thật đơn giản, là triệu con bọ ngày xưa ở nhà mình, không phải sinh ra từ chuột chết, mà từ gạo nếp cẩm. Tại sao nhà mình lúc đấy lại có nếp cẩm, bác có nhớ không? Bác dâu đeo kính đen, từ sáng đến khi ngủ để mọi người không thấy hai hốc mắt mờ đục trừng trừng, cười khành khạch lắc lắc cái đầu, miệng sùi nước bọt hôi hám nói lèm nhèm chuyện gì tôi không nghe rõ. Nói và cười một mình là thói quen của bác dâu vài năm nay. Cô y tá nắm tay tôi, mắt thăm thẳm "Cô không hiểu chị nói gì đâu. Cô chỉ nhớ hiệu lệnh là ăn đi, uống đi thì há miệng to. Mấy lần, mẹ chị và chị vào thăm về, đêm đấy cô la hét, tay chân khua khoắng khỏe lắm".
*
Thực sự lúc này, và mãi mãi sau, tôi chỉ có nóng ruột làm sao tìm thấy bác trai, hay bỗng chốc có phút giây nào bác dâu tôi tỉnh lại, để nói với họ về những con bọ được sinh ra từ gạo nếp cẩm. Bọ không sinh ra trên xác chuột chết.
Đời tôi đúng là chỉ có một ước muốn đơn giản.
Nhiều người có khi còn thấy vớ vẩn. Nhưng đấy thực sự là một ước mơ.
 

N.T.T.H

Nguồn http://tapchinhavan.vn