Hải thần trong tín ngưỡng người Hoa ở Hội An - Vũ Hoài An

12.09.2019

Hải thần là một loại hình tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ xa xưa ở Trung Quốc. Dưới thời nhà Tần (221 - 206 trước Công nguyên), người ta cho rằng, Hải thần vốn là một con cá to ở trong biển. Từ đời nhà Hán (203 trước Công nguyên - 220 Công nguyên) trở về sau, người ta có xu hướng nhân cách hóa nhằm chỉ một vị thần chủ, cai quản khu vực biển mà Tứ Hải Long Vương là một trong những Hải thần được người ta sùng bái nhiều nhất. 

Hải thần trong tín ngưỡng người Hoa ở Hội An - Vũ Hoài An

Sau này, tại các vùng Phúc Kiến, Quảng Tây, Đài Châu,… của Trung Quốc rất thịnh hành việc sùng bái Thiên Hậu. Ngoài ra, tại một số địa phương ở Trung Quốc, người ta còn thờ những vị Hải thần khác, mang tính địa phương, quản lý khu vực biển không rộng, nhưng truyền thuyết về những vị thần này cũng hết sức sinh động.

1. Một số hải thần trong tín ngưỡng của người Hoa
[1] 

1.1. Mặc Nương

Theo truyền thuyết dân gian của người Hoa còn lưu lại đến ngày nay thì vào thời Ngũ Đại Thập Quốc (907 - 979), vợ của quan Đô tuần Lâm Duy Di ẩn cư ở cảng Hiền Lương (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), một hôm bất chợt nhìn thấy một luồng hồng quang chiếu sáng vào trong nhà, làm cho cả căn nhà phát ra những ánh hào quang rực rỡ, hương thơm tỏa ra ngào ngạt, xung quanh ầm ầm rung chuyển tựa tiếng sấm xuân, vợ của Lâm Duy Di là Vương Thị sinh ra một hài nhi. Đứa bé gái này khi sinh ra không kêu, không khóc, đến lúc đầy tháng vẫn không cười, không nói nên cha mẹ mới đặt tên là Mặc Nương.

Mặc Nương từ nhỏ đã rất thông minh, lanh lẹ, mẹ dạy cho cô đọc sách, biết lễ nghĩa, học và tụng kinh Phật. Bà thường dẫn cô đến trước Quan Âm để ngắm nhìn biển rộng, xem thiên văn. Đến năm bảy, tám tuổi, Mặc Nương có thể biết tinh tú, rõ tiếng con nước, lại còn có thể kể rất nhiều chuyện ly kỳ cổ quái. Lúc đó ở vùng đông nam duyên hải, nạn lụt liên tiếp xảy ra, hải nạn không ngừng, tiếng kêu than khổ sở của dân chúng ngút trời. Mặc Nương từ nhỏ đã hạ chí nguyện giải trừ tai nạn cho dân. Có lần tại một chiếc giếng cổ, cô được Quán Thế Âm Bồ Tát tặng cho một cái hộp gấm, trong đó có rất nhiều pháp bảo trấn yêu giải nạn. Từ đó về sau, cô bắt đầu dùng pháp bảo để tạo phúc cho dân nên nhân dân quanh vùng gọi Mặc Nương là Thần Cô.

Đến năm 28 tuổi, Mặc Nương tới bờ biển và cưỡi lên một đám mây màu vừa từ trên trời hạ xuống để bay lên trời. Người ta tương truyền rằng, sau khi bay lên trời thành tiên Mặc Nương vẫn luôn luôn thác mộng, hiển linh giáng phúc cho dân. Người dân ở cảng Hiền Lương đã xây một ngôi đền tại nơi Bà bay lên rồi đúc tượng để thờ cúng.

Hơn 1.000 năm trở lại đây, các nơi thuộc miền duyên hải và các bến cảng lớn nhỏ, hoặc những nơi ở hải ngoại có người Hoa sống tập trung, họ đều xây dựng miếu thờ Bà. Bà đã trở thành vị Hải thần phù hộ không chỉ trong tâm mắt của người Hoa ở vùng duyên hải Trung Quốc mà cả người Hoa ở hải ngoại.

1.2. Thiên Hậu Thánh Mẫu

Thiên Hậu được người Hoa gọi dưới nhiều danh xưng tôn quý khác nhau như: Thiên Thượng Thánh Mẫu (Mẹ Thánh trên trời), Mã Tổ Bà (Bà Tổ), A Phò (Đức Bà, Đức Mẫu),… Người ta cho rằng, Bà sinh vào thời Tống Kiến Long năm thứ nhất (960), là con gái thứ sáu của Lâm Nguyện - Đô tuần kiểm huyện Bồ Điền, phủ Hưng Hóa, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tương truyền khi Bà mới sinh ra đã có những luồng ánh sáng và mùi hương thơm kỳ lạ xuất hiện, khi lớn lên bà rất hoạt bát và thông minh, đặc biệt Bà có thể cưỡi chiếu lướt trên biển cả, cưỡi mây ngao du khắp thiên hạ nên người ta gán cho Bà danh hiệu “Long Nữ”. Đến tuổi cập kê, rất nhiều người đến cầu hôn nhưng Bà lại không muốn lấy chồng. Đến thời Tống Ung Hy năm thứ 4 (987), khi sắp qua sinh nhật lần thứ 28, Bà nhờ mẹ giúp mình trang điểm thật lộng lẫy, sau đó ngồi trang nghiêm trên ghế và nhẹ nhàng nhắm đôi mắt lại. Mẹ Bà ngửi thấy mùi phấn hương kỳ dị tỏa ra lan rộng ngoài mấy dặm, và một đoàn tiên nữ từ trên trời bước xuống dìu Bà bước lên đuôi rồng và mất hút giữa bầu trời.

Nhiều truyền thuyết còn lưu lại đến ngày nay xoay quanh sự cứu rỗi của Bà. Sự thờ cúng Bà đột ngột nảy sinh vào cuối thế kỷ XI, về sau, nhiều đền miếu thờ Bà được người Hoa xây dựng ở khắp nơi. Vào năm Tuyên Hòa Tống Huy Tông năm thứ 4 (1122), Bà nổi tiếng hơn khi cứu một viên quan triều đình là Cấp sự trung Lộ Doãn Địch khi ông phụng mệnh đi sứ sang Triều Tiên, khi thuyền của ông gần đến My Châu thì sóng thần kéo tới, bỗng dưng Bà xuất hiện và dẫn con thuyền đi yên ổn. Năm sau khi ông trở về, hoàng đế nhà Tống đã ban tặng cho ngôi đền của Bà tên “Thuận Tế Miếu”. Năm 1155, không rõ vì lý do gì bà được phong là Linh Huệ Phu Nhân, Bà tỏ ra đặc biệt hữu hiệu khi cứu trận hạn hán năm 1187 và 1190 ở Trung Quốc. Năm Tống Quang Hy thứ 3 (1192), do bắt được bọn cướp biển mà Bà được thăng bậc từ tước Phu Nhân đổi thành tước Phi và vài năm sau Bà được phong Thánh Phi. Đến đầu thế kỷ XIII, Bà được cư dân vùng duyên hải nam Trung Hoa thờ tự nhiều. Trên tấm bia đá được dựng năm 1228 tại đền thờ Bà ở Hàng Châu kể lại như sau: có một luồng sáng siêu nhiên bất chợt hiện trong đêm bên bờ biển My Châu, tất cả những người dân ở nơi đó đều mơ thấy một cô gái nói với họ: “Ta là nữ thần My Châu, phải để ta ở đây”. Sau sự kiện này, người dân lập một ngôi đền thờ Bà trên bãi biển. Đến năm 1278, hoàng đế Mông Cổ là Hốt Tất Liệt phong Bà chức Thiên Hậu. Đến thời Minh Thành Tổ Châu Đệ, Bà được phong là Thiên Phi. Đến thời Khang Hy nhà Thanh lại phong là Thiên Hậu, nên danh hiệu Thiên Hậu Thánh Mẫu còn lưu lại đến ngày nay…[2]

Hơn mười thế kỷ trôi qua, từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh và trải dài cho đến tận ngày nay, người Hoa đã thêu dệt lên rất nhiều câu chuyện về sự linh ứng của Bà và xây dựng nhiều đền miếu để thờ tự Bà. Bà đã trở thành vị thần Biển, vị Hải thần luôn theo cùng con người trên các chuyến hải trình đầy gian nan, nguy hiểm.

1.3. Hải Tiên Hoa

Theo tương truyền, Hải Tiên Hoa vốn là con gái của một ông lão đánh cá ở bờ biển Bắc Đới Hà (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) mà người dân trong vùng gọi ông là Lão Đầu Cá. Sau khi sinh ra cô thì mẹ cô qua đời. Từ đó, Lão Đầu Cá ở một mình nuôi con.

Một hôm ông lão ra biển đánh cá, ông nhìn thấy trên ghềnh đá cạnh bờ biển mọc lên một bông hoa tươi đẹp, lá xanh non mơn mởn giống hệt đôi má của con gái mình nên ông đem hoa về tặng cho con và lấy tên hoa đặt tên cho con mình là Hải Tiên Hoa.

Hải Tiên Hoa lớn lên, khi cô mười sáu tuổi, dáng vẻ càng thanh tú, xinh đẹp. Ngư dân trên bờ biển Bắc Đới Hà đều yêu thích cô, mỗi khi cô đi tới đâu ai nấy đều hết lời ngợi khen. Lúc này ở trong vùng có một tên ngư bá là Hải Hòa Thượng, ngư dân ra biển đánh cá về phải nộp thuế cho hắn, những ngư dân không nộp đủ thuế đều phải đem con cái mình tới nộp để xuống biển săn tìm hải sâm cho hắn. Cách thức thu nhặt hải sâm của Hải Hòa Thượng vô cùng độc ác, hắn bắt những đứa con gái nhỏ đi thu nhặt hải sâm đến, dùng dây thừng buộc chặt vào cổ rồi mới thả xuống biển. Một là hắn sợ người ta ăn cắp những hải sâm đã thu nhặt được. Hai là mỗi ngày những đứa bé này đều phải thu nhặt một số lượng hải sâm nhất định, nếu không thu nhặt đủ thì chúng chẳng được nghỉ ngơi.

Hải Tiên Hoa cũng là một trong số những cô gái bị bắt đi thu nhặt hải sâm cho Hải Hòa Thượng. Một hôm trên trời mây đen vần vũ, dưới nước nổi gió to, sóng biển như những quả núi liên tiếp vỗ vào bờ, nước biển đục ngầu nhưng cô vẫn phải lặn mò hải sâm. Bất ngờ cô bắt gặp một viên Dạ Minh Châu, cô dùng nó làm đèn soi, đi đến đâu mặt biển liền gió yên sóng lặng. Cô đã mò được rất nhiều hải sâm, đem số hải sâm trao đủ thuế cho Hải Hòa Thượng, số còn lại cô đem bán lấy tiền mua gạo và thức ăn về cho cha.

Sau đó, Hải Hòa Thượng phát hiện cô có viên Dạ Minh Châu bèn tìm cách cướp của cô. Một hôm cô ra biển lặn tìm hải sâm về vừa chuẩn bị lên bờ thì bị người của Hải Hòa Thượng vây bắt. Cha cô và người dân trong làng bảo cô hãy chạy đi. Cô bèn nuốt viên Dạ Minh Châu vào bụng rồi lao mình ra biển. Hải Hòa Thượng cho người lên thuyền đuổi theo, lúc này bầu trời đang trong xanh bỗng nhiên mây đen từ đâu kéo đến, gió điên cuồng xô lên những đợt sóng lớn làm cho cả đoàn thuyền của Hải Hòa Thượng hoàn toàn bị lật úp và chết chìm trong sóng biển.

Về sau, người ta kể rằng, Hải Tiên Hoa vì nuốt ngọc minh châu nên đã biến thành thần. Nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu Hải thần để thờ cô ở Kim Sơn Chủy. Ngày 18 tháng 4 hàng năm là ngày hội ở miếu Hải thần.

1.4. Hải thần ở eo biển Hàng Châu

Ở ven biển eo biển Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), có một ngôi miếu Sắc Hải. Các cụ già nói, Hải thần được thờ cúng trong miếu vốn là một cậu bé có tấm lòng tốt. Truyện kể rằng, từ rất xa xưa, tại một vùng phía đông thành huyện Hải Yên (tỉnh Chiết Giang) có thị trấn tên là Vọng Hải, trong trấn có rất nhiều gia đình sinh sống. Một hôm, Tam Thái tử của Đông Hải Long Vương hóa thân thành con cá chép rất to đi rong chơi, vừa hay gặp nước triều rút nên bị mắc cạn trên bờ biển ở phía ngoài trấn Vọng Hải. Một người đánh cá nhìn thấy bèn đem về chặt thân cá thành hai khúc chuẩn bị nấu ăn. Vừa hay lúc đó, Quán Thế Âm Bồ Tát trên trời nhìn thấy bèn dùng phất trần làm nổi lên một trận gió đưa Tam Thái tử bay ra biển. Hai mảnh cá vừa gặp nước bèn ráp lại với nhau và quẩy đuôi bơi đi.

Đông Hải Long Vương khi hay tin con bị như vậy bèn nổi trận lôi đình, thề sẽ dâng nước làm ngập chết hết cư dân trấn Vọng Hải. Quán Thế Âm biết vậy bèn biến thành một ông lão mù đi bán dầu để thử lòng người trong trấn. Nhưng người dân nơi đây thấy ông lão mù lòa nên họ nổi lòng tham, trả tiền thì ít nhưng múc rất nhiều dầu, có người lại không trả tiền,… Chặp tối, ông lão mù ngao ngán tìm đến một ngôi miếu đổ nát ở ven biển để ngủ qua đêm. Bất giác ông thở dài và nói một mình: “Lẽ nào lại không có một người tốt ư?”. Đang thầm nói như vậy thì ở bên ngoài có tiếng gõ cửa, một cậu bé độ mười lăm mười sáu tuổi cõng trên lưng một bà lão. Cậu bảo đến để trả tiền dầu vì ban ngày mua dầu nhưng cậu không trả tiền, về nhà bị mẹ la bắt phải đi trả nên cậu mới cõng mẹ tìm đến đây và nhất định phải trả tiền cho bằng được. Thấy vậy, cụ già thu tiền và nói cho cậu bé biết một bí mật, khi nào thấy mắt của con sư tử đá ở ven biển chảy máu thì lúc đó Long Vương sẽ dâng nước làm chết hết người dân trong trấn. Nhưng cụ chỉ nói cho cậu và mẹ cậu biết, nếu cậu nói cho bất kỳ người nào khác thì sẽ bị trời trừng phạt.

Một hôm, cậu bé thấy mắt của sư tử đá chảy máu, cậu bèn cõng mẹ chạy đi, nhưng nghĩ đến người dân vô tội trong thị trấn, cậu bèn quay lại báo cho họ biết để chạy trốn. Sau đó, vừa ôm mẹ đặt lên một gò đất cao thì cậu bị nước biển cuốn đi. Người ta bảo rằng, do cậu có lòng thương người nên được Ngọc Hoàng đưa về trời và phong làm Thần Biển quản lý một vùng Hải Yên ở trên mặt biển. Nhân dân đã xây lên một ngôi miếu ở ngay nơi cậu bé bị nước biển cuốn đi và gọi là Miếu Sắc Hải.

2. Tín ngưỡng thờ Hải thần của người Hoa ở Hội An

2.1. Đôi nét về người Hoa ở Hội An

Người Hoa là một trong những dân tộc có mặt từ rất sớm ở cảng thị Hội An (Quảng Nam). Đây là một bộ phận dân cư có vai trò quan trọng trong việc hình thành cũng như phát triển Hội An trở thành một trong những đô thị thương cảng sầm uất vào bậc nhất của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn sau này. Phần lớn người Hoa ở Hội An đến từ các vùng duyên hải Nam Trung Hoa như: Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu... Đây là những cư dân có nhiều kinh nghiệm trong việc giao thương buôn bán trên biển. Dựa vào nhóm ngôn ngữ và địa phương gốc ở nguyên quán, họ sinh hoạt cộng đồng theo năm bang, gồm: Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Gia Ứng. Ngoài tổ chức quản lý chung là Ngũ Bang, mỗi Bang có tổ chức quản lý và thiết chế cộng đồng, tôn giáo tín ngưỡng riêng như: Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu, Hội quán Quảng Triệu, Hội quán Hải Nam, Hội quán Trung Hoa,… Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, thì cộng đồng người Hoa ở Hội An có khoảng 669 người.

2. Tín ngưỡng thờ Hải Thần của người Hoa ở Hội An

Từ xưa, Trung Hoa đã là một trong những quốc gia trên thế giới nổi tiếng về ngành hàng hải, đồng thời họ có nền thương nghiệp trên biển trải dài hàng nghìn năm qua. Những thương nhân Trung Hoa chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ là có thể giong buồm ra khơi, tiến xuống các quốc gia ở khu vực miền Nam kiếm sống. Thời đó, phương tiện đi lại trên biển chủ yếu là thuyền buồm nên họ phải lênh đênh trên biển hết tháng này qua tháng khác, trong khi đó biển cả thì bao la và nguy hiểm, còn con người thì nhỏ bé, họ không có một năng lực phòng thủ hiệu quả và phải luôn đối mặt trước sức mạnh của các thế lực siêu nhiên. Mỗi lần giong buồm đi/về, họ luôn cầu nguyện những vị thần mà họ tin rằng có một khả năng siêu nhiên, có thể cứu giúp họ bất cứ lúc nào mà Hải thần là vị thần gắn chặt trong tâm thức của họ.

Ở Hội An, việc thờ cúng Hải thần của người Hoa được duy trì từ trước đến nay tại Hội quán Trung Hoa[3] và Hội quán Phúc Kiến[4] cũng như tại nhà riêng của một số gia đình người Hoa. Vị Hải thần được thờ cúng tại đây là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Tuy nhiên, qua câu chuyện Mặc Nương và Thiên Hậu Thánh Mẫu được chép trong Bồ tát ngoại truyện như tôi đã lược thuật ở trên có nội dung hầu như giống nhau, chỉ khác nhau ở một số chi tiết rất nhỏ, phải chăng Mặc Nương và Thiên Hậu Thánh Mẫu cũng chỉ là một? Có thể do thời gian, những truyền thuyết về sự linh ứng của Bà mà tùy theo mỗi lúc, mỗi nơi mà người ta có những cách kể khác nhau chăng?

Trên linh vị thờ Bà tại Hội quán Phúc Kiến đã cho chúng ta biết khá rõ về lịch sử của Bà: “Thiên Hậu - người Bồ Điền ở tỉnh Mân (Phúc Kiến). Ông tằng tổ là Bảo Kiết Công, họ Lâm. Thời nhà Châu, ông tổ 5 đời làm chức thống lãnh Binh mã sứ, về ở ẩn tại cảng Hiền Lương ở Hải Tân. Tổ ngài làm chức Tổng quản ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Nối đến, cha là Duy Ý Công và mẹ là Vương Thị. Sinh ngài năm đầu Kiến Long nhà Tống, ngày 23 tháng 3. Khi sinh có nhiều điều thần dị. Lên tuổi 13 gặp vị đạo sĩ cho ngài “Linh trưng bí pháp”. Năm 16 tuổi dòm xuống giếng được điệu bùa và cảm phép linh thông biến hóa, đuổi tà, cứu thế. Quần chúng đều tôn làm “Thông Hiền Linh Nữ”. Thêm 13 năm sau (29 tuổi/tiết Trùng cửu - mồng 9 tháng 9 - lên núi My Châu và giữa ngày phi thăng lên trời). Sau đó giúp nước cứu dân linh hiển rõ ràng có nhiều thánh tích. Triều Tống gia phong ngài là “Linh huệ phu nhơn”. Qua các triều Nguyên, Minh nhiều lần phong “Thiên Phi”. Đời Khang Hy (triều Thanh) sắc phong “Thiên Hậu”. Đời Ung Chánh (triều Thanh) chuẩn cho các tỉnh được ký tế Xuân Thu. Từ Càn Long đến Gia Khánh được gia phong và truy phong cho cha là Tích Khánh Công và mẹ là Tích Khánh Phu Nhơn được thiết lập bia phía sau điện để ký tế”.[5]

Còn trong Toàn tập đồ chí linh tích Thiên Hậu Thánh Mẫu cho rằng: “Thánh Mẫu là vị ngày trước nước ta (Trung Quốc) phương ngôn xưng là ‘Má Tổ nương’. Cứ theo truyền thuyết thì Má là người đời Tống. Sau có lời ghi thuật cả làng, quận phủ, cha họ Lâm, mẹ họ Vương rất thành tâm thờ phụng Quan Âm Đại Sĩ, ra sức làm việc lành và thường cầu đảo Đại Sĩ, trên thiên không ban cho một hoàn thuốc, uống vào thì thọ thai. Thời Kiến Long nhà Tống, ngày 23 tháng 3 năm Mậu Thân sinh ngài ở cảng Hiền Lương. Đêm sinh ngài ánh sáng đầy nhà, đất biến đủ màu. Đầy tháng mà không có một tiếng khóc, nhân đó mà cha mẹ đều gọi là ‘con câm’. Tám tuổi thì mở miệng đọc sách, không quên một chữ. Đến 10 tuổi thì rất tin Phật. Lúc tuổi 16 thì ngẫu nhiên dòm xuống giếng xưa bỗng thấy xuất hiện một vị thần tiên trao cho ngài cái đồng hồ. Từ đó Má được thuật thông linh song hóa và rồi đi vân du giúp người cứu thế rất nhiều, không kể xiết. Năm 29 tuổi thành đạo lên trời, nhân dân đều ngưỡng mộ thánh linh mới lập miếu thờ mà gọi tên ngài là ‘Thông Linh Hiền Nữ’. Do đó, mà từ các triều Tống - Nguyên - Minh - Thanh đều có sắc phong ban tặng làm Thánh Mẫu oai linh. Thời thường, ngài bảo hộ cho các tàu thuyền vận tải vượt biển, khi có bão táp phong ba hễ ai cầu đảo, vái van thì được giúp đỡ bình an, nhiều lúc đánh bọn giặc cướp, khi cho thấy mộng báo trước. Trên đường đi cũng được hiển hiện để trừ giặc cướp. Nhờ oai trừ hung, diệt bạo mà triều đình tấn phong không biết mấy lần. Lòng từ bi tế thế của Thánh Mẫu bốn biển dương oai, năm châu sùng ngưỡng nên các vị tiền bối tín chủ mới in ra ghi linh tích của Thánh Mẫu để sau cho hậu thế”.[6]

Tại Hội quán Trung Hoa và Hội quán Phúc Kiến, người Hoa thờ Bà trang trọng ở gian chính giữa của hội quán, cung thờ Bà được trang trí lộng lẫy với các bao lam được sơn son thếp vàng và chạm trổ hoa văn tinh xảo, bên trong đặt tượng của Bà. Tượng của Bà thể hiện hình dáng của một người phụ nữ đang ngồi, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, bên ngoài khoác chiếc áo choàng màu đỏ, thêu kim tuyến, đầu đội mũ cửu long, tay cầm bài vị. Hai bên Bà có tượng của hai thuộc hạ là Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ, giúp Bà nhìn xa ngàn dặm và nghe thấy tiếng kêu cứu từ ngàn dặm để kịp thời ứng cứu.

Tại những nơi thờ Bà, người Hoa đi lễ hầu hết các ngày trong tháng. Nhưng ngày vía Bà (ngày 23 tháng 3 âm lịch) được xem là ngày hội lớn của cộng đồng người Hoa ở Hội An. Vào những ngày này, mọi người trong và ngoài Bang Hội đem lễ vật và nhang đèn đến cầu cúng rất đông. Đây được xem là dịp để cộng đồng người Hoa có dịp gặp gỡ nhau, cùng nhau ôn lại những chuyện đã qua, đồng thời nhắc cho lớp trẻ nhớ đến nguồn gốc của quê hương dân tộc, đồng thời bàn bạc phương hướng giúp đỡ những người trong Bang Hội đang gặp cảnh khốn cùng,...

Ngay từ chiều ngày 22 tháng 3 âm lịch, trong khuôn viên của Hội quán Phúc Kiến và Hội quán Trung Hoa, người ta trang hoàng hàng trăm chiếc đèn lồng, cờ hiệu của ngày vía với nhiều kiểu dáng và màu sắc rực rỡ từ trong ra ngoài. Quan trọng nhất là lễ tắm Bà và dâng lên Bà những bộ trang phục, những đồ trang sức mới. Trong lễ tắm Bà, người ta dùng một chiếc khăn mới, mềm, sạch nhúng vào nước và lau bụi bám trên thân tượng. Sau đó, thay cho Bà bộ áo mới đẹp nhất được chọn trong số những bộ quần áo mà những người đem tới dâng cúng.

Đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, người ta tổ chức lễ chính theo nghi thức cổ truyền gắn với tập quán của người Hoa Phúc Kiến. Một số lễ vật có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến được bày biện để dâng cúng Bà như: bún xào Phúc Kiến, bánh bao Phúc Kiến, cơm Dương Châu, vịt tiềm bát bửu, khoai nhục,… Ngoài ra còn phải có cá, giò heo, gà, vịt, cua đã được nấu chín và kèm theo heo quay. Buổi lễ diễn ra, tất cả những người tham dự đều đứng nghiêm, sau đó người chủ tế và bồi tế bước vào vị trí của mình. Lúc này chiêng trống được đánh vang, người ta dâng lên hương, rượu, heo quay và sau đó hướng về điện thờ Bà vái lạy 3 lạy. Lúc này người chủ tế đọc văn tế. Sau khi đọc văn tế xong, người ta tiến hành đốt vàng mã rồi lại hướng về điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu vái tạ ba lạy, như vậy là nghi lễ đã hoàn thành. Sau đó, người ta xin xăm, xin lộc, vay vốn Bà để làm ăn, cầu tự, cầu tài,…

Sau phần lphần hội diễn ra, tiệc chiêu đãi tân khách được dọn trong khuôn viên của Hội quán, đồng thời cũng diễn ra các hoạt động khác như liên hoan văn nghệ, xổ số cầu may, bán đầu giá lồng đèn, biểu diễn múa lân sư rồng,... để thu tiền làm những công việc từ thiện,… Lễ vía Thiên Hậu không chỉ thu hút cộng đồng người Hoa, người Việt ở Hội An mà còn thu hút đông đảo bà con các địa phương lân cận cũng như du khách trong nước và quốc tế tham dự.

Trước đây ở Hội An còn diễn ra lễ rước kiệu Thiên Hậu đi qua các ngõ phố trong tiếng nhạc bát âm rộn ràng, đây là dịp để cho bà con người Hoa chiêm ngưỡng và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với mình và gia đình. Vào dịp này, trước những ngôi nhà của đồng bào người Hoa được giăng đèn, kết hoa, đốt pháo, lập bàn hương án để nghinh đón Bà rất trang trọng. Nhưng sau năm 1975, do nhiều lý do nên hình thức rước kiệu này không còn nữa, đây cũng là một vấn đề hết sức đáng tiếc mà đến nay vẫn chưa phục hồi lại.

*

*          *

Có thể nói, Thiên Hậu Thánh Mẫu là vị Hải thần trong tín ngưỡng dân gian của cư dân Trung Hoa được thờ tự ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ở Hội An, tín ngưỡng thờ Hải thần của cộng đồng người Hoa cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trải theo thời gian, trong tín ngưỡng Hải thần của người Hoa ở Hội An đã có những nét văn hóa mới, tạo nên sự phong phú đa dạng của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng tộc người cùng sinh sống trên mảnh đất Hội An trong suốt những thế kỷ qua. Hiện nay ở Hội An, ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu không chỉ dành riêng cho bà con người Hoa mà đã trở thành ngày hội chung, thu hút đông đảo dân cư Hội An, du khách trong nước và quốc tế tham dự.

V.H.A.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trần Văn An (2005). Di sản văn hóa nghệ thuật dân gian Hội An. Hội An: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An.

Cristophoro Borri (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và chú thích. Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh.

Châu Hải (1992). Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Diệp Truyền Hoa (1997). Hội An kim tích. Hội An: Hội quán Trung Hoa.

Henri Maspéro (2000). Đạo giáo và các tôn giáo ở Trung Quốc. Lê Diên dịch. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Nguyễn Chí Trung (2005). Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử. Hội An: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An.

Nguyễn Quốc Hùng (1998). “Vài nét về di tích trong khu phố cổ Hội An”. Văn hóa nghệ thuật. Số 8.

Nguyễn Văn Huy (1993). Người Hoa ở Việt Nam. Paris.

Tô Nam Nguyễn Đình Diệm (1958). “Minh Hương lược khảo”. Văn hóa Á châu. Số 5.

Tsai Maw Kuey (1968). Người Hoa ở miền Nam Việt Nam. Paris: Thư viện Quốc gia.

Trần Kinh Hòa (1957). “Phố người Đường ở Hội An vào thế kỷ XVII, XVIII và nền thương nghiệp của nó”. Tân Á học báo. Tân Gia Ba. Số 3(1).

Trần Kinh Hòa (1961 - 1962). “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”. Sài Gòn: Việt Nam Khảo cổ tập san. Số 1 + Số 3.

Vương Kiến Huy - Dịch Học Kim (Chủ biên) (2004). Tinh hoa tri thức văn hóa Trung Quốc. Hà Nội: Thế giới.

Cố Hy Giai (2003). Bồ tát ngoại truyện. Dương Thu Ái - Nguyễn Kim Hanh dịch. Hà Nội: Văn hóa thông tin.

 



* Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng

[1] Những câu chuyện trong phần này được trích lược từ Bồ tát ngoại truyện, Dương Thu Ái - Nguyễn Kim Hanh dịch (Hà Nội: Văn hóa thông tin, 2003), 433-446.

[2] Henri Maspéro, Đạo giáo và các tôn giáo ở Trung Quốc, Lê Diên dịch (Hà Nội: Khoa học xã hội, 2000), 258.

[3] Hội quán Trung Hoa còn gọi là Dương Thương hội quán, chùa Bà, chùa Ngũ Bang, trường Lễ Nghĩa,... được xây dựng khoảng năm 1741 gồm: nhà tiền điện, chánh điện, tả vu và hữu vu. Bên trong chánh điện có khám thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - vị Hải thần theo quan niệm của người Hoa. Ngoài ra, còn thờ Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ và mô hình thuyền buồm, đây là mẫu thuyền ngày xưa được người Hoa sử dụng làm phương tiện hàng hải giao thương buôn bán. Đồng thời cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và hội họp chung của năm bang: Phúc Kiến, Triều Châu, Gia Ứng, Hải Nam và Quảng Đông.

[4] Hội quán Phúc Kiến còn gọi là chùa Phúc Kiến, được khởi công xây dựng vào năm 1757, có kiến trúc hình chữ Tam (三). Khu vực chính gồm tiền điện, nhà Đông Tây, chính điện và hậu điện theo kiểu nội công ngoại quốc. Trong chính điện thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu - vị Hải thần có công cứu giúp những người bị nạn trên biển được đại đa số người Hoa thờ cúng. Trước tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu, bên trái đặt mô hình thuyền buồm, đây là mẫu hình thuyền của thương nhân người Hoa từng sử dụng để vượt biển buôn bán.

[5] Bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên. Hội An, ngày 15.3.1992.

[6] Bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên. Hội An, ngày 10.3.1992.