Giấc mộng sông Hàn

28.06.2022
Hoàng Khánh Duy

Giấc mộng sông Hàn

Sông Hàn, bút sơn trên toan của Doit Artawan, 2 tấm 80 x 100

Nằm ở chính giữa xương sống Tổ quốc, Đà Nẵng trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, là nỗi niềm khát khao của biết bao bạn trẻ trên hành trình thiên di của đời mình. Tôi từng nghe người ta kể về Đà Nẵng với những cái tên mĩ miều, duyên dáng: Thành phố đáng sống nhất Việt Nam, thành phố của những cây cầu bắc qua dòng sông Hàn lung linh huyền ảo, người tình trẻ trung của dãy đất miền Trung thơ mộng, hữu tình...

Khi vừa đặt chân đến thành phố Đà Nẵng, ngay lập tức cảm giác bỡ ngỡ vỡ òa trong trái tim tôi. Chúng tôi may mắn được nghỉ chân trong một khách sạn nhỏ trước mặt là bãi biển Mỹ Khê xinh đẹp. Mỹ Khê từng được một tạp chí kinh tế hàng đầu của Mỹ Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Tờ Sunday Herald Sun của Australia cũng nhận xét bãi biển Mỹ Khê là một trong số mười bãi biển ở châu Á được yêu thích nhất thế giới. Mỹ Khê trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Khoảnh khắc cùng bạn ngồi trên bãi cát cảm nhận sóng biển từng đợt vỗ vào bờ rồi lại cuốn những hạt cát ra khơi, không biết cát sẽ trôi về đâu hay lại trở ngược vào bờ bằng một đợt sóng khác. Biển có bao giờ lặng yên? Có lẽ vì thế mà thi sĩ Xuân Quỳnh năm nào đã viết nên những dòng thơ muôn thuở:

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được...”

Đêm đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, tôi cùng “đồng bọn” rủ nhau đi khám phá vẻ đẹp của những chiếc cầu nối đôi bờ sông Hàn - một dòng sông thơ mộng vắt ngang qua lòng thành phố. Con sông dài từ thượng nguồn chảy xuống rồi đổ ra biển khơi. Không giống như dòng sông Đuống “ngày xưa cát trắng phẳng lì” nằm nghiêng nghiêng soi bóng văn hóa của một vùng Kinh Bắc cổ kính; không giống như sông Hồng “đỏ nặng phù sa” như dải lụa mềm chảy ngang qua lòng Hà Nội; cũng không phải cái điệu chảy “slow chậm buồn dành riêng cho xứ Huế” của dòng Hương Giang bao đời lưu giữ vẻ trầm mặc đất cố đô. Sông Hàn khoát lên mình vẻ đẹp dịu dàng như một người thiếu nữ hiện đại, trẻ trung, năng động. Đêm sông Hàn lung linh, đèn màu sáng rực một vùng trời thành phố. Trên dòng sông Hàn, những chiếc cầu đẹp bắc qua mà có lúc tôi cứ ngỡ rằng chẳng nơi đâu trên đất nước Việt Nam lại có những chiếc cầu đẹp và tráng lệ như ở Đà Nẵng. Cầu Rồng - một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, của hào khí phương Đông mấy nghìn đời vươn lên vẫy vùng khắp năm châu bốn bể. Thật hạnh phúc khi lần đầu tiên nhìn thấy cầu Rồng phun lửa, phun nước, khoảnh khắc bạn tôi reo hò khiến lòng tôi rộn rã hẳn lên. Bấy giờ những nỗi niềm u hoài chuyện cũ người xưa hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại trong tôi là tấm lòng thiết tha gắn bó với một vùng đất trên quê hương xứ sở của mình. Cầu Thuận Phước - chiếc cầu dây võng dài nhất Việt Nam, biểu tượng cho sự phát triển của những công trình tiên tiến, hiện đại. Cầu sông Hàn - cây cầu quay duy nhất tại Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong việc thể hiện diện mạo mới của Đà Nẵng, cũng là một minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo không ngừng của con người trên đất nước bốn nghìn năm vất vả gian lao. Cầu Trần Thị Lý rực rỡ, sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng,... hòa lẫn vào nhau làm thành sắc màu riêng biệt của Đà Nẵng không trộn lẫn vào đâu được. Người ta thường yêu một thành phố nào đó bởi vì ở đó có hàng quán lộng lẫy, có họ hàng hay có người mà họ yêu thương. Với tôi, việc yêu một thành phố đơn giản hơn nhiều. Tôi yêu Huế vì nó trầm mặc, tôi yêu Sài Gòn vì những con đường có lá me bay, tôi yêu Cà Mau vì nơi đó hằng in khoảng trời ấu thơ vụng dại,... giờ thì tôi dành trọn đêm nay cho Đà Nẵng, mở rộng lòng mình cho phố xuân thì nép mình bên bờ cát trắng... chỉ bởi vẻ đẹp quyến rũ của sông Hàn.

Đêm thứ hai trải lòng cùng Đà Nẵng, tôi khám phá những món ngon mang đặc trưng của vùng đất và con người nơi đây. Gió lạnh, ngồi cạnh bạn tôi, tôi kéo cổ áo kín mít vừa xoa hai tay vào nhau giữ ấm, vừa nói khẽ: “Đà Nẵng cái gì cũng bất chợt, nắng mưa bất chợt, mà lạnh lẽo cũng bất chợt”. Tôi nhìn ra bán đảo Sơn Trà - nơi ghi dấu phát súng đầu tiên của thực dân Pháp trong công cuộc xâm lược Việt Nam - chỉ thấy sương mù giăng giăng. Chúng tôi tìm đến quán bánh xèo bà Dưỡng, quán nằm trong hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), khá đông khách. Sau một lúc lâu chờ đợi, cuối cùng nhân viên trong quán cũng bưng ra cho chúng tôi đĩa bánh xèo giòn tan, đĩa rau, đĩa nem lụi, một ít gỏi đu đủ và bát nước chấm ngon ngọt chua cay. Tôi tỉ mỉ gói mỗi thứ một ít vào trong bánh tráng, nhẹ nhàng thưởng thức hương vị bánh xèo miền Trung khác hẳn với bánh xèo miền Tây quê tôi. Bánh xèo miền Trung khổ nhỏ, vị nhạt, ăn với nước sốt và đặc biệt là cuộn vào trong bánh tráng phơi sương. Bánh xèo miền Tây thuở ấy má tôi đổ to hơn, vỏ dày và mềm hơn, đặc biệt bánh xèo miền Tây ăn với nước mắm chanh ớt chứ không ăn với nước sốt như bánh xèo Đà Nẵng. Mỗi miền mỗi khác, mỗi xứ sở một thức dâng, chính vì thế mà ẩm thực các nơi trên khắp đất nước Việt Nam đều đa dạng, phong phú, có sức gọi mời bạn bè bốn bể năm châu.

Đà Nẵng về đêm lạnh se sắt, được dịp thưởng thức tô mì Quảng nóng hổi trong một quán ăn bình dân trên đường Ông Ích Khiêm thì không còn gì bằng. Mì quảng Đà Nẵng hương vị mặn mòi đúng chất của người miền Trung. Chủ quán đon đả giới thiệu cho chúng tôi những loại mì trong quán: Mì Quảng ếch, Mì Quảng gà, Mì Quảng lươn, Mì Quảng thịt, thập cẩm. Tôi chọn thịt, Hằng chọn gà, còn Thùy chọn cho mình một phần thập cẩm đủ loại. Sợi mì vừa to, vừa dai như sợi phở, múc ít nước dùng chan xăm xắp vào mì, trộn vào ít rau sống, rắc thêm ít lạc rang giòn cùng hành tươi xắt vụn, vài lát ớt để tăng thêm vị giác... cảm giác tê tê ở đầu lưỡi mà béo tận ruột gan khi húp nước mì quả thật khiến người ta xao lòng mỗi khi nhắc nhớ về những ngày ít ỏi chu du tại Đà Nẵng, thỏa sức khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, ẩm thực và con người nơi đây.

Phút giây xe chuyển bánh để lại sau lưng một Đà Nẵng tráng lệ, Đà Nẵng diễm kiều khiến tôi lưu luyến, vấn vương. Xe chầm chậm qua cầu sông Hàn, bon bon trên con đường rời khỏi thành phố tiến về phía đèo Hải Vân để tiếp tục hành trình đến với xứ Huế mơ mộng, cổ xưa. Tôi thấy một mảnh hồn mình gửi lại đâu đó nơi thành phố xuân thì. Tôi tự hỏi lòng: không biết mình sẽ còn trải lòng với bao nhiêu thành phố nữa trên đất nước Việt Nam và ngoài thế giới. Nhưng chắc chắn rằng Đà Nẵng vẫn giữ một vị trí trong lòng tôi, để mỗi lần thăm lại, tôi vẫn dành trọn một đêm để tỏ lòng với phố, để cảm nhận đâu đâu trên đất nước mình cũng đẹp tựa bài thơ...

H.K.D