Đến với bài thơ “Tháng mấy rồi anh” của Kim Đính

28.06.2022
Lê Hồng Thiện

Đến với bài thơ “Tháng mấy rồi anh”  của Kim Đính

Tháng mấy rồi anh? Mà em hoài nhớ

Tiếng ve sầu khêu gợi những chờ mong

Màu phượng vĩ rực sân trường ngày cũ

Sao tâm hồn khắc khoải hạ xa xăm

 

Thời áo dài biết bao điều vụng dại

Để bây giờ rưng rức dư âm

Tình học trò thơ ngây và trong trắng

Bởi ra trường em mới bắt đầu thương

 

Mấy mươi năm người đi xa biền biệt

Nuối tiếc còn gõ cửa trái tim yêu

Em lại về khua vang bao gót hạ

Nghe lòng mình còn thấm lạnh

heo may

 

Tiếng ve gọi chúng tôi về họp mặt

Lớp học xưa, trò cũng già rồi

Tà áo trắng còn nguyên sơ kỷ niệm

Thầy cô chúng tôi kẻ mất người còn

 

Hạnh phúc nào hơn đường về hội ngộ

Trút nỗi niềm san sẻ những buồn vui

Sáng nay “người ấy” không về họp kịp

Phố rộn ràng vẫn thiếu thiếu bóng

anh qua

 

Bầu trời Hội An nắng hè lên sớm

Nắng níu vai em hôn hết bạn bè

Khúc nhạc xưa lặn giữa hồn phố cổ

Tường rêu xanh mái ngói bỗng

nhạt nhòa.

Lời bình của nhà thơ LÊ HỒNG THIỆN:

Bài thơ Tháng mấy rồi anh - là nỗi niềm hoài niệm sâu lắng của tuổi học trò. Đầu bài thơ như một lời nhắc nhủ, cũng là một câu hỏi tu từ của tác giả nhắc nhở người thân cùng học chung một mái trường xưa, cũng là tự nhắc mình. Câu thơ tháng mấy rồi anh, toát lên sự chân tình để ta gợi nhớ về một thuở xa xăm nào đó mà lại rất gần gũi đó là mái trường, là bạn học cùng lớp của trường. Ta hiếm thấy trong các bài thơ có một đầu đề gọn gàng mà rất gợi như thế: “Tháng mấy rồi anh” nếu anh có quên thì em nhắc nhẹ cho anh khỏi quên đấy, nhẹ nhàng, êm ái làm sao!

Nhìn màu phượng sân trường hôm nay nhớ sân trường ngày cũ, càng nghe tiếng ve sầu kêu mà khắc khoải chờ mong. Cảm xúc bằng trực giác song hành với thính giác của nhà thơ gợi về một thời xa xăm. Tác giả khéo léo, dùng tà áo dài nói thay cho thời học trò. Ngôn ngữ dễ thương hàm xúc: tượng trưng, biến các trìu tượng thành cụ thể, biến tĩnh thành động như: “Gõ cửa trái tim yêu” trở về trường hôm nay như còn “âm vang tiếng guốc” em lại về khua vang bao gót hạ: “Chất hàn lâm của thơ Kim Đính là đây: mùa hạ có gót - gõ trên sân trường, dễ mấy ai viết được, để rồi nhớ tới ngày thu khai trường để nghe lòng mình thiêm thiếp lạnh heo may. Lớp học xưa cũ, trò cũng đã già, nhưng chỉ riêng có tà áo trắng ngày ấy bây giờ vẫn còn lưu giữ như còn nguyên sơ kỷ niệm. Mọi vật thể biến động: cũ đi, già đi, duy chỉ có tà áo trắng và kỉ niệm xưa vẫn nguyên như cái thuở ban đầu lưu luyến ấy trong thơ Thế Lữ. Không chỉ có thế, trong các vai chung, tác giả có chút buồn riêng, rất riêng là đầy khắc khoải, chị quá tiếc vì thiếu một người bạn thân quen, chưa có mặt. Kim Đính không thể kìm nén, giấu kín, “người ấy” mà thật thà bộc bạch: “Sáng nay người ấy không về họp kịp” khiến phố xá rộn ràng, đông vui thế mà vẫn thiếu bóng anh quá”. Câu thơ thật dễ thương, lưu giữ trong lòng người đọc một chút bâng khuâng trống vắng…

Trong những cảnh không gian và thời gian buổi họp mặt thiên nhiên như một bức tranh sơn dầu ngoạn mục, có âm thanh tiếng ve, màu phượng đỏ và nắng vàng. Như nắng ở đây, trong thơ Kim Đính không phải là nắng vô hồn, vô tri, mà có ảo giác vừa hư, vừa thực… Nắng ở đây trở thành bạn, thành người. Kim Đính đã sử dụng tu từ học bằng phép nhân hóa “nắng níu vai hôn hết bạn bè”.

Vậy, chỉ có nắng mới hôn hết bạn bè và níu hết thầy bạn đồng học, đồng môn của Kim Đính trong lúc này mà thôi. Ôi, thật tuyệt vời, trong lúc vui với kỷ niệm, vui với hiện tại mà có cả khúc nhạc xưa lan giữa hồn phố cổ ở một ngôi trường “rêu xanh mái ngói phai màu”.

Tháng mấy rồi anh chỉ sáu đoạn mà có đủ màu sắc, âm thanh. Màu sắc: nhung đỏ, rêu xanh, nắng vàng. Có âm thanh là tiếng đàn xưa vọng hồn phố cổ. Nhưng cao hơn cả vẫn là cái tình, cái nghĩa, cái cảm thân thương của tác giả đối với bạn cũ, trường xưa đã thấm đậm vào thơ Kim Đính và chị đã tặng bạn đọc một bài thơ hay.

Các nhà nghiên cứu thơ đã từng nói thơ là tiếng lòng, là tâm hồn, một khi thi nhân có cảm xúc dâng trào thì khác nào như những sợi dây đàn căng. Chỉ một làn gió nhẹ của cảm xúc cũng bật ra âm thanh trầm bổng mà rung lên bằng thi tứ và câu chữ. Tâm hồn Kim Đính viết bài thơ trên trong khoảnh khắc đó - bằng ngôn ngữ thi pháp, tạo nên sự thành công của bài thơ.

Viết xong bài bình Tháng mấy rồi anh của Kim Đính tưởng như đã chấm hết, xong không hiểu sao những cặp câu chữ tu từ như:

“Em lại về khua vang bao gót hạ

Tà áo trắng còn nguyên sơ bao kỷ niệm

Bầu trời Hội An nắng hè lên sớm

Nắng níu vai em hôn hết bạn bè”

Cứ long lanh, lấp lánh trong thơ Kim Đính, để lại dấu ấn trong tôi mãi không thôi…

L.H.T