Dạy Toán tiết 5

28.06.2022
Lê Hoàng Phò

Dạy Toán tiết 5

Sau hai phút, hắn gọi một em cỡ trung bình lên giải, bài này gọn, áp dụng vừa sức, rất dễ chịu mà. Thuận lợi hơn, một phần tư bảng, người thầy đã tóm tắt đầy đủ nội dung cơ bản của tiết 4.

Từ khi mới ra trường đi dạy, hắn luôn yêu cầu trực nhật giúp chia bảng ra bốn cột bằng nhau. Sau này, hắn còn đòi hỏi thêm, rất chướng, một khăn lau tay nhỏ màu sáng, giặt sạch mà phải vắt vừa nước, dùng chung cho cả thầy trò khỏi lấm tay phấn sau viết bản.

Khi nhắc lại phương pháp giải bài một xong, chuẩn bị ghi tiếp bài hai, cả lớp bỗng nghe lời bình giảng thơ du dương của cô giáo ở lớp kế bên, cuối dãy.

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Hắn phấn khích nên cầm phấn, cố ý viết đề toán uốn lượn và đưa tay lên xuống như người say rượu. Tụi học trò cười ré lên. Hắn quay mặt nín cười, tỏ ra nghiêm trang, hắn đưa một ngón tay lên miệng. Suỵt! Suỵt!

Giọng cô giáo khá to mà rất diễn cảm, hắn ngồi xuống ghế mơ màng nhớ lại khổ thơ đầu tiên.

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Hắn cũng không nghe rõ cô đọc câu thơ thứ ba, từ đầu tiên là “Sông” hay “Sóng” nữa. Hắn nhẩm nhẩm.

“Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể” cũng hay, cũng có lý?

Hắn đi xuống lớp. Nhìn một vòng mà chẳng thấy cuốn sách Ngữ Văn 12 nào trên bàn. Có là hắn mượn lấy ngay lên bàn giáo viên để lát nữa kiểm chứng, sông hay sóng. Hắn là một giáo viên nghiêm túc, chỉ đọc báo, xem di động lúc chuyển tiết. Còn khi coi kiểm tra học kỳ, hắn thường lấy tạm một vài sách vở tài liệu học sinh mang theo, đang để tập trung trên bục giảng, môn gì hắn cũng siêng đọc, thích đọc, từ từ coi thi và đọc hết.

Không biết lớp 12 này đã học tới bài thơ tình này chưa. Hắn thoáng nhìn những trao đổi nhỏ, những nụ cười rúc rích chúm chím, có em còn mơ màng mộng mị lãng đãng ngước nhìn ra cửa sổ là biết tâm trạng học sinh tuổi 17 thế nào rồi. Và, hắn thêm lập luận riêng, nghe bình giảng hay trong khi ngồi giải toán, thật quá thú vị, chẳng kém gì lúc làm việc mà nghe bản nhạc mình thích.

Bài toán thứ hai trong gu một tiết 5 bài nâng cao dần lên của hắn xưa nay. Còn bài ba là chỉ nêu hướng giải, của trò ghi hay lúc bí là từ thầy và bắt buộc để trống dài ngắn chừng mười, mười lăm dòng về nhà giải hoàn chỉnh. Hắn không gọi gây tiếng ồn mà nhẹ nhàng đi xuống lớp, chỉ tay ra hiệu một học sinh khá lên bảng.

 “Thán từ “ôi” là nét nồng nàn, nữ tính trong giọng thơ Xuân Quỳnh, là tiếng lòng đầy thổn thức yêu đương từ trái tim chân thành của người phụ nữ đang đắm chìm trong tình yêu”.

Hắn dựa lưng nơi tường cuối lớp, vừa xem học sinh giải vừa lắng nghe giọng trầm bổng. Hình như cô giáo ấy sáng nay mặc áo dài màu hồng phấn...

“Nghệ thuật tương phản được sử dụng đầy tinh tế và sáng tạo. Tác giả dùng nét đối lập để thể hiện hai trạng thái tâm lý ngược nhau, là biểu hiện tự nhiên của con sóng muôn đời vẫn thế, vừa gợi liên tưởng tâm lý người phụ nữ trong tình yêu cũng luôn thay đổi thất thường, đối nghịch nhau đến khó hiểu, khi mãnh liệt khi lại dịu dàng. Những biểu hiện tâm lý khác thường của người phụ nữ ấy toát ra từ trái tim tôn thờ tình yêu và khao khát được yêu thương”.

Hắn bước lên bục, nhẹ nhàng gạch dưới các lỗi giải sai sót của học sinh, hắn bỏ một dấu biến đổi tương đương rồi thay bởi dấu suy ra, nên lời giải phải có thêm dòng thử lại đúng mới ra kết luận hoàn chỉnh.

Lớp học toán vẫn giữ yên lặng, xong bài hai, hắn chép đề bài thứ ba. Điện thoại trên bàn nháy sáng. Tin nhắn đến, bạn bận đột xuất nên nhờ hắn dạy giúp đội tuyển quốc gia chiều nay!

Hắn đồng ý đồng nghiệp liền. Chỉ có điều sẽ mất ngủ trưa nay, phải bồi dưỡng thêm ly cà phê đá đậm hơn. Cái bản tính xấu xa gây mất sức của hắn ta. Mỗi khi có việc hơi khang khác là luôn lo luôn nghĩ. Ban đêm thì chuyên giật mình vì mơ trễ tàu lỡ xe. Ban trưa thì thao thức sợ ngủ quên dù đã để báo thức, lại cẩn thận kiểm tra chuông thử nữa! Mấy chục năm đi dạy, hắn đã chịu khó A4 hóa ngồn ngộn tư liệu toán và phân chia ngăn nắp theo từng kẹp chủ đề. Tiện thì phô tô, không thì chép tay gọn. Khi nào cũng có tập giấy A4 bên mình, gặp bài mới, hay nghĩ ra ý lạ là ghi liền liền, chỉ cái đề cũng được. Vậy là trưa nay về, trước khi ăn, hắn sẽ lục trong tủ ra hai kẹp mấy trăm bài, sẽ chọn ra chừng ba mươi bài toán mỗi kẹp rồi loại dần đi. Tất nhiên, khi học sinh đang đau đầu giải toán, hắn sẽ mở máy tính, tìm lượm thêm vài bài mới nhất của thế giới toán học. Cập nhật A4 và dạy luôn!

“Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau”

Hắn ghi một gợi ý nhỏ lên bảng.  Vừa xong thì có mấy cánh tay xung phong lên bảng ngay. Hắn chẳng nói năng gì, hắn đi xuống trao đổi rồi chọn một học sinh lên ghi hướng dẫn giải.

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”

Hắn nhìn những tóc dài duyên dáng, những đôi mắt tuổi  trẻ, khuôn mặt xinh tươi đang cúi xuống chăm chú làm bài. Có em nhăn nhíu mày mặt, em thì im lìm, em hân hoan khi vừa tìm ra chìa khóa lời giải. Hắn bỗng nhớ một buổi chiều, lần đầu tiên ra dạo chơi dọc bờ sông với cô bạn gái. Con sóng hoàng hôn ngày đó cứ nhấp nhô dào dạt, dào dạt như sóng dâng trào hạnh phúc trong lòng hắn ta đang yêu và được yêu. Tình yêu đôi lứa gắn kết như thuyền và biển!

Lời bình giảng của cô giáo vẫn say sưa, vẳng vào lớp toán.

“Xuân Quỳnh luôn có những rung cảm tình yêu rất đời thường mà rất riêng, như bài thơ Sóng của bà. Bà chúa thơ tình thể hiện những cảm xúc, rung động tinh tế và những nét đặc trưng trong tình yêu của người phụ nữ nhiều nghị lực”.

Bình thường, đối với nghề giáo, dạy một buổi hai lớp cùng một bài là khỏe nhưng mà khá chán. Hắn cũng chán... loại bò nhai đi nhai lại nên thích thay đổi ví dụ, bài toán lớp sau phải khác đi. Điều này hắn sai hay Bộ sai đây, quy định dạy theo giáo án soạn sẵn! Hắn có một cái sai khác rất rõ ràng mà trời không biết, đất cũng không biết, chỉ có học sinh vui mừng phải biết mà tận dụng cơ hội, hắn quy định rằng: “Trời mưa là thầy không kiểm tra bài cũ!”. Mưa buồn mà! Có hôm mưa, hắn giả bộ quên, tụi học sinh kêu to “Thầy ơi! Trời mưa!”. Hắn cũng có hai thái cực như sóng tình yêu, kiểm tra là học sinh tuyệt đối nghiêm túc nhưng khi gọi lên bảng giải bài, học sinh được phép dùng một quyền của Ai là triệu phú. Đó là Gọi điện thoại cho người thân, tức là được phép nhờ một bạn lên đứng bên cạnh, được nhỏ to hướng dẫn trong sáu mươi giây, tất nhiên điểm tối đa sẽ là điểm bảy. Còn việc cho nợ bài, nợ điểm được hay không là tuỳ theo nhiệt độ thời tiết?

Bài số bốn khó. Tìm m để hàm số đồng biến trên tập số thực. Hắn nghịch đùa, ghi thành: Tìm em để hàm số.... Tụi học trò lại cười rúc rích! Hứng khởi đã tạo động lực giải toán tích cực ngay! Một học sinh lên bảng giải ngon ơ, chẳng sai sót chút nào.

 Giải cách hai? “Em cô đơn!”. Lớp toán lại xì xào vui, vài học sinh gục gặt cái đầu. Ơ-rê-ca! Đã tìm ra! Thán từ Eureka! của Archimedes. Cách giải này rất hiệu nghiệm, biến đổi điều kiện của hàm đạo hàm thành bất đẳng thức với một vế là tham số m rồi đánh giá. Cách nhắc nhớ độc chiêu khắc sâu của hắn “Em cô đơn!”.

Cháy giáo án rồi. Sáng nay lớp hắn chỉ làm đến bài số bốn trên năm. Thôi thì đành thế thôi! Dạy toán con số, hình vẽ, ký hiệu, định nghĩa, định lý vốn bị khô khan bao đời nay rồi, duyên may trưa nay hắn là gặp cơn mưa văn chương, nhỏ giọt dịu dàng ngọt ngào đi vào lòng người từ phòng bên cạnh qua lớp giúp.

Thầy hiệu trưởng đi dọc kiểm tra ngoài hành lang lớp học. Hắn nhìn ra cười chào. Chắc thầy hẳn vui lòng, lớp này đang yên lặng học hành, làm bài nghiêm túc mà!

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở”

Hắn nhìn đồng hồ, còn ba phút hết tiết 5, tiết cuối buổi sáng. Vừa nãy, cái sai của học sinh kết hợp với thổn thức lòng mình, đã cho hắn chế ra một câu trắc nghiệm tốt, gây nhiễu ABCD đơn giản mà độc đáo khắc sâu!  Hắn định trình chiếu củng cố bài học, nhưng rồi nghĩ lại, để buổi sau kiểm tra miệng cũng được! Hôm nay không có ai dự giờ mà!

Hắn đứng giữa bục giảng, tụi học trò đều ngước mặt lên chờ thầy nói. Hắn nhoẻn miệng cười. Hắn chợt nghĩ đến ca từ của các thầy cô hay chọc đùa nghề nghiệp nhau lúc vào tiết 5 trong bài Màu tím hoa sim “phút cuối không nghe được lời em nói”. Hắn lại đưa tay. Suỵt! Suỵt! Hãy lắng nghe Tuyên ngôn tình yêu, giọng truyền cảm của một nửa thế giới.

“Tóm lại, bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt, đa dạng như: tương phản - đối lập, ẩn dụ, nhân hóa. Ngôn từ giản dị nhưng giàu sức gợi mở, liên tưởng. Thể thơ ngũ ngôn liền mạch.

Các em có cảm nhận được tiếng sóng lòng mình cũng đang thổ lộ điều gì đó không, và ngày mai đây lớn khôn hơn, sẽ tự thấy mình, hay bạn gái của mình trong chính từng dòng thơ của Xuân Quỳnh đó!”.

“Các em có biết không, bên bãi biển Diêm Điền, Thái Bình năm 1967 xa xưa, Xuân Quỳnh đã viết những câu thơ từ dòng máu nóng của tình yêu. Cuộc đời thật không công bằng! Vụ tai nạn xe hơi bất thường năm 1988 đau buồn đã cướp đi của đất nước ta hai nhà thơ tài hoa, Xuân Quỳnh và người chồng Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch sâu sắc nhất Việt Nam cùng đứa con trai mới 13 tuổi!”...

Cả lớp hắn như lặng đi, lớp của cô giáo bên cạnh cũng thế. Mỗi lần đọc hay nghe ai nhắc tới sự việc đau lòng này, người hắn chùng xuống,... Rồi tiếng cô nhỏ nhẹ tiếp tục.

“Với giọng điệu thơ hết sức tự nhiên, bài Sóng thể hiện một tình yêu sâu sắc, bồi hồi, thao thức đến cả trong giấc mơ. Dù có những gian truân cách trở, nhưng tình yêu bao giờ cũng đẹp, cũng đến được tận cùng hạnh phúc, như con sóng nhỏ đến với bờ xa”.

Hắn nhìn những đôi mắt sáng thân yêu, những khuôn mặt thông minh, có vài nét tinh nghịch. Hắn thầm cầu mong, các nữ sinh áo dài xanh thiên thanh của hắn, ngoài sự nghiệp học hành viên mãn, sẽ có những tình yêu mãnh liệt như Sóng.

“Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ”

Hắn thu gọn nhanh sách vở bút viết. Hắn sẽ vội bước nhanh ra khỏi lớp, hắn sẽ nói lời cảm ơn cô giáo lớp bên...

Vừa lúc, tiếng trống kết thúc buổi học sáng vang lên.

L.H.P