Dòng chảy cuộc đời - Vĩnh Thông

20.03.2014

Chiếc ghe cặp lại ở một bến khá vắng. Xung quanh là một màu xanh trải mênh mông của đồng lúa và những đám rẫy. Nhà cửa chỉ lưa thưa vài nóc và cái nào cũng lụp xụp, đúng hơn là những cái chòi giữ lúa của nông dân. Định bụng chạy ra vàm kinh rồi mới ghé lại ăn cơm, nhưng cũng đã quá buổi mà chưa người nào có gì vào bụng, nên chị Hai kêu đậu ghe lại ăn cho xong bữa rồi đi tiếp.

Chiếc ghe dần tấp vào bờ kinh. Tôi chạy ra trước mũi buộc dây vào một gốc cây gần đó rồi trở vô.

Dòng chảy cuộc đời - Vĩnh Thông

Chiếc ghe tròng trành một lúc rồi nằm yên. Có tiếng bìm bịp kêu đâu đó nhưng nhìn xung quanh lại không thấy. Thỉnh thoảng có bầy chim sà xuống xôn xao rồi có vài con lại rướn mình bay khỏi các lùm cây, tạo ra những âm thanh mỏng xé ngang cái tĩnh mịch của một buổi trưa nắng tràn. Vài ba con cua bò chậm chạp bên mé nước. Mấy đàn cá lìm kìm bơi quanh ghe. Vắng lặng một cách lạ lùng.

Trong ghe, mâm cơm chỉ vỏn vẹn có ba người: chị Hai, con Nhi và tôi, với vài món ăn cũng đơn giản. Thì nào giờ vẫn vậy. Ăn vừa xong, chưa kịp dọn rửa thì có vài người đến mua mấy thứ linh tinh, nước mắm, đường, muối, trứng vịt… Chị quay tới quay lui hết lấy món này đến món kia. Bán xong, chị quày quả bước ra sau rửa mâm chén. Tôi tranh thủ leo lên mui ghe ngồi rít điếu thuốc, chờ chị rửa chén xong để xuống lái ghe đi tiếp. Trong ngày có lẽ thong thả nhứt là những lúc ăn cơm xong. Sau bữa sáng thì tranh thủ uống được ly cà phê, hút điếu thuốc, cũng có khi nhâm nhi tách trà nóng. Bữa tối thì ghe thường ghé lại nơi đông đúc, ăn xong có thể tranh thủ dong lên bờ đi dạo một chút rồi về. Cuộc sống quanh năm trên sông nước là vậy. Có người nói nó tròng trành như chiếc ghe, có người nói nó lèo bèo, có người nói bảy nổi ba chìm… Tôi thì chỉ nghĩ đơn giản, chiếc ghe có nhiệm vụ là chạy, chạy không ngừng, đời người cũng vậy thôi, cứ xê dịch mãi chứ có đứng lại một chỗ bao giờ đâu.

Chị Hai tôi là dân thương hồ. Nhưng là thương hồ “tập sự” chứ không phải “con nhà nòi”. Chiếc ghe tạp hóa nhỏ của chị chạy đi bán khắp nơi, y như một căn tiệm di động. ở đâu có người thì có ghe tới đó bán. Thường thì ghe chúng tôi đi bán ở những vùng xa xôi, nơi đường sá khó khăn. Nhưng nhiều nhứt là vào trong đồng, bán cho những người nông dân. Họ sống trong đồng vào mùa thu hoạch lúa, khi thu hoạch xong họ mới về nhà. Trong thời gian đó, họ không thể mua hàng ở đâu tiện bằng đón các chuyến ghe tạp hóa như ghe của chúng tôi. Tôi được giao làm “tài xế” cho chiếc ghe này. Suốt mấy năm trời dọc ngang vùng sông nước, kinh rạch miền Tây hầu như chị em tôi rành “sáu câu”. Nhứt là vùng Tứ giác Long Xuyên và miệt U Minh chúng tôi thường đi nhiều. Đi riết rồi quen, sống giữa sông nước mênh mang dần dần cảm thấy bớt nhớ nhà. Việc buôn bán của chị không lời lãi gì nhiều, được bao nhiêu sắm sửa cho con Nhi và mua thêm hàng hóa bán tiếp chứ cũng không dư giả mấy. Vậy mà vui.

Có lần ghe chúng tôi ghé ngang một xóm đông đúc. Dân cư không giàu có lắm nhưng coi bộ cũng có vẻ khá giả. Trong lúc chị tôi đang lui cui bán hàng, có một anh chàng nước da đen thùi mốc thếch, tóc xoăn chôm bôm như cái tổ chim, nhưng cách ăn mặc lại tỏ vẻ bảnh bao, bước lại ghe hỏi tôi:

“Ê, chị mầy nhiêu tuổi rồi?”.

Tôi trả lời nhát gừng:

“Ba mươi. Có chi không?”.

“Đi bán như vầy bao lâu rồi? Con gái trắng trẻo mảnh khảnh nhìn giống tiểu thư hơn. Vậy mà thấy buôn bán cũng ra vẻ dân thương hồ chính hiệu quá hả!”.

“Cũng vài ba năm. Nhập gia tùy tục thôi!”.

“Ê, có chồng chưa mầy?”.

Nghe hỏi một thôi một hồi, cuối cùng tôi mới hiểu hắn đang “dòm ngó” chị mình. Tôi cũng không muốn nói chuyện nhiều với hắn nữa, chị tôi không thích mấy chuyện nầy.

“Hổng biết có chồng chưa mà con nhỏ ba bốn tuổi trong ghe kêu bả bằng má đó. Đừng hỏi nhiều. Tính ve vãn hả? Tôi dộng vô mặt ông bây giờ!”.

Tôi vừa nói vừa chỉ con Nhi đang chơi trong ghe. Hắn bị tạt gáo nước lạnh, mặt xụi lơ:

“Biết rồi! Hỏi chơi vậy thôi chứ ve vãn gì. Làm gì mà ghê vậy mầy?”.

Kiểu nói chuyện nghe mà thấy… khó ưa. Tôi chui tuốt vô ghe, chẳng thèm để ý đến hắn. Tôi cũng khâm phục chính mình, bình thường hiền như cục đất mà đánh võ miệng cũng có người sợ, tôi cười ngất. Mà… nghĩ cũng tội nghiệp chị!

*

Chị Hai giao ghe lại cho tôi trông coi, nói là lên chợ mua vài thứ. Tôi cứ nhìn miết theo cái dáng gầy mảnh mai đang khuất dần về phía xa. Tội nghiệp. Còn đang tuổi xuân thì, không phải là giai nhân nhưng cũng là một cô gái khá. Nghĩa là nếu chị chỉ cần gật đầu có cả khối đàn ông đi theo. Vậy mà chị chỉ suốt ngày ở trong cái ghe nầy, thân phận nổi trôi cùng sông nước, từ chối hầu như tất cả mọi giao tiếp với bên ngoài nếu không có liên quan đến chuyện mua bán. Đứa con gái nhỏ của chị mới mấy tuổi đầu cũng phải tâp đi tập nói trên ghe…

Một lát sau, chị hớt hải trở về, vẻ mặt tái xanh nhưng lại hiện rõ vẻ vui mừng. Tôi chưa biết điều gì đã xảy ra, nhưng trước giờ chưa từng thấy vẻ mặt chị như vậy. Kể từ ngày đó, chị Hai trở nên lạnh nhạt. Nhưng hôm nay, trước mặt tôi chị thành con người khác. ấm nóng hơn, hồ hởi hơn, hăng say hơn. Tôi hồ như đọc được điều gì trong vẻ mặt đó. Chị nói gặp thơ của anh Đình đăng báo, rồi đưa tờ báo đó cho tôi coi. Chị hỏi tôi thấy bài thơ hay không. Cha mẹ ơi, chuyện văn chương chữ nghĩa nầy ai biết gì mà coi. Nhưng thấy cái tên Lê Phương Đình rành rành biết chắc là anh rồi. Tôi ngồi im không nói, cứ gán mắt vô tờ báo ra vẻ đọc đọc, ngâm ngâm nhưng thật ra đang muốn chờ xem thái độ của chị. Chị vẫn không nói gì, vẻ mặt đầy tâm trạng. Cả tôi, cả chị, không biết nói gì hơn, làm gì hơn vào lúc nầy.

Ăn cơm xong, chị dỗ con Nhi ngủ. Con nhỏ cứ khóc riết, không chịu ngủ. Nó tìm đủ thứ cách để trốn, nói là hồi tối ngủ rồi, hôm qua ngủ rồi, không buồn ngủ nữa. Chị dỗ dành hết lời, ngủ tối không đủ phải ngủ trưa nữa mới lớn được, ngủ thức dậy sẽ dẫn lên chợ mua đồ chơi, rồi còn lấy tôi ra để hù dọa: không ngủ cậu Ba đánh đòn… Vậy mà con nhỏ vẫn không ngủ. Tình huống nầy quá quen thuộc. Chuyện tìm cách để cho nó ngủ là chuyện dễ như cơm bữa. Thậm chí là có thể đánh nó. Vậy mà không hiểu sao chị lại không làm theo cách trước nay đã làm. Chị bẻ ngoặc theo hướng khác, cái hướng phải đi một vòng tròn rộng đáng sợ. Chị nhìn nó lâu, thật lâu, cái nhìn lạ lắm. Hồi lâu sau chị nói nhẹ:

“Nhi ngoan nè, ngủ đi rồi má dẫn con đi gặp ba”.

Mắt con nhỏ sáng trưng:

“Ba hả?”.

Chị nhìn nó, mím môi, nói nhát gừng:

“Ừ…”.

“Ba ra làm sao vậy má?”.

“Ừ… thì… Thôi ngủ đi! Rồi má dẫn con đi gặp, nói con cũng không biết đâu”.

Con nhỏ làm sao biết mặt ba nó? Tự dưng chị đem ba ra nói cho nó nghe làm gì. Dễ gì con nhỏ chịu ngủ, tôi nghĩ thầm. Vậy mà nó chịu ngủ thật. Chị với nó còn nói thêm vài câu gì đó rồi nó nhắm mắt lại nằm im re, lát sau thì đã ngủ khì.

“Sao chị nói về ba trước mặt nó chi vậy? Nó có biết gì đâu!”.

“Sao không, tình cha con mà, biết liền”.

“Chị khùng quá trời rồi!” .

Nói rồi tôi bỏ lên mui ngồi uống trà, vẫn nghe tiếng chị đuổi theo:

“Ừ! Tao khùng! Tao khùng mới để con tao mồ côi cha nè!”.

Nghe chị nói mà lòng tôi đau thắt. Có cái gì đó nghe buồn buồn tưởng chừng như hàng vạn tấn hắt hiu đang ngã nhào xuống chiếc ghe nầy. Trời ơi! Chi mà khổ vậy chị?

Chị em tôi là con trong một gia đình không giàu có gì lắm, nhưng cũng không đến nổi tệ. Nghĩa là nếu chúng tôi không đi ghe, tía má đủ sức lo cho chúng tôi cái nghề khác, mà theo má nói là “Phải an cư thì mới lạc nghiệp con à, trôi nổi kiểu nầy hoài sao làm ăn giàu có với người ta!”. Nhưng nhiều lúc tôi nghĩ, bây giờ chị Hai cũng đâu cần giàu có gì, chị đi ghe là vì cái khác. Má biết tỏng cái mục đích của chị đi ghe, nhưng má vẫn im lặng, làm ngơ, để chị đi.

Đêm đó ghe đậu lại ở một chợ nhỏ. Mới ba giờ sáng, cái bến vắng tanh hồi hôm qua bây giờ tự dưng xôn xao tiếng rao hàng, trả giá, tiếng chửi bới lằng nhằng cũng có. Sóng vẫn đánh vào thành ghe đều đều, nghe ì oạp. Tôi không ngủ được, tự viện cho mình cái cớ là quá ồn ào, mặc dầu rõ ràng là đầu óc mình đang lo cho chị, cho con Nhi. Tôi bước ra mũi ghe, hút điếu thuốc. Gió thổi man mát, lôi những làn khói thuốc đi đâu, xa lắm. Con Nhi vẫn còn ngủ khì nhưng chị đã thức, tôi biết vậy.

Hai mươi tuổi chị Hai bước lên xe về nhà chồng, thằng út em tôi khóc ngất. Chị nói cũng đâu phải đi luôn, thỉnh thoảng sẽ về thăm nhà. Nhưng lúc đó trong đầu óc non nớt của nó chỉ nghĩ là chị phải đi tới cái nơi mịt mùng khỉ ho cò gáy nào đó rồi ở suốt trong ấy. Tôi thì buồn buồn, không biết liệu rồi chị có hạnh phúc hay không. Người ta nói những người tài hoa, đa tình cũng thường hay dễ phụ bạc.

Anh Đình cũng là một người đa tài và… đa tình. Phải nói, anh là một chàng lãng tử “chính hiệu”. Làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc không chỉ anh đều có thể làm, mà còn làm hay nữa là đằng khác. Hầu như khi yêu một người con gái nào anh đều làm dăm ba bài thơ tặng cô ấy. Chị tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi biết, chị yêu anh không phải vì cảm động với những bài thơ đó. Có thể chị tìm gặp nơi anh một cái gì đó, đại loại, giống mình.

Chị Hai thường nói anh là người có máu lang bạt kỳ hồ. Thỉnh thoảng anh lại đi một nơi nào đó không biết, làm gì đó không biết, để rồi khi về nhà lại cặm cụi viết viết. Cứ thế những xấp giấy dày lên dần, những trang bản thảo gửi đi nhưng chưa một lần nhận được hồi âm. Vậy mà anh vẫn cặm cụi. Rồi một hôm, anh cũng lại tất tả ra đi như mọi khi. Trên người chỉ mang theo cái balô gọn hơ chứa vỏn vẹn vài bộ quần áo và xấp giấy dày mo. Chị cứ tưởng cũng như những lần trước, anh đi ít bữa rồi về. Nhưng không ngờ anh nói có ai nào đó chịu xuất bản tác phẩm của anh. Cái tác phẩm ấy có tên là dòng sông trắng dòng sông đen gì đó, chị không nhớ rõ. Chị chỉ biết rằng anh đã thành công, anh phải đi theo tiếng gọi của nghệ thuật, bắt đầu một chặng đường mới, chừng nào hết còn gì để viết anh sẽ về. Vậy là anh cất từng bước đi ra khỏi căn nhà của mình. Chị chỉ nhìn theo mà không nói một lời ngăn cản. Lúc ấy trong bụng chị đã có đứa con của anh, điều nầy thì anh không hề biết. Chị có thể dùng đứa con để làm lý do buộc anh ở lại, điều đó có thể sẽ có hiệu quả, nhưng chị không làm. Sau nầy chị kể, lúc đó chị thấy trong mắt anh tóe lên một cái gì đó hạnh phúc lắm, như vừa tìm được tri âm, vừa thấy được con đường sáng trước mặt nên chị để cho anh đi, vậy thôi.

Anh đi rồi chị trở về nhà tía má, không khóc, không cười, chỉ buồn buồn một cái gì đó xa lắm. Má khóc hết nước mắt, tía lặng nhìn chị không nói gì. Má la, nói con nầy ngu không biết cản nó để bây giờ nó đi rồi ai lo cho hai mẹ con. Chị nhìn má, hai đuôi mắt nhỏ xíu bắt đầu hơi ướt. Chị nói nhỏ, với má, hay với chính chị, cũng không rõ: “Để cho anh ấy đi má à! Anh ấy là người lang thang, là kẻ độc hành, cản được bây giờ chứ có cản được suốt đời đâu. Thôi thì anh ấy cứ làm những gì mà mình thích, khi nào mỏi chân thì anh ấy vẫn còn có vợ có con để mà về…”.

Vậy là anh Đình đi. Biền biệt tới bây giờ.

Con Nhi sinh ra vừa tròn năm, chị xin tía má ít tiền, nói là để đi ghe mua bán. Má nhìn chị trân trân, nói: “Trời ơi, con nhỏ nầy khùng thiệt rồi, hết bị chồng bỏ đến đòi đi ghe. Sao mầy toàn làm chuyện tào lao không vậy Hai?”. Nhưng rồi bà cũng cho chị mớ vốn, nghe nói hình như do tía khuyên má nên để chị đi cho khuây khỏa nên bà mới chịu. Số tiền đó đủ đóng chiếc ghe, phần còn dư chị rủ tôi hùn thêm vô để mua vài thứ linh tinh rồi hai chị em chạy trên sông nước bán. Lúc đầu tôi nghĩ chuyện đi ghe chắc là “trớt quớt” rồi, vừa cực vừa buồn, ai chịu nổi. Sao chị lại không mở tiệm tạp hóa bán trên đất liền mà đi ghe chi cho cực? Nhưng rồi tôi cũng hùn ít tiền, lót tót đi theo. Ngày đó, má khóc sướt mướt như con nít. Má không lo cho thằng con trai như tôi. Nhưng má sợ đứa con gái vốn quen với nếp sống tiểu thư và cháu ngoại còn đỏ hỏn. Trong đầu bà nghĩ đến mọi thứ. Không biết chị Hai có chịu được cực khổ, nắng gió không? Cháu ngoại mình sống trên ghe ăn uống có đủ dinh dưỡng không? Sống lênh đênh trên nước nguy hiểm quá! Hai mẹ con không có người chồng, người cha có thể đứng vững trước sóng gió không? Đủ thứ để má lo nghĩ. Nhưng thôi, cũng phải nuốt nước mắt cho chị đi. Chị Hai đã quyết rồi, khó ai mà cản được, má cũng hiểu điều nầy.

Nhiều người khách quen mua hàng của chị nói chị hiền. Tôi thì không nghĩ vậy. Chị là người vô cùng ương bướng, ương bướng một cách khó hiểu. Chị không thích ràng buộc, không thích tự đẩy mình vào một khuôn khổ nào cả. Việc gì đã quyết định là làm tới cùng (dù có những chuyện biết rằng sẽ thất bại), ai cố ngăn cản chị càng quyết làm bằng được. Có lẽ ở điểm nầy tôi giống chị. Mà cũng phải, người đã mất một cái gì đó to lớn thì ngoài việc nghĩ cách tìm lại đâu còn nghĩ chuyện khác được. Nếu có ai đó nghe được câu chuyện chắc sẽ nói chị mê muội, thậm chí là “thèm” đàn ông. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Chị không tìm chồng mà tìm cha cho đứa con. Chị không tìm tình yêu cho bản thân mà tìm lại tình cảm thiêng liêng nhứt vốn dĩ phải dành cho con mình. Chị không cần anh ấy phải xin lỗi rồi quay trở về mà chỉ cần cho anh ấy biết là mình có một đứa con, cần một câu nói, một cái hôn lên má con Nhi, chỉ vậy là đủ rồi. Nói chung, chị tìm anh ấy chỉ vì những điều rất lập dị. Tôi không khuyên ngăn vì tôi hiểu chị hơn ai hết. Mà có khuyên cũng chắc được đâu. Cứ đi đến nơi cần đến, cứ làm những việc muốn làm, như vậy sẽ thanh thản như hút một điếu thuốc rồi thả khói lên trời, như từ từ nhấm nháp tách trà rồi đánh ực. Còn nếu không có kết quả gì thì ít ra cũng sẽ cảm thấy bớt “đau” hơn.

Cái gì đến rồi cũng đến, điều ấy tôi đã lường trước. Sáng hôm sau chị nhìn tôi với vẻ mặt đăm chiêu, rồi nói thật khẽ:

“Chắc chị phải tìm anh Đình thôi. Chị còn con Nhi…”.

Tôi vẫn ngậm điếu thuốc trong miệng, ngó bâng quơ. Khi làn khói chỉ còn là những vệt trắng thuộc về quá khứ, tôi mới hỏi, cũng chỉ là vu vơ:

“Anh Đình đang ở đâu?”.

“Nghe người ta nói anh đang ở Long Xuyên”.

“Chị tính đi thiệt hả?”.

“Ừ…”.

“Thôi được rồi, chị muốn đi đâu em chở chị đi!”.

Có lẽ khi nói điều nầy với tôi, chị Hai đã biết trước rằng thế nào tôi cũng sẽ phản đối kịch liệt, hoặc là tỏ thái độ gì đó đại loại như thế. Nếu vậy chị sẽ đi một mình, đi để tìm cha con con Nhi. Chị  không ngờ tôi lại đồng ý. Cả tôi cũng không ngờ mình lại nói ra được như vậy. Thật sự lúc ấy tôi đang nghĩ gì, tại sao cái tánh nóng không trồi lên, cái ương bướng không xuất hiện để được nói một chữ “không” gọn hơ cho khỏe? Tự dưng tôi cảm thấy thương chị quá chừng, thương hơn bao giờ hết. Đi thì đi…

Ghe đến Long Xuyên sau mấy ngày lênh đênh. Suốt mấy ngày đó chị như người mất hồn, cứ lo nghĩ đâu đâu, bán buôn không được gì cả. Con Nhi thì cứ ríu rít hỏi mẹ chừng nào gặp ba, ba ra làm sao… Có nhiều đêm chị nằm trong khoang khóc thúc thít, như có chuyện gì ấm ức lắm, nhưng lại không muốn cho ai nghe. ừ, thì chị cứ khóc đi, khóc một lần cho hết rồi còn lo cho con Nhi nữa, phải không chị? Sáng vừa rạng mặt người chị đã nhảy tót lên bờ, đi đến chiều mới trở xuống ghe, mặt phờ phạc, ngó mông lung nhưng chẳng để lục lọi cái gì. Gần tối, chị nói: “Có bà chủ quán cà phê nói anh Đình có ghé quán uống nước, nhưng anh ấy đi Mỹ Tho từ hôm qua rồi…”. Rồi chị nằm xuống ôm con Nhi vào lòng, mái tóc dài phủ nửa bên mặt. Qua ánh sáng mờ mờ của những ngọn đèn trên bến, tôi thấy khuôn mặt chị run run.

Không biết chị có muốn đến Mỹ Tho nữa không? Mà, đến Mỹ Tho rồi liệu có gặp được anh Đình không, hay lại phải quày quả ra đi? Anh Đình và giấc mơ nghệ thuật của anh vẫn còn phía trước, vẫn lang bạt kỳ hồ như sở thích của mình. Còn chiếc ghe nầy, chở theo vợ và đứa con của anh, vẫn nổi trôi sông nước, dạo khắp xứ sở. Cứ coi là đi bán buôn cũng được, hoặc coi như đi tìm anh cũng được, những chuyện đó không là gì cả. Ai cũng như ai, cũng phải nổi trôi giữa cuộc đời nầy thôi. Đi mãi nhưng mấy khi được quay về.

Hai cánh bèo cùng trôi trên một con sông, nhưng biết đến khi nào hai cánh bèo ấy mới gặp được nhau?

 

 (Nguồn: Văn nghệ số 8/2014)