Vĩnh biệt Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy
Thy Hảo Trương Duy Hy (sinh năm 1935) quê ở làng Minh Hương (nay là phường Minh An, TP. Hội An - Quảng Nam), sinh sống tại 155 Đống Đa (TP Đà Nẵng). Ông là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông đã có hơn 12 công trình nghiên cứu về các danh sĩ, hình thái văn hóa, lịch sử của Quảng Nam – Đà Nẵng được giới học thuật trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Từ năm 1993, ông đã viết trên chục đầu sách sưu tầm biên khảo:Tú Quỳ - Danh sĩ Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 1993; Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, Nxb Văn học, 2004 (tái bản Nxb Đà Nẵng, 2008); Danh xưng tôn quý của sĩ tử Quảng Nam, Nxb Văn học, 2004; Thơ văn Tú Quỳ, Nxb Văn hóa Thông tin, 2008; Lược sử làng Minh Hương thành phố Hội An, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam, 2009; Trên đường đi tìm Tú Quỳ - Nhà thơ trào phúng Quảng Nam, Nxb Văn học, 2012; Thơ ca Hàn Giang Tử, Nxb Văn học, 2013; Khoa Bảng Quảng Nam (viết chung với Phạm Ngô Minh) Nxb Đà Nẵng,1995 (Tái bản Nxb Văn nghệ, 2007); Hát Bả Trạo - Hò đưa linh (viết chung với Trương Đình Quang), Nxb Văn hóa Dân tộc, 2011; Đà Nẵng Đất và Người (viết chung với Hoàng Hương Việt), Nxb Đà Nẵng 2012...
Hàng loạt công trình nghiên cứu của ông ra đời, xuất phát đầu tiên, vẫn từ cái ý định “tử tế”, muốn lưu, muốn tìm những gì sót lại, những điều tốt đẹp có nguy cơ lụi tàn, cho người đời sau. Không vị kỷ, vị lợi. Một trong những nhà nghiên cứu điền dã am tường văn hóa, danh nhân, lịch sử xứ Quảng, đi lên bằng con đường tự học.
Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, Nxb Đà Nẵng, 2010
Khoa Bảng Quảng Nam (viết chung với Phạm Ngô Minh) Nxb Văn nghệ, 2007.
Trong các tác phẩm đã xuất bản, có hai cuốn Tú Quỳ và Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa được ghi nhận trong 8 bộ từ điển của các tự điển gia Nguyễn Q Thắng - Nguyễn Bá Thế; Lại Nguyên Ân - Bùi Văn Trọng Cường; Đỗ Dức Hiểu – Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá; Nguyễn Văn Mạnh - Bùi Duy Tân - Nguyễn Như ý ; Vũ Tuấn Anh - Bích Thu… cả trong Kỷ Lục Việt Nam Tập 3 … Nhưng đặc biệt hơn cả là Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chọn và sau khi thẩm cứu, qua nhiều lần xét duyệt, đã đưa tên Tú Quỳ và Huỳnh Thị Bảo Hòa đặt cho hai con đường tại Quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy tại hai con đường mới đặt mang tên Tú Quỳ và Huỳnh Thị Bảo Hòa
Với những nghiên cứu về danh sĩ Tú Quỳ, cái tên Thy Hảo Trương Duy Hy đã xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nhà “Quảng Nam học”. Trong những nghiên cứu của ông vừa có chất trữ tình xuôi về phần văn chương, lại có cái mê say dấn thân của tính cách ưa nghiên cứu khoa học nhân văn. Cách đây khoảng chục năm, người xứ Quảng đôi lần bắt gặp một ông cụ da đã trổ đồi mồi, vẫn say sưa, lặn lội đến từng vùng đất trên bản đồ Quảng - Đà, để “ghi cho rõ” những khúc mắc về những cái tên, những địa danh mà ông nghiên cứu. Nhà thơ Tường Linh nói, cái nguồn gốc tên “Thy hảo” ấy, có ý nghĩa như một dấu ấn chuỗi thời gian dài bất hạnh ông Hy đã trải qua. Còn “Thy Hảo”, với Trương Duy Hy, chỉ đơn giản là sự nói lái kiểu xứ Quảng về tên của ông và vợ mình – người đã giúp ông có nghị lực vượt mọi gian khổ.
Nhà nghiên cứu Trương Duy Hy rời xa nhân thế, nhưng ông đã để lại cuộc đời một sự nghiệp khảo cứu đáng kể, đặc biệt là tấm gương lao động với ý chí và nghị lực sống phi thường, nhân cách sống cao đẹp của kẻ sĩ thanh thản vượt lên khó khăn mọi mặt để sống và cầm bút như một sứ mệnh.