Vẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy Linh

09.05.2017

Vẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy Linh

BBT: Trong các triển lãm gần đây tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Trần Thùy Linh đã chọn con đường đến với hoa, vẽ “chân dung” các loài hoa tạo được ấn tượng trong người xem. Trần Thùy Linh là họa sĩ gốc Hà Nội, theo học một trong những trường đại học cổ nhất châu U - Leipzig (Đức) chuyên ngành Ngôn ngữ và văn học Đức. Sau khi tốt nghiệp chị về làm việc tại một công ty du lịch, rồi sau đó làm ngành ngoại giao. Hiện nay chị là Phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Nữ TPHCM, Phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Ngân Hà... Tuy làm ở lĩnh vực nào, hội họa vẫn đồng hành cùng chị.

Thùy Linh tham gia nhiều triển lãm quốc tế tại Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Mông Cổ.... Triển lãm toàn tranh hoa gần đây nhất cách nay đã 7 năm. Và trong năm 2017 này, chị quyết định trình làng những gương mặt hoa mang màu sắc mới mẻ hơn, trong hai triển lãm liên tiếp vào tháng 2 và 3 tại Hà Nội và TP. HCM.

Để bạn đọc hiểu thêm về Tranh Hoa, chúng tôi giới thiệu bài viết của họa sĩ Trần Thuỳ Linh sau đây.

 

Hoa đã trở thành đề tài sáng tác truyền thống và nguồn cảm hứng vô tận trong lịch sử hội họa. Từ thế kỷ 16 trở về trước, hoa thường chỉ được thể hiện như chi tiết trang trí trong các tác phẩm hội họa và kiến trúc. Tới thế kỷ thứ 16, hoa bắt đầu xuất hiện như chủ thể và đề tài chính trong hội họa Ý. Ở thời Phục hưng, những tác phẩm hội họa về hoa xuất hiện dưới góc nhìn mới mẻ hơn, tiêu biểu là những bức tranh hoa lá bằng màu nước của danh họa Albrecht Dürer. Nổi tiếng ở thế kỷ 17 là những bức họa về hoa hoặc tĩnh vật hoa của các họa sĩ Hà Lan. Tới nay thì đề tài này đã được thể hiện với nhiều phong cách hội họa vô cùng đa dạng: tả thực, trừu tượng, ấn tượng, biểu hiện, siêu thực v.v... Không ít họa sĩ đã coi hoa là sự lựa chọn duy nhất cho sự nghiệp của mình, nữ họa sĩ Mỹ Giorgia O´Keeffe là thí dụ tiêu biểu.

Cảm nhận đầu tiên của người xem trước một bức tranh hoa bao giờ cũng là vẻ đẹp bề ngoài, nên người ta thường hay bỏ qua những ý tưởng sâu xa mà người họa sĩ gửi gắm trong những bức vẽ ấy. Chúng ta thường hay bình luận theo dạng “tôi thích“ hoặc “tôi không thích“, dựa trên cảm nhận được chính chúng ta áp đặt về một loài hoa nào đó.

Cũng như những tác phẩm hội họa khác, những bức tranh hoa luôn mang theo những trải nghiệm cá nhân và thông điệp mà người họa sĩ muốn thể hiện qua chủ thể hoa. Hiểu được điều này người xem sẽ nhận thấy một vẻ đẹp “khác”, sâu sắc hơn, mà bức tranh hoa mang lại cho mình. Đương nhiên, vẻ đẹp của một bông hoa mang màu sắc hội họa, phải khác với vẻ đẹp của một bông hoa của nhiếp ảnh hay một bông hoa giữa thiên nhiên, phải không? Người ta nói tranh là người và người là tranh cũng còn theo hàm

ý đó.

Nhiều người cho rằng vẽ hoa rất dễ, vì cấu trúc không quá phức tạp của nó, ý nghĩa và vẻ đẹp thì cũng quá rõ ràng. Riêng tôi thì thấy, chính vì thế mà vẽ hoa thật sự là một thách thức. Chúng ta sống trong một thời đại mà những giá trị nghệ thuật hay bị nghi ngờ. Thấy một vẻ đẹp, một sự hài hòa và dễ chịu, người ta hay có xu hướng ngờ vực: Có giá trị nghệ thuật không? Vậy, cái đẹp, sự hài hòa và sự dễ chịu chẳng phải là điều mà con người luôn khao khát và hướng tới hay sao? Để thấy được và thể hiện được một vẻ đẹp mà ai cũng biết, chẳng phải khó lắm sao?

Tìm ra cho mình một con đường mới bao giờ cũng đầy khó khăn và thách thức, nhưng cũng đầy đam mê - đó là cảm nhận của tôi khi vẽ trừu tượng. Nhưng đi trên một con đường cũ hơn, với yêu cầu cao nhất là phải phát hiện ra được cái mới - đó là những thách thức đích thực khi bạn chọn vẽ hoa.

Để bắt đầu một bức tranh hoa, cho dù đó là loài hoa thân thuộc đến bao nhiêu, bạn cũng phải thật hiểu nó cả dưới góc độ sinh học lẫn những ý nghĩa mang tính biểu trưng: “Chất” của nó là gì? Mềm mại hay cứng cỏi gai góc? Cấu trúc của thân, của lá, của đài hoa, của cánh hoa ra sao? Màu sắc của nó biến đổi như thế nào dưới ánh sáng luôn thay đổi? Mọc vào mùa nào, tượng trưng cho cái gì? v.v... và v.v... Sau khi bạn đã nghiên cứu, đã “ngấm” - mà quá trình quan sát tìm hiểu này có thể kéo dài từ vài giờ tới hàng chục năm trời (với tôi, Poppies là một thí dụ) - thì điều quan trọng tiếp theo là bạn có cảm xúc gì, vào lúc nào? Với riêng tôi thì chỉ cảm xúc thôi, vẫn chưa đủ: tôi phải kể được một câu chuyện nữa! Điều này thường tới thật tự nhiên trong quá trình tìm tòi và chỉ khi có sự thôi thúc tự thân - là khi đã chín về cảm xúc, dày về nội dung - lúc đó tôi mới cầm cọ. Lúc này, bức tranh hoa sắp vẽ không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì khác ngoài cảm xúc và tư duy của họa sĩ, vào việc trả lời hàng loạt câu hỏi: Mình muốn truyền đi thông điệp gì, cảm xúc gì qua vẻ đẹp thông thường đó? hay: thể hiện vẻ đẹp đó dưới góc độ khác như thế nào? Làm sao để đặc biệt? Và tiếp đó là hàng loạt các câu hỏi liên quan đến việc chọn lựa chất liệu, kỹ thuật, và xử lý màu sắc, ánh sáng ra sao để biểu đạt được điều mình muốn. Vì vậy bạn đừng ngạc nhiên khi tranh tôi luôn có vài dòng tự bạch, nhiều khi là cả một bài viết cảm nhận. Đó là cách làm việc của tôi: tôi không diễn giải tranh SAU khi vẽ. Những suy nghĩ và ý tưởng luôn là kết quả của quá trình nghiên cứu TRƯỚC khi ngôn ngữ của màu sắc cất tiếng. Mỗi họa sĩ chắc chắn có cách tư duy và xử lý riêng với từng đề tài, và với HOA cũng không là ngoại lệ.

Xin được dùng một câu nói của danh họa Henri Matisse để kết thúc bài viết này: “Với người họa sĩ thực sự sáng tạo, không gì khó khăn hơn việc vẽ một đóa hồng, bởi trước khi vẽ, đầu tiên anh ta phải quên đi tất cả các đóa hồng đã từng được vẽ”.

Trong tinh thần ấy, những bức tranh hoa trong thời gian tới sẽ là những thách thức mới với tôi, là những câu chuyện mới mà tôi muốn chia sẻ.

T.T.L 

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng