Phê bình sinh thái
Trong xã hội hiện đại, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự ỷ lại vào khoa học kỹ thuật, con người đang ngày càng khai thác tự nhiên quá mức, khiến cho tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Thiên nhiên trả thù con người không phải chỉ bằng các thảm họa, thiên tai, các bệnh hiểm nghèo... mà đáng sợ hơn, trả thù bằng sự biến mất của chính nó. Trước tình hình đó, Phê bình sinh thái (ecocritisim) xuất hiện và đặt ra vấn đề tranh luận: có phải con người sinh ra để thống trị thiên nhiên - làm chủ và sở hữu thiên nhiên? Hay là những phát minh khoa học, sự ngạo mạn của con người đã đẩy thiên nhiên ra xa và con người đang gánh chịu những hậu quả do chính mình gây ra vì đã coi thường tự nhiên? Phê bình sinh thái nổi lên khi vấn đề biến đổi khí hậu, sự xuống cấp về môi trường trở thành vấn đề sống còn của nhân loại, văn học quan tâm đến sự sống cho nên khúc ngoặt của nó xét đến cùng lại liên quan đến bản thể của văn học.
Sinh thái (oikos) theo nghĩa gốc tiếng Latin là nhà ở, nơi cư trú, bất kỳ một sinh vật sống nào cũng cần nơi cư trú của mình. Thuật ngữ sinh thái học (ecology) có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp, bao gồm oikos (chỉ nơi sinh sống) và logos (học thuyết, khoa học). Thuật ngữ “sinh thái học” chỉ thật sự ra đời vào năm 1869 do nhà sinh vật học người Đức Ernst Haecker đưa ra. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho môn khoa học sinh thái, nghiên cứu về mối tương quan của động vật với các thành phần môi trường vô sinh. Trải qua hơn trăm năm phát triển, sinh thái học đã có rất nhiều định nghĩa nhưng chung nhất vẫn là học thuyết nghiên cứu về nơi sinh sống của sinh vật, mối tương tác giữa cơ thể sinh vật sống và môi trường xung quanh. Ngày nay, sinh thái không chỉ là đối tượng của sinh học mà còn là đối tượng của nhiều ngành khác, trong đó có cả khoa học xã hội và nhân văn.
Với tư cách là một khuynh hướng phê bình văn hóa và văn học, phê bình sinh thái (ecocriticism) đã hấp thu tư tưởng cơ bản của sinh thái học vào nghiên cứu văn học. Trong các định nghĩa về phê bình sinh thái, định nghĩa của Glotfelty được xem là ngắn gọn và dễ hiểu hơn cả:
Nói đơn giản, phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Cũng giống như phê bình nữ quyền xem xét ngôn ngữ và văn học từ góc độ giới tính, phê bình Marxit mang lại ý thức của phương thức sản xuất và thành phần kinh tế để đọc văn bản, phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên cứu văn học (Glotfelty C.)
Phê bình sinh thái (ecocritisim) còn được gọi bởi những cái tên khác như “phê bình (văn hóa) xanh” (green (cultural) studies)/ “phê bình xanh” (green studies), “thi pháp sinh thái” (ecopoetics) hay “phê bình văn học môi trường” (environmental literary criticism)... Tên gọi phê bình sinh thái do Wiliam Rueckert sử dụng vào năm 1978 trong khảo luận “Văn học và sinh thái học: một thử nghiệm mới trong phê bình sinh thái”. Giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, các học giả cộng tác với nhau xây dựng phê bình sinh thái trở thành một phong trào mạnh mẽ. Năm 1992, Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường - ASLE (the Association for the Study of Literature and Environment) được thành lập. ASLE có một tờ báo riêng là ISLE (Interdisciplinary Studies in Literature and Environment) - Nghiên cứu Liên ngành Văn học và Môi trường, ra đời năm 1993. Nhờ đó phê bình sinh thái đã chính thức trở thành một phong trào nghiên cứu hàn lâm.
Thế kỷ XXI là thế kỷ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ sinh thái nhất nhưng đồng thời đây cũng là thế kỷ sẽ nảy nở và phát triển các trào lưu sinh thái. Bởi lẽ, càng ngày con người càng nhận ra cần phải duy trì sự hài hòa, ổn định, cân bằng hệ sinh thái thì sẽ khiến cho nhân loại phát triển bền vững, ổn định. Do vậy, phê bình sinh thái sẽ là một lý thuyết đem lại cho thực tế nghiên cứu văn học những cách tân đáng kể, làm thay đổi toàn bộ hệ tư tưởng đã tồn tại một cách cố hữu trong tư tưởng nhân loại - con người là trung tâm để thay thế cách tiếp cận mới - sinh thái là trung tâm. Phê bình sinh thái xuất hiện ở các nước Âu Mỹ nhưng các học giả đang tìm đến phương Đông, nơi có truyền thống gắn bó hài hòa với tự nhiên nhưng hiện tại lại là khu vực có nhiều nguy cơ sinh thái.
Dưới góc nhìn Phê bình sinh thái, tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu bạn đọc bài “Cuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái” của TS. Trần Thị Ánh Nguyệt, Giảng viên khoa KHXHNV Trường Đại học Duy Tân với sự cộng tác của sinh viên Lê Văn Thắng và bài “Thi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc” của TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy.
N.N