Trầm tích Cu Đê - Vũ Hùng

09.05.2017

Trầm tích Cu Đê - Vũ Hùng

Từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, nhánh Hải Vân đâm ngang giáp biển Đông như bức tường thiên nhiên sừng sững hiểm trở ngăn chia nam bắc một dải đất hẹp miền Trung. Bên kia Hải Vân vài cây số về phía nam là một dòng sông lặng lẽ đổ ra cửa biển Nam Ô, để lại đôi bờ lắng đọng một lớp trầm tích phù sa lịch sử - văn hóa gắn liền với hai sự kiện ghi trong chính sử có địa danh Câu Chiêm và Cụ Đê.

Năm 1311, “mùa đông, tháng 12, vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, vì chúa nước ấy là Chế Chí hay phản trắc”. Năm  sau, “mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về; phong em hắn là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy. Trước đó, Chế Chí sai người sang cống. Người ấy là trại chủ Câu Chiêm.  Vua sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với hắn. Đến khi vua đích thân đi đánh, đến phủ Lâm Bình, chia quân làm ba đường: Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn theo đường núi, Nhân Huệ Vương Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ, cùng tiến. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.Vua đến Câu Chiêm dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu quốc chủ ra hàng. Trại chủ báo cáo với Chế Chí. Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng.”(1)

Năm 1470, tháng 11, “ngày mồng 6, vua xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành”. Năm 1471, “mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 2, vua cho là khi đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng cần phải luyện tập. Do đó, xuống chiếu cho quân Thuận Hóa ra biển tập thủy chiến. Vua nghĩ núi sông nước Chiêm có chỗ chưa biết rõ ràng, liền sai thổ tù ở Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ hình thế hiểm dị của nước Chiêm để dâng lên. Ngày mồng 6, viên Chỉ huy Cang Viễn bắt sống Bồng Nga Sa là viên lại giữ cửa quan Cụ Đê nước Chiêm đem nộp”(2).

Sử liệu về sự kiện năm 1312 hai lần nhắc đến Câu Chiêm: vị sứ thần đồng thời là trại chủ Câu Chiêm và địa danh Câu Chiêm, nơi một lực lượng hùng hậu đã hội quân và ngự dinh của vua Trần Anh Tông đóng ở đó khá lâu (xuất binh tháng 12 năm 1311 đến tháng 5 năm sau mới dụ bắt được vua Chiêm Thành). Năm 1471, không như vua Trần, 25 vạn quân của Lê Thánh Tông ngay khi “vào đất giặc” liền bắt vị quan trấn giữ “cửa quan Cụ Đê nước Chiêm”, rồi thẳng tiến về kinh đô Đồ Bàn.

Hai sự kiện trên cách nhau 160 năm có liên quan đến địa danh Câu Chiêm và Cụ Đê. Theo Phan Khoang, trong Việt sử xứ Đàng Trong, cho rằng Câu Chiêm (Cu Chiêm) trong sự kiện năm 1312 “ có lẽ ở biên giới núi Hải Vân”; nhưng ông không chỉ rõ ở phía bắc hay nam Hải Vân. Bờ bắc Hải Vân không có địa danh nào như thế. Vua Trần Anh Tông chia làm ba đường tiến quân là thủy, bộ và đường núi, vua đi đường bộ, nên khả năng Câu Chiêm là điểm hội quân sau khi vượt qua núi Hải Vân, song không xác định được đã dừng lại ở đâu trong trại này. Nhưng  “viên lại giữ cửa quan Cụ Đê nước Chiêm” bị bắt năm 1471 chắc hẳn phải là vị quan trấn giữ ngay cửa ngõ phía nam núi Hải Vân, tức vùng cửa sông Cu Đê ngày nay. Thời đó, đi đường bộ vượt qua ngọn núi Hải Vân cao ngất tầng mây có hai đường, hạ đạo ở phía đông, thượng đạo ở phía tây, nhưng cả hai đường đều phải tiếp tục vượt qua sự ngăn cách của sông Cu Đê, nên khu vực này chính là yết hầu trên đường vào đất Chiêm. Lợi thế “hiểm ải” tự nhiên này đã được Nguyễn Phúc Anh lập lũy trấn thủ chống người anh Nguyễn Phúc Lan năm 1635, chúa Nguyễn lập vành đai phòng thủ chống quân Trịnh năm 1775. Về sau, triều Nguyễn cũng lấy Cu Đê làm tấn hải, nơi tuần phòng vùng biển, kiểm tra người qua lại nơi đây.

Cửa quan Cụ Đê xưa nay là tên gọi của dòng sông Cu Đê, nơi đã soi bóng những đoàn quân đi qua, đã in dấu những con người trong sự kiện năm 1311 và năm 1471, nhưng những ngư dân lớn tuổi của hai làng chài Nam Ô và Xuân Dương bên cửa sông này vẫn thường gọi là Câu Đê. Tra cứu hai địa danh Câu chiêm (俱占) và Cụ Đê (俱低) ghi bằng chữ Hán trong chính sử có nhiều điều thú vị ( 3). Chữ Câu và Cụ đều giống nhau về chữ và nghĩa, có bộ nhân, nghĩa là đều, cùng, tất cả, họ Câu; âm đọc có thể là Câu, Cu, Cụ. Chữ Chiêm và Đê thì không trùng nhau về tự dạng, nhưng về nghĩa có thể là một. Chiêm là Chàm. Chữ Đê có bộ nhân, nghĩa là thấp, cúi xuống, hạ, hèn kém. Chữ Đê không có bộ nhân (氐) nghĩa là nền, gốc, sao Đê trong nhị thập bát tú, tên một bộ lạc, rợ, ở miền tây Trung Quốc thời cổ. Lê Quý Đôn, trong Phủ biên tạp lục, giải thích rằng “ tục gọi Đê là người Chiêm, Man là người Mọi”, có lẽ hàm ý từ hai chữ Đê trên. Vì vậy, Cụ Đê (Cu Đê hay Câu Đê) là một biến cách của Câu Chiêm và đã khoác lên một nghĩa khác so với nghĩa ban đầu của Câu Chiêm. Phải chăng khi viết tiếp bộ Đại Việt sử ký toàn thư, sử quan thời Lê đã chủ ý đổi Chiêm thành Đê? Thời nhà Nguyễn, địa danh Thanh Chiêm, ở Điện Bàn, cũng đổi thành Thanh Triêm. Chiêm là Chàm thêm bộ thủy thành Triêm (沾), nghĩa là nhuần thắm, nhờ sự tốt đẹp. Thanh Triêm được sử dụng chính thức trong các văn bản của chính quyền thời đó, nhưng trong dân gian vẫn gọi theo tên cũ cho đến ngày nay. Vì thế, sự thay đổi này là từ giới tinh hoa chữ nghĩa Khổng Nho trong chính quyền phong kiến.

Về âm Câu, từ Hải Vân đến Quảng Ngãi có nhiều địa danh âm Câu, Cụ rất đáng chú ý. Trong tộc phả họ Phan Đà Sơn - Đà Ly, một dòng tộc lâu đời ở gần  sông Cu Đê, có ghi các địa danh Đà Câu, Lầu Câu, Lạc Câu, Câu Đê, Câu Nhí; địa danh Cụ Hy ở châu Hoa trong lộ Thăng Hoa thời nhà Hồ (thuộc nam Quảng Nam); ở Điện Bàn có Câu Lâu, ở Quảng Ngãi có sông Trà Câu... Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, “Câu Nhí vốn là một từ gốc Chàm”, nên Câu trong Câu Chiêm và Câu Đê có thể do sử quan thời đó phiên bằng chữ Hán từ một âm Câu hoặc tương tự như Câu của Chàm. Vì  âm Câu gốc Chàm vẫn còn là ẩn số, nên dựa vào chữ Hán cho rằng Câu Chiêm nghĩa là người Chàm cùng, Chàm tất cả hay Chàm rặt là rất khiên cưỡng. Địa danh chữ Hán Cần Húc (勤 旭 ) cũng tương tự, vì các giả thuyết đều cho rằng đó là âm gốc Chàm Kan Hu hay Kan uk, Kan u, hoặc là địa danh Việt Cồn Úc. Câu Chiêm, Cần Húc là những trường hợp tạm gọi là mượn âm, nhại âm, đồng âm mà khác nghĩa.

Khi người phương Tây đến Đàng Trong truyền giáo đã ghi lại một địa danh gợi cho ta về Câu Chiêm và quy mô của trại Câu Chiêm trong sự kiện năm 1312. Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, Cristoforo Borri cho biết: “Xứ Đàng Trong chia làm 5 tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi Chúa ở ngay sát Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam, nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia, thứ tư là Quignim, người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Renran”... Thời điểm trên, Quy Nhơn, còn gọi là Quy Ninh và Quảng Ngãi là phủ, Quảng Nam là dinh, không phải là tỉnh; nhưng cũng cho biết các địa danh trên khá phổ biến thời ấy dưới con mắt của người phương Tây. Quảng Nam là Cacciam, một số tài liệu khác của người phương Tây còn phiên âm là Cacham, Kaciam, Cachão. Trước năm 1975, trong dân gian xứ Quảng thường gọi Chàm nhiều hơn Chiêm, nên có thể vào thế kỷ 17 họ gọi Câu Chàm để chỉ xứ sở của mình. Phải chăng người phương Tây đã phiên âm Câu Chàm là Cacciam, Cacham, Kaciam, Cachão? Thời Lý, Trần, đơn vị hành chính trại được dùng cho miền núi, miền biên giới phên dậu xa xôi, quy mô trại gần bằng châu. Mặc dù không có sử liệu nào nói rõ ranh giới trại Câu Chiêm của năm 1312, nhưng qua phiên âm của người phương Tây có thể gợi mở về không gian của trại này rộng hơn khu vực cửa quan Cu Đê, xa về phía nam. 

Hơn bảy thế kỷ đã qua, biết bao vật đổi sao dời, nhưng hai bên bờ sông Cu Đê, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, văn hóa của cư dân trại Câu Chiêm xưa vẫn bàng bạc ẩn hiện góp phần tạo nên hương sắc riêng một vùng cửa ải cửa sông non xanh nước biếc thiêng liêng. Đó là hương vị biển mặn mà thơm nức mắm Nam Ô - một “balaciam” hảo hạng(4), những giếng vuông của người Chàm vẫn còn cho nước từ mạch ngầm trong vắt, các địa danh Động Trà Ngâm, Động Trà Na, Trà Nô, Trà Nệp, Trà Nưng, Câu Đê; là phế tích tháp Trà Bì bên cửa sông giáp biển  mà giữa thế kỷ 20 dù đã đỗ nát vẫn còn bóng dáng đôi tháp khá lớn; những di duệ của người Câu Chiêm đã hòa huyết qua nhiều thế hệ đang sinh cư và gắn bó thủy chung với quê cha đất tổ, với quê hương đất nước.

V.H 

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng