Phan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái Nghĩa

09.05.2017

Phan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái Nghĩa

Cuộc đời của Nhạc sĩ Phan Ngọc luôn đồng hành với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam và nền âm nhạc Việt Nam. Quảng Ngãi quê anh là nơi có nguồn âm nhạc dân gian phong phú với những làn điệu bài chòi, các bài hát sắc bùa và hát bả trạo... Âm hưởng dân ca của quê hương Quảng Ngãi cộng với dòng máu nghệ sĩ dân ca kịch của thân mẫu anh thấm vào Phan Ngọc ngay từ thuở ấu thơ và đã tạo nên trong quá trình lao động nghệ thuật của anh một dấu ấn rất là sâu đậm.

Đương nhiên lòng đam mê âm nhạc của Phan Ngọc không chỉ được chắp cánh bởi âm hưởng dân ca Quảng Ngãi mà còn được thổi bùng lên bởi người thầy dạy nhạc của anh - Nhạc sĩ Pétrus Thiều. Chính nhờ người - thầy - nhạc - sĩ này mà Phan Ngọc không chỉ nắm vững các bài học vỡ lòng về nhạc lý, về hòa âm, về cách chơi violon hay sáo trúc, mà còn là và quan trọng hơn là được trao truyền chất men của sự sáng tạo nghệ thuật và niềm hứng khởi trước thế giới kỳ diệu của âm thanh.

Chắp cánh, thổi bùng lòng đam mê âm nhạc của Phan Ngọc còn có cả hiện thực sinh động của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Quảng Ngãi. Ngay từ năm 1952, Phan Ngọc được thầy Pétrus Thiều cho tham gia vào dàn nhạc đi biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị trên địa bàn tỉnh như khao quân mừng chiến thắng, đón bộ đội về làng, đại hội chiến sĩ thi đua... Đặc biệt không thể không kể đến ba chiếc nôi lớn đã góp phần làm nảy nở tài năng âm nhạc của Phan Ngọc: một là Đoàn Văn công Quân đội Liên khu V trước khi tập kết ra miền Bắc; hai là Đoàn Văn công Sư đoàn 305 sau khi vừa tập kết ra miền Bắc - hồi ấy trong dàn nhạc của Đoàn Văn công Quân đội Liên khu V và của Đoàn Văn công Sư đoàn 305, Phan Ngọc chơi violon rồi được cử đi học hệ trung cấp về đàn violon tại Trường Âm nhạc Việt Nam; và ba là Đoàn Văn công Quân giải phóng B5 khi Phan Ngọc trở lại miền Nam vào năm 1962.

Ngay năm đầu tiên vào chiến trường, Phan Ngọc bắt đầu được công chúng biết đến với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác: năm 1962 ca khúc Khúc ca Hơ-rê và bản hợp xướng Trà giang quê hương tôi đã được phổ biến và được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và phát sóng trong chương trình Bài hát từ miền Nam gửi ra; tiếp sau đó là các ca khúc Chuyện tình suối nước mắt và Người Đà Nẵng ra đời vào năm 1968... Đặc biệt tác phẩm Người Đà Nẵng đã được chọn làm nhạc hiệu cho Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng và trở thành thân quen với nhân dân Đà Nẵng mấy chục năm qua.

Tuy nhiên tài năng âm nhạc của Phan Ngọc chỉ thực sự được định hình khi từ chiến trường Khu 5 khói lửa, anh được cử ra miền Bắc học sáng tác âm nhạc hệ đại học chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1975, Phan Ngọc hoàn thành bản giao hưởng ba chương - bản giao hưởng đầu tiên trong đời anh có nhan đề Đất nước yêu thương - tác phẩm tốt nghiệp đại học âm nhạc của anh. Ở nước ta, những sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng chỉ mới bắt đầu có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Số lượng nhạc sĩ dấn thân vào thể loại âm nhạc vừa yêu cầu cao về trình độ của người sáng tác, vừa kén chọn người nghe này có thể nói là còn rất khiêm tốn. Chính vì lẽ đó mà những sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Phan Ngọc được xem là một đóng góp đáng kể cho nền âm nhạc chuyên nghiệp nước nhà.

Có thể nói từ năm 1995, Phan Ngọc thực sự đam mê và chuyên tâm vào sáng tác các tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng. Năm 1996 Anh hoàn thành bản giao hưởng hai chương có tiêu đề Một thời để nhớ - tác phẩm được  trao giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1996, và trong lời tựa của bản giao hưởng này, Anh đã viết: “... Chiến tranh đã qua đi, nhưng những kỷ niệm buồn vui, chua xót của một thời lửa đạn vẫn còn đọng mãi trong tôi suốt cuộc đời, nay đã thành huyền thoại sống mãi với thời gian...”. Năm 1999, Phan Ngọc sáng tác bản giao hưởng thơ Thung lũng đỏ. Mặc dù vẫn viết ở hình thức sonate nhưng ở tác phẩm này bên cạnh những đổi mới về ngôn ngữ âm nhạc, trong cấu trúc tác phẩm cũng có những tìm tòi, sáng tạo riêng của Anh và hoàn toàn xứng đáng khi Thung lũng đỏ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng năm 1999.

Năm 2002 với sự tài trợ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Phan Ngọc đã hoàn thành bản rhapsodie Hào khí Tây Sơn viết cho dàn nhạc giao hưởng và được Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia trình diễn lần đầu tiên vào ngày 15 tháng 11 năm 2003 tại Nhà hát Lớn Hà Nội dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng người Anh Graham Suteliffe. Năm 2007, với ba tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng Một thời để nhớ, Thung lũng đỏ và Hào khí Tây Sơn cùng hai ca khúc Khúc ca Hơ rê và Chuyện tình Tiên Sa, Phan Ngọc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Việc kết hợp giữa âm nhạc và hội họa từng được thể hiện qua một số tác phẩm nổi tiếng trên thế giới như liên khúc piano Những bức tranh trong phòng triển lãm của nhạc sĩ Nga M. Mussorgsky (1839-1881) hay tác phẩm Những bức tranh khắc gỗ của nhạc sĩ Pháp, trường phái Ấn tượng De Bussy (1862-1918)... Bản rhapsodie Huyền tưởng cũng là một tác phẩm mà Phan Ngọc dụng công kết hợp giữa âm nhạc và hội họa nhằm miêu tả những pho tượng và những phù điêu bằng đá trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Những thành tựu trong gần bảy mươi năm lao động nghệ thuật của người nhạc sĩ tài hoa Phan Ngọc - từ một nghệ sĩ chơi violon trong dàn nhạc của Đoàn Văn công Quân đội Liên khu V và của Đoàn Văn công Sư đoàn 305 cho đến một nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc giao hưởng - đã chứng tỏ anh là một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc đáng để các thế hệ nhạc sĩ trẻ noi theo.

T.A.N 

Bài viết khác cùng số

Phê bình sinh tháiGió xanh - Phạm Duy NghĩaĐò Ngang sông Hàn trong tôi một thời áo trắng - Nguyễn Văn HọcRa sông nghe gió - Trần Huy Minh PhươngDốc núi cao cao... - Y NguyênKhóc... - Xuân ĐàiCon nai nhỏ trên đoạn đường gian nan (*) - Trần Trung SángPhan Ngọc - một tấm gương nghiêm túc và tận tụy trong sáng tạo âm nhạc - Trần Ái NghĩaNgủ ở ngoài trời - Cassie Gonzales Vô tình - Phượng HoàngKhất nợ dòng sông Giấc mơ trôi - Nguyễn Ngọc HạnhRơi - Nguyễn Hoàng ThọSự kỳ diệu - Tăng Tấn TàiThơ Vạn LộcBiển - Huỳnh Trương PhátKhí hậu dần biến đổi - Lê HàoThơ Xuân CừLũ chim sẻ - Ngân VịnhĐến làng sen viếng Bác - Hồ Ngọc DiệpBác Hồ - Nguyễn Ngọc PhúKhoảng lặng giêng hai - Trương Công MùiTổng quan về việc đặt tên đường phố ở Tourane/Đà Nẵng từ năm 1902 đến năm 1996 - Bùi Văn TiếngCuộc sống mưu sinh trên sông biển trong dân ca xứ Quảng từ góc nhìn phê bình sinh thái - Trần Thị Ánh Nguyệt, Lê Văn ThắngThi pháp sinh thái của Lý Khắc Uy qua tiểu thuyết Hổ Trung Quốc - Nguyễn Thị Tịnh ThyNhà văn Võ Quảng cây bút xuất sắc về văn học thiếu nhi - Thanh QuếVẽ hoa và xem tranh hoa như thế nào? - Trần Thùy LinhTrầm tích Cu Đê - Vũ HùngHình tượng bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông của Nguyễn Thế Quang - Nguyễn Văn Hùng