Tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thăm Nhà máy sứ Hải Dương, Bác Hồ đề tặng 4 chữ "Cố gắng, tiến bộ" trên chiếc lọ hoa - sản phẩm của nhà máy (ngày 26-7-1962). Ảnh tư liệu
Ngày 11-6-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trước đó, ngày 1-5-1948, Người đã cho ra đời “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”. Hai văn bản tuy khác nhau về thời điểm xuất hiện và dung lượng nhưng đều có cùng một chủ đề, một mục đích: Kêu gọi, động viên và cổ vũ toàn dân, toàn quân ra sức thi đua sản xuất, giết giặc, luyện quân, lập công, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành. Kháng chiến mau thắng lợi để kiến quốc chóng thành công.
Ngày 1-5 là Ngày Quốc tế Lao động, có ý nghĩa chính trị to lớn đối với công nhân, lao động nước ta và các nước trên thế giới. Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại nước ta chỉ mới bắt đầu được hơn một năm, dù khó khăn, thiếu thốn mọi bề, quân và dân ta vẫn đoàn kết chặt chẽ, chung sức chung lòng, gắn chặt hậu phương với tiền tuyến, sản xuất với chiến đấu, vững tin vào đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ, thể hiện qua lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ.
Năm 1948, nền độc lập của nước ta mới gây dựng được 3 năm, vừa mới ra đời đã bị thù trong giặc ngoài bao vây, phá hoại. Đồng bào Nam Bộ chưa được hưởng thành quả độc lập đã phải đương đầu với thực dân xâm lược, làm bức thành đồng cho Tổ quốc. Lại chưa có một quốc gia nào công nhận nền độc lập của nước ta. Đủ thấy khó khăn chồng chất đến mức nào và càng thấy, vì sao Bác Hồ nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, tự lực, tự cường, đồng thời nỗ lực tìm kiếm mọi khả năng khai thông nước ta với quốc tế và thế giới để tăng thêm nguồn lực và sức mạnh. Bác ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” ngày 1-5-1948, nêu cao tầm quan trọng và giá trị của lao động. Bởi thế, ra sức tăng gia sản xuất, tất cả cho chiến đấu và chiến thắng là biểu hiện trực tiếp của lòng yêu nước nồng nàn và đức hy sinh cao cả của mỗi người dân, mỗi chiến sĩ.
Văn bản “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” ngày 1-5-1948 biểu đạt một tư tưởng lớn, một trù tính sáng suốt ở tầm chiến lược, lại hết sức thiết thực-muốn phát triển trước hết phải tồn tại, muốn chiến thắng quân thù trước hết phải có sức chiến đấu, phải bắt đầu từ việc nuôi quân, “ăn no” để “đánh thắng”. Tấc đất tấc vàng, thóc gạo, ngô, khoai, sắn do nông dân cần mẫn làm ra để đóng góp vào việc nuôi quân là thước đo của lòng yêu nước trên mặt trận kinh tế, sản xuất, mà cũng là thước đo của chính trị yêu nước và đoàn kết, của tình nghĩa quân dân như cá với nước. Đủ hiểu vì sao Bác Hồ căn dặn nhà nông: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.
Cảm động biết bao khi Người căn dặn tướng sĩ Quân đội nhân dân: “Đánh giặc là vì nhân dân”, “có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”, bộ đội ta “phải giúp đỡ dân, thương yêu dân”, “dân như nước, quân như cá”, từ bộ đội chủ lực đến bộ đội địa phương và dân quân, du kích phải bám lấy dân, hễ rời dân ra là thất bại. Ta thêm một lần nhận rõ tư tưởng, phong cách Bác Hồ. Đó là phong cách dân chủ, thân dân và trọng dân. Làm cho Bộ đội Cụ Hồ-danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng, tôn vinh-thực sự là bộ đội của dân, do dân và vì dân. Đó là văn hóa chính trị, văn hóa quân sự sâu xa nhất làm nên sức mạnh bách chiến bách thắng của Quân đội ta.
Từ một lời kêu gọi giản dị ấy, ta có thể cảm nhận bao điều về văn hóa chính trị thấm đẫm chất nhân văn của Hồ Chí Minh.
“Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11-6-1948 là một trong những văn kiện chính trị nổi bật, cụ thể hóa đường lối, phương châm của Đảng và của Bác: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến... Văn kiện này là sự tiếp tục, vừa mở rộng vừa nâng cao “Lời kêu gọi thi đua yêu nước”. Khi ta nói, hai lời kêu gọi của Người có chung một mục đích, mục tiêu, thống nhất và đồng nhất, bởi lẽ “yêu nước” và “ái quốc”, “thi đua yêu nước” và “thi đua ái quốc” là một. Nó dẫn tới mối liên hệ hữu cơ, nhân quả: “Thi đua là yêu nước”, “Yêu nước thì phải thi đua” và do đó “Những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Bác Hồ không chỉ là nhà tư tưởng thiết kế lý luận thi đua mà còn là bậc thầy về tổ chức, gây dựng phong trào công phu và tỉ mỉ trong giáo dục, tuyên truyền, vận động thi đua trong thực tiễn đời sống. Người thực sự là tấm gương “nhen lửa cho đời sống mới”, tự mình thực hành thi đua bằng sự tận tụy hy sinh cho dân, cho nước, bằng tấm gương sống giản dị, tiết kiệm, gương mẫu, bằng đức khiêm tốn vĩ đại và cao thượng, bằng tấm lòng bao dung và văn hóa khoan dung với người, với việc, với Đảng, với dân, nhất là tình thương yêu, chăm sóc đặc biệt của Người dành cho Quân đội. Thi đua và tự mình thực hành thi đua yêu nước, ái quốc trong suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh thực sự là “người yêu nước” 100% và cũng là “người cộng sản” 100% như nhận xét của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Người là hiện thân của thi đua yêu nước, do đó, Người cũng là một bậc thầy đầy sức hấp dẫn và tinh tế trong việc truyền lửa sống, truyền cảm hứng vĩ đại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là với thế hệ trẻ. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua thi đua là một lĩnh vực đặc sắc trong di sản văn hóa của Người, cũng là di sản văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh mà chúng ta cần đi sâu nghiên cứu và vận dụng thực hành.
3/4 thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua yêu nước” và “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Người không chỉ giáo dục, nâng cao nhận thức lý luận về thi đua cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà còn công phu gây dựng phong trào, lựa chọn cán bộ chỉ đạo với những chỉ dẫn ân cần, thiết thực và cũng hết sức sâu sắc. Người gửi hàng trăm, hàng nghìn thư khen đồng bào, chiến sĩ, từ cụ già tới em nhỏ, thanh niên trai và gái, ở đồng bằng và miền núi, ở nông thôn, thành thị và mặt trận. Phải sâu sát thực tế và trân trọng, nâng niu giá trị con người như thế nào mới có thể có những việc làm đầy chất nhân văn như thế.
Người lại suốt đời nêu gương, làm gương để mọi người noi theo, làm theo. Đó là bài học quý báu về phương pháp và phong cách mà chúng ta thụ hưởng từ Người.
Chỉ riêng bức thư Người trao đổi cặn kẽ với cụ Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và cử chỉ cùng lời nói của Người với nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, Tổng thư ký do Người lựa chọn, sắp đặt để chỉ đạo phong trào đã đủ nói lên tất cả. Chuyện kể rằng, Bác tặng ông Hoàng Đạo Thúy cái quạt và nói với ông “hãy quạt cho phong trào lớn mạnh lên” đã hàm ý tinh tế trong sự căn dặn của Bác: Phải bắt đầu từ giáo dục, tuyên truyền mà cũng từ đấy tạo ra động lực cho cả phong trào thi đua.
Bản thân Người thường xuyên đi cơ sở, nhất là đến với bà con nông dân ở nông thôn. Những năm cuối đời, Người rất quan tâm, chỉ đạo Phong trào “Người tốt, việc tốt”, tặng hàng nghìn huy hiệu cho những cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu. Hành động đó lấp lánh ánh sáng của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Đó thực sự là ngọn lửa sáng mãi, soi đường cho phong trào thi đua ái quốc của chúng ta từ hôm qua đến hôm nay và mãi mãi về sau.
(QĐND)