Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân

20.04.2017

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân

Dân là chủ, dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh. Dân là chủ và dân làm chủ là vấn đề rộng lớn, xuất phát từ việc đánh giá đúng đắn vai trò của nhân dân và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ trong đó nhân dân lao động là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống bản thân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước lấy dân làm gốc. Địa vị cao nhất là dân; mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Dân là quý nhất, mạnh nhất. "Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân". "Đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân". Trong di sản tư tưởng quý giá, Người có những điều tâm huyết: "Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân".

Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, nhân dân ta từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ là thành quả chứa đựng giá trị lớn nhất của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Vì vậy, "đối với dân, ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy".

Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Nhân dân làm chủ là mục đích, đồng thời là động lực của cách mạng. Làm chủ là quyền thiêng liêng của nhân dân không ai có thể xâm phạm. Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho người dân biết hưởng quyền dân chủ, dám nói, dám làm.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện ở bốn mặt gắn bó mật thiết với nhau: Bảo đảm dân quyền, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, nắm vững dân tâm. Bốn mặt đó là thước đo trình độ làm chủ của nhân dân.

Chăm lo dân quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh là bảo đảm quyền làm chủ về mọi mặt, coi trọng quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Gần 70 năm sau bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 mà quyền công dân được ghi đậm, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến dài về bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

Chăm lo dân sinh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là chú trọng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; là điều kiện cơ bản để thực hành và hoàn thiện dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập, khi mà được ăn no, mặc đủ". Người nói: "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi". Trách nhiệm của Đảng và Chính phủ với tư cách đầy tớ của dân là: "Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân".

Qua hơn 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, nhìn một cách tổng quát, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trên một số mặt, một số lĩnh vực, một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới. Vì vậy, vấn đề đặt ra là: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân" như Người căn dặn trong Di chúc.

Chăm lo dân trí theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Từ những năm hai mươi đến tận cuối đời, Người nhất quán quan điểm "chống nạn thất học và diệt dốt", "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", "dốt thì dại, dại thì hèn", và quan điểm "trồng người", "đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em". Một sự nghiệp "trồng người" như vậy sẽ "làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu nước mạnh, thì mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công việc nước nhà, nên phải nâng cao dân trí.

Chăm lo và nâng cao dân trí hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm vừa cấp bách vừa lâu dài. Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải có một trình độ dân trí ngày càng cao, một đội ngũ nhân tài đông đảo. Nếu con người là tài nguyên quý giá nhất thì trí tuệ con người phải được đặt lên hàng đầu và luôn được bồi đắp. Phát triển kinh tế, đổi mới xã hội, hoàn thiện dân chủ phải bắt đầu từ nguồn lực quý báu là trí tuệ.

Nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: Hiểu rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Quan điểm cách mạng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "có dân là có tất cả, mất dân là mất hết". "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không xong". "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra". "Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại". Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng dân tâm, dân tình, dân ý, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Hiện nay, trước những thách thức, có mặt diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, các tổ chức đảng và các cấp chính quyền phải tập trung giải quyết những bức xúc, cũng như những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích của dân, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân bằng cách hướng dẫn, tạo cơ chế để nhân dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ, giúp nhân dân thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi chính đáng./.

PGS.TS. Bùi Đình Phong

(Theo Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước)