Bác Hồ “lẩy Kiều” để tăng sức biểu cảm
Lẩy Kiều là lấy ra một cụm từ, câu, cặp câu trong Truyện Kiều, có thể giữ nguyên hoặc thay đổi để biểu hiện một nội dung mới phù hợp với ngữ cảnh. Bằng hình thức lẩy Kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên sự phong phú, sinh động và hấp dẫn khi chuyển tải những câu chuyện thời sự, chính trị.
Với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
Với đồng bào, chiến sĩ cả nước, Người thường xuyên sử dụng lẩy Kiều trong công tác tuyên truyền, làm nổi bật những vấn đề cần nhấn mạnh. Ngày 22-12-1954, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát chặng đường trưởng thành của Quân đội ta với những vinh quang và cũng không ít khó khăn, gian khổ gắn liền với lịch sử dân tộc: Quân ta công trạng lớn lao/ Mười năm lịch sử biết bao nhiêu tình!
Trong công cuộc chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vấn đề cấp thiết đặt ra là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tất cả hướng về tiền tuyến. Năm 1960, khi nói chuyện về vấn đề "Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?", Chủ tịch Hồ Chí Minh khéo léo nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ cả nước: Trăm năm trong cõi người ta/ Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/ Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.
Thực hành tiết kiệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với công cuộc xây dựng, tái thiết đất nước. Người từng khẳng định: “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sự sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn. Cần phải chấm dứt nạn phô trương, lãng phí ấy” (2). Tiết kiệm là yêu nước, nhiệm vụ chung của mọi gia đình và xã hội. Ngày 1-5-1964, tại Đại hội Liên hoan Phụ nữ “5 tốt” toàn miền Bắc họp tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích điều thứ 5 trong phong trào "5 tốt" về vấn đề xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái. Người nhấn mạnh vai trò của gia đình, có gia đình nhỏ, gia đình lớn và đại gia đình chủ nghĩa xã hội: Lọ là thân thích ruột rà/ Công nông thế giới đều là anh em.
Trong gia đình nhỏ, trẻ em là mầm non, chủ nhân tương lai đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu nhi cả nước. Nhân dịp Tết Trung Thu 1954, Bác viết thư gửi các cháu thiếu nhi: Đến ngày Nam, Bắc một nhà/ Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng.
Trong công tác binh vận, địch vận
Công tác binh vận, địch vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thực chất là công tác tuyên truyền, vận động, tranh thủ, lôi kéo những người Việt Nam vì những lý do khác nhau đang cầm súng, làm việc cho Mỹ, ngụy trở về với dân tộc, đứng lên cùng nhân dân chống xâm lược và bè lũ tay sai phản động.
Với những người lính bên kia chiến tuyến, trong “Thư gửi binh sĩ thuộc chính quyền miền Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ bộ mặt lừa bịp của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm khi tiến hành chiến tranh, chia cắt đất nước. Người dẫn ra những tấm gương giác ngộ, dám đứng lên chống lại cái xấu, cái ác; giúp Quân Giải phóng giành thắng lợi ở Hiệp Hòa, Kon Tum, Vĩnh Long… Người thúc giục những người lính bên kia chiến tuyến hành động vì lợi ích của đất nước: Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Công tác binh vận, địch vận là sự kế thừa truyền thống đánh giặc của lịch sử dân tộc. "Thư gửi binh sĩ thuộc chính quyền miền Nam" là áng văn chính luận đanh thép, là hình bóng từng xuất hiện trong Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi. Bức thư là hình thức tuyên truyền gắn bó giữa tư tưởng nhân nghĩa, đoàn kết dân tộc và thể hiện tinh thần “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”.
Đoàn kết quốc tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thực hiện đoàn kết dân tộc phải gắn liền với đoàn kết quốc tế. Đoàn kết dân tộc là cơ sở thực hiện đoàn kết quốc tế. Đoàn kết quốc tế là nhân tố thường xuyên và quan trọng giúp cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Người thường xuyên đón tiếp các đoàn đại biểu quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam, góp phần khẳng định mối quan hệ gắn bó mật thiết với các quốc gia trên thế giới.
Ngày 24-5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong buổi tiễn Nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov: Quan san muôn dặm một nhà/ Vì trong bốn biển đều là anh em.
Tinh thần đoàn kết quốc tế “anh em” được khẳng định trong suốt chiều dài cách mạng dân tộc. Đại hội Đảng lần thứ III diễn ra từ ngày 5-9 đến 10-9-1960 tại Hà Nội, tham dự đại hội, ngoài các đại biểu đại diện cho các đảng viên trong cả nước còn có sự góp mặt của hơn 16 Đảng cộng sản và các tổ chức quốc tế khác. Trong không khí đoàn kết quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em.
Cách lẩy Kiều của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại không khí văn chương gần gũi, thân mật, thú vị, tăng hiệu quả ngoại giao. Trong buổi tiễn Tổng thống Sukarno tại sân bay Gia Lâm, Người sử dụng phương pháp lẩy Kiều nói về sự nhớ thương của nhân dân In-đô-nê-xi-a với vị lãnh tụ khi sang thăm và làm việc tại Việt Nam: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Trông mòn con mắt, phương trời đăm đăm!
Người thay mặt nhân dân Việt Nam nói lên tình cảm quyến luyến với Tổng thống Sukarno: Nhớ nhung trong lúc chia tay/ Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo người/ Người về Tổ quốc xa khơi/ Chúc người thắng lợi, chúc người bình an!
Ngày 10-3-1963, trong buổi tiếp đón nhà vua Lào Xri Xavang Vatthanna, Người phát biểu về sự gắn bó, gần gũi giữa hai quốc gia: Bức tường nô lệ chắn ngang/ Tuy trong gang tấc, gấp ngàn quan san/ Bấy lâu cách trở quan hà/ Từ nay Lào-Việt rất là gần nhau.
Vận dụng Truyện Kiều trong công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả ngoại giao, góp phần giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc đến các quốc gia trên thế giới. Đây là hướng tiếp cận độc đáo, thể hiện sự linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang đến màu sắc mới trong công tác tuyên truyền. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo Truyện Kiều nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung giúp hoàn thành tốt công tác tuyên truyền giáo dục, định hướng tư tưởng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
----------------
(1) Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tập 5, tr.162.
(2) Hồ Chí Minh-Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2009, tập 6, tr.500.
NGUYỄN ĐỨC HÀ
(qdnd.vn)