Tư tưởng chính trị pháp lý Hồ Chí Minh

02.03.2015

Tư tưởng chính trị pháp lý Hồ Chí Minh

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo tư tưởng chính trị pháp lý Hồ Chí Minh là một phương hướng rất quan trọng hiện nay. Tư tưởng chính trị pháp lý của Hồ Chí Minh gồm: Công dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh; Nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh; Đảng cầm quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Công dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng công dân của Hồ Chí Minh có cội nguồn sâu sắc, kế thừa tinh hoa lịch sử tư tưởng nhân loại tiến bộ, truyền thống văn hiến Việt Nam, mang đầy đủ hơi thở của thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là người Việt Nam có tư tưởng công dân sớm nhất, người đấu tranh kiên cường cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên chế độ dân chủ cộng hòa, mà còn là người đấu tranh để ghi nhận và thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta và nhiều văn bản pháp luật khác, tạo nền tảng cho toàn bộ hoạt động lập hiến, lập pháp, lập quy của Nhà nước ta.

Cùng với Tuyên ngôn Độc lập (ngày 02-9-1945), Hiến pháp năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý để khẳng định quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và tự quyết của dân tộc Việt Nam; đồng thời khẳng định quyền tự do dân chủ của công dân; xác định những nguyên tắc lập hiến về chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam như nguyên tắc tôn trọng các quyền con người; nguyên tắc tất cả các công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và bình đẳng trước pháp luật; nguyên tắc quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; nguyên tắc nhân đạo; nguyên tắc xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, bảo đảm tính hiện thực của quyền và nghĩa vụ công dân.

Tư tưởng công dân, ý thức công dân, hài hòa trong nhân cách công dân Hồ Chí Minh, được thể hiện sinh động trong cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập của Người; một người luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, lý luận và thực tiễn, học và hành, nói ít làm nhiều, luôn gương mẫu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Ở cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước, Người vẫn luôn xác định: “Bất cứ nấu bếp, quét nhà, hay làm chủ tịch, đều phải lao động cả, làm gì ích nước, lợi dân là vẻ vang”(1). Có thể coi đây là sự thể hiện tập trung tư tưởng công dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người công dân số 1.

Ngay trong những năm tháng gian khổ của cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy chế Công chức, coi công chức là công dân đảm nhận chức vụ nhà nước, là công bộc của nhân dân, chứ không phải là “quan cách mạng” (Xem sắc lệnh số 76-SL, ngày 20-5-1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành quy chế công chức). Quy chế công chức Việt Nam ghi rõ: “Công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân, dưới sự lãnh đạo tối cao của Chính phủ.

Vậy người công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi Người hiểu rất rõ rằng, không ai khác mà chính người lãnh đạo khi có chức có quyền, nắm tiền là dễ thoái hóa, biến chất nhất, dễ trở thành “quan cách mạng” nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu cao và nghiêm khắc với cán bộ đảng viên, mà trước hết Người đòi hỏi cao ở bản thân, nghiêm khắc với bản thân, làm chủ bản thân. Kêu gọi đồng bào “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Người nói: “Tôi xin thực hành trước”(3) và thực hành kiên quyết không phá lệ với bất cứ lý do nào. Kêu gọi đồng bào tập thể dục: “Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”. Bác cũng nêu gương đi trước: “Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”(4). Kêu gọi đồng bào diệt giặc dốt:

“Quốc dân Việt Nam

Muốn giữ vững nền độc lập

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu”

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”(5).

Nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong tổ chức quyền lực nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính hợp hiến, hợp pháp của bộ máy Nhà nước, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động nhà nước; chống quan liêu, tham nhũng, lạm quyền.

Ngay từ những năm 1922, Người diễn đạt bản yêu sách 8 điểm thành “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó hai câu được nhiều nhà nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chú ý:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(6).

Năm 1926, Người lại gửi cho Hội Vạn quốc một yêu sách nữa, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, đòi quyền độc lập hoàn toàn của dân tộc Việt Nam. “Nếu được độc lập ngay thì nước chúng tôi:

… Sắp đặt một nền hiến pháp về phương diện chính trị và xã hội theo những lý tưởng dân quyền. Luật kính trọng những cái thiểu số của chủng loại (Nghĩa là không xâm phạm đến những dân tộc nhỏ như Lào, Cao Miên), biết tôn sùng sự làm ăn, cốt để lập nên một nền Đông Dương liên bang dân chủ”(7).

Khi chưa giành được độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy trước hình dáng của Nhà nước ta: Nhà nước dân chủ nhân dân; phải có hiến pháp theo lý tưởng dân quyền, lấy lao động làm cơ sở và chú trọng bảo vệ quyền lợi của người lao động; một hiến pháp của Nhà nước độc lập biết tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc khác.

Và chỉ sau một ngày Người đọc Tuyên Ngôn Độc lập (ngày 02-9-1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người nêu rõ sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà Người gọi là “sáu vấn đề” cấp bách hơn cả, vấn đề Hiến pháp và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của công quyền đã được người trực tiếp đề ra và giải quyết. Người nói: “Vấn đề thứ ba. - Trước kia chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…”(8). Như vậy, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, cũng như suốt thời gian hoạt động cách mạng, hoạt động Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước kiểu mới, thực sự của dân, do dân và vì dân đã được thể hiện rõ nét và nhất quán.

Nhà nước mang đặc trưng dân tộc Việt Nam, thành lập không chỉ trên cơ sở giai cấp (lấy liên minh công - nông làm nền tảng, do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo) mà còn trên cơ sở dân tộc, trên nền tảng của đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công

Nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân, bảo đảm các quyền tự do dân chủ; Mục tiêu của Nhà nước: độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

“Việt Nam dân chủ cộng hòa

Độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Cơ sở để đại đoàn kết toàn dân là Nhà nước phải lấy lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân làm cơ sở hoạt động. Các mục tiêu đề ra phải cụ thể, thiết thực.

“1. Mục đích: Làm cho người nghèo thì đủ ăn.

Người đủ ăn thì khá giàu.

Người khá giàu thì giàu thêm.

Người nào cũng biết chữ,

Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước.

2. Cách làm: Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân.

Không phải chính phủ xuất tiền ra làm.

Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động.

Vì vậy những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã, v.v…

Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc tốn ít tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”(9).

Tính thiết thực ở đây là tất cả mọi việc đều nhằm phục vụ con người, ích quốc, lợi dân. Ngay sau Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946, ngày đầu tiên trong lịch sử nước ta, người dân Việt Nam thực hiện quyền dân chủ của mình, một ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc gồm 41 ủy viên đã được thành lập. Ngày 10-01-1946, tại cuộc họp đầu tiên của ủy ban này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định mạnh mẽ phải thực hiện ngay các quyền dân sinh, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

“Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói chết rét thì tự do, độc lập cũng chẳng làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập, khi dân được ăn no, mặc đủ, chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn;

2. Làm cho dân có mặc;

3. Làm cho dân có chỗ ở;

4. Làm cho dân có học hành.

Cái mục đích của chúng ta là đi đến bốn điều đó. Đi đến để cho dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”(10).

Trong tổ chức bộ máy nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng sự lựa chọn, sự kế thừa; coi trọng tính hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước. Trên cơ sở nhiệm vụ thực tiễn mà sắp xếp tổ chức và lựa chọn, bố trí con người. Bố trí con người vào bộ máy nhà nước dựa trên tài năng, đức hạnh, trên cơ sở thành tích trong công tác thực tiễn, tài năng và lòng trung thành với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt, thực sự của dân, do dân, vì dân, người chú ý tới toàn diện các yếu tố từ lập pháp, hành pháp và tư pháp; giữa trung ương, địa phương và cơ sở, cho đến từng người dân. Nhưng khâu then chốt của hoạt động nhà nước, sức mạnh của nhà nước nằm ở hành pháp. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lọc, rút kinh nghiệm từ tổ chức bộ máy nhà nước của Cộng hòa Pháp, Mỹ, Xô-viết, Trung Hoa... để xử lý vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước rất hiện đại, nhưng cũng rất Việt Nam; bộ máy đó không đập tan Nhà nước cũ, mà chọn lọc, sử dụng một cách hiệu quả vào bộ máy mới, Nhà nước mới. Trong sự nghiệp mới mẻ này, đòi hỏi phải học tập rất nhiều, vừa làm vừa học, nhất là “kỹ thuật hành chính”.

Trong phương thức hoạt động của Nhà nước, Người không chỉ đề cao pháp luật, tạo khuôn khổ pháp luật cho hoạt động nhà nước (trong thời gian hoạt động nhà nước 1945 - 1969, Người đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng hai bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959 và nhiều văn bản pháp luật khác; ký 613 sắc lệnh, trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức Nhà nước hình thành một thể chế Nhà nước kiểu mới) (11) và gương mẫu chấp hành pháp luật mà còn đề cao đạo đức của người cầm quyền: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, bè phái, cục bộ địa phương, gia đình trị, “quan cách mạng”, quan liêu, tham ô và lãng phí. Người kết hợp dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện; kết hợp sức mạnh của từng người với sức mạnh của cộng đồng, của tập thể, của Nhà nước, của toàn dân; sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sức mạnh của truyền thống và hiện đại tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng những kẻ thù hung bạo nhất của nhân loại, giành lấy quyền dân tộc, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân quyền. Để huy động toàn dân, người còn coi trọng cả phương thức dân vận trong hoạt động nhà nước. Người quan niệm “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”(12). Công tác dân vận không phải chỉ là công việc của Mặt trận Tổ quốc, các Ban Dân vận, mà phải là công việc của tất cả các cấp chính quyền. Trả lời câu hỏi “Ai phụ trách dân vận?” Người viết: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả các hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh,…) đều phải phụ trách dân vận”(13). “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”(14). Như vậy phương thức thực thi quyền lực Nhà nước mặc dù vẫn giữ được đặc trưng là bằng pháp luật, nhưng thực chất lại là phương thức tổng hợp, có hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới tính khách quan, vô tư, công bằng của công quyền. Câu chuyện sau đây là một dẫn chứng: Cuối năm 1945, khi giao việc cho đồng chí Lê Giản sang phụ trách ngành Công an (lúc đó còn gọi là Liêm phóng), Bác Hồ nói: “Trung ương quyết định chú sang làm Liêm phóng. Bác lưu ý chú phải “thiết diện, vô tư, 4 chữ thôi”, rồi người giải thích: thiết diện là mặt sắt, vô tư là không thiên vị, nghĩa là phải hết sức công minh. Chú làm cái nghề này mà không “thiết diện vô tư” thì Bác sẽ thiết diện vô tư với chú! (Hồi ký của đồng chí Lê Giản)”(15). Để có Nhà nước pháp quyền đất nước đang cần không chỉ một Bao Công mà một đội ngũ Bao Công.

Đảng cầm quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Một trong những nội dung cơ bản xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước là vấn đề Đảng cầm quyền, sự phân biệt chức năng Đảng và chính phủ, sự phối hợp công tác Đảng và công tác Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm Nhà nước giống V. Lê-nin. Coi chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Coi Nhà nước là một hệ thống mà Đảng là một bộ phận đóng vai trò lãnh đạo hoạt động nhà nước về chính trị. Cần chống quan điểm tách rời Đảng và Nhà nước; hoặc biến Đảng thành một “siêu Nhà nước”, Nhà nước trên Nhà nước. Đây phải chăng là điều có thể lý giải vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng “Đảng và Nhà nước”, mà thường dùng “Đảng và Chính phủ”. Vì vậy, nên sử dụng cụm từ thuật ngữ “Đảng và Chính phủ” hoặc “Đảng và Chính quyền” thay cho cụm thuật ngữ “Đảng và Nhà nước” sẽ chính xác hơn bởi Đảng cầm quyền là hạt nhân chính trị của Nhà nước.

Quan niệm về Nhà nước của V.I. Lê-nin (16) “Nhà nước = giai cấp công nhân, đội tiền phong của nó, sức mạnh tổ chức và văn hóa được kết tinh lại của nó”.

Nét nổi bật trong cách nghĩ, cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tạo nên sự thống nhất cao độ giữa Đảng và Chính phủ trong thiết chế nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giữa Đảng và Chính phủ có chung mục đích là đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Sự khác nhau giữa Đảng và Chính phủ chủ yếu là về chức năng, và phương thức thực thi quyền lực. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đảng được tổ chức chặt chẽ, thống nhất, có tính kỷ luật cao, từ trung ương tới cơ sở theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; Chính phủ là chính quyền hành pháp, hành chính, có nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng xây dựng vào trong cuộc sống bằng phương thức thực thi pháp luật công minh, công bằng để mưu lợi ích cho dân tộc, cho nhân dân. Công tác Đảng thực chất là đem tinh thần Đảng vào mọi công việc. Do vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Chính phủ và các cơ quan công quyền không làm yếu mà trái lại nâng cao hiệu lực của các cơ quan công quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ tối cao của Đảng cũng chính là vị lãnh tụ tối cao của Chính phủ (Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước thống nhất ở một con người).

Để hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình, Đảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức của giai cấp, dân tộc; phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thực tiễn Việt Nam và thời đại; luôn luôn học tập nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, biết tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo để đề ra đường lối chính trị đúng, đường lối tổ chức cán bộ đúng và lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh thắng lợi.

Đảng vì vậy phải trở thành lực lượng đại diện cho lợi ích và trí tuệ của toàn dân. Đảng phải tiền phong gương mẫu, nhất là trong giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đó là cơ sở của Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước là một hệ thống nhất quán: tư tưởng công dân, Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Tư tưởng đó xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động nhà nước của Người. Tư tưởng đó gợi cho chúng ta rất nhiều điều phải suy nghĩ về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay./.

-------------------------------------------------------------

Chú thích

(1)     Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, H, 1980, tập 02, tr. 51

(2)     Chế độ công chức và luật công chức của các nước trên thế giới,Trung tâm nghiên cứu khoa học và thông tin Ban Tổ chức cán bộ Chính ph, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1993, tr. 129

(3)     Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, H, 1984, t. 04, tr. 27

(4)     Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 122

(5)     Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 28 - 29

(6)     Nguyễn Ái Quốc, Báo Nhân dân, ngày 30-01-1977, tr. 01

(7)     Hội luật gia Việt Nam - Pháp lý phục vụ cách mạng 1945 - 1975, tr. 278

(8)     Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 5

(9)     Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 287

(10)   Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 87 - 88

(11)   Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, H, 1993, tr. 123

(12)   Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 300

(13)   Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 301

(14)   Hồ Chí Minh: Sđd, t. 04, tr. 301

(15)   Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, H, 1993, tr. 214

(16)   V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, t. 45, tr. 468

TS. Nguyễn Văn Thanh

Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử