Cây đa kiên trì

06.11.2013

Cây đa kiên trì


Theo lối chính, trên con đường tới nhà sàn của Bác Hồ, khách thăm quan tới ngay góc ngã ba, cạnh một khóm tre tươi tốt có một cây đa lớn nằm bên tay trái, dáng vẻ rất lạ. Cây đa này, sườn bên phải có một rễ phụ rất dài và lớn (thật ra, gồm hai rễ phụ quấn chặt vào nhau), sườn bên trái có hai rễ phụ hơi xa nhau, ngắn hơn và nhỏ hơn rễ phụ sườn bên phải. Các rễ phụ từ các cành cao đâm thẳng xuống đất, trong đó một rễ có độ nghiêng khá lớn. Vì thế, dù theo nhánh đường nhỏ nào ở hai bên sườn cây đa để ra con đường ven ao cá hướng tới ngôi nhà sàn thì khách tham quan cũng đều đi dưới một rễ đa - tức là một rễ đa vắt chếch phía trên đầu. Rễ phụ, cành và thân đa tạo thành một cái khung tựa vòm cổng. Hai nhánh đường nhỏ, mỗi nhánh đi qua một vòm cổng tự nhiên do cây đa tạo thành. Chọn đúng khoảng cách và vị trí đứng thích hợp để ngắm, khách tham quan sẽ thấy cây đa có dáng vẻ rất đẹp. Nếu không có mấy rễ phụ to, cao, kéo nghiêng xuống thì cây đa sẽ không có được dáng vẻ đẹp rất lạ ấy.

Khi làm việc tại nhà sàn, Bác Hồ thường đi lại trên con đường có cây đa nói trên. Lúc đó cây đa chưa có rễ phụ to, cao, dáng đẹp như chúng ta thấy ngày nay và không phải ngẫu nhiên mà cây đa có được những rễ cây này.

Khoảng tháng 9-1965, anh em làm vườn thấy hai rễ đa nhỏ từ trên cành buông xuống lơ lửng cách mặt đường không xa. Vì lo hai rễ phụ này lớn dần thêm và dài xuống làm vướng lối đi lại của Bác, nên anh em phục vụ định cắt bỏ rễ đó đi. Biết được ý định đó, Bác không tán thành và gợi ý: nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất, nhưng sao cho rễ đa không vướng lối đi mà còn có thể tạo cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Mặc dù anh em phục vụ đã hiểu được ý của Bác và không cắt bỏ hai cái rễ phụ nữa, nhưng vẫn chưa tìm được cách nào để thực hiện yêu cầu ấy.

Mấy ngày sau, Bác Hồ vẫn nhớ chuyện hai cái rễ đa và lại hỏi anh em phục vụ. Anh em thưa với Bác là chưa tìm được cách làm hợp lý và Bác đã bày cho mọi người cách làm như sau: Chẻ đôi một cây bương, đục rỗng những mấu bên trong, sau đó cho đất xốp vào lòng cây bương, ốp rễ đa vào giữa rồi dùng dây buộc chặt cây bương đó lại. Cây bương được chôn xuống đất và phải thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho rễ đa. Rễ đa nhờ có đủ độ ẩm sẽ phát triển nhanh. Khi rễ đa chạm đất, Bác nhắc anh em phục vụ vun đất cho rễ và tiếp tục chăm sóc. Làm theo cách Bác Hồ hướng dẫn, thời gian bén đất của rễ cây sẽ ngắn hơn, đồng thời hướng được rễ theo chiều ta muốn. Những rễ đa này sau khoảng ba năm (1965-1968) thì bén đất.

Khi hoàn thành công việc kéo rễ đa xuống đất, anh em phục vụ đến báo cáo kết quả với Bác, Bác vui vẻ nói: “Các chú thấy đấy, con người hoàn toàn có khả năng chinh phục và cải tạo được thiên nhiên, tuy công việc đó rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm cao”.

Sau này, cây đa lại có thêm hai rễ phụ nữa (hai rễ cách xa nhau chứ không xoắn chặt làm một) do các đồng chí phục vụ kéo thêm với phương pháp kể trên. Nhớ lời Bác nói khi hoàn thành công việc, anh em phục vụ đặt tên cho cây đa này là cây đa kiên trì, bởi làm cho rễ phụ của cây đa bén đất dù nhanh cũng phải cần thời gian tính bằng mấy năm, nhưng kiên trì thực hiện lời Bác dạy nhất định sẽ thành công.

Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn