Trúc Cương, rượu và thơ

02.07.2018

Đó là một người đàn ông nhỏ thó, gầy đen, khoảng bốn mươi tuổi, áo quần nhầu nhĩ, luộm thuộm và thực tình, có vẻ không chú trọng nhiều đến hình thức cho lắm. Tôi mang máng, hồi đó hình như anh còn có một chiếc răng bọc vàng nên có cảm giác như đó là một người dân tộc thiểu số vùng cao.
Tôi biết nhà thơ Trúc Cương muộn. Mãi đến cuối năm 1976 chúng tôi mới giáp mặt nhau lần đầu, đó là khi nhà xuất bản Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa được thành lập. 

Trúc Cương, rượu và thơ

Khi ấy tôi đang công tác tại văn phòng Bộ Văn hóa, giúp lãnh đạo Bộ theo dõi mảng văn hóa miền núi và các dân tộc thiểu số thì nhà thơ Nông Quốc Chấn, thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm nhiệm giám đốc nhà xuất bản văn hóa dân tộc giao nhiệm vụ mới cho tôi với cương vị trưởng phòng quản lý xuất bản.

Tiền thân của nhà xuất bản văn hóa dân tộc là nhà xuất bản Việt Bắc, thuộc khu tự trị Việt Bắc, trước đóng trên Thái Nguyên. Năm 1975 khi các khu tự trị giải thể thì hầu hết các tổ chức kinh tế, chính trị cũng như văn hoá các khu tự trị phải giải thể. Tuy nhiên theo đề xuất của Bộ Văn hóa và được chính phủ đồng ý thì riêng các đoàn nghệ thuật, các trường văn hóa- nghệ thuật, nhà bảo tàng và nhà xuất bản Việt Bắc được phép giữ lại và do Bộ Văn hóa trực tiếp quản lý. Nhà xuất bản Việt Bắc được đổi tên là nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Vì không còn bó hẹp trong phạm vi 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang và Thái Nguyên như cũ, mà chức năng, nhiệm vụ và đối tượng được mở rộng ra phạm vi các khu vực miền núi và đồng bào các dân tộc cả nước nên biên chế nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, ngoài số cán bộ cũ từ nhà xuất bản Việt Bấc theo về đã kịp thời được bổ sung thêm một số cán bộ người dân tộc bên Tây Bắc và dọc Trường Sơn. Riêng khu vực Tây Nguyên chưa có ai mà công việc lại cần nên một lần nhà thơ Nông Quốc Chấn bảo tôi:  “Nhà xuất bản không thể thiếu người dân tộc lo mảng văn hóa – văn học Tây Nguyên. Mình để ý nhưng chưa thấy có ai nên nghĩ ,trước mắt có Trúc Cương. Trúc Cương là người Kinh nhưng đã nhiều năm làm việc trong đoàn văn công Tây Nguyên nên khá am hiểu văn hóa khu vực này, hơn nữa lại là nhà thơ, viết nhiều về Tây Nguyên nên mình có dặn Trúc Cương đến gặp anh Thắng để lo thủ tục”

Ngay ngày hôm sau Trúc Cương đến gặp tôi, tự giới thiệu. Đó là một người đàn ông nhỏ thó, gầy đen, khoảng bốn mươi tuổi, áo quần nhầu nhĩ, luộm thuộm và thực tình, có vẻ không chú trọng nhiều đến hình thức cho lắm. Tôi mang máng, hồi đó hình như anh còn có một chiếc răng bọc vàng nên có cảm giác như đó là một người dân tộc thiểu số vùng cao. Bù lại, trên khuôn mặt nhàu nát của anh lại toát lên vẻ hiền lành, cởi mở và nhất là sự chân thành nên rất dễ gây cảm tình cho người tiếp xúc. Anh đưa tập hồ sơ lý lịch cá nhân của anh cho tôi, nhân đó anh tặng tôi một tấm bưu ảnh phong cảnh núi rừng của nước ngoài. Sau bưu ảnh là lời đề tặng của anh với chữ kí rất bay bướm mà tôi nhớ, chữ G cuối cùng không đi xuống mà uốn lượn bay vút lên cao. Hẳn anh muốn rồi mọi sự trong đời sẽ luôn suôn sẻ và thuận lợi?

Sau đó chúng tôi luôn có dịp gặp gỡ trò chuyện, tâm sự. Bộ Văn hóa có phân cho nhà xuất bản 5 gian nhà tường trát, mái lợp phi-brô-xi măng ngay trong khu văn công Cầu Giấy, tạm có chỗ làm nơi làm việc, giao dịch. Nhà riêng của Trúc Cương, do trước đây anh cũng là cán bộ đoàn văn công Tây Nguyên, nên cũng được phân một gian trong khu đó. Tôi nhà riêng ở xa nên buổi trưa hay ghé qua nhà anh rồi thân thiết cả với gia đình anh.

Từ ngày có Trúc Cương về làm việc mối quan hệ giữa nhà xuất bản với các nhà văn, nhà nghiên cứu về mảng văn hóa – văn học Tây Nguyên dần được thiết lập nên chỉ sau có mấy tháng nhà xuất bản đã kịp ra mắt 2 cuốn sách về Tây nguyên. Đó là cuốn Trường ca Đam San do Đào Tử Chí sưu tầm, biên soạn, và tập bút kí Tây nguyên mùa càycủa Bùi Bình Thi rất được hoan nghênh.

Chị Son, vợ Trúc Cương, là một phụ nữ tháo vát nhưng tính tình tuệch toạc ít để bụng chuyện gì, nói ầm ầm như cãi nhau xong lại như quên ngay. Nhiều khi có khách đến nhà thì chị họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu  nhiều khi vẫn cứ ào ào kể tội chồng, nào là chỉ rượu chè không biết lo gia đình. Biết tính vợ, nên mặc Son nói gì cứ nói, ngồi ngay đấy nhưng Trúc Cương ít bận tâm hoặc cùng lắm chỉ ừ hữ trong miệng.

Nói tới Trúc Cương khiến tôi lại nhớ đến một bài thơ của Trịnh Thanh Sơn. Đây là một bài thơ ngắn có mấy câu chủ yếu viết tặng Trần Vũ Mai, nhưng qua đó phần nào nói về những nhà thơ rượu một bên và thơ một bên, nay đã người còn, người mất: Một nửa đời Mai thơ đã nuốt/ Nửa đời sau rượu uống nốt Mai rồi/ Rót một chén này, đưa Định Nguyễn/ Hà Nội còn Tạ Vũ, Trúc Cương, Tôi... (nhưng theo Đàm Khánh Phương, riêng ở  câu cuối, ban đầu Trịnh Thanh Sơn viết: Hà Nội còn Tạ Vũ, Trúc Cương thôi nhưng nghĩ thế nào sau đó Sơn thay chữ Thôi bằng chữ Tôi )

Trúc Cương là người ham rượu, lúc nào cũng ngất ngưởng. Ngoài giờ làm việc muốn tìm anh chỉ ra mấy quán rượu quen. Nhiều người bảo anh nát rượu. Khổ nỗi, Trúc Cương nghèo, lương cán sự bậc thấp cũng chẳng bao nhiêu. Mỗi lần lĩnh lương xong phải đem hết về đưa vợ. Son đang học tiếp Đại học Sân khấu Điện ảnh và nuôi hai con nhỏ đang đi học. Chỉ dám găm lại chút nhuận bút. Nhưng ngày ấy đâu có nhiều báo đăng thơ như bây giờ, chỉ vài tháng may lắm mới có một bài thơ được đăng.

Việc anh uống rượu anh không dấu ai mà cũng chẳng dấu được ai. Không biết có phải anh mượn rượu để lấy cảm hứng sáng tác? Nhưng với tôi chưa bao giờ thấy anh rượu vào rồi sau đó ngồi ngay vào bàn viết. Hay anh có điều phiền muộn trong lòng phải lấy rượu giải khuây? Cũng chẳng phải. Vợ đảm, con ngoan, lương tháng ổn định, anh em hòa thuận, chẳng gây thù chuốc oán với ai. Anh thích vậy thôi và mỗi khi uống rượu thì anh thường có bên cạnh một vài người bạn mà ít khi ngồi một mình.

Một lần tôi có bài đăng trên Văn Nghệ quân đội, Trúc Cương biết hỏi tôi - “Cậu lấy nhuận bút chưa?”. Rồi Trúc Cương lấy xe đạp bảo tôi – “Để mình lĩnh hộ” Rồi anh sốt sắng đèo tôi đi. Tưởng đến tòa soạn báo ở phố Lý Nam Đế, nhưng mới đến Ngõ Trạm thì anh đưa vào một quán rượu bảo là chỗ anh hay uống, dặn tôi ngồi chờ. Trong túi tôi không có tiền nên rất lo, ngộ lỡ anh quay lại mà không lĩnh được thì gay, mà Trúc Cương thì bao giờ trong túi cũng rỗng. Nhưng may, hơn nửa tiếng sau thì Trúc Cương quay lại. Cùng đến tôi còn thấy có cả Ngô Thảo và Ngô Vĩnh Bình, hai nhà văn quân đội. Trúc Cương gặp hai anh ở tòa soạn nên rủ cùng đi luôn. Trúc Cương dúi nắm tiền vào túi tôi rồi hồ hởi kêu bà chủ đem rượu. Bốn anh em bù khú suốt mấy tiếng đồng hồ mà khi thanh toán chỉ mấy đồng. Thì ra cũng chỉ có chai rượu, đĩa lạc và mấy bìa đậu phụ. Ngày ấy cuộc sống đạm bạc nhưng sao ấm cúng mà vui.

Cũng quanh chuyện rượu với Trúc Cương mà có lần tôi bị vợ Trúc Cương trách oan. Một buổi chiều Trúc Cương đi đâu về ghé qua tôi rủ đi làm chén rượu. Ngồi chừng nửa tiếng Cương đứng lên bảo hôm nay nhà có việc rồi dắt xe đi. Mấy hôm sau vừa gặp tôi vợ Trúc Cương đã trách ngay: - “Hôm nọ anh cho nhà em uống nhiều rượu lắm phải không?”. Tôi nói có nhưng chỉ một chén. – “Thế mà ông ấy lơ mơ đến suốt cả ngày hôm sau. Hôm ấy em đã dặn đi đâu cũng nhớ phải về sớm, vậy mà ông ấy làm cả nhà phải đợi mãi. Đến khuya cũng không thấy về nên ba mẹ con không chờ được phải đi ngủ trước. Ông ấy về lúc nào cũng chẳng ai hay. Nửa đêm thấy tiếng ngáy tưởng có trộm cả nhà giật mình tỉnh dậy. Thì ra ông ấy về lúc nào, say quá cứ thế lăn ra sàn nhà ngủ, không còn đủ sức để leo lên giường…”. Sau này Trúc Cương nói lại, khi từ chỗ tôi về, anh lại có bạn, lại rủ nhau vào quán. Không biết đã là mấy giờ nhưng lúc đứng lên thì Cương đứng không vững. Bạn phải dìu về. Nhưng anh này cũng sợ vợ Trúc Cương nên chỉ dám đưa bạn về đến cửa nhà rồi chuồn thẳng.

Năm 1977 Bùi Bình Thi có tập bút kí Tây Nguyên mùa cày in ở Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Sách do Trúc Cương biên tập. Sách chỉ mới giao cho bên Tổng công ty phát hành sách được ít hôm tôi đã thấy Trúc Cương săn đón: “Có nhuận bút cho Bùi Bình Thi chưa cậu?”. Rồi anh dặn: “Nhớ giải quyết sớm hộ mình nhé”.

Tôi nghĩ, chắc Bùi Bình Thi đang rất cần tiền để chi vào khoản gì đó nên phải nhờ Trúc Cương. Tôi làm việc với tài vụ linh động giải quyết sớm cho tác giả. Mấy ngày sau Trúc Cương tìm tôi nói nhỏ: - “Bùi Bình Thi nhờ tôi mời ông đến uống mừng Tây nguyên mùa cày”. Lúc tôi đến nhà Thi ở phố Ngõ Trạm thì đã thấy có Hồng Phi và Vũ Hạnh, phóng viên báo Nhân Dân ở đấy.

Chị Mỹ, vợ Bùi Bình Thi, là họa sĩ nhưng rất khéo tay, làm nhiều món ăn rất hấp dẫn. Đến khi vào cuộc thì Bùi Bình Thi mới cười nói: “Bữa nay là do công của Trúc Cương”. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ, hóa ra trông ngù ngờ vậy nhưng Trúc Cương cũng là tay láu cá.

Trúc Cương là người rất tốt nhịn. Không chỉ nhường nhịn vợ con mà còn cả với bạn bè. Nhiều trường hợp nếu vào người khác sẽ to tiếng, va chạm. Nhưng Trúc Cương thì không. Một ví dụ, Trúc Cương và Quang Huy cùng tuổi Bính Tý, 1936, lại cùng làm thơ, cùng vào Hội Nhà văn một đợt nên khá thân thiết. Hồi Quang Huy mới từ Hội Văn nghệ Nghệ An ra nhận nhiệm vụ ở Nhà văn hóa Trung ương thì Trúc Cương đang công tác ở Nhà xuất bản Văn Hóa. Mỗi  khi đi làm về Cương thường qua chỗ Quang Huy ngồi chơi. Vì chỗ bạn bè thân thiết hai người khi xưng hô vẫn thường tao tao, mày mày. Sau này Quang Huy thay Lữ Huy Nguyên lên làm giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa thì Trúc Cương thành cán bộ dưới quyền. Nghĩ chỗ thân thiết nên khi gặp nhau, Trúc Cương ngay chỗ đông người, thậm chí có cả khách lạ, vẫn cứ tao tao, mày mày một cách hồn nhiên. Một lần sau khi làm việc xong với Trúc Cương, Quang Huy phải nói rất thẳng nói với bạn: “Ông với tôi là chỗ bạn bè thân, ai cũng rõ. Riêng có hai thằng thôi thì thế nào cũng xong nhưng trước mọi người trong cơ quan hay trước mặt khách thì cũng cần nói năng, xưng hô cho tế nhị…”. Hơi bất ngờ, Trúc Cương ngẩn mặt. Rồi không trình bày, không thanh minh cũng không tức giận, chỉ lặng lẽ đứng lên rời phòng làm việc của Quang Huy. Nhưng từ đấy thấy anh nói năng dè dặt, thận trọng hơn.

Cũng vì thấy Trúc Cương như quá ham rượu, bạn bè lo anh sao nhãng việc thơ ca. Nhưng không phải. Anh làm nhiều thơ nhưng rất thận trọng khi công bố. Một lần Trúc Cương và Trịnh Thanh Sơn gặp nhau ở phố Huế. Vì gần nơi tôi ở nên tiện đường rủ nhau đến tôi. Ba thằng ngồi chuyện trò râm ran, chợt Sơn hỏi: hồi này Cương có làm thêm bài thơ nào mới?... Tưởng Cương lắc đầu, nhưng không, anh im lặng lúc lâu sau hắng giọng đọc một mạch như bài thơ đã ngấm sâu trong anh: “Em ở rất gần, vầng trăng lặng lẽ/ Con gió đi qua, vạt trời hoa lúa/ Hạt mưa đi qua, bóng ngọn cây gầy/ Trọn vẹn ngày dài, mắt mở thơ ngây/ Qua mấy chục năm, cuộc đời sông rộng/ chảy hết trung du, chảy suốt đồng bằng/ Anh bất chợt thấy mình đứng đợi/ Cánh buồm thơ đầy gió, tháng giêng xuân…”.

Trịnh Thanh Sơn sau phút giây trầm lặng, gật gù nói với  Cương:  - Thơ của ông còn xúc cảm lắm, vậy ra rượu đã chưa uống hết thơ ông.

Bài thơ được Cương vừa đọc là bài Vầng trăng lặng lẽ mà sau này được anh chọn in trong trong tập lấy bài này làm tựa, in tại Nhà xuất bản Văn học.

So với những nhà thơ cùng trang lứa, Trúc Cương công bố ít hơn. Sách của anh in ra cũng không nhiều. Ra cuốn nào anh đều đem tặng tôi. Ngoài Vầng trăng lặng lẽ, Trúc Cương có thêm Thị trấn biên giới cũng in ở Nhà xuất bản Văn học vào năm 1979, và Cách địa cầu 2 mét ở Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin. Phải nói thêm, không như bây giờ tác giả chủ yếu bỏ tiền để in nên có người có cả hàng chục tập thơ, ngày ấy được in dù chỉ một cuốn thôi cũng đã là đặc biệt lắm. Thậm chí hai, ba tác giả phải đứng chung một tập. Vậy mà Trúc Cương có tới ba tập thơ được in. Hẳn phải chất lượng thế nào thì nhà xuất bản mới dám in ra.

Không hiểu sao trong các bạn bè đã khuất tôi lại thường nhớ tới Trúc Cương. Trong tôi luôn hiện về một nhà thơ đôn hậu, tình cảm và đầy nhẫn chịu. Trong cuộc đời hình như anh ít có những giây phút thật sung sướng, bay bổng như chữ ký uốn lượn phía sau tấm bưu ảnh mà anh tặng tôi hồi nào. Cảm giác như lúc nào anh cũng lầm lũi tồi tội. Quần áo chẳng mấy khi thấy phẳng phiu, sạch sẽ. Tôi không rõ trong cưới của anh và Son anh ăn vận ra sao, có cà vạt, com-lê không, nhưng hôm anh tổ chức gặp mặt một số bạn bè ngày cưới Tuyết, một họa sĩ, người vợ thứ hai của anh, thì tôi cũng chỉ thấy anh có chiếc sơ mi trắng nhưng cũng đã không còn mới. Và suốt mấy chục năm quen biết, gần gũi tôi như chưa một lần thấy anh chững chạc trong một bộ đồ nghi thức. Tính anh ít chú ý đến ăn mặc nhưng một phần anh cũng không có điều kiện. Có ít tiền nào anh phải đưa vợ nuôi con và một phần dành cho rượu. Xưa anh mong có ít tiền để nhấm nháp chén rượu cùng bạn bè mà ít có. Cuối đời cậu con trai làm ăn khá giả, dành cho bố một căn nhà rộng rãi, tiện nghi, có người giúp việc thì lúc ấy Trúc Cương đã yếu quá rồi. Khi những chai rượu ngoại đắt  tiền với Cương không thiếu thì anh không còn đủ sức. Thèm lắm anh chỉ ra quán làm cốc bia hơi, nhưng nhiều khi anh đã đứng lên về thì vẫn thấy bia còn đầy nguyên trong cốc.

Trúc Cương mất cũng lặng lẽ. Và có lẽ đến tận ngày anh ra đi mãi mãi, hẳn anh mới có được một lần ăn vân vận thực sự chỉnh tề?

Huy Thắng
(Văn nghệ số 26/2018)