Người đi ra phố
Tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em
Hình như tôi đã dừng ở con số ấy. Tôi chờ đợi gì ở một nghìn không trăm hai ba chiếc xe đi tới đi lui? Phải chăng tôi đợi một chiếc xe sẽ dừng lại dưới chân cầu thang, và rồi chuông gọi cửa sẽ vang lên? 1024, 1025, 1099… Tôi đã lỡ quá nhiều chiếc xe. Nhưng không có tiếng chuông nào vang lên, cho đến khi giấc ngủ khiến tôi xao lãng. Chỉ có mưa kiên nhẫn chờ đợi, đánh thức tôi. Mưa đã rơi bao lâu? Bao lâu thì đủ làm ướt được tôi, kéo tôi ra khỏi giấc ngủ nhiều băn khoăn, day dứt?
Thoang thoảng trong hơi mưa, mùi rêu ẩm từ những khe tường nứt nẻ dậy lên hăng hăng, ngai ngái. Mới chỉ vài ngày, tiết xuân ấm đã hồi sinh đám cỏ dại quanh khu tập thể. Màu xanh nõn của những tảng rêu bám trên các gờ tường khiến khu nhà cũ kỹ như được hồi sinh. Cây bàng cổ thụ trước sân đã bắt đầu trổ ra những mầm lá biếc xanh. Nhưng sự hồi sinh nhỏ nhoi này liệu có ý nghĩa gì khi mà cuối cùng tôi cũng sẽ phải rời đi? Những người hàng xóm đều đã lần lượt chuyển đến nơi ở mới. Cả tháng nay, khu nhà chỉ còn lại mình tôi. Cánh cổng sắt gỉ sét không hề được khép lại.
Bởi biết đâu sẽ có ai đó quay về tìm tôi?
***
“Đóng cửa sổ lại! Cậu làm cái trò gì thế hả? Hả? Hả?”.
Phan gào lên. Cùng với mỗi tiếng “hả” đầy tức tối là một chiếc gối bay vèo vào đầu tôi.
“Tớ xin lỗi! Chỉ là cái cửa bị bung chốt. Cái cửa… nó đã bị hỏng từ mấy hôm nay…”.
Tôi phân bua, đoạn thả nhanh rèm cửa xuống để ngăn nắng không xiên vào trong phòng. Như vậy Phan mới không phải nhìn thứ ánh sáng đáng ghét đó. Nó khiến cho Phan trở nên bị kích động. Toàn thân Phan run lên. Vết sẹo dài bên má phải đỏ tía và hơi giật giật. Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cảnh đó, tôi đờ người ra, không hiểu nguyên nhân vì sao. Trong khi đó Phan tự vò đầu bứt tóc mình như kiểu người ta gắng sức vo nát một mẩu giấy cứng. Có hôm, trong cơn hoảng loạn, Phan tự làm mình bị thương. Máu ứa ra từ những vết cào cấu trong khi mắt Phan dại đi.
“Tay cậu bị xây xát kìa Phan!”.
“Gì cơ?”.
“Cậu có sao không?”.
“Gì cơ?”.
Phan đổ gục người xuống giường, ú ớ. Thân hình còm cõi, ốm yếu của Phan như tan ra trong đống chăn nhàu nhĩ. Tôi làm sao có thể cầm lòng nổi đây? Kể từ ngày đó tôi quyết định chuyển đến ở chung phòng trọ với Phan. Ít ra như vậy còn có người để mắt đến Phan. Nếu cần, Phan có tôi để trút giận. Kể cả cào cấu tôi, nếu Phan muốn.
Sau màn “phản ứng nhanh” bằng cách buông rèm để giúp Phan hạ nhiệt, tôi mới lùa tay qua song sắt, quờ tìm tay nắm cửa rồi giật mạnh, sau đó hạ chốt để khóa lại. Nắng sẽ không còn cơ hội nào nữa. Thật đấy! Tống tiễn ông bạn nắng đi thuận buồm xuôi gió nhé! Tôi cố nghĩ ra một câu nào đấy để đùa cợt cho Phan bớt căng thẳng. Nhưng ngay lập tức, tôi nhận ra sự vô duyên, nhạt nhẽo của lời nói đùa. May là Phan chẳng buồn để ý mà tiếp tục cắm đầu vào màn hình máy tính.
Bình thường cánh cửa sổ phòng chúng tôi vẫn đóng từ sáng tới tối, triền miên từ ngày này sang ngày khác. Phan không muốn mở nó ra. Nói đúng hơn là Phan không cho phép bất kỳ ai được mở cánh cửa đó. Không những thế, Phan còn bắt tôi mua vải thật dày, để lấp kín ô cửa. Tấm vải dày đến nỗi nó như một bức tường mới được vá vào ô cửa vô tích sự kia. Ánh sáng chính cho căn phòng sẽ được cung cấp từ những bóng đèn điện vàng vọt. Phan ghét luôn cả ánh sáng lạnh của bóng đèn neon. Cậu ta quyết chung thân với bóng đèn tròn, không cho tôi thay dù vỏ đèn đã mờ đục, làm cho thứ ánh sáng tỏa ra từ đó nhìn tù mù, rất nhức mắt. Nó cũng khiến cho mọi đồ đạc trong căn phòng nhuốm màu cũ kỹ đến u uất. Tuy nhiên tôi không thể thay đổi được ý thích kỳ dị ấy của Phan. Mắt tôi bắt đầu lên số từ khi đến ở cùng Phan. Tôi trở nên ít nói. Tôi cũng ngại đám đông. Khả năng nhẫn nhịn của tôi tăng lên đáng kể. Có phải tôi bị Phan làm cho thay đổi?
Tôi chọn cách ở cùng Phan, nhưng có nhất thiết tôi buộc phải chịu đựng Phan như vậy? Vừa nhặt trả lại những chiếc gối về giường, trong đầu tôi vừa quẩn lên một câu hỏi mà chưa khi nào tôi tự trả lời được. Tôi nhìn Phan. Sau khi đã hết cơn kích động, mặt cậu ta trở nên bần thần, nom như một đứa trẻ vừa bị mắng oan. Vết sẹo trên má Phan tái đi, bị ánh điện làm cho sấp bóng nên nhìn thoáng giống như vết nhọ. Cả người Phan phủ kín bởi chiếc chăn màu cỏ úa, loang lổ vết cháy do tàn thuốc lá. Phan thích màu ấy nên bắt tôi đi lùng mua bằng được rèm cửa cùng màu. Mãi đến gần đây, tôi buộc phải thay chiếc rèm mới vì sau một thời gian màu vải nguyên thủy đã không còn nhận ra được nữa. Hơn nữa, do tích tụ nhiều nước mưa thấm nhỏ giọt từ khe cửa sổ khiến mảnh rèm trông loang lổ và có vẻ hơi nhớp nháp. Ít nhất trong căn phòng cũ kỹ này cũng cần phải có một thứ gì đó mới mẻ hơn chứ. Và tôi đã chọn được thứ duy nhất để can thiệp được là tấm rèm cửa. Chỉ vậy thôi. Tôi đã cố tìm một mảnh vải có màu gần giống chiếc rèm cũ, nhưng đành phải chọn sang màu tươi hơn vì màu trước đây quá khó tìm. Tôi đã lo là Phan sẽ bực mình. May quá, được bữa “mát giời”, cậu ta không phàn nàn gì cả. Sau khi nhìn tấm rèm cửa mới được căng lên, Phan chỉ hơi chau mày, miệng lẩm bẩm, không rõ là tự nói với mình hay nói cả cho tôi cùng nghe: “Lẽ ra ở đó không nên hiện diện một cái cửa sổ. Tốt nhất là đừng có gì hết. Đừng có gì hết!”.
Thực ra từ lâu tôi đã thấy căn phòng của chúng tôi giống hệt một chiếc hộp, chỉ duy nhất một chỗ để chui ra chui vào. Trong chiếc hộp đó khói thuốc luôn mù mịt. Tiếng Phan ho có lúc như sắp đứt cả cổ họng. Vậy chúng ta lấy ánh sáng ở đâu? Chúng ta lấy không khí ở đâu? Cậu có thể cự tuyệt mãi thế giới bên ngoài không? Hả Phan? Nhưng tôi đã không bao giờ có thể nói ra. Tôi chọn cách nhẫn nại bên cạnh Phan.
Phan có những lý do để thù ghét ánh sáng. Phan không muốn trưng cái chân tật nguyền của mình ra ánh sáng. Phan không muốn vết sẹo như một con rết bên má phải của mình phơi ra ngoài ánh sáng. Phan căm ghét ánh sáng. Ánh sáng làm cho Phan trở nên dị hợm. Phan đã thấy những khuôn mặt kinh hãi của người đối diện để rồi tự biết mình là một sản phẩm lỗi cần phải cất vào kho. Lỗi cả ở Phan. Cơn say tốc độ trên con đường quá nắng, quá chói đã để lại cho Phan những di chứng nặng nề. Chỉ duy nhất còn lại Phan trên chiếc xe ấy. Phan phải sống để viết tiếp giấc mơ của cha mẹ. Nhưng rồi nỗi xấu hổ và mặc cảm khiến cậu chọn cách náu vào chiếc hộp chật chội này, khép chặt mình với cuộc đời. Phan sợ mọi thứ đang diễn ra ngoài cánh cửa kia. Phan muốn chốt vĩnh viễn cánh cửa lại, ngăn không cho những tiếng động ngoài ô cửa xâm nhập vào nơi trú ẩn của mình. Không còi xe. Không nhạc nhẽo từ quán xá. Không xao xác tiếng người. Không có mùa thu lá bay. Không có phượng hồng trước ngõ nhà ai. Không có mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Không cần ai đi ngang cửa, không cần gió mùa đông bắc se lòng. Không có mùi hoàng lan, không có cây bàng mồ côi mùa đông, cũng chẳng cần xuân đến xuân đi bịn rịn… Thế giới của Phan không chấp nhận những điều ấy.
Nhưng tôi thì cần. Tôi cần gió, cần mưa, cần nắng. Tôi cần không khí khoáng đạt. Tôi cần mùi phố xá. Tôi muốn nhìn thấy bầu trời mỗi ngày, ngay khi vừa mở mắt thức dậy. Tại sao chỉ khi lẳng lặng trốn ra ngoài căn phòng có Phan, tôi mới có được bầu trời của mình, trong khi tôi chỉ cần một việc đơn giản hơn là mở tung cánh cửa sổ ra? Nếu không, việc gì người ta phải sinh ra ô cửa sổ cho những ngôi nhà?
***
Từ hai tuần nay, cánh cửa sổ phòng của chúng tôi bắt đầu dở chứng. Nguyên nhân có lẽ là bởi trận mưa bão cuối tháng trước. Nửa đêm gió giật tung chốt cửa. Bản lề cửa long ra khiến một bên cánh bị xệ xuống. Muốn đóng được cửa, tôi phải dùng sức nâng chiếc cánh bị xệ lên, lựa sao cho vừa khớp với khung cửa rồi kéo thật mạnh. Khi then cửa thẳng hàng với khuy chốt thì mới coi là đạt yêu cầu. Cửa đóng quá sâu hay quá nông thì sẽ không hạ được chốt xuống, và như vậy thì chỉ cần gió đưa đẩy một chút là cánh cửa lập tức rời khỏi chốt. Cửa bung ra, gió thốc vào, nắng sẽ thừa cơ xiên qua tấm rèm cửa vừa bị tốc lên theo chiều gió. Phan không thể chịu nổi cảnh tượng đó. Vết sẹo bên má Phan đỏ lựng lên. Chiếc chăn trùm hụp trên người cậu ta rung lên dữ dội như thể lùm cây nhỏ bỗng gặp trận cuồng phong.
“Trời ơi, đóng cái cửa lại ngay! Cậu muốn hại chết tớ hả?”.
Phan ôm ngực vật vã như thể thứ ánh sáng vừa xâm nhập kia đang cố lấy đi hết dưỡng khí trong cơ thể còm cõi của cậu ta. Nhưng làm sao cả ngày tôi chỉ ngồi canh cái cửa sổ? Tôi còn công việc của mình. Tôi cũng có mối bận tâm của mình. Cái cửa cũng quá cũ, và tôi cần thời gian mới sửa sang được nó. Chẳng lẽ Phan không hiểu điều đó. Mối bận tâm của cậu ta chỉ duy nhất là cái cửa sổ? Chẳng lẽ tôi có lỗi về chuyện bản lề xộc xệch? Chẳng lẽ tôi phải chịu trách nhiệm về việc then cửa kẽo kẹt không chịu đứng yên trong chốt hãm? Chẳng lẽ tôi phải chực chờ để cánh cửa không còn bị bung ra bất cứ lúc nào?
“Cái cửa làm sao thế hả… hả… h… ả…?…?”.
“Tớ không phải là người canh cửa sổ. Cậu thích thì tự đi mà xử lý nó. Tớ chịu hết nổi rồi!”.
Tôi đã tức giận. Tôi cần phải tỏ thái độ cho Phan biết sự chịu đựng của tôi cũng có giới hạn. Tôi thương xót Phan, nhưng Phan phải nghĩ cho tôi nữa chứ.
Sau tiếng quát của tôi, Phan không gào lên nữa mà trùm kín chăn qua đầu. Cả người cậu ta quằn quại trong tấm chăn nhàu nhĩ. Những tiếng ú ớ cất lên như thể bị ngạt hơi. Điều đó khiến tôi chột dạ.
“Phan! Phan! Cậu có sao không?”.
Tôi hối hả gỡ tấm chăn ra khỏi người Phan. Càng cố gỡ, Phan càng cố giữ. Cuộc giằng co không thể phân giải, trừ phi tôi rạch nát tấm chăn mới mong lôi được Phan ra khỏi đó.
“Đừng động vào người tôi! Đi đi! Có ai bắt cậu ở đây đâu! Cậu đi đi! Đi đi! Cậu không đi thì tôi đi!”.
***
Hôm sau thì Phan đi. Khi tôi vẫn còn ngơ ngác thì Phan được dìu đi. Phan đã thu xếp mọi việc nhanh hơn tôi tưởng. Taxi đón sẵn dưới sân. Đồ đạc được lái xe nhấc xuống. Phan chống nạng, cà nhắc rời khỏi căn phòng ủ dột trong ánh điện vàng vọt.
Tôi đứng đờ đẫn nhìn Phan lọc cọc đi qua trước mặt, rồi mất hút trên chiếc taxi màu cỏ úa.
Không một âm thanh nào vang lên sau đó.
Căn phòng như thể bị ngủ quên hàng thập kỷ…
***
Giờ thì tôi đã có bầu trời của mình. Tôi giật tung tấm rèm cỏ úa, sửa và sơn lại khung cửa. Trừ phi trời mưa hoặc thời tiết quá lạnh, cánh cửa phòng tôi lúc nào cũng được mở toang. Mỗi ngày, tôi đã có thể hít căng lồng ngực mùi phố xá, mùi lá non vừa trỗi đầu cành, mùi mạng nhện chăng trên song sắt, mùi gió riu riu lướt qua sống mũi, phảng phất hơi nước gợn lên từ mặt hồ gần đấy.
Tôi cũng đã lắp bóng đèn mới. Tôi còn đặt thêm một chiếc ghế tựa bên cạnh cửa sổ để ngồi ngắm phố vào mỗi buổi tối. Tôi có thể bật nhạc to như mình thích. Có hôm tôi nghe đến chục lần một bài hát mà rốt cuộc vẫn không thể thuộc hết lời của ca khúc ấy. Có hề gì chứ! Âm nhạc khiến tôi phấn chấn.
Nhưng rồi, giữa những cơn phấn chấn, bay bổng, tôi bỗng chạnh nhớ Phan. Phan giờ ở đâu? Phan sẽ sống ra sao, xoay xở thế nào nếu chỉ có một mình? Chiếc hộp nhà mới nào sẽ nhốt Phan trong đó? Tôi liệu đã làm điều gì sai với Phan? Có phải vì tôi đã to tiếng cự nự Phan? Phan có giận tôi không? Để Phan ra đi như vậy, dù thế nào tôi vẫn là người có lỗi. Tôi cần phải tìm Phan. Để biết rằng Phan sống ổn. Có như vậy tôi mới thanh thản. Nhưng tìm Phan bằng cách nào đây? Lúc sống cạnh tôi, Phan không dùng điện thoại. Tôi thậm chí còn không biết địa chỉ email, hoặc nick chat của Phan. Bao năm tôi sống cạnh Phan, có gì thì trao đổi với nhau, cần gì phải gửi thư hay chat chit làm gì. Khi Phan đi, cũng không nhắn nhủ gì, dù chỉ một dòng địa chỉ. Tôi thì như kẻ khờ, chỉ biết đứng ngẩn người nhìn Phan bỏ đi.
Tôi tê tái nhận ra rằng, sự gắn bó với người bạn mà tôi cứ ngỡ đã quá hiểu nhau, thuộc nhau đến từng hơi thở hóa ra lại vô cùng lỏng lẻo và hời hợt. Chỉ một chớp mắt thôi, chúng tôi đã rời bỏ nhau như thể chưa từng quen biết. Như hai hòn sỏi va vào nhau rồi lăn về hai phía. Vô tăm tích.
Tôi đã có bầu trời của mình. Còn Phan thì nơi đâu?
***
Phòng trọ buộc phải trả lại, chậm nhất là 3 tháng nữa, để còn trả mặt bằng cho một dự án xây dựng khu thương mại cao cấp.
“Ba tháng tới chị tặng tiền nhà cho chú!”.
Bà chủ nhà xởi lởi lên tận phòng báo tin vui. Tiền đền bù khu nhà nghe đâu khá hời khiến bà chủ đồng bóng trở nên dễ dãi bất thường.
“Chú chịu khó kiếm chỗ khác mà ở. Thôi, chị em mình đến đây là hết duyên nhé! Chị cũng tiếc mấy chú hiền lành tử tế, nhưng biết làm sao được. Ô, thế còn cậu bạn què của chú đâu?”.
Cổ họng tôi khô ran:
“Chị đừng gọi cậu ấy là què…”.
“Ờ thì… chị xin lỗi… Nhưng cụt một chân không gọi là què thì gọi là gì? Các chú sách vở gọi thế nào thì chị chịu, chị thì què bảo là què thôi chứ. Văn hoa làm gì cho rách chuyện. Chị nói thật, sống phải biết nhìn thẳng vào thực tế thì đỡ khổ. Chứ… Thôi chả quấy chú nữa, chị đi đây cho chú làm việc. Kể như từ giờ chị em không còn nợ nần nhau nữa nhá”.
Tiếng cười “há há” của bà chủ nhà trọ lăn tận xuống dưới chân cầu thang vẫn còn thấy rổn rảng.
Vậy là sau Phan, tôi cũng phải ra đi. Căn phòng ký ức sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn. Có chăng chỉ là những kỷ niệm mờ nhòe, nếu ai còn muốn nhớ.
Phan ơi, Phan có nhớ không?
***
Tôi đếm ngược từng ngày. Tôi thắp lại ánh điện màu khê vàng. Tôi ngồi bên cửa sổ mỗi đêm muộn, nhìn người qua phố. Tôi chờ một bóng dáng thân quen sẽ hiện lên ở khung cửa nhỏ nhoi, cô độc ấy. Dù biết điều đó chỉ vô vọng mà thôi. Phan đã đi rồi. Phan sẽ lại vùi mình trong một căn phòng chật hẹp khác, không bị ánh sáng phố xá làm phiền. Phan lại đốt thuốc khét mù, ho sù sụ và vùi vào những bản dịch tài liệu dài miên man. Tôi còn biết gì về Phan nữa? À, Phan hay cười vu vơ trong lúc ăn. Rồi có khi Phan bỏ dở bữa, tra lại một từ chưa chuẩn. Phan chẳng bận tâm bát cơm chan canh đã trương lên, vẫn và lấy và để, mặc cho tôi mắng. Mặt Phan nghệt ra. Thế giới của Phan, tôi đã hiểu được bao nhiêu? Tôi chỉ lo tranh giành với Phan một ô cửa sổ. Để rồi khi có được nó rồi, tôi lại bị mất Phan.
Tôi biết làm sao để bầu trời của mình có cả Phan trong đó? Thành phố chật hẹp này sao tôi vẫn không thể biết cách tìm được Phan?
Tôi vẫn sẽ ở lại gian phòng trọ, tiếp tục thắp lên ánh đèn vàng úa và đếm ngược thời gian.
Bao lâu thì đủ dài cho một nỗi đợi chờ?
(vanvn.vn)