Thương mại hóa phim tài liệu: Nỗ lực “thoát kén”

02.01.2024
Văn Tuấn
Năm 2023 có thể coi là năm có nhiều dấu ấn đối với phim tài liệu nói chung tại thị trường Việt Nam, đặc biệt ở mảng phim chiếu rạp. Phim tài liệu Việt cũng có những điểm sáng nhất định, nhưng thị trường vẫn còn nhiều bỏ ngỏ.

Thương mại hóa phim tài liệu: Nỗ lực “thoát kén”

Những đứa trẻ trong sương, phim tài liệu nhiều ấn tượng của điện ảnh Việt. Ảnh: ĐPCC

Thêm nhiều cơ hội

Dài 169 phút, Những kỷ nguyên của Taylor Swift - bộ phim tài liệu về chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới The Eras Tour của danh ca Taylor Swift đã đạt doanh thu ấn tượng tại thị trường Việt Nam, với hơn 23 tỷ đồng. Theo Box Office Vietnam, đây là kỷ lục trong thể loại concert movie, vốn không còn xa lạ với khán giả Việt, đặc biệt là các bộ phim của nghệ sĩ Hàn Quốc.

Năm 2023, những bộ phim tài liệu tương tự cũng liên tục ra rạp tại Việt Nam. Có thể kể đến: BTS: Yet to come in cinemas; WINNER 2022 Concert The Circle: The Movie; IU concert: Thời khắc quý giá; Mamamoo: My con the movie; NCT NATION: Vươn tầm thế giới; My shine world: Bầu trời tỏa sáng…

Cũng ở thể loại concert movie, điện ảnh Việt có hai tác phẩm ra mắt trong năm nay. Đó là Tri âm the movie: Người giữ thời gian của ca sĩ Mỹ Tâm, ra rạp trong khoảng thời gian khá ngắn hồi tháng 4 nhưng cũng đạt doanh thu ấn tượng hơn 12 tỷ đồng. Phim sau đó được phát hành trên Netflix toàn cầu vào cuối tháng 7.

“Tâm hy vọng bộ phim sẽ mang lại những điểm thú vị trong cuộc sống và công việc của 1 người nghệ sĩ, mà khi được lật mở, người xem có thể sẽ được truyền cảm hứng hơn”, Mỹ Tâm chia sẻ.

Mới đây nhất, phim tài liệu âm nhạc Những vết thương lành (The healed wounds) được xây dựng và phát triển từ Storii concert 01 của ca sĩ Hà Anh cũng đã xuất hiện trên nền tảng Netflix khu vực Đông Nam Á từ ngày 23-12.

Nhưng, một dấu ấn không thể không nhắc đến của phim tài liệu Việt là trường hợp của Những đứa trẻ trong sương. Dù quy mô phát hành khá hạn chế, nhưng tác phẩm lọt danh sách đề cử rút gọn tại Oscar 2023 đã thu về doanh số hơn 2 tỷ đồng. Đây cũng là điểm sáng lớn nhất của phim tài liệu Việt trong năm 2023. Sau khi chiếu rạp, phim được tiếp tục phát hành qua mạng và tìm thêm các cơ hội khác để vào thị trường toàn cầu.

Theo đạo diễn Lan Nguyên (phim Những vết thương lành), trong vài năm vừa qua, nhiều phim tài liệu nổi bật đã được ra rạp. Đó là những bộ phim có chủ đề, cách thể hiện mang theo nhiều cảm xúc và đã chạm đến khán giả đại chúng không thua gì các bộ phim điện ảnh. Trên Netflix có rất nhiều phim tài liệu chất lượng cao về những đề tài khó và táo bạo. Một dòng phim tài liệu quen thuộc với khán giả Việt là phim về người nổi tiếng, về những show diễn, nơi khán giả có thể nhìn thấy cảm xúc thật của người nghệ sĩ.

“Tôi nghĩ đó chính là tín hiệu tích cực vô cùng lớn. Khán giả không còn lạ lẫm hay dửng dưng, thờ ơ với 3 chữ phim tài liệu, bởi sự thật luôn là điều ai cũng khao khát”, đạo diễn Lan Nguyên nhấn mạnh.

Vượt khó

Theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê, phim tài liệu Việt có một lịch sử phát triển tương đối khác so với các nước. Trong một giai đoạn dài, phim tài liệu được làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước hoặc của các đài truyền hình, điều này đã làm phim tài liệu thường bị khô cứng, sáo mòn trong lối thể hiện. Đó chính là lý do phim tài liệu dần mất đi khán giả của mình.

Tuy nhiên, mọi việc đang dần thay đổi, phim tài liệu bắt đầu được quan tâm đầu tư hơn và đã xuất hiện nhiều tác phẩm có cách thể hiện mới lạ - dù không phải lúc nào cũng thành công, như: Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đi tìm Phong, Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie, Chuyện ngày hôm qua, Những cánh én đầu tiên, Đáng sống, Đoạn trường vinh hoa, Màu cỏ úa…

Để phim tài liệu Việt đạt được thành tựu lớn hơn thì cần quá trình dài. Trước hết, phim tài liệu Việt cần tăng về số lượng để tạo độ nhận diện rộng, giống như con đường phim truyện điện ảnh đã đi. Thực tế hiện nay, đội ngũ làm phim tài liệu còn khá mỏng, trong khi không phải ai cũng xác định và xây dựng kế hoạch ngay từ đầu là làm phim tài liệu chiếu rạp hay phát trên các nền tảng trực tuyến.

Theo đạo diễn Đoàn Hồng Lê, có thể nhìn vào quá trình đi tìm vị trí của phim tài liệu trong công nghiệp điện ảnh Mỹ trong khoảng 20 năm trở lại đây để thấy một mặt nào đó của câu trả lời. Đó là những bộ phim doanh thu dù khá khiêm tốn so với phim điện ảnh nhưng vì chi phí sản xuất không cao nên lợi nhuận tốt, được nhiều hãng quan tâm. Đặc biệt, nhu cầu xem phim tài liệu qua nền tảng số tăng mạnh trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát cũng góp phần làm thay đổi ngành công nghiệp phim tài liệu.

“Từ năm 2018 đến năm 2021, nhu cầu xem phim tài liệu trên các nền tảng số đã tăng hơn gấp đôi. Những bộ phim từng hy vọng kiếm được chỉ vài triệu USD tại phòng vé, giờ được bán cho các nền tảng phát trực tuyến với giá 10-20 triệu USD”, đạo diễn Đoàn Hồng Lê dẫn chứng.

Và, bên cạnh dòng phim thương mại vẫn rất cần phim tài liệu chính thống với chức năng ban đầu của nó: kết nối, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo ra sự thay đổi, thúc đẩy tiến bộ xã hội… Phim tài liệu khi trở thành sản phẩm thương mại như thế sẽ đóng góp vào xây dựng một ngành công nghiệp điện ảnh. 

Đạo diễn Lan Nguyên thì cho rằng, thương mại hóa phim tài liệu đã giúp người làm phim có thể sống được, phim tài liệu bán được và được đông đảo khán giả tiếp cận. Để đạt điều đó, theo đạo diễn Lan Nguyên, có hai điều cần thiết. Thứ nhất, tập trung phát triển về mặt hình ảnh, để những góc máy phim tài liệu hấp dẫn và chất lượng hơn.

“Trên thế giới có nhiều phim tài liệu mà khung hình đẹp như tranh vẽ và nội dung truyền tải rộng lớn. Tôi nghĩ một bộ phim đẹp về phần nhìn, sâu sắc về nội dung luôn là điều nhà làm phim nào cũng hướng tới”, đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ.

Nhưng theo chị, điều quan trọng nhất chính là cảm xúc. Bởi phim tài liệu là một thể loại đặc biệt mà nếu không có sự đồng cảm, niềm yêu mến nhân vật hay câu chuyện thì rất khó để theo đuổi đến cùng. Vì đôi khi, trong vô vàn thước phim quay được lại chẳng tìm thấy lối ra để khán giả đồng cảm. Cao Trung Hiếu, Giám đốc sáng tạo dự án Những vết thương lành, cũng tin tưởng, giữa cuộc sống hối hả này, thời đại mà những nội dung ngắn lên ngôi, những câu chuyện chậm rãi và sâu lắng luôn có chỗ đứng.

“Đa số khán giả sẽ thích những bộ phim có câu chuyện, đường dây kể chuyện rõ ràng, có kịch tính và nhân vật mạnh, cá tính. Nếu phim vừa cảm động vừa hài hước thì lại càng dễ được khán giả để ý, vì thường khán giả đại chúng sẽ thích đi xem cùng người thân, bạn bè, gia đình nên những phim có yếu tố gia đình, cảm động và thêm các tình tiết hài hước thì sẽ được nhiều người chọn xem”, đạo diễn Hà Lệ Diễm nêu ý kiến.

Theo đạo diễn Lan Nguyên, phim tài liệu có lợi thế là sự thật, những câu chuyện thật không lấp liếm được, nên muốn làm phim tài liệu có cảm xúc không thể cố, không thể dàn dựng mà cần xuất phát từ những điều sâu trong tim mỗi người đạo diễn. “Hãy làm phim về những điều thực sự chạm tới bạn, điều đó sẽ chạm tới khán giả đại chúng”, đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ.

Khán giả quyết định vị trí của phim tài liệu trong ngành công nghiệp điện ảnh. Để đáp ứng thị hiếu khán giả, các nhà sản xuất Việt Nam cũng phải coi phim tài liệu là một sản phẩm thương mại, giải trí. Do đó, phải có sự thay đổi từ cách chọn đề tài, như là làm phim tài liệu về những người nổi tiếng, những vụ việc gây sốc, những tội phạm có thật; từ cách đầu tư cho ê-kíp làm phim theo đuổi câu chuyện trong thời gian dài; từ xây dựng câu chuyện kịch tính, tiết tấu nhanh, cảm xúc chân thực...

(sggp.vn)