Nhạc sĩ Văn Thu Bích với “Âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng”
Đặc biệt, gần đây nhạc sĩ Văn Thu Bích đã được Nhà xuất bản Đà Nẵng án hành cuốn sách: Âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng. Sách bố cục hai phần chính. Phần 1: Âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng; phần II - Phụ lục.
Ở Phần I. Nội dung chính được gắn tiêu đề cuốn sách gồm các thông tin:
- Hát trong sinh hoạt gia đình, đôi lứa, tác giả giới thiệu về hát ru, hát nhân ngãi – Hát giao duyên.
Theo tác giả Văn Thu Bích, Hát ru vùng biển Đà Nẵng gần với giọng ru pha nhiều hơi oán Nam Bộ (xem tr. 21 Sđd...). Về Hát nhân ngãi - Hát giao duyên, tác giả giới thiệu một số lời ca đối đáp nhân ngãi, giao duyên. Nội dung bài bản Hát nhân ngãi, giao duyên ở Đà Nẵng rất phong phú, đa dạng và luôn bám chặt đời sống lao động của cư dân vùng đất này. Cũng nhờ lối hát nhân ngãi, giao duyên..., nhiều cặp đôi đã nên vợ, thành chồng trên vùng quê - biển Đà Nẵng.
- Hò.
Đề cập tới Hò lao động trên sông nước, biển khơi. NS. Văn Thu Bích nêu cụ thể về Hò kéo lưới có lối cấu trức đơn giản, dễ nhớ. Cũng vì dễ nhớ, dễ thuộc nên lối hát này một thời rất phổ biến ở vùng biển Thanh Khê, Sơn Trà, Đà Nẵng... Khác với Hò kéo lưới, Hò thả lưới Đà Nẵng có lối cấu trúc tiêu biểu theo hình thức mô phỏng nhịp điệu, tiết tấu... trong hai phần Kể/Xô... Cùng hình thức Hò đua ghe, Đà Nẵng còn có Hò chèo thuyền đò dọc, Hò chèo thuyền đò ngang cũng đã được tác giả đề cập. Đặc biệt, Hò Khoan Đà Nẵng từng một thời được nhiều người yêu thích nên Văn Thu Bích dành giới thiệu khá chi tiết, rõ ràng. Chẳng hạn, có hình thức Hò khoan đối đáp trên sông nước; Hò khoan đối đáp trong sinh hoạt hội hè.. ở/của Đà Nẵng. Cùng những thông tin khái quát chung, tác giả còn giới thiệu về chức năng, đặc trưng âm nhạc Hò khoan qua những vấn đề cấu trúc giai điệu, tiết tấu, quan hệ lời ca và giai điệu nhạc qua lối diễn xướng Kể/Xô...
Cũng trong phần I, tác giả Văn Thu Bích còn giới thiệu Hò nghi lễ - lễ hội. Cụ thể có Hò Bả Trạo - Lễ hội Cầu ngư, Hò đưa linh người quá cố. Trong không gian văn hóa âm nhạc vùng biển Đà Nẵng, NS Văn Thu Bích không quên giới thiệu về Lý, Vè - những thể loại mang nhiều đặc sắc riêng của âm nhạc vùng biển Đà Nẵng. Trong đó, tác giả đã không quên đề cập về bài bản Lý đi chợ; Lý Vặt chài; Lý con cá. Riêng với Vè Đà Nẵng, tác giả cuốn sách còn giới thiệu lời ca (ca từ) một số bài bản cụ thể như Vè các loại cá, Vè nghề cá; Vè bão miền biển Đà Nẵng; Vè miền biển thời kháng Pháp...
Toàn bộ cuốn sách dày 323 trang, trong đó ở phần II - Phụ lục, NS. giới thiệu lời ca một số bài bản do chính tác giả cùng nhiều đồng nghiệp thực hiện sưu tầm, biên soạn.
Những thông tin trong cuốn sách cho thấy, nhạc sĩ Văn Thu Bích đã có nhiều công sức sưu tầm, tập hợp tư liệu, bổ sung thông tin cập nhật để nghiên cứu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của quê hương. Cuốn sách không chỉ giúp người yêu nhạc rõ thêm những truyền thống văn hóa âm nhạc cổ truyền nơi đây mà còn bổ trợ những thông tin “mới” mang tính dự báo về sức sống âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ XXI. Rất vui vì một số bài bản do nhạc sĩ Trần Hồng – một bậc lão làng ở Trung Bộ Việt Nam đã sưu tầm, ký âm cũng được nhạc sĩ Văn Thu Bích trích dẫn, giới thiệu, diễn giải cho/trong cuốn sách của mình.
Là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2018 – 2023, nhạc sĩ Văn Thu Bích đã có nhiều đóng góp và luôn tích cực trong hoạt động văn học nghệ thuật tại địa phương và toàn quốc. Nhạc sĩ luôn biết tiếp nối, kế thừa thành tựu truyền thống của nhiều thế hệ nhạc sĩ đi trước trong sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian Nam Trung Bộ nói chung, âm nhạc dân gian Đà Nẵng nói riêng... Nhạc sĩ vinh dự nhận nhiều giải thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và nhiều giải thưởng danh giá khác ở TW và địa phương.
Chúng tôi vui mừng được giới thiệu cùng các bạn yêu âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng cuốn sách của tác giả, thạc sĩ - nhạc sĩ Văn Thu Bích.
L.V.T