Nhạc sĩ – liệt sĩ Văn Cận: Giữ trọn tình quê
Ca sĩ Thanh Trì thể hiện bài "Giữ trọn tình quê"
Năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc, để lại người vợ trẻ và đứa con gái nhỏ ở quê hương Quảng Nam. Ông luôn đau đáu nhớ vợ con, nhớ nhà. Và đó cũng chính là ngọn nguồn cho ông lao vào học tập sáng tác. "Khi về đoàn văn công Liên khu V, Văn Cận luôn học hỏi, ghi chép công phu các điệu bài chòi, hát bội, hát sắc bùa, các điệu hò điệu lý, các tích tuồng của các nghệ nhân lớn tuổi và ông tâm niệm sẽ cố gắng sáng tác để gửi lòng về quê hương". Nhạc sĩ Trần Hồng bạn ông đã kể lại như vậy.
Nhà thơ Thanh Quế, bạn chiến đầu cùng ông, kể lại” “Năm 1963 Văn Cận được Bộ Văn hóa cho đi học âm nhạc ở Học viên âm nhạc Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau khi về nước, Văn Cận xin vào Nam chiến đấu. Ông được cử về công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5. Đây là những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của cuộc chiến tranh giải phóng.
Tháng 1968, Văn Cận được Hội cử về Gò Nổi quê ông để huấn luyện cho Đoàn văn công tỉnh Quảng Đà, chuẩn bị chương trình biểu diễn phục vụ cho nhân dân và bộ đội tham gia Tổng tiến công và nổi dậy. Sáng 28 - 1 - 1968, Văn Cận đang hướng dẫn các em học viên luyện tập thì bất ngờ bị một loạt bom tọa độ từ máy bay Mỹ thả xuống ngay nơi đoàn đóng quân. Ông cùng các học viên hy sinh tại xã Điện Quang (Điện Bàn), quê hương của cụ Hoàng Diệu, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng của dân tộc ta…”
2. Nhạc sĩ Văn Cận viết rất nhiều thể loại, hiện nay có 2 bài hát sống cùng năm tháng. Đó là bài “Giữ trọn tình quê” và bài “Đánh giặc tăng gia”.
Lời bài “Giữ trọn tình quê”:
Hơ…ơ hời là hò …hơ lên.. …
Xin gửi về Nam tấm lòng vàng đá
Thủy chung này là thủy chung này
Nguyện giữa trọn tình quê, nguyện giữ trọn tình quê .
Nhớ ở khi kết tóc chung thề.
Có ta thì có bạn, là ta đi với bạn.
Tình quê cho vẹn tròn, là tình quê cho vẹn tròn.
Nắm đất còn ghi mối tình vàng đá.
Dấu tay người, là dấu tay người..
Còn in trọn tình quê, còn in trọn tình quê.
Nhớ ở khi kết tóc chung thề
Có ta đi có bạn là ta đi với bạn
Tình quê cho vẹn tròn là tình quê cho vẹn tròn
Nắm đất còn ghi mối tình vàng đá.
Dấu tay người, là dấu tay người..
Còn in trọn tình quê, còn in trọn tình quê.
Nhớ ở khi trăng sáng vai kề.
Có ta đi có bạn, là ta đi với bạn.
Tình quê cho mặn nồng, là tình quê cho mặn nồng
Hơ…ơ hời là hò …ơ lên.. …
Bến nước dòng sông, con đò còn đó.
Vắng câu hò, dù vắng câu hò.
Đò vẫn đợi người xưa, đò vẫn đợi người xưa.
Nhớ ở khi ấp bóng cây dừa.
Nhớ câu đây ước hẹn là câu đây ước hẹn.
Vì nhau ta đợi chờ vì nhau ta đợi chờ….
https://bcdcnt.net/bai-hat/giu-tron-tinh-que-3969.html
Sáng tác: Văn Cận
Trình bày: Bích Hường - Dàn nhạc Đoàn văn công Liên khu 5
https://bcdcnt.net/bai-hat/giu-tron-tinh-que-4084.html
Sáng tác: Văn Cận
Trình bày: Tân Nhân
https://bcdcnt.net/bai-hat/giu-tron-tinh-que-545.html
Tác giả: Văn Cận .
Thể hiện: Thanh Trì.
Bài “Đánh giặc tăng gia”, ngay từ khi ra đời được lan truyền rộng rãi trong bộ đội, nhân dân.
1-
Ai lo tăng gia mà không ra sức, mà không ra sức đánh giặc giữ làng
Hò ơ…
Ai lo tăng gia mà không ra sức, mà không ra sức đánh giặc giữ làng
Nếu tăng gia mà không đánh giặc, thì thằng giặc nó cướp của ta.
Nếu đánh giặc mà không tăng gia, lấy gì dân nuôi quân đánh giặc
Hò ơ…
2-
Ta lo tăng gia và ta ra sức, và ta ra sức đánh giặc giữ làng
Hò ơ…
Ta lo tăng gia và ta ra sức, và ta ra sức đánh giặc giữ làng.
Nếu tăng gia mà lo đánh giặc, thì thằng giặc nó chết với ta
Nếu đánh giặc mà lo tăng gia, lúa nhiều thêm nuôi quân đánh giặc
Hò ơ...
Bài hát này thường xuyên phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam những năm 1960:
Trình bày: Văn Hanh - Tuyết Thanh - Hợp ca nam nữ Đài TNVN
https://bcdcnt.net/bai-hat/danh-giac-tang-gia-3797.html
https://bcdcnt.net/bai-hat/danh-giac-tang-gia-1786.html
Trình bày: Tốp ca nữ Đài TNVN
Bài hát này được chọn làm nhạc hiệu "Chương trình phát thanh Nông thôn" của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bác Thanh Hải Nam nhớ lại: “Nhà tôi có chiếc loa kim. Tôi học bài hát này trong chương trình dạy hát của Đài TNVN lúc 13h hồi đầu thập niên 1960. Tôi học thuộc lòng ngay từ ngày ấy. Mặc dù còn là học sinh cấp I, nhưng vì bài hát rất ngắn với phần lời ca rất đơn giản nên từ ấy đến nay tôi vẫn không quên một chữ nào. Bây giờ nghe lại bài hát này thấy sao mà nó hay thế? Kỷ niệm tuổi thơ gian khó đội mũ rơm đến trường ở những vùng quê nơi sơ tán lại hiện về theo lời ca giản dị: Ai lo tăng gia mà không ra sức mà không ra sức đánh giặc giữ làng...”
3. Trong lúc tìm tư liệu về nhạc sĩ Văn Cận nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ tôi tình cờ phát hiện lá thư của nhạc sĩ Văn Cận gửi cho anh Giang. Thư viết ngày 15/11/1967, chúng tôi chưa xác định anh Giang hiện như thế nào, xét thấy đây là tư liệu quý nên in lại dưới đây thay lời kết bài viết về nhạc sĩ – liệt sĩ Văn Cận:.
Anh Giang thân mến!
Cận đang công tác xây dựng chương trình biểu diễn cho Đoàn Văn công Quân giải phóng Liên khu 5. Để chuẩn bị nhập thị. Báo cáo anh biết sau Đại hội Văn nghệ Miền, mọi công tác xây dựng lại các Đoàn Văn công, công tác biểu diễn xây dựng tiết mục và sáng tác đều phải triển khai gấp rút. Nhưng sợ vẫn chạy không kịp đó anh ạ. Tình hình chung phát triển nhanh quá mà công tác Văn nghệ thì gặp nhiều khó khăn. Phấn khởi nhiều nhưng lo lắng cũng không ít.
Sau đợt công tác này Cận sẽ đi thực tế Quảng Đà để sáng tác phục vụ cho đợt Tổng động viên chính trị và tích lũy thêm tài liệu cho tác phẩm lâu dài. Hôm nay, nhân Văn Chừng nhạc sĩ trẻ của Liên khu 5 (người có bài trong tập nhạc được giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965)) ra Bắc để chữa bệnh, Cận tranh thủ biên thư thăm anh chị và cháu. Nhờ anh chuyển lời thăm chị Bội Lan, Hồ Thắm. Cận chúc tất cả mạnh khỏe và hy vọng gặp nhau một ngày không xa.
Nhân tiện đây Cận xin trao đổi với anh hai việc:
+ Cận gửi theo một số bài hát vừa viết trong đợt này và có vài bài vừa qua theo nhu cầu của tình hình chính trị đã chỉnh lý lại. Tất cả đang được phổ biến để phục vụ đợt Tổng tấn công, Tổng động viên chính trị chuẩn bị cho tình hình sắp đến, để ngoài ấy nghiên cứu sử dụng và mọi mặt khác đối với các tên mới của Cận cũng cần được giới thiệu để sau này khi nhập thị dễ ăn dễ nói và thuận lợi cho việc học tập âm nhạc rộng rãi.
+ Cận đã xây dựng xong đề cương vở Opera nội dung phản ánh cuộc đấu tranh của Liên khu 5. Theo chỉ tiêu phấn đấu thì Cận cố gắng hoàn thành trước 1970. Nhưng như anh biết điều kiện và phương tiện để xây dựng một vở Opera đối với hoàn cảnh chiến trường rất khó khăn. Vì vậy Cận muốn các anh giúp thêm ý kiến cụ thể.
Khi ra đi Cận cũng có nhiều suy nghĩ sau những buổi trao đổi với anh, đi vào chiến trường gian khổ và hiểm nguy Cận không lo ngại nhưng điều cần lo là làm thế nào trong đời hoạt động âm nhạc như mình sẽ đóng góp gì cho xứng đáng đối với quê hương và miền Nam.
Cho nên ngoài những bài ca khúc và các vở ca kịch nhỏ mà Cận đã bắt đầu sáng tác, Cận quyết tâm xây dựng tác phẩm xứng đáng hơn. Các bạn bên văn học thì đang lo phấn đấu xây dựng tiểu thuyết, trường ca. Còn âm nhạc chẳng lẽ chỉ có ca khúc mà không dựng lên được tác phẩm lớn như Đại hợp xướng, bản giao hưởng hoặc những vở Opera hay sao?
Để đáp lại sự bồi dưỡng của Đảng qua bao nhiêu năm ăn học và cái vĩ đại anh hùng của miền Nam thôi thúc, Cận ngày đêm suy nghĩ đến điều đó. Dù cho sự ước mong của anh là lần vào trong này sẽ tập trung đi vào sáng tác không thực hiện được đầy đủ với hoàn cảnh của chiến trường. Liên khu 5 đang thiếu cán bộ chỉ đạo văn nghệ một cách kinh khủng. Phong trào đòi hỏi phải có sự hướng dẫn chỉ đạo. Từ ngày Cận vào đến nay đã bỏ thời gian khá nhiều cho việc xây dựng hai Đoàn Văn công miền núi và Đoàn Quân giải phóng so với thời gian sáng tác. Nhưng Cận hứa với anh sẽ phấn đấu và đến lúc nào đó sẽ đề đạt dứt khoát với lãnh đạo để cho Cận có thời gian vào sáng tác.
Vừa rồi, Khu ủy và Quân khu ủy đã điện xin một số cán bộ diễn viên để bổ sung cho Liên khu 5. Chắc các anh đã nhận được tin đó. Qua Đại hội văn nghệ một điểm đáng mừng là các đồng chí lãnh đạo quan tâm và chăm sóc động viên Văn nghệ rất đúng mực. Anh em văn nghệ sĩ rất phấn khởi và hào hứng đi vào tuyến lửa. Hoài bão thì nhiều và to lớn. Nhưng không biết có đạt được sự mong muốn không.
Cuối thư một lần nữa chúc anh và các đồng chí mạnh khỏe. Và mong anh giúp đỡ mọi điều kiện cho anh em Văn nghệ Khu 5 hoạt động.
Thân kính
VĂN CẬN