Thổi "làn gió mới" cho âm nhạc thiếu nhi
Các em nhỏ Cung Thiếu nhi biểu diễn ca khúc “Tiến bước dưới lá cờ Đoàn” của nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn - một ca khúc trong tuyển tập “Đà Nẵng trong tim em”. Ảnh: XUÂN DŨNG
Cách đây 5 năm, Hội Âm nhạc thành phố cho ra mắt tuyển tập 50 ca khúc “Em lớn lên cùng thành phố anh hùng”, phát hành cả nước. Tuy nhiên, sau khi tuyển tập 50 ca khúc trên ra mắt, sáng tác cho thiếu nhi tại Đà Nẵng khá khiêm tốn. Những năm gần đây, có rất ít ca khúc về thiếu nhi được phát hành. Nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 25 năm thành phố trực thuộc Trung ương, Hội Âm nhạc phối hợp Cung Thiếu nhi Đà Nẵng phát động trại sáng tác tại chỗ, vận động nhạc sĩ tham gia sáng tác về đề tài tuổi thơ. Sau hơn hai tháng triển khai, trại sáng tác cho ra mắt gần 40 ca khúc và đưa vào tuyển tập “Đà Nẵng trong tim em”.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, các ca khúc trong tuyển tập có chất lượng cao, phong phú về thể loại, đa dạng trong ngôn ngữ, tiết tấu; ca từ sâu sắc, thể hiện tươi mới. Đặc biệt, nhiều nhạc sĩ khai thác tốt các khía cạnh tuổi thơ, mái trường của thiếu nhi Đà Nẵng. Đơn cử như: Cây cầu Rồng quê em (tác giả Nguyễn Hào Quang), Em vẽ thành phố quê hương (tác giả Mai Danh), Đà Nẵng của em (tác giả Trịnh Tuấn Khanh)… Đây là một trong những điểm sáng của tuyển tập vì trước đó, các nhạc sĩ chủ yếu sáng tác về tuổi thơ của thiếu nhi cả nước.
Là “lão làng” trong nền âm nhạc thành phố, có nhiều sáng tác cho thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái tham gia tuyển tập với 3 ca khúc: “Ếch ngồi đáy giếng”, “Kiến khôn tha mồi” và “Lời nhắn từ trái tim”. Các ca khúc phỏng theo truyện cổ tích, dùng chất liệu đồng dao với lời ca vui tươi, hồn nhiên. Theo nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái, sáng tác ca khúc cho thiếu nhi phải bảo đảm dễ hát, các nốt nhạc không quá thấp hay quá cao và giai điệu rộn ràng, dễ thương. Nguồn chất liệu đồng dao, ca dao, âm nhạc dân gian rất quý, phù hợp với trẻ em, nhưng khi khai thác phải kết hợp tiết tấu, hòa âm, phối khí, ca từ hiện đại mới thu hút các em nhỏ.
“Các nhạc sĩ dành nhiều tâm huyết, sự đầu tư nên những ca khúc trong tuyển tập có chất lượng rất cao. Đà Nẵng cũng là địa phương có phong trào âm nhạc, nhất là âm nhạc cho thiếu nhi phát triển. Do vậy, tôi hy vọng trong tương lai, thành phố có thêm nhiều chương trình, hoạt động âm nhạc cho thiếu nhi tham gia và khuyến khích nhạc sĩ sáng tác. Qua đó, góp phần bồi đắp tinh thần cho thiếu nhi và tạo điều kiện cho đội ngũ sáng tác âm nhạc thể hiện tình yêu với thế hệ mầm non”, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái bày tỏ.
Nhạc sĩ Cao Tâm tham gia tuyển tập với hai ca khúc: “Thắp sáng niềm tin” và “Những anh mù xem voi”. Cả hai sáng tác với lời ca giản dị, hài hước nhưng nội dung có tính giáo dục sâu sắc, giúp định hướng tâm hồn cho các em. Vừa là nhạc sĩ, vừa là giáo viên âm nhạc tại Trường THCS Trưng Vương nên nhạc sĩ Cao Tâm có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, tâm tư của các em, vì vậy sáng tác ra nhiều ca khúc hay được các em thiếu nhi đón nhận.
Nhạc sĩ Cao Tâm cho rằng, để âm nhạc thiếu nhi đi vào đời sống nói chung, lan tỏa những ca khúc trong tuyển tập nói riêng, cần tăng cường giáo dục cảm thụ âm nhạc trong nhà trường, tổ chức nhiều chương trình văn nghệ cho các em tham gia. Sáng tác cho thiếu nhi là đề tài khó, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, tổ chức những buổi gặp gỡ thiếu nhi để nhạc sĩ lắng nghe ý kiến, tâm tư, ước muốn, nhu cầu của các em đối với vấn đề âm nhạc giải trí…
Theo Phó Chủ tịch phụ trách Hội Âm nhạc thành phố Nguyễn Nhẫn, tuyển tập là cơ hội để trẻ em Đà Nẵng tiếp cận những tác phẩm âm nhạc phù hợp lứa tuổi, làm phong phú đời sống tinh thần và nâng cao chất lượng, phong trào sáng tác nhạc thiếu nhi thành phố. Hội Âm nhạc thành phố sẽ gửi tặng tất cả các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố tuyển tập ca khúc “Đà Nẵng trong tim em” để phục vụ dàn dựng, sử dụng trong những chương trình văn nghệ.
Cùng với đó, phối hợp Cung Thiếu nhi tổ chức các chương trình giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm; tổ chức hội thi văn nghệ để lan tỏa ca khúc trong tuyển tập. Đồng thời, phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng, các đơn vị truyền thông, báo chí tuyên truyền, giới thiệu, phát sóng chương trình văn nghệ để phổ biến rộng rãi tuyển tập đến thiếu nhi trên địa bàn. “Không thiếu các tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi, nhưng những sáng tác hay cho các em chưa bao giờ là đủ. Thời gian tới, hội tiếp tục phát động nhạc sĩ đẩy mạnh sáng tác về đề tài thiếu nhi, nhất là các nhạc sĩ trẻ. Qua đó, mang đến hơi thở trẻ trung, phù hợp nhịp sống hiện đại và thị hiếu của thiếu nhi ngày nay”, nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn khẳng định.
(baodanang.vn)