“Cái tổ” của sáng tạo

21.09.2022
Nghiêm Quốc Cường
Đến năm 2004, mạng lưới TP Sáng tạo của UNESCO ra đời nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các TP đã chọn “sáng tạo” làm yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Mạng lưới TP Sáng tạo hướng tới 7 lĩnh vực: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật Truyền thông, Phim, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc.

“Cái tổ” của sáng tạo

Một số không gian Sáng tạo trong nước

Ý tưởng “Thành phố sáng tạo”


Ý tưởng về “Thành phố sáng tạo” có lẽ đã được nhắc tới từ rất sớm vào cuối những năm 1980, đến đầu những năm 1990 nó được coi là khát vọng để phát triển các thành phố (TP). Nhiều nước trên thế giới đã phát triển mạng lưới TP sáng tạo ngay trong chính quốc gia mình như: Creative London (Anh), Creative Newyork (Mỹ), Creative Amsterdam (Hà Lan), Creative Toronto – Creative Vancouver – Creative Ottawa (Canada), Creative Bribane – Creative Auckland (Úc), Tokyo – Osaka (Nhật Bản)…

Có thể nhận thấy điểm chung ở những thủ phủ thiết kế trên thế giới là sự lựa chọn ban đầu hoàn toàn không nhân danh cuộc chơi nào cả, nó là sự quy hoạch được dụng công nghiên cứu và bàn thảo ở tầm vĩ mô và được kiên trì kiên định triển khai đến tận cấp vi mô.

Đến năm 2004, mạng lưới TP Sáng tạo của UNESCO ra đời nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các TP đã chọn “sáng tạo” làm yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Mạng lưới TP Sáng tạo hướng tới 7 lĩnh vực: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật Truyền thông, Phim, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc.

Kho tàng tài nguyên văn hóa của Hà Nội


Hà Nội với 5.922 di tích, trong đó: Hoàng thành Thăng Long là một Di sản Văn hóa Thế giới; bên cạnh đó còn có 03 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 01 di sản tư liệu thế giới; 19 di tích quốc gia đặc biệt và trên một nghìn di tích cấp quốc gia. Hệ thống di sản văn hóa phong phú đó là những tài sản vô giá của Thủ đô.

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề truyền thống của cả nước. Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu, chính là tiềm năng, lợi thế để đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo.

Hà Nội cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hệ thống các trung tâm nghiên cứu, học viện, trường đại học, cao đẳng rất thuận lợi cho việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Hà Nội chứa đựng nhiều công trình mang nét đặc trưng có tầm vóc khu vực như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bắc Bộ Phủ, … Đồng thời, Hà Nội đang xây dựng và phát triển các công trình kiến trúc đương đại, mang tính biểu tượng mới như Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân, … Các không gian đường phố, công trình kiến trúc cũ, cổ được cải tạo sử dụng thành nơi tổ chức các hoạt động sáng tạo, kết nối cộng đồng, đang góp phần làm cho người dân thêm yêu Thủ đô.

Hà Nội đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam; Không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội,…

Hà Nội hiện có hơn 100 địa điểm hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế, thủ công,…điển hình như: Hanoi Creative City, Complex 01, 282 Workshop, AGOhub, VUUV, Ơ kìa Hà Nội, Matca, Manzi, Bar bầu… Đồng hành còn có rất nhiều các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế như: British Council, Vì một Hà Nội đáng sống, UN Habitat, Vicas, TPD, Heritage Space, Hanoi Grapevine, Hội KTS Việt Nam, … Và nhiều chương trình sự kiện khác: VietNam Design Week, VietNam Festival Creativity Design, Ashui Awards … Đây là những điểm sáng, truyền lửa trong “mạng lưới sáng tạo con” của Thủ đô.

 
Danh hiệu “Thành phố thiết kế sáng tạo”


Vào tháng 10 năm 2019, Hà Nội đã gia nhập và đạt được danh hiệu “Thành phố Sáng tạo về lĩnh vực Thiết kế”. Mục tiêu của Hà Nội trong tương lai gần là sẽ trở thành “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á, là tiền đề thúc đẩy các TP khác của Việt Nam, như: TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Hội An… tham gia mạng lưới TP sáng tạo.

Danh hiệu “TP thiết kế sáng tạo” liệu có phải là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Hà Nội? “Thiết kế” ở đây không chỉ đề cập đến quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, mà rộng hơn như một cách tư duy đổi mới để giải quyết các vấn đề khó khăn khác của đô thị như: Vấn đề quá tải đô thị, tắc đường, thu nhập, ô nhiễm môi trường, … thiết kế chương trình giáo dục nhằm chuẩn bị kỹ năng cho thế hệ trẻ sẵn sàng thích ứng với bối cảnh đổi mới…

Không thể không vui khi Hà Nội được công nhận là “TP thiết kế sáng tạo”. Nhưng cũng không thể tránh khỏi sự ưu tư khi thốt nhiên nghĩ đến việc Hà Nội đã làm những gì cho lĩnh vực thiết kế và sắp tới đây sẽ làm thế nào để thực sự tự tin với danh hiệu “TP thiết kế sáng tạo”? Nó đem lại cho chúng ta những gì – Hay chỉ là một cuộc chạy đua ghi danh, cạnh tranh danh hiệu và khi hết “mốt” TP sáng tạo thì Hà Nội sẽ lại bắt đầu một cuộc chạy đua danh hiệu mới? Hay đó thực ra là tư duy của các bậc phụ huynh khi con cái đứng trước ngưỡng cửa thi vào cấp 3. Cái “trường chuyên” tên là UNESCO kia rất oách, phải cố mà vào đi, vì không vào thì mình không bằng bạn bằng bè, con nhà người ta đứa nào cũng đã được ghi danh với đạt danh hiệu hết rồi kìa?

Dưới góc nhìn cá nhân, người viết đặt lòng tin rằng Hà Nội hoàn toàn có thể sáng tạo ngay cả khi “mốt” TP sáng tạo của UNESCO không xuất hiện. Vấn đề nằm ở chỗ: TP cần đặt trọng tâm vào nội lực và chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ nội lực ấy bằng mọi cách – TP cần trở thành “cái tổ” lớn để những hạt nhân sáng tạo yên tâm – thỏa sức học – thỏa sức bay. Khi đó, danh hiệu “TP Thiết kế Sáng tạo” mới có thể trở thành “động cơ phân khối lớn”, đẩy Hà Nội thoát ra khỏi câu đùa dai dẳng “Hà Nội không vội được đâu” vốn đã ăn sâu bám rễ.

 
Một số TP thiết kế sáng tạo khu vực Châu Á


Seoul là thủ đô của Hàn Quốc. Với hơn 2/3 các nhà thiết kế Hàn Quốc tập trung ở Seoul, TP này là trung tâm của bối cảnh thiết kế quốc gia. Hơn nữa, Seoul là “ngôi nhà” của hàng nghìn chuyên gia quảng cáo, KTS, nhà thiết kế trò chơi và nhà phát triển nội dung kỹ thuật số. Năm 2011, công trình Dongdaemun Design Plaza do Zaha Hadid thiết kế được tạo ra như một trung tâm văn hóa dành riêng cho thiết kế và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Thượng Hải là TP đầu tiên ở Trung Quốc có các đơn vị công nghiệp sáng tạo như xưởng thiết kế, phim và âm nhạc. Thượng Hải là nơi có 87 không gian sáng tạo, hơn 4.000 cơ quan và tổ chức liên quan đến thiết kế sáng tạo, 283 tổ chức nghệ thuật, 239 trung tâm cộng đồng nghệ thuật và văn hóa, 100 bảo tàng, 25 thư viện và 743 cơ sở lưu trữ. Thượng Hải đã thành lập Văn phòng Xúc tiến TP Sáng tạo, là tổ chức chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy “mạng lưới con” của TP thiết kế; thúc đẩy việc hoạch định, thực hiện các chính sách, hỗ trợ hợp tác và trao đổi quốc tế trong các ngành thiết kế sáng tạo.

Singapore là một TP hiện đại, thiết kế đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của TP. Thiết kế đô thị của Singapore kết hợp các giải pháp thông minh để đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà ở, y tế, giáo dục và giao thông. Thiết kế là động lực chính của nền kinh tế sáng tạo địa phương, với ước tính khoảng 5.500 doanh nghiệp thiết kế đang hoạt động sử dụng lên đến 29.000 người. Năm 2003, Bộ Văn hóa đã thành lập Hội đồng Design Singapore, chịu trách nhiệm về các chương trình và sự kiện chính liên quan đến thiết kế.

Kobe là một TP nằm ở phía Nam của Nhật. Sau khi trở thành TP Thiết kế Sáng tạo, Trung tâm thử nghiệm Tơ thô trước đây đã được cải tạo và chuyển đổi thành “Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo Kobe”, với chức năng như một trung tâm sáng tạo và xây dựng các dự án phù hợp với chương trình TP Sáng tạo của Kobe. Với mong muốn trở thành một TP thiết kế hiện đại, tập trung vào tăng trưởng và phúc lợi của người dân. Kobe cam kết sử dụng thiết kế như một công cụ để giải quyết những thách thức mà xã hội ngày nay phải đối mặt.

Bandung là TP lớn thứ ba ở Indonesia. Bandung là nơi đặt trụ sở của hơn 50 cơ sở giáo dục đại học, trường đại học và trung tâm nghiên cứu đã khiến TP trở thành điểm đến cho sinh viên và các nhà nghiên cứu trẻ theo đuổi việc học và sự nghiệp của họ. Các ngành công nghiệp chiến lược quốc gia được thành lập ở Bandung. Năm 2014, Ủy ban Kinh tế Sáng tạo Bandung được thành lập, với nhiệm vụ là tạo ra một lộ trình và các chương trình nhằm nâng cao tiềm năng sáng tạo của TP.


TP Sáng tạo về lĩnh vực Thiết kế ở nước ngoài
 

“Cái tổ” của sáng tạo


Điểm chung của các TP sáng tạo trên thế giới là họ luôn có một hội đồng sáng tạo, ủy ban sáng tạo hoặc trung tâm sáng tạo làm đầu não xây dựng các chính sách, định hướng các lộ trình cho nền công nghiệp sáng tạo. Hà Nội cần thiết phải kiến tạo một trung tâm sáng tạo, là “nguồn dinh dưỡng” cho các cá nhân và cộng đồng sáng tạo, với ý nghĩa như một “Cái tổ” làm chỗ dựa, cung cấp sự bảo hộ, nuôi dưỡng và phát triển các “Mạng lưới sáng tạo con”. “Cái tổ” này cần chấp nhận các rủi ro đã lường trước của sáng tạo, có khả năng lãnh đạo, có thực quyền và quan trọng là có nguyên tắc và linh hoạt sáng tạo trong các cơ chế chính sách thực hiện.

Hà Nội định hướng lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm, khu vực trung tâm Hà Nội hiện cũng đang là nơi tập trung phần lớn các không gian văn hóa sáng tạo. Nên chăng đó là nơi phù hợp kiến tạo “Cái tổ” – Bao hàm cả “phần cứng” lẫn “phần mềm”. “Phần cứng” là địa điểm cụ thể, có thể là một tòa nhà, một tuyến phố, hoặc một khu vực. “Phần mềm” bao gồm: Lực lượng lao động sáng tạo; hệ thống tri thức sáng tạo; hệ thống kết nối tiếp cận; … “Cái tổ” là nơi ấp ủ – Nuôi dưỡng – Dõi theo những mạng lưới con – Như một người mẹ dồi dào tình yêu. “Cái tổ” là nơi chọn lọc, rèn giũa, huấn luyện, sát cánh với những mạng lưới con – Như một “mentor” sắc bén luôn có tư duy chiến lược. 
Cuối năm 2021, cuộc thi “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội” do TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam đồng hành cùng nhiều đơn vị tổ chức, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm hưởng ứng tham gia nhiệt tình của những người yêu Hà Nội. Trong đó hạng mục “Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng” được các tổ chức cá nhân thiết kế quan tâm và kỳ vọng nhiều nhất. Các địa điểm nhà máy xí nghiệp được đề xuất để kiến tạo trung tâm sáng tạo như: Nhà máy Bia Hà Nội; Nhà máy Thuốc lá Thăng Long; Nhà máy xe lửa Gia Lâm, … Đã có nhiều phương án dự thi phát huy các giá trị cũ và mới, khai thác trở thành những không gian văn hóa sáng tạo có tính khả thi cao.

Những sự kiện, hội thảo, tọa đàm đã tổ chức, những cuộc thi thiết kế, sáng kiến đã được trao giải, … tiếp theo là rất nhiều việc phải hiện thực hóa. Và có lẽ một trong những việc Hà Nội cần guồng chân, khi đã bước vào giai đoạn nước rút – cần thực hiện triệt để các cam kết mà Mạng lưới TP sáng tạo đề ra – Đó là kiến tạo một “cái tổ” trong thực tiễn, để các “mạng lưới sáng tạo con” sớm có chỗ dựa, mở rộng và lan tỏa, là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển TP sáng tạo thực sự bền vững.

(Tạp chí Kiến trúc số 6/2022)