Luận về những tiếng đàn

06.09.2024
Đỗ Anh Vũ
Trong bảy môn nghệ thuật mà loài người đã sáng tạo ra, âm nhạc có thể nói là bộ môn dễ thưởng thức nhất đối với đông đảo công chúng. Âm nhạc của thiên nhiên có lẽ đã đến với con người từ những thứ thật gần gũi như chim hót líu lo, suối chảy róc rách, sóng biển rì rào... Âm nhạc đến với mỗi tuổi thơ từ lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ...

Luận về những tiếng đàn

Ảnh minh họa: Tres Para Uno của Federico Beltrán Masses

Trong bảy môn nghệ thuật mà loài người đã sáng tạo ra, âm nhạc có thể nói là bộ môn dễ thưởng thức nhất đối với đông đảo công chúng. Âm nhạc của thiên nhiên có lẽ đã đến với con người từ những thứ thật gần gũi như chim hót líu lo, suối chảy róc rách, sóng biển rì rào... Âm nhạc đến với mỗi tuổi thơ từ lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ... Và rồi loài người lại mô phỏng tự nhiên mà làm nên nhiều nhạc cụ khác nhau, mỗi nhạc cụ mang theo nó những tính năng và âm sắc riêng biệt, thậm chí mang theo nó dấu ấn văn hóa của cả cộng đồng xứ sở. Trong ba bộ cơ bản của âm nhạc (bộ dây, bộ gõ và bộ hơi) thì bộ dây là bộ nhạc cụ có số lượng phong phú nhất, khả năng biểu đạt kỹ thuật đa dạng nhất và thường được chọn làm nhưng biểu tượng văn hóa. Những tiếng đàn không chỉ làm đẹp thêm cho cuộc đời mà chúng còn đi vào bao áng văn chương sử sách của nhân loại, làm nên những huyền thoại trường tồn.

Người xưa chơi đàn

1. Người xưa mỗi khi chơi đàn đều coi đó là một nghi lễ. Gặp đám tang không dùng đàn, lòng nhiễu loạn không dùng đàn, người bận rộn không dùng đàn, không sạch sẽ không dùng đàn, quần áo không tề chỉnh cũng không dùng đàn. Trước khi chơi đàn còn phải đốt một lư trầm khiến hương thơm bao phủ, khiến người và đàn dường như bước sang một cảnh giới khác. Người xưa chơi đàn theo tôi có ba lẽ: thứ nhất là thể hiện kỹ thuật, tài năng (cái này phù hợp nhất với người nữ), thứ hai là thể hiện, gửi gắm nỗi lòng - tâm sự hoặc ý chí - hoài bão qua tiếng đàn (những tiếng đàn này nhiều khi không cần thính giả, người nghệ sĩ có thể chơi đàn một mình ở nơi hoang vắng), thứ ba là chơi đàn để kiếm tìm tri âm tri kỷ. Nói đến tiếng đàn tìm tri âm tri kỷ phải nhắc trước tiên đến chuyện Bá Nha – Tử Kỳ. Cây đàn Bá Nha sử dụng là cây Cổ cầm (còn gọi là Dao cầm). Việc làm ra Dao Cầm, theo truyền thuyết của người Tàu ghi lại, đáng gọi là kỳ công. Gỗ của Dao cầm nhất định phải làm từ đoạn giữa của cây ngô đồng, bởi đoạn trên tiếng trong mà nhẹ, đoạn dưới tiếng đục mà nặng, duy có đoạn giữa đầy đủ và phân minh các âm sắc vừa trong vừa đục mới đem ra dùng được. Vua Phục Hy đem khúc ngô đồng ấy ngâm trong dòng nước lành 72 ngày đêm rồi giao cho người thợ khéo là Lưu Tử Kỳ mà làm ra cây Dao cầm. Truyện cũ kể rằng, khi Bá Nha chơi bản Khổng Tử khóc Nhan Hồi réo rắt nơi cửa sông Hán Dương thì bỗng bản nhạc chưa hết mà dây đàn đứt, hóa ra là vì có người nghe đàn mà không lộ mặt. Để thử tài nhau, Bá Nha chơi liền hai khúc nữa. Khúc thứ nhất cao siêu khoáng đạt vừa dứt, Tử Kỳ đã nói ngay: Nga nga hề chí tại sơn (Ý người vời vợi nơi non cao). Khúc thứ hai mênh mang dào dạt vừa ngừng, Tử Kỳ lại nói ngay: Dương dương hề chí tại lưu thủy (Ý người cuồn cuộn dòng nước chảy). Hai người từ đó kết thành tri âm tri kỷ. Đến mùa thu năm sau Bá Nha quay lại thăm thì Tử Kỳ đã qua đời. Trước mộ tri âm, Bá Nha chơi khúc đàn “Thiên thu trường hận” khiến gió rừng rít mạnh, mây đen kéo tới u ám bầu trời, chim chóc dường cũng cất tiếng ai oán. Khúc nhạc dứt, cây đàn bị đập mạnh vào tảng đá nát tung từng mảnh, trụ ngọc phím vàng rơi lả tả. Có bốn câu thơ để lại làm chứng rằng: Đập nát đàn Dao đuôi phượng lạnh/Tử Kỳ đã mất gảy ai nghe/Gió xuân đầy mặt đều bè bạn/Song kiếm tri âm khó vạn bề.

Một tiếng đàn dị thường khác trong sử sách của người Tàu là tiếng đàn của Sư Khoáng được miêu tả trong hồi 68 Đông Chu liệt quốc. Trước sự yêu cầu của vua Tấn Bình Công, Sư Khoáng dù không muốn nhưng cũng buộc lòng phải gảy hai khúc Thanh Chủy và Thanh Dốc. Khúc Thanh Chủy vừa ngân lên thì có một đàn chim hạc từ phương Nam bay đến, tám đôi đậu liền kề trước cung môn. Nhạc tiếp tục thì chim hạc bay xuống mà sắp hàng ở dưới thềm. Nhạc tiếp nữa thì chim hạc vỗ cánh mà múa, vươn cổ mà kêu, theo điệu cung thương thấu đến tận trời. Thế nhưng khúc Thanh Chủy đã lạ kỳ mà khúc Thanh Dốc mới khiến người ta phải kinh hãi khiếp sợ. Và vì cố xin nghe khúc Thanh Dốc mà Tấn Bình Công đã phải đổi lấy chính tính mạng của mình. Sách viết: “Mới gảy một khúc, có đám mây đen ở phương Tây hiện lên; gảy một khúc nữa thì bỗng nổi một cơn dông, bao nhiêu ngói ở trên nóc điện bay tung lên và cột hiên gãy hết, lại thấy có tiếng sét dậy trời rồi mưa to như trút nước. Dưới đài ngập mấy thước, trong đài chỗ nào cũng ướt cả. Tấn Bình công sợ hãi, cùng với Vệ Linh Công nằm phục vào một nơi...”. Một tháng sau, Tấn Bình công ốm nặng rồi chết, âu cũng bởi đức chưa kịp với nhạc vậy. Thế mới biết, cả người chơi nhạc và người nghe nhạc phải luôn đặt chữ Đức lên hàng đầu. Ở nước ta, Nguyễn Trãi cũng từng có lời khuyên chí tình khi vua Lê Thái Tổ ban Chiếu làm nhạc: “Kể ra, thời loạn dụng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ Nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ rủ lòng thương yêu muôn dân, khiến cho khắp nơi làng mạc, từ thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu, đó mới là cái gốc của nhạc vậy”.

Vẫn trong văn xuôi của người Tàu còn một khúc đàn cổ quái điêu linh nữa không thể bỏ qua, đó là khúc song tấu giữa Cầm và Tiêu trong Tiếu ngạo giang hồ (Kim Dung) do Lưu Chính Phong và Khúc Dương thể hiện: “...Tiếng đàn không ngớt vọng lại, nghe rất u nhã; một lúc sau có tiếng sáo nhu hòa dìu dặt nổi lên hòa với tiếng đàn. Âm điệu của cây thất huyền cầm dịu dàng trung chính lẫn với tiếng sáo thanh cao véo von làm rúng động lòng người. Tiếng đàn tiếng sáo dường như một bên hỏi, một bên đáp rồi từ từ đi đến gần (...) Bỗng dưng tiếng đàn phát ra những âm thanh gào thét, dường như có ý sát phạt nhưng tiếng sáo vẫn ôn hòa uyển chuyển. Một lúc sau, tiếng đàn trở lại êm dịu; hai âm điệu lúc trầm lúc bổng hòa quyện vào nhau. Bỗng nhiên tiếng đàn tiếng sáo biến đổi thình lình, dường như cùng lúc có bảy tám cây đàn, bảy tám ống sáo cùng hòa tấu một nhạc khúc. Âm thanh của tiếng đàn tiếng sáo biến ảo vô cùng phức tạp, một tiếng phát ra chợt trầm bổng, chợt ngừng ngắt, khiến người ta xúc động nghẹn ngào. Lệnh Hồ Xung lắng nghe đến nỗi mạch máu căng lên, không kìm được muốn đứng dậy. Lại nghe một lúc nữa, tiếng đàn tiếng sáo biến đổi, tiếng sáo biến thành giai điệu lĩnh xướng, tiếng thất huyền cầm chỉ phụ họa theo tình tang tình tang. Rồi tiếng sáo càng lúc càng cao vút lên. Lệnh Hồ Xung không hiểu sao lòng mình cảm thấy đau xót, nghiêng đầu nhìn Nghi Lâm, thấy tiểu ni cô nước mắt rơi lã chã. Đột nhiên cung đàn rít lên một tiếng cấp bách, tiếng đàn lập tức dừng lại, tiếng sáo cũng ngừng ngay. Bốn bề trở lại tĩnh mịch, chỉ còn vầng trăng ở trên bầu trời cao soi bóng những hàng cây” (bản dịch của Vũ Đức Sao Biển – Trần Hải Linh – Lê Thị Anh Đào). Đoạn văn trên, theo tôi, xứng đáng được coi là một trong những đoạn tả tiếng đàn/sáo hay nhất của văn học phương Đông. Khúc nhạc ấy vừa trầm hùng vừa bi tráng vừa toát lên ngạo khí cốt cách của hai bậc anh hùng. Đó cũng là lần hợp tấu cuối cùng của hai người bạn tri kỷ bởi liền sau đó, Lưu Chính Phong và Khúc Dương “cùng cất lên một tràng cười dài, vận nội lực khắp người, làm đứt đoạn nội tức lẫn tâm mạch. Cả hai cùng nhắm mắt đi đến suối vàng”.

Thuở xưa, người Việt chơi đàn

2. Trong văn học thời trung đại của người Việt, đại thi hào Nguyễn Du có lẽ là người có nhiều dụng công trong việc tả tiếng đàn hơn cả. Trong kiệt tác Truyện Kiều có tới 8 lần miêu tả Thúy Kiều đánh đàn, trong số 8 lần ấy có 4 lần được miêu tả khá kỹ lưỡng, chi tiết. Đó là các lần: Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe trong buổi đầu gặp mặt, Thúy Kiều vừa đánh đàn vừa hầu rượu Hoạn Thư – Thúc Sinh trong thân phận nàng hầu, Thúy Kiều vừa dâng rượu vừa đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe sau cái chết của Từ Hải và Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng trong ngày đoàn viên tái ngộ. Cả bốn lần Kiều chơi đàn đều gắn với những nỗi buồn. Trong lần đầu tiên, nỗi buồn mơ hồ chưa rõ, chừng như là một dự báo về số phận của nàng, bộc lộ một tâm hồn đa sầu đa cảm: Trong như tiếng hạc bay qua/Đục như nước suối mới sa nửa vời/Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa/Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu/Khi tựa gối, khi cúi đầu/Khi vò chín khúc khi chau đôi mày/Rằng hay thì thật là hay/Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào. Ở lần thứ hai và thứ ba, nỗi buồn trong tiếng đàn là những nỗi buồn có thực, gắn với những biến cố bi thương trong cuộc đời Kiều. Tiếng đàn trong tiệc rượu nhà Hoạn Thư là nỗi tủi đau của mối tình ngang trái bẽ bàng, đau lòng vì người từng đầu gối tay ấp ngay bao ngày giờ ngồi kề bên mà chẳng thể bảo vệ cho mình: Bốn dây như khóc như than/Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng/Cùng trong một tiếng tơ đồng/Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm. Trong lần đánh đàn hầu Hồ Tôn Hiến, tiếng đàn là nỗi đau khổ tột cùng của sự đổ vỡ, chia lìa tang tóc, chấm dứt mọi hy vọng về tương lai: Một cung gió thảm mưa sầu/Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay/Ve ngâm vượn hót nào tày/Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu/Hỏi rằng:“Này khúc ở đâu?/Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”/Thưa rằng: “Bạc mệnh khúc này/Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ/Cung cầm lựa những ngày xưa/Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây”. Và ở lần đánh đàn cuối cùng của Thúy Kiều, công bằng mà nói, tiếng đàn có chút vui vầy ấm cúng của ngày đoàn tụ, song vui trước mà buồn sau, tiếng đàn ấy là sự chứa chất của bao tháng năm lưu lạc cũng như của cả cuộc đời tài hoa bạc mệnh mang tên Thúy Kiều: Phím đàn dìu dặt tay tiên/Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa/Khúc đâu đầm ấm dương hòa/Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh/Khúc đâu êm ái xuân tình/Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên/Trong sao châu nhỏ duềnh quyên/Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông/Lọt tai nghe suốt năm cung/Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao.

Văn học dân gian của người Việt cũng còn những tiếng đàn đặc biệt khác. Đó là tiếng đàn oan khuất của Thạch Sanh khi bị Lý Thông vu oan ném vào ngục tối: Đàn kêu tích tịch tình tang/Ai đem công chúa dưới hang trở về. Cũng chính tiếng đàn Thạch Sanh đẩy lui quân giặc, biến nguy thành an (Chi tiết này làm ta nhớ tới việc Khổng Minh đánh đàn ở Tây Thành, mở toang bốn cổng mà đuổi lui được 15 vạn quân của Tư Mã Ý). Người Việt còn có những câu ca ngợi tiếng đàn bầu –nhạc cụ truyền thống điển hình nhất trong đời sống dân gian: Đàn bầu ai gảy nấy nghe/Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. Những tiếng đàn còn gây nên nguồn cảm hứng cho bao thi phẩm nổi tiếng khác trong nền văn học hiện đại Việt Nam sau này. Biết bao câu thơ trong những tác phẩm ấy còn in dấu mãi trong hồn ta: Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi/ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người (Nguyệt cầm – Xuân Diệu, Cung Tiến phổ nhạc); Tay nhấn tơ chùng đã ngấm sương/ Hò ngân cung Bắc lướt cung Thương/Dòng Tiêu Kim Thủy gà xao xác/ Ngẩng thấy kinh kỳ khói vấn vương (Một đêm đàn lạnh trên sông Huế - Văn Cao); Tiếng đàn bầu của ta/ Lời đằm thắm thiết tha/ Cung thanh là tiếng mẹ/ Cung trầm là giọng cha (Đàn bầu – Lữ Giang, Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc).

Cây đàn Guitar

3. Có lẽ, nhạc cụ phương Tây mang tính thông dụng và thân thiện nhiều nhất khi truyền sang phương Đông phải kể đến là cây guitar. Cây guitar, như ta đã biết, còn được gọi là Tây Ban cầm, ngụ ý trỏ về nguồn gốc đến từ Tây Ban Nha của nó. Quả thực, cây đàn guitar đã có được sự phát triển rực rỡ ở Tây Ban Nha thế kỷ XIV và nó càng đạt đến đỉnh cao hơn nữa ở thể kỷ XIX dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân bậc thày Antonio De Torres Jurado (1817 - 1892). Phải đợi cho đến Torres, cây guitar mới tìm được sự hoàn hảo đích thực về hình thức như ngày nay chúng ta vẫn thấy, từ các tỷ lệ trên thân đàn, thùng đàn cho đến độ dài chuẩn mực của dây đàn là 65 cm. Một điều thú vị là nếu truy nguyên tận cùng nguồn gốc của guitar, người ta lại cho rằng nó xuất hiện đầu tiên tại Ai Cập và Babylon từ 1000 năm trước Công nguyên, được những đạo quân xâm lược mang vào châu Âu từ thế kỷ 8 rồi sau đó mới tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở lục địa này.

Nói đến nhân vật như một biểu tượng văn hóa gắn liền với guitar trong nửa đầu thế kỷ XX, người ta không thể không nghĩ tới Federico Garcia Lorca, một tài năng sáng chói của dân tộc Tây Ban Nha với các khả năng về thơ ca, hội họa, âm nhạc, sân khấu. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, ông nồng nhiệt cổ vũ nhân dân Tây Ban Nha đấu tranh chống lại chế độ độc tài Prinô đê Ri vê ra, đòi quyền sống chính đáng cho người lao động và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân trong các lĩnh vực nghệ thuật. Năm 1936, chế độ phản động cực quyền thân phát xít Phrăng- cô đã bắt giam và bắn chết ông. Ông ngã xuống với câu nói trở thành bất tử: “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn guitar”. Tên tuổi của ông trở thành một biểu tượng bất diệt để các nhà văn hóa Tây Ban Nha cũng như tất cả những tầng lớp tiên tiến trên thế giới chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại. Ở Việt Nam, cuộc đời và biểu tượng Lorca đã đi vào bao tác phẩm làm rung động hàng triệu trái tim. Bài thơ Đàn Guitar của Lorca là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà thơ Thanh Thảo, nằm trong tập Khối vuông ru- bich, được đưa vào SGK Ngữ văn 12 từ nhiều năm nay: Tiếng ghi ta nâu/Bầu trời cô gái ấy/Tiếng ghi ta lá xanh biết mấy/Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan/Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy/Không ai chôn cất tiếng đàn/Tiếng đàn như cỏ mọc hoang/Giọt nước mắt vầng trăng/Long lanh trong đáy giếng. Và có lẽ, cảm hứng mãnh liệt từ bài thơ của Thanh Thảo đã khiến hai nhạc sĩ Thanh Tùng và Hình Phước Liên cùng kết hợp để làm nên một ca khúc bất hủ với tựa đề: Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi taMặt trời hồng trên cát nóng Es-pa- nha/Là tiếng đàn ghi ta của Lorca/Giọt lệ nào ướt đẫm áo choàng đỏ thắm Es-pa-nha/Hay giọt buồn ghi ta của Lorca. Ở Việt Nam, bài thơ Guitar khóc của Lorca đã được vô số các thi sĩ chuyển ngữ, song bản dịch khiến tôi yêu thích nhất là của nhà thơ Hồng Thanh Quang, đã được Nhị Độ phổ nhạc thành ca khúc cùng tên: Guitar bần bật khóc/Buổi sáng vỡ bình yên/Guitar bần bật khóc/Chẳng thể nào bắt im/Guitar bần bật khóc/Như nước chảy qua mương/Như gió trườn trên tuyết/Không thể nào dập tắt...

Cảm hứng về cây đàn guitar còn khiến bao nhạc sĩ Việt Nam từ nửa cuối thể kỷ trước cho tới nay đã viết được nhiều ca khúc có sức sống vượt thời gian, gây ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng yêu ca nhạc. Có thể kể tới các bài điển hình như: Cây đàn ghi ta của đại đội ba (Nhạc và lời: Xuân Hồng), Cây đàn ghi ta một dây (Nhạc và lời: Minh Quang), Cây đàn sinh viên (Nhạc và lời: Quốc An)...

Âm nhạc lên tiếng

4. Sau cây guitar đi vào văn chương, phải kể đến cây đàn piano mà ở Việt Nam còn được gọi với cái tên quen thuộc là dương cầm. Nếu như âm thanh của guitar chinh phục người nghe bằng sự tinh tế, hoặc khi sâu lắng, hoặc khi bốc lửa với tính cơ động rất cao, di chuyển dễ, thích nghi trong mọi hoàn cảnh; thì dương cầm lại mang đến một cảm giác sang trọng của thánh đường, cần một không gian đủ rộng, cần một sự tĩnh tại nhất định trong tâm hồn để thưởng thức. Âm thanh của cây dương cầm cũng đã đi vào vô số

Mưa khuya dương cầm đổ

Bé nhỏ, tóc cài nơ

Giai điệu đầy vụng dại

Cũng đủ tình ru mơ

Những ngón gày như măng

Những giọt vàng âm sắc

Tim mình giáng độ thăng/Vẫn gieo buồn lên mắt...

những bài thơ, bản nhạc, tạo nên những dư vị sâu lắng, khắc khoải trong lòng người: Mùa đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân (Em ơi Hà Nội phố, Nhạc: Phú Quang, thơ: Phan Vũ), Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi/Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm/Có phải em là mùa thu Hà Nội/Nghìn năm sau ta níu bóng quay về/Ôi mùa thu của ước mơ (Có phải em mùa thu Hà Nội, nhạc: Trần Quang Lộc, thơ: Tô Như Châu), Mưa khuya dương cầm đổ/Bé nhỏ, tóc cài nơ/Giai điệu đầy vụng dại/Cũng đủ tình ru mơ/Những ngón gày như măng/Những giọt vàng âm sắc/Tim mình giáng độ thăng/Vẫn gieo buồn lên mắt...(Mưa khuya dương cầm đổ - Hồng Thanh Quang).

Trong tiểu thuyết nổi tiếng Tuổi thơ dữ dội của nhà văn Phùng Quán, hẳn nhiều độc giả còn nhớ mãi chi tiết Quỳnh sơn ca rưng rưng trên phím dương cầm. Khi ấy, các anh thương binh, người cầm dao người cầm mã tấu đang thi nhau chém xuống cái đàn vì không biết đó là một nhạc cụ rất giá trị. Quỳnh đang bị thương nặng ở chân, phải nhờ Mừng cõng chạy đến cho nhanh để xin các anh dừng lại việc phá đàn. Và rồi : “Hai bàn tay ngón thon dài như tạc bằng cẩm thạch của Quỳnh bỗng như hai cánh chim lướt bay là là trên dãy phím đàn. Cả gian buồng tranh tối tranh sáng phút chốc tràn ngập những âm thanh thánh thót, trầm bổng du dương, hay đến nỗi các anh đứng vây quanh rơi cả mã tấu,dao găm xuống đất (...) Quỳnh lúc này đã hoàn toàn đắm mình vào âm nhạc. Tiếng đàn của Quỳnh mỗi lúc một thêm ngân vang, dồn dập, quyến rũ...Từ những giai điệu dịu dàng, mơ màng, uyển chuyển như dòng sông Hương êm đềm trôi dưới ánh trăng, nó vụt chuyển sang những giai điệu hùng tráng sôi sục của những ca khúc Cách mạng. Dưới hai bàn tay mềm mại trẻ thơ của nó, cây đàn phút chốc hóa thành một đơn vị Vệ Quốc Đoàn đang rầm rập tiến ra mặt trận trong tiếng hát vang trời”. Chương 14 của tác phẩm đã khép lại tiếng đàn của Quỳnh bằng một chi tiết bi tráng, gây ấn tượng mạnh mẽ khi miêu tả một người thương binh lắng nghe tiếng đàn của Quỳnh trong giây phút lâm chung: “Miệng anh he hé như muốn uống cạn tiếng đàn để lấp kín những chỗ gan ruột của mình bị đạn giặc phá thủng nát. Đàn ngân lên một giai điệu cao vút, anh bỗng chống mạnh hai khuỷu tay xuống cáng, cố hết sức dướn cao đầu lên nhìn Quỳnh, tia nhìn ngầm ngập yêu thương. Đôi môi trắng bệch của anh mấp máy thì thào: - Cám ơn em!...Rồi anh vật đầu xuống cáng, thở hắt ra, trút hơi thở cuối cùng..”.

Tiếng đàn Ba la lai ca

Như ngọn gió bình yên

Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt

Nghe rụt rè

Như tia mắt

Người thiếu nữ soi mình trong đáy giếng

Mùa thu

Nghe mơ hồ

Như tiếng hát

Trong bồng bềnh sương núi

Nghe vời vợi

Như cánh thiên nga

Bay khuất nẻo mây xa

Vẫn là tiếng đàn gắn với chiến tranh nhưng khi chiến cuộc đã lùi xa 30 năm là câu chuyện về Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai – tên bộ phim tài liệu nổi tiếng của đạo diễn Trần Văn Thủy, gây xúc động mạnh mẽ không chỉ cho khán giả trong nước mà còn lay động hàng triệu trái tim có lương tri trên khắp hành tinh. Cuộc thảm sát ở Mĩ Lai ngày 16 tháng 3 năm 1968 đã cướp đi sinh mạng của 504 người dân thường vô tội, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ, nhiều em bị bắn chết khi vẫn đang ngậm bầu sữa mẹ. Sau 30 năm (1998), cựu chiến binh Mỹ Mai –ca mang theo cây vĩ cầm quay lại Việt Nam và chơi hai khúc nhạc. Khúc nhạc thứ nhất là sự giã từ quá khứ, khúc nhạc thứ hai là ước vọng hòa bình và sự nguyện cầu cho những linh hồn đã khuất. Đó quả là một tiếng đàn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hàn gắn quá khứ và hiện tại, góp phần xoa dịu những nỗi đau thương trong tâm hồn mỗi con người.

Nói về tiếng đàn của người phương Tây trong văn học Việt Nam, còn không thể không nhắc đến một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Quang Huy với tựa đề Tiếng đàn Ba la lai ca trên sông Đà, từng được đưa vào SGK tiểu học từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đọc lại những vần thơ cũ mà niềm xúc động trong tôi vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào: Tiếng đàn Ba la lai ca/Như ngọn gió bình yên/Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt/Nghe rụt rè/Như tia mắt/Người thiếu nữ soi mình trong đáy giếng/Mùa thu/Nghe mơ hồ/Như tiếng hát/Trong bồng bềnh sương núi/Nghe vời vợi/Như cánh thiên nga/Bay khuất nẻo mây xa (...)Trên sông Đà/Một đêm trăng chơi vơi/Tôi đã lắng nghe tiếng đàn Ba la lai ca như thế/Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ/Ngón tay đàn trên những sợi dây đồng...

Ai đó đã nói: Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng. Nhưng theo tôi âm nhạc còn làm được hơn như vậy. Thế giới của con người mãi mãi cần cả ngôn ngữ bằng lời lẫn ngôn ngữ của những tiếng đàn. Những tiếng đàn mang đến yêu thương và chia sẻ, sưởi ấm lòng người những khi lạnh lẽo, tưới mát hồn ta mỗi lúc khô cằn. Tiếng đàn hướng chúng ta đến Chân, Thiện, Mỹ và còn vang vọng mãi qua mọi cách biệt của không gian lẫn thời gian...

(Báo Văn Nghệ)