Hợp xướng – mô hình âm nhạc cộng đồng nhiều tiềm năng

12.01.2024
Phương Linh
Người dân Việt Nam vốn rất yêu ca hát, mê nghe các thể loại thanh nhạc hơn khí nhạc. Không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà khi nhìn lại lịch sử âm nhạc truyền thống Việt Nam, các thể loại thanh nhạc chiếm tuyệt đại đa số so với khí nhạc.

Hợp xướng – mô hình âm nhạc cộng đồng nhiều tiềm năng

Có thể kể đến các loại hình nghệ thuật dân gian đều gắn với “hát” như Ca trù (hát cửa đình, hát ả đào), Hát Xẩm, Hát ghẹo, hát Xoan, hát Bài chòi, hát Quan họ… hay các loại hình quen thuộc gần gũi với cuộc sống hơn như các bài lý, các bài dân ca, những điệu hò, ngâm thơ

Khí nhạc trong âm nhạc truyền thống chủ yếu mang hình thức đệm hát, chỉ một phần nhỏ được diễn tấu độc lập trong nhạc cung đình, nhạc lễ. Thị trường âm nhạc trong xã hội hiện đại ngày nay cũng không khác xưa là mấy với sự độc chiếm thị trường của các ca khúc. Hàng chục năm qua, các cấp quản lý vẫn luôn đau đầu tìm giải pháp nâng cao khả năng cảm thụ âm nhạc của công chúng. Các nghệ sĩ trình diễn các loại hình âm nhạc khác luôn trăn trở tìm tòi, sáng tạo để có thể tìm được chỗ đứng trong nền âm nhạc đương đại.

“Hợp xướng” là một thuật ngữ âm nhạc không còn quá xa lạ với công chúng yêu âm nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh nói cũng như cả nước. Có thể hiểu “nôm na” đây là loại hình tập thể trình diễn một tác phẩm thanh nhạc. Không còn đơn giản chỉ là ngân nga những giai điệu của 1 ca khúc, hợp xướng nâng cao khả năng trình diễn của những thành viên với khả năng hát bè, hát đuổi, đối âm có nhạc cụ đệm và accapella (hợp xướng không nhạc đệm).

Một cá nhân với bản năng, năng khiếu của mình có thể hát hay một số ca khúc nào đó. Nhưng để hát hợp xướng thì người hát cần có sự học tập, rèn luyện những kỹ năng để có thể hoà giọng và trình diễn thành công những tác phẩm được biên soạn dành riêng cho loại hình nghệ thuật này.

Dường như con người ở đâu trên trái đất này cũng đều yêu giọng hát, yêu thanh nhạc và luôn say đắm các ca khúc hay đi vào lòng người. Có rất nhiều người muốn hát, muốn khoe giọng hát của mình hay chỉ đơn giản là muốn được hát trên sân khấu, nhưng không phải ai trong số họ cũng có thể hát đơn ca. Vì không được học tập, rèn luyện, họ chỉ dừng lại ở khái niệm người hay hát và thường được khen là người “có giọng”. Tại Việt Nam, số lượng người “có giọng” và yêu thích ca hát là không nhỏ. Vì vậy, tập hợp nguồn nhân lực này vào các dàn hợp xướng để họ học hỏi, rèn luyện, giao lưu và trình diễn là một giải pháp hoạt động nghệ thuật cộng đồng nhiều tiềm năng.

Mô hình hợp xướng cộng đồng đã phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Những người yêu thích hát tập hợp lại để cùng chia sẻ đam mê âm nhạc, rèn luyện hát ở nhiều trình độ khác nhau. Có những dàn hợp xướng không chuyên nhưng có thể trình diễn những tác phẩm hợp xướng ở trình độ cao. Thành viên của dàn hợp xướng làm nhiều nghề nghiệp khác nhau như kỹ sư, bác sĩ, luật sư…nhưng có chung niềm đam mê nghệ thuật. Vào các dịp lễ thay vì đi du lịch đơn thuần, họ lại cùng nhau tổ chức du lịch trình diễn tại nhiều quốc gia, tham gia các cuộc thi hoặc lễ hội âm nhạc…

Không nhiều người biết rằng tại TP.HCM cũng có một dàn hợp xướng cộng đồng như thế. Đó là UYHC (United Youth Harmony Choir – Hợp xướng trẻ hoà điệu) được thành lập tại Nhạc viện TP.HCM từ 2018. Khác với các dàn hợp xướng chuyên nghiệp của Nhạc viện với các thành viên được tuyển chọn từ đội ngũ sinh viên chuyên ngành thanh nhạc, UYHC mở rộng đối tượng đến đông đảo thanh niên sinh sống trên địa bàn TP.HCM. Các ứng viên không cần phải là người đã học về âm nhạc hay có những khả năng đặc biệt mà chỉ cần yêu ca hát và có thời gian rảnh rỗi, ổn định để tham gia các hoạt động thường xuyên của nhóm.

Khi được tuyển chọn làm thành viên của UYHC, các thành viên sẽ được học tập và rèn luyện tại Nhạc viện TP.HCM 2 buổi mỗi tuần với nhiều bài học về kiến thức âm nhạc cùng kỹ năng hát hợp xướng như: xướng âm (thị xướng) – nhìn bản nhạc và hát đúng cao độ, giọng điệu của tác phẩm; luyện thanh – rèn luyện các bài tập mà những sinh viên thanh nhạc chuyên nghiệp thực hành đều đặn nhằm tạo cột hơi và mở rộng âm vực của người hát; học nhạc lý để có thể hiểu những ký hiệu âm nhạc, áp dụng trong quá trình xử lý tác phẩm; khả năng hát bè đa dạng tạo màu sắc cho các tác phẩm thanh nhạc…

Mặc dù mới được thành lập cuối năm 2017 nhưng đến nay UYHC cũng đã có những thành tích riêng cho mình với giải II trong cuộc thi hợp xướng quốc tế tại Hội An năm 2019. Nhóm đã tham gia hàng chục chương trình biểu diễn ở nhiều quy mô khác nhau. Ngoài sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp tại khán phòng Nhạc viện TP.HCM, UYHC còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội cho bệnh nhân nhi đồng, bệnh nhân tại bệnh viện ung bướu với mong muốn đem lời ca tiếng hát xoa dịu những nỗi đau, thắp lên ngọn lửa niềm tin yêu đời để các bệnh nhân có thể chiến thắng bệnh tật.

Qua việc tham gia hoạt động hát hợp xướng các thành viên không chỉ đóng góp hữu ích cho cộng đồng, thoả mãn đam mê nghệ thuật mà còn học hỏi được nhiều kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp, giải toả những căng thẳng từ những áp lực từ công việc hàng ngày. Bên cạnh đó, rèn luyện hát hợp xướng còn giúp cho từng thành viên nâng cao khả năng âm nhạc, trình diễn, ca hát của mình, giúp tăng cường tư duy và khả năng làm việc nhóm.

TS.NSUT. Hoàng Ngọc Long – Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho rằng “mô hình Hợp xướng cộng đồng nên được quan tâm mở rộng tại các trung tâm văn hoá, các trường đại học, trường phổ thông các cấp vì tính linh hoạt và thuận lợi của nó. Để tổ chức một tốp nhạc nhỏ hay lớn đều tốn chi phí đầu tư về nhạc cụ trong khi đó hợp xướng không hề tốn một khoản chi phí nào. Người Việt yêu thích ca hát nên việc tổ chức hát cũng dễ thu hút hơn.

Khi tham gia một dàn hợp xướng, mỗi cá nhân đều được rèn luyện và phát triển tư duy âm nhạc tới mức chuyên nghiệp không hề thua kém một dàn nhạc giao hưởng. Một mô hình có thể phát triển khả năng nghệ thuật của con người tuyệt vời như thế nên được xem xét cả ở tầm vĩ mô để có những chính sách phù hợp nhằm phát triển nền tảng nghệ thuật đại chúng, góp phần nâng cao khả năng thẩm mỹ âm nhạc của đất nước. UYHC là mô hình thí điểm đã phần nào chứng minh được tính hiệu quả. Mong rằng mô hình này có thể được lan toả rộng rãi và nhiều nơi sẽ tiến hành thực hiện. Nhạc viện TP.HCM sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và những nguồn lực hỗ trợ nếu có những dự án quy mô phù hợp.”

(arttimes.vn)