Tản văn Nguyễn Văn Học

07.03.2017

Tản văn Nguyễn Văn Học

Theo mẹ hái củi

 

Trong bài thơ “Bếp lửa” của mình, Bằng Việt đã dẫn dắt người đọc vào miền ký ức xa xưa bằng những câu thơ nhẹ nhàng mà vô cùng sâu lắng:

 “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…”

Những dòng thơ ấy đã khơi nguồn xúc cảm và lan tỏa trong tôi về ký ức một thời đã qua và ký ức ấy bắt nguồn từ bó củi của mẹ. Tại sao vậy? Bởi vì tuổi thơ tôi cũng gắn với bếp lửa và gắn với hình ảnh cùng mẹ đi hái củi vào những chiều xa xưa. Thời gian như con nước qua cầu, nó cuốn trôi và bào mòn tất cả. Nhưng trong tôi hình ảnh của bó củi mẹ đội trên đầu mỗi khi chiều về vẫn còn mãi trong tâm tưởng.

Làng tôi, cái làng nhỏ ven sườn đồi, dân làng làm nghề ruộng. Ruộng thì ít mà khoai sắn thì nhiều. Để có cái ăn hằng ngày người dân quê tôi phải ra đồng, lên đồi. Và một điều không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày là những cây củi được hái lượm từ quả đồi của người phụ nữ lam lũ quê tôi. Cứ mỗi độ đông về, gió hun hút thổi lùa qua khe liếp hở, mang theo những giọt mưa hắt vào nhà lạnh thấu xương. Cả nhà quây quần bên bếp lửa. Và câu chuyện bao đồng hằng ngày về cuộc sống, về lẽ phải ở đời nhờ đó mà đong đầy trong trí nhớ của tôi.

 Làng tôi không có rừng mà có những quả đồi, những ngọn đồi thâm thấp. Để có củi, chiều đến đàn bà, con gái làng tôi rủ nhau lên đồi hái củi. Trẻ con chúng tôi được dịp lẽo đẽo theo sau những bà mẹ để hái sim, ổi, chè là... những trái cây dại mọc ở những ngọn đồi mà chúng tôi rất thích. Chúng tôi tranh nhau vừa hái, vừa ăn, đùa giỡn với nhau râm ran cả một không gian yên tĩnh của một góc đồi. Những trái ổi, cóc nhỏ bằng ngón chân cái con nít màu xanh nhạt, nhai vào giòn, chua thích thú làm sao. Những quả sim nhung đen múp múp mịn ngọt lịm đầu môi, trái chà là (chè là) đen nhánh như con thuyền thon dẹp ngọt thanh mà mỗi lần hái chúng tôi ớn nhất là lá nó đâm vào tay phải nhảy đựng lên, đau đến thót tim. Còn trái dủ dẻ ngọt thơm thật quyến rũ, nghe mùi thơm nồng đằm thắm của nó lúc hoàng hôn khó ai quên được. Chính vì vậy, nhiều lúc hái được muốn ăn liền nhưng bọn trẻ chúng tôi thấy tiếc và đứa nào đứa nấy để dành đem về nhà, cất vào cặp mai lên trường khoe chúng bạn... Cái hương vị của những quả dại núi đồi quê tôi thời ấy có sức hút mãnh liệt và theo suốt tuổi thơ tôi.

Nắng tắt bên kia sườn đồi, tiếng gọi í a í ới của các bà mẹ gọi chúng tôi trở về. Trên đường về trong túi áo đứa nào cũng còn vài ba quả ổi, trái sim, trái dủ dẻ, hạt chè là để dành cho em ở nhà, cho bạn ngày mai. Những khi ốm hoặc phải trông em không đi được thì tôi mong mẹ về. Mẹ về với bó củi chưa đặt xuống đất, tôi chạy ra ùa đến lôi từ túi mẹ ra vài ba quả sim, quả ổi, cả những hột chà là... Cái hột mà tôi nghĩ để có được mẹ phải chịu những vết cứa, đâm vào người, vào tay đau rát biết chừng nào khi hái chúng.

Giờ đây những quả đồi mẹ hái củi ngày xưa không còn, nó đã trở thành những vết đất nham nhở do người ta ủi xúc mang đi để xây dựng những công trình. Dẫu biết rằng những quả đồi ấy đang dần mất đi để thành những khu công nghiệp mới. Ấy vậy mà tôi và những đứa trẻ con đã có những tháng ngày gắn bó với nó không thể nào quên được hình ảnh những người mẹ chiều chiều với những bó củi trên đầu khi hoàng hôn buông xuống.

 

Bè chuối với tuổi thơ một thời khó quên

 

Tôi sinh ra và lớn lên trên dải đất hẹp miền Trung của huyện Hòa Vang đầy nắng gió cùng với những con sông ngắn phát nguồn từ những cánh rừng già bạt ngàn trên dãy Trường Sơn hùng vĩ và trong đó con sông Túy Loan hiền hòa đã từng tắm mát tuổi thơ tôi, và cũng để lại trong tôi và bạn bè thuở thiếu thời những kỷ niệm không thể quên được là những ngày quê tôi vào mùa lũ. Hằng năm, khi nước từ thượng nguồn đổ về cũng là lúc người dân quê tôi ở những ngôi làng nằm dưới vùng hạ du của những dòng sông gồng mình để đối phó với những cơn lũ dữ. Chính điều đó đã phần nào hun đúc nên sự kiên trì và tinh thần lạc quan cho lũ trẻ chúng tôi. Nước lụt về, đó là dịp chúng tôi được nghỉ học và được đùa vui với nước lụt cùng với những phương tiện đơn sơ quen thuộc là bơi với bè chuối.

Vào những ngày nước lụt, những chiếc ghe nhỏ phải hoạt động hết công suất để phục vụ công việc cho những người lớn, nên phương tiện đi lại vui chơi trong xóm của chúng tôi là những chiếc bè chuối tự chế. Sau khi đi hết vòng đời của mình để phục vụ con người như cho quả chuối, cho lá gói bánh, cho lợn thức ăn... Một số cây chuối già còn dành cho tuổi thơ chúng tôi những chiếc bè để đùa vui cùng con nước và trở thành những kỷ niệm khó phai. Khi nước đã săm sắp ngoài vườn, chúng tôi tiến hành kết bè chuối. Năm sáu cây chuối cao to và đều nhau được hạ xuống xếp ngay hàng, dùng những thanh tre già vót nhọn đầu đóng xuyên ngang từ cây thân chuối này sang cây kia, néo chặt các đầu thanh tre bằng dây dừa giữ không cho bè chuối bị rời ra, thế là có ngay bè chuối để đùa vui cùng nước lụt.

Có bè chuối, lũ con trai chúng tôi tha hồ bơi đi trong xóm. Dầm bơi là những thanh tre, có khi là những vật cầm vừa bàn tay khuấy được nước là đủ. Trên bè thả sức vui cười, trò chuyện. Lũ con gái rất thèm được bơi với chúng tôi nhưng ba mẹ không cho vì sợ chúng té nước. Đứng trong nhà nhìn ra đường thấy những chiếc bè chuối của chúng tôi ngang qua chúng rất ức. Điều đó khiến chúng tôi khoái chí lắm, vì tuổi thơ lúc ấy có nghĩ ngợi được điều gì sâu xa đâu. Bè chuối với chúng tôi có lắm niềm vui và cả những trận đòn. Có những bữa ham vui nghịch nước, bơi quá giờ ăn cơm, ba mẹ gọi không được, lội nước quanh trong xóm tìm về thế là được “ăn bánh tét”. Vài ngày sau cơn lụt, bè chuối cũng dần tơi tả, chúng tôi đẩy nó ra sông để cho nó đi hết hành trình của mình về biển cả rồi trở lại với những ngày cắp sách đến trường.

Những năm ít mưa, nước lụt không về, chúng tôi lại thấy thèm cái cảm giác được bơi với bè chuối. Dòng đời miệt mài trôi đi theo dòng nước, mang theo cả kỷ niệm tuổi thơ đi xa cùng với những chiếc bè chuối ngày nào. Giờ đã là người lớn, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được những ngày tháng xa xưa cùng với cái bè chuối của một thời thơ dại.

N.V.H 

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân